Loại quả xưa có đầy không ai hái, giờ thành đặc sản muốn mua phải xếp hàng chờ đợi, 150.000 đồng/kg
Hiện tại, quả cơm cháy không được rao bán nhiều tại các chợ hoặc siêu thị. Ai muốn mua thưởng thức phải nhờ người quen ở nơi có loại cây này hoặc tìm trên các trang thương mại điện tử với giá 150.000 đồng/kg.
Cây cơm cháy (hay còn gọi là sóc dịch, cây thuốc mọi, tiếp cốt thảo, tiểu tiếp cốt đan) có tên khoa học là Sambucus javanica Reinw. ex Blume – thuộc họ Sambucaceae. Chúng là một loại cây thân xốp, có màu lục nhạt, nhiều cây có thể cao gần 3m. Cành cây to, rỗng nhưng có tủy trắng xốp bên trong, ở bề mặt cành có nhiều lỗ bì.
Lá mềm, mọc đối, kép lông chim lẻ gồm 3-9 lá chét, dài 8-15cm, rộng 3-5 cm, mép khía răng; cuống lá có rãnh ở mặt trên và loe rộng ở phía gốc thành bẹ. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành xim, nom như tán kép. Quả mọng, hình cầu, màu đỏ sau đen, chứa 3 hạt dẹt. Hoa cây cơm cháy thường nở vào tầm tháng 5 đến tháng 9. Thu hoạch cả cây vào tháng 11 hàng năm.
Cây cơm cháy mọc hoang ở miền núi, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái tới Lâm Đồng.
Quả mọng, hình cầu, màu đỏ sau đen, chứa 3 hạt dẹt.
Chị Hoàng Khánh (29 tuổi, Lào Cai) cho biết: “Xưa ở vùng quê mình sống có nhiều cây cơm cháy lắm! Khi chín quả của nó đen mọng nhìn thích mắt vô cùng. Ban đầu người dân chẳng ai dám hái ăn thử vì nghĩ đó là quả dại. Mãi đến khi có thầy lang trong bản bảo quả vô cùng tốt cho sức khoẻ thì người ta mới bắt đầu vào rừng, đi dọc suối để hái về ăn hoặc làm gia vị cho thức ăn”.
Cũng theo Hoàng Khánh, khi gia đình cô nàng chuyển nhà lên thành phố sinh sống, cô không còn thấy cây cơm cháy cũng như thưởng thức loại quả của nó nữa. Song tâm trí của cô nàng vẫn còn hình ảnh ký ức tuổi thơ với những trái cơm cháy nhỏ nhỏ, màu đen…
“Hôm trước, mình tình cờ lướt mạng thì nhìn thấy có người đăng bán quả cơm cháy. Mình chợt nhớ ra loại quả của tuổi thơ rồi nhờ người quen ở dưới quê tìm mua giúp để ăn. Song giờ kiếm được chúng không còn dễ dàng như xưa nữa, muốn ăn phải chờ người dân vào rừng tìm hoặc xếp hàng chờ đợi. Vì thế chúng có giá khá đắt đỏ”, chị Hoàng Khánh nói.
Muốn mua quả cơm cháy không phải dễ.
Hiện tại, quả cơm cháy không được rao bán nhiều tại các chợ hoặc siêu thị. Ai muốn mua thưởng thức phải nhờ người quen ở nơi có loại cây này hoặc tìm trên các trang thương mại điện tử với giá 150.000 đồng/kg.
“Quả cơm cháy được nấu chín để ăn và dùng làm rượu vang. Ngoài ra chúng cũng được dùng làm gia vị thức ăn và đồ uống”, người phụ nữ quê Lào Cai cho hay.
Trong quả cơm cháy tuy chứa hàm lượng calo thấp nhưng rất giàu các chất chống oxy hóa. Cụ thể: Vitamin C: Trong 100gr quả cơm cháy chín mọng, có khoảng 6-35mg vitamin C khoảng 60% lượng Vitamin C cần cung cấp mỗi ngày cho cơ thể.
Chất xơ: Có khoảng 7gr chất xơ trên 100gram, khoảng ¼ lượng chất xơ cần cung cấp mỗi hàng ngày.
Bổ sung lượng flavonol tốt: Cây cơm cháy chứa rất nhiều các flavonol chống oxy hóa, đặc biệt hoa cây cơm cháy có chứa lượng flavonol nhiều gấp 10 lần so với quả cơm cháy.
Cung cấp một lượng acid phenolic lý tưởng: Giúp giảm tác động của stress oxy hóa lên cơ thể. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiểu vitamin B6, kali, sắt…
Theo Đông y, quả cơm cháy có thể chữa trị được nhiều bệnh như: Giúp đẩy lùi triệu chứng cúm và cảm lạnh; Giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch; Giúp cải thiện chứng táo bón…
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-qua-xua-co-day-khong-ai-hai-gio-thanh-dac-san…Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-qua-xua-co-day-khong-ai-hai-gio-thanh-dac-san-muon-mua-phai-xep-hang-cho-doi-150000-dongkg-a570080.html
Theo K.T (Người đưa tin)