Lo “kinh tế thiểu phát” là quá sớm
Về việc một số đại biểu Quốc hội lo ngại khả năng thiểu phát của nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng lo vậy là quá sớm. “Chúng tôi chưa đánh giá là khả năng thiểu phát vì chỉ có 1 tháng chỉ số giá là âm. Nếu giảm liên tục trong 3, 4 tháng thì mới có thể nói là thiểu phát”.
Hôm qua 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề KT-XH của đất nước. Những vấn đề về công tác dự báo, về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến nền kinh tế Việt Nam, về mục tiêu tăng trưởng, về an sinh xã hội,… tiếp tục được các đại biểu Quốc hội đặt ra, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp hiệu quả. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã giải đáp phần nào những vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Quá sớm để nói đến thiểu phát
Trước băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội về mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tới nền kinh tế Việt Nam và tính hợp lý của mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới sẽ tác động trước hết về vấn đề thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam,… cập nhật diễn biến trong và ngoài nước trong tháng 10/2008 cho thấy các nhận định chính trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội là hoàn toàn đúng và chính xác. Mức tăng trưởng GDP từ 6,5-7% như báo cáo là có thể thực hiện được.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, điều đáng mừng là tình hình của quý III-2008 đã sáng tỏ hơn và đến tháng 10 cũng sáng tỏ hơn khi chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp tăng hơn tháng 9, tháng 9 tăng trưởng ở mức 15,2%, tháng 10 đã lên đến 15,8%. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: “Mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp nói chung của cả 3 quý vừa qua là 16%, riêng của tháng 10 là 15,8%, trong đó khu vực dân doanh tăng trưởng luôn ở mức từ 20-21,1%. “Dân doanh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua con số đó thì con số ai đó đưa ra là 20% phá sản, 20% khó khăn;… là hoàn toàn không chính xác”.
Về tình hình của năm 2009, theo nhận định của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, sẽ khó khăn hơn nhưng mức tăng trưởng GDP đặt ra khoảng 6,5% là phù hợp.
Về việc một số đại biểu Quốc hội lo ngại khả năng thiểu phát của nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng lo vậy là quá sớm. “Chúng tôi chưa đánh giá là khả năng thiểu phát vì chỉ có 1 tháng chỉ số giá là âm. Nếu giảm liên tục trong 3, 4 tháng thì mới có thể nói là thiểu phát”.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: Ngày 1/11 tới Chính phủ sẽ họp và xem xét đánh giá lại tình hình, sau đó sẽ có báo cáo bổ sung trình Quốc hội. Phát biểu tiếp sau tại phiên họp chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu ta đánh giá được đúng tình hình, chọn được giải pháp phù hợp và thực hiện quyết liệt thì rất ít khả năng xảy ra khủng hoảng về kinh tế tài chính đối với Việt Nam.
Với những bài học kinh nghiệm đã tích luỹ được, Chính phủ sẽ chủ động khắc phục tác động của khủng hoảng. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng lạc quan: “Trong khó khăn thì ta cũng có thể có những cơ hội mới, nắm bắt được sẽ tranh thủ vượt lên được, đưa nền kinh tế nước ta phát triển ổn định và bền vững trong tương lai”.
Quan tâm nhiều hơn cho an sinh xã hội
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ thì từ đầu năm tới nay, Nhà nước đã chi gần 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, cho người nghèo, tăng so với năm 2007 khoảng 21.700 tỷ đồng.
Với phương châm không để bất cứ người dân nào bị đói, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải kịp thời giúp nhân dân trong thiên tai, dịch bệnh và đói giáp hạt. Từ đầu năm tới nay, hơn 40 ngàn tấn gạo đã được xuất để giúp dân. Chính phủ đã chỉ đạo giảm nợ, khoanh nợ đối với các chương trình vay vốn do thiên tai, dịch bệnh, cũng như được tiếp tục vay vốn để phục hồi sản xuất và ưu tiên những dự án giải quyết được việc làm cho nhiều người lao động, thu hút nhiều lao động.
“Khi chúng tôi đi về cơ sở chúng tôi thấy có những chính sách còn mang tính bình quân trong cả nước mà chưa tính tới đặc thù của từng vùng, từng đối tượng. Ví dụ như chính sách đất sản xuất, có những nơi dân rất cần đất sản xuất, nhưng có nơi không thiếu đất sản xuất người ta cần vốn để hỗ trợ chăn nuôi, chúng ta chưa đưa ra một chính sách cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Những vấn đề này chúng ta cần phải sửa hay vấn đề hỗ trợ cho người nghèo làm sao giúp cho người ta có kế sinh nhai, có nghĩa là sản xuất cái gì trên mảnh đất của họ… Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta phủ nhận tất cả thành quả, kết quả đã đạt được trong các chương trình giảm nghèo và điều này khi đi về địa phương cơ sở thấy rất rõ, nhân dân rất tin vào những chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước”.
Về vấn đề cũng được dư luận đang rất quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, từ ngày 1/1/2009 bắt đầu thu khoản này, nhưng chi phát sinh thì chỉ bắt đầu từ ngày 1/10/2009.
Cần làm tốt hơn công tác dự báo
Kết lại 2 ngày Quốc hội thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2008 và phương hướng nhiệm vụ năm 2009, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao những ý kiến chất lượng, đầy trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ KT-XH từ đầu năm tới nay là tốc độ chỉ số tăng giá tiêu dùng đã được kìm giữ; kinh tế vĩ mô qua các cân đối lớn đã được kiểm soát chủ động, không có biến động lớn; an sinh xã hội được quan tâm có kết quả tốt; tâm lý lo âu trong nhân dân về tình hình KT-XH đã dần ổn định; tình hình ANCT ổn định, TTATXH được đảm bảo; tiềm năng phát triển trung và dài hạn của kinh tế đất nước có nhiều hứa hẹn.
Các ý kiến chung của đại biểu Quốc hội lưu ý, Chính phủ trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho sản xuất, trong đó quan tâm tới các DN vừa và nhỏ; chấn chỉnh hoạt động các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đúng hướng, hiệu quả; phấn đấu trong thời gian ngắn lấy lại thế ổn định bình thường cho nền kinh tế và thúc đẩy xu hướng phát triển đi lên, góp phần hoàn thành mục tiêu KT-XH đã đề ra.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo để kịp thời có giải pháp hạn chế tác động không thuận của kinh tế thế giới, cũng như có giải pháp phát triển phù hợp.
Hôm nay 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình phân bổ ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Đà Nẵng: Gian lận kinh tế, phải xử lý bằng chính kinh tế
Ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, thiết thực tại Quốc hội ngày hôm qua, 29/10 của đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã được nhiều đại biểu Quốc hội rất đồng tình. Đại biểu Nguyễn Bá Thanh bày tỏ: “Vấn đề quản lý Nhà nước còn nhiều mặt bất cập, kỷ cương phép nước không nghiêm, có tình trạng làm cũng được, không làm, chưa làm cũng không sao, không trách ai, cuối cùng cũng xong”.
“Những tình trạng như Vedan xả nước thải, các cây xăng gian lận khi đong xăng cho khách hàng, rồi xe taxi thì tính gian cước cho người đi taxi, rồi xuất lậu than thổ phỉ, tình trạng ngộ độc thực phẩm, mũ bảo hiểm giả, rượu giả, phân bón giả tràn lan, cho ra đời hàng loạt trường đại học không đảm bảo chất lượng. Vì những vấn đề này là không phải những vấn đề quá mới, vấn đề hết sức cũ nhưng mà chúng ta chưa có biện pháp cho nó mạnh mẽ để xử lý những vấn đề này”.
“Tôi cho rằng những vấn đề gian lận kinh tế thì trước hết phải xử lý trực tiếp vào kinh tế. Các cây xăng mà gian lận thì anh đóng cửa vĩnh viễn, anh vừa phạt nặng, nhưng đóng cửa vĩnh viễn không cho người ta kinh doanh thì tình hình nó sẽ khác. Tôi xin nói như vậy vì nhiều lúc chúng ta lúng túng”.
“Hàng loạt các trường đại học không đảm bảo chất lượng vẫn được ra đời, bây giờ có khi học đại học mở, học từ xa có được cái bằng, bắt đầu nghiên cứu thành ra Thạc sỹ, Thạc sỹ rồi quay lại đi dạy cho mấy trường đại học mới mở. Với một chất lượng sinh viên được đào tạo kiểu như vậy, cung cấp cho xã hội như thế, làm sao mà biến nước ta thành một nước công nghiệp trong tương lai gần được”.