Lo đầu ra cho sản phẩm củ năng

Năm 2021, sản lượng củ năng thu hoạch trên địa bàn tỉnh trên 9.000 tấn nhưng việc tìm đầu ra gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19. Chính vì vậy, trong vụ gieo trồng mùa vụ năm 2022, người dân không khỏi lo lắng khi tìm nguồn tiêu thụ đối với loại cây trồng này.

 

Người dân lo lắng khi giá sản phẩm cũng như khâu tiêu thụ củ năng không còn thuận lợi so với trước đây

Người dân lo lắng khi giá sản phẩm cũng như khâu tiêu thụ củ năng không còn thuận lợi so với trước đây

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện, tổng diện tích cây củ năng trên toàn tỉnh trên 300 ha, tập trung chủ yếu tại xã Pró, huyện Đơn Dương trên 90% và một phần diện tích nhỏ thuộc địa bàn huyện Đức Trọng. Trong đó, sản phẩm củ năng của HTX Pró, Đơn Dương đã được cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao tại Cuộc thi Đánh giá và phân hạng sản phẩm năm 2019, chứng nhận VietGAP năm 2020, đồng thời, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” năm 2021.

 

Với năng suất năm 2021 trên 9.000 tấn, củ năng chủ yếu chỉ bán cho các vựa tại địa bàn xã Pró và huyện Đức Trọng thông qua liên kết sản xuất với HTX củ Năng Pró, một số vựa thu mua nhỏ, lẻ sau đó đưa về thị trường TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây tiêu thụ. Tuy nhiên, trên thực tế từ tháng 9/2021 tới đầu năm 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tiêu thụ loại củ này gặp rất nhiều khó khăn, trong khi giá không cao như kỳ vọng.

 

Giám đốc HTX củ Năng Pró, ông Tôn Trung Sơn, đơn vị liên kết sản xuất với 40 hộ dân trên địa bàn, trực tiếp thu mua, sơ chế trung bình khoảng 3.000 tấn củ năng/năm cho người dân xã P’ró cho hay, thời điểm này người dân bắt đầu xuống giống củ năng vụ mới, kéo dài cho tới tháng 8/2022 với diện tích tương đương năm 2021. Và bắt đầu từ tháng 9/2022, củ năng mới vào vụ thu hoạch nên theo ông Sơn, mức độ tiêu thụ sản phẩm còn tuỳ thuộc vào thị trường các tỉnh miền Tây nhưng dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tìm kiếm đầu ra.

 

Như mọi năm, thời điểm này, nếu thị trường tiêu thụ thuận lợi, củ năng có giá trung bình 15.000 tới 18.000 đồng/kg cho bà con thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, giá củ năng từ đầu năm tới nay, mặc dù không phải thời gian thu hoạch chính nhưng ông Sơn cho biết giá chỉ loanh quanh ở mức dưới 10.000 đồng/kg.

 

UBND huyện Đơn Dương cho biết, tính tới cuối tháng 12/2021, Đơn Dương có diện tích củ năng gần 300 ha, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn/năm nhưng địa phương vẫn còn tồn đọng khoảng 5.000 tấn không có đối tác tiêu thụ. Tới cuối tháng 3 năm nay, lượng củ năng tồn đọng trong Nhân dân vẫn còn khoảng 500 tấn.

 

Tại thời điểm đầu ra gần như bị đóng băng, đỉnh điểm là cuối tháng 12/2021, để gỡ khó cho người dân trồng củ năng, huyện Đơn Dương đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ. Trước đề nghị này, Sở Công thương Lâm Đồng đề nghị các cơ quan, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng thông tin và triển khai, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên, đoàn viên chung tay ủng hộ tiêu dùng sản phẩm củ năng. Đồng thời, Sở Công thương Lâm Đồng cũng đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên toàn quốc quan tâm, hỗ trợ quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm củ năng của huyện Đơn Dương. Nhờ một số biện pháp kết nối nêu trên, lượng hàng tồn đọng trong dân cơ bản được tiêu thụ trong thời gian qua.

 

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ của địa phương, đơn vị liên quan nhìn chung chỉ là giải pháp giải quyết trước mắt. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, cây củ năng ít nhiễm sâu bệnh hại nên trong quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã P’ró. Vì vậy, trong thời gian tới, trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, thị trường tiêu thụ củ năng nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp khó khăn. 

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ củ năng, chủ yếu là thu gom bán tươi hoặc gọt vỏ, hút chân không. Hai cơ sở lớn nhất là HTX củ Năng Pró với sản luợng thu mua, sơ chế khoảng 3.000 tấn/năm và một cơ sở cũng thuộc xã P’ró có khả năng sơ chế khoảng 500 tấn/năm.

 

“Thời gian tới, ngoài các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, tiếp tục tập trung xây dựng vùng sản xuất củ năng hữu cơ, đẩy mạnh khuyến khích các đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thì huyện Đơn Dương cần nghiên cứu có hướng đi mới như khuyến khích các đơn vị chế biến sản phẩm bột củ năng để gia tăng giá trị sản phẩm”- lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

 

CHÍNH PHONG