Li-xăng, chuyển nhượng sáng chế | Banquyen.net

CHUYỂN NHƯỢNG SÁNG CHẾ,
QUYẾT ĐỊNH BẮT BUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG SÁNG CHẾ,
CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG (LI-XĂNG) SÁNG CHẾ
  1. CHUYỂN NHƯỢNG SÁNG CHẾ

a) Khái niệm:

Chuyển nhượng Sáng chế là việc chủ sở hữu Sáng chế chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng Sáng chế phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp).

b) Các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng Sáng chế:

– Chủ sở hữu Sáng chế chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

c) Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng Sáng chế:

Hợp đồng chuyển nhượng Sáng chế chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 01-HĐCN;

b) 01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Bản gốc văn bằng bảo hộ;

d) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

e) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

g) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Cục Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội

Thời gian giải quyết hồ sơ
02 tháng (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).

Kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới

  1. THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH BẮT BUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN SỬ DỤNG SÁNG CHẾ

a) Khái niệm:

Trong các trường hợp sau đây, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế:

  • Việc sử dụng sáng chế nhằm mục đích công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội;
  • Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế không thực hiện nghĩa vụ sử dụng sáng chế quy định tại khoản 1 Điều 136 và khoản 5 Điều 142 của Luật SHTT sau khi kết thúc bốn năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế và kết thúc ba năm kể từ ngày cấp Bằng độc quyền sáng chế;
  • Người có nhu cầu sử dụng sáng chế không đạt được thỏa thuận với người nắm độc quyền sử dụng sáng chế về việc ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế mặc dù trong một thời gian hợp lý đã cố gắng thương lượng với mức giá và các điều kiện thương mại thỏa đáng;
  • Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế bị coi là thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

b) Điều kiện hạn chế:

– Quyền sử dụng được chuyển giao thuộc dạng không độc quyền;

– Quyền sử dụng được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục tiêu chuyển giao và chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 145 của Luật này.

Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình và không được chuyển giao quyền sử dụng thứ cấp cho người khác;

– Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

Ngoài các điều kiện trên, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 137 của Luật SHTT còn phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Người nắm độc quyền sử dụng sáng chế cơ bản cũng được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế phụ thuộc với những điều kiện hợp lý;
  • Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản không được chuyển nhượng quyền đó, trừ trường hợp chuyển nhượng cùng với toàn bộ quyền đối với sáng chế phụ thuộc.

c) Đăng ký:

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp
a)     02 bản Tờ khai yêu cầu bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, làm theo mẫu 04 – CGBB;

b)     Tài liệu chứng minh yêu cầu ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;

c)     Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

d)     Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
a) Hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ;

 

b) Hồ sơ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 145 của Luật Sở hữu trí tuệ được nộp cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực sáng chế.

Thời gian giải quyết hồ sơ
02 tháng (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).

Kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận quyết định vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

  1. CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG (LI-XĂNG) SÁNG CHẾ

a) Khái niệm:

Chuyển quyền sử dụng Sáng chế là việc chủ sở hữu Sáng chế cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng Sáng chế thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.

Việc chuyển quyền sử dụng Sáng chế phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, gồm các dạng sau đây:

(i)  Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng Sáng chế, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng Sáng chế với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng Sáng chế đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.

(ii) Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng Sáng chế, quyền ký kết hợp đồng sử dụng Sáng chế không độc quyền với người khác.

(iii) Hợp đồng sử dụng Sáng chế thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng Sáng chế đó theo một hợp đồng khác.

b) Hạn chế việc chuyển quyền sử dụng Sáng chế:

Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

Bên được chuyển quyền sử dụng sáng chế theo hợp đồng độc quyền có nghĩa vụ sử dụng sáng chế như chủ sở hữu sáng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Luật SHTT.

c) Đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế:

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên, nhưng chỉ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng Sáng chế
a) 02 bản Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, làm theo mẫu 02-HĐSD quy định tại Phụ lục D của Thông tư này;

b) 02 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;

c) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;

d) Giấy ủy quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện);

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Cục Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội

Thời gian giải quyết hồ sơ
02 tháng (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).

Kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp cho người nộp hồ sơ; đóng dấu đăng ký vào 02 bản hợp đồng và trao người nộp hồ sơ 01 bản, lưu 01 bản.

d) Ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt trước thời hạn hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế

Hồ sơ yêu cầu ghi nhận sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế:

 

(i) 02 bản Tờ khai yêu cầu ghi nhận việc sửa đổi nội dung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực của hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế, làm theo mẫu 03-SĐHĐ;

(ii) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế (trường hợp đăng ký sửa đổi nội dung, gia hạn hiệu lực của hợp đồng);

(iii) Tài liệu chứng minh việc sửa đổi tên, địa chỉ của các bên trong hợp đồng;

(iv) Thỏa thuận, tài liệu ghi nhận về những điều khoản cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong hợp đồng, kể cả việc gia hạn hoặc chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trước thời hạn;

(v) Giấy ủy quyền (nếu nộp yêu cầu thông qua đại diện);

(vi) Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).

Hồ sơ yêu cầu gia hạn hợp đồng phải được nộp trong vòng 01 tháng tính đến ngày kết thúc thời hạn hợp đồng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng Sáng chế.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Cục Sở hữu trí tuệ

Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội

Thời gian giải quyết hồ sơ
01 tháng

Kết quả
Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận các nội dung sửa đổi, gia hạn hiệu lực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp vào Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.