Liên kết doanh nghiệp: Nhân tố phát triển bền vững
Liên kết doanh nghiệp: Nhân tố phát triển bền vững
Việt Nam đang được biết đến như một nhà cung ứng lớn của thế giới với nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản.. nhưng chúng ta vẫn chưa tạo dựng được những thương hiệu quốc gia về sản phẩm, ngành hàng ngang tầm quốc tế để có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Phân tích về vai trò và sức mạnh của tính liên kết doanh nghiệp , Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh Asean (ASEAN-BAC) đã có cuộc trò chuyện với Tạp chí Vietnam Business Forum. Đặng Yến thực hiện.
Ông nhận định thế nào về tính liên kết doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng liên kết doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 500 ngàn doanh nghiệp hoạt động ở mọi lĩnh vực, ngành nghề với rất nhiều hiệp hội như Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VN), Hiệp hội Dệt may VN, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, Hiệp hội Da giầy VN, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN.. Vấn đề liên kết doanh nghiệp cũng đã được đưa ra ở rất nhiều diễn đàn, hội thảo nhưng nhìn chung, nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của liên kết vẫn còn hạn hẹp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm” hoặc “làm tất ăn cả”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình chứ không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng. Hơn nữa, một điều không thể phủ nhận là các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, định hướng, nhất là hiệp hội ở các địa phương còn yếu kém, chưa tạo dựng được một sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh.
Những hạn chế này là những lý do khiến các doanh nghiệp Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, đấy là chưa nói đến thị trường thế giới. Những doanh nghiệp lớn mạnh hẳn thì có thể tự lo cho mình, còn hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động manh mún, thiếu đoàn kết, và có lúc cạnh tranh không lành mạnh.
Điển hình là trường hợp cà phê 2010-2011 vừa qua, các doanh nghiệp nước ngoài đã tìm cách mua trực tiếp cà phê từ những người nông dân thay vì mua qua doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của ta khiến tổng lượng cà phê xuất khẩu sụt giảm. Từ đó thấy rõ được sự thiếu liên kết dẫn đến khả năng cạnh tranh kém, có thể nói là thua ngay chính trên sân nhà khi mà cà phê, gạo, điều, tiêu… là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có thị phần lớn trên thị trường nông sản thế giới.
Và một thực tế đáng phải suy nghĩ nữa là cho dù đấy là những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam nhưng cũng chỉ gắn danh nhà cung cấp nguyên liệu chứ thực chất, hầu như chưa có sản phẩm hoàn chỉnh mang thương hiệu quốc gia, chất lượng quốc tế để có thể sánh vai với các tên tuổi lớn thế giới như Starbucks, Nestle..
Mặt khác, cũng chính vì thiếu liên kết, hoạt động nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp Việt Nam, điển hình là các doanh nghiệp gỗ và dệt may đã phải từ chối nhiều đơn đặt hàng của công ty nước ngoài bởi năng lực hạn hẹp, công nghệ yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng và số lượng của đối tác nước ngoài. Ngược lại, nếu biết kết hợp các thế mạnh của nhau, tạo nên chuỗi giá trị trong từng ngành hàng, đưa ra những sản phẩm uy tín, chất lượng thì chắc chắn trong tương lai không xa, sản phẩm mang thương hiệu Việt sẽ có tên trên bản đồ thương hiệu thế giới.
Có nghĩa là liên kết đóng vai trò chính nếu chúng ta muốn có thương hiệu Việt đẳng cấp thế giới, thưa ông?
Đúng thế! Thử nghĩ xem dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp dệt may của ta vẫn gắn liền với “mác” gia công. Ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu trong nước như May 10, Phong Phú… vẫn chưa có thương hiệu thời trang uy tín, nổi tiếng thế giới. Tất nhiên thời gian cũng là rào cản để có thể xây dựng một thương hiệu, tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp dệt may Việt có sự liên kết các lợi thế cạnh tranh của mình để tạo nên sản phẩm dịch vụ hoàn chỉnh chất lượng để gia nhập thị trường dệt may hiện đại của thế giới cũng sớm tạo nên những thương hiệu thời trang Việt mang tầm cỡ quốc tế.
Tương tự như vậy, thủy sản, cà phê, hồ tiêu.. cũng là những lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu Việt Nam nhưng cũng chỉ là cung cấp nguyên liệu thô để các nhà nhập khẩu gia công chế biến lại và gắn mác sản phẩm của họ. Việt Nam có Cà phê Trung Nguyên, Cà phê Buôn Ma Thuột, Vinacafe Biên Hòa là những thương hiệu đã được khẳng định ở thị trường trong nước, thậm chí có mặt ở nhiều nước trên thế giới nhưng đó chỉ đơn thuần là thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của doanh nghiệp, không mang tính đại diện cả ngành hàng cà phê. Vậy thì Hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò hơn nữa để liên kết các doanh nghiệp trong ngành, đồng thuận xây dựng nên thương hiệu quốc gia về cà phê, đại diện cho ngành cà phê Việt Nam cạnh tranh với thị trường cà phê thế giới.
Như vậy liên kết doanh nghiệp cũng là một nhân tố của phát triển bền vững, thưa ông?
Chắc chắn rồi! Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào hệ thống thương mại quốc tế với nhiều chương trình hợp tác đa phương như là thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như đã ký kết hiệp định thương mại song phương với hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng làm chủ rất nhiều mặt hàng có thị phần lớn trên thị trường quốc tế, vậy đây sẽ là cơ hội tốt nhất cho việc tạo dựng thương hiệu quốc gia đủ chất và tín để sánh vai trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng đang là những thách thức vô cùng lớn đối với chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc đưa ra chủ trương, chính sách
để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò và sức mạnh của liên kết trong chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia. Từ đó, tạo sự đồng thuận cũng như khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, hiệp hội đối với phát triển bền vững thương hiệu của ngành hàng và của chính doanh nghiệp thành viên.
Vậy VCCI đóng vai trò như thế nào trong việc liên kết các doanh nghiệp?
Một trong những mục tiêu hoạt động của VCCI là xây dựng đội ngũ doanh nhân có trình độ và năng lực vững vàng để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia tích cực vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Họ chính là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quyết định trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế
.
Trên cơ sở đó, VCCI chú trọng vào các hoạt động liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việ
t Nam bằng cách tổ chức nhiều chương trình diễn đàn, hội thảo…để chia sẻ kinh nghiệm cũng như vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp chung tay, khai thác thế mạnh của nhau, cùng tạo nên những sản phẩm chất lượng và uy tín để xây dựng thương hiệu ngành hàng lớn mạnh, chiếm lĩnh thị trường nội địa và đủ sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Ngoài ra, VCCI cũng có chương trình phát triển hiệp hội doanh nghiệp địa phương.
Các chương trình Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường trọng điểm của Việt Nam cũng đang định hướng sang các chủ đề ngành hàng để đảm bảo tính ileen kết theo chiều dọc thay vì liên kết theo chiều ngang mang tính phong trào, thiếu sự chuyên nghiệp và hiệu quả.
Mặt khác, VCCI cũng tổ chức rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại
– đầu tư theo thị trường, ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp thị thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp tới các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho các doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, các rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu.
Cuối cùng là việc tôn vinh các thương hiệu cũng hết sức quan trọng. Chương trình Thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam được VCCI tổ chức 2 năm một lần đã đóng góp thiết thực cho việc nâng cao nhận thức về vai trò của thương hiệu cũng như tăng cường khả năng liên kết các ngành kinh doanh, sản xuất đảm bảo cho sự phát triển doanh nghiệp bền vững.