Lịch sử ngày lễ hội Halloween
Lịch sử ngày lễ hội Halloween
BẠN BIẾT GÌ VỀ NGÀY HALLOWEEN?
Ngày halloween là ngày mấy? hay Ngày halloween là ngày nào, ngày bao nhiêu?
Một câu hỏi tuy đơn giản nhưng không phải ai cũng biết. Có bạn nói lễ hội Halloween là lễ hội hóa trang liệu có đúng không?
Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên!
Halloween là một ngày lễ hội truyền thống được tổ chức vào đêm ngày 31 tháng 10 hàng năm. Đặc biệt trong ngày này những đứa trẻ sẽ hóa trang trong những bộ trang phục quái lạ đi đến gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo. Ngày lễ này được tổ chức ở các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Ireland, Puerto Rico và bắt đầu trở nên phổ biến tại Úc và New Zealand. Nó được người Celt ở Anh, Pháp, Ireland tổ chức để tạ ơn sau mùa thu hoạch. Người Ireland, Scotland, Wales cùng những người nhập cư khác đã mang phiên bản của lễ hội này tới vùng Bắc Mỹ thế kỷ 19.
BIỂU TƯỢNG
Phát triển của hiện vật và biểu tượng liên quan đến Halloween được hình thành theo thời gian. Ví dụ: củ cải khoét rỗng khoét hình mặt quỷ thành những chiếc đèn lồng, bên trong cắm 1 cây nến như là một cách ghi nhớ các linh hồn đang chịu tội. Củ cải có truyền thống được sử dụng ở Ireland và Scotland tại Halloween. Những người nhập cư Bắc Mỹ đã sử dụng bí ngô, mà họ đều có sẵn và lớn hơn nhiều – làm cho chúng dễ dàng hơn để khắc hơn so với củ cải. Truyền thống của Mỹ chạm khắc bí ngô được ghi lại vào năm 1837 và được liên quan với thời gian thu hoạch nói chung, nó chưa trở nên quen thuộc với Halloween cho đến khi vào giữa đến cuối thế kỷ 19
Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí đỏ được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng.
Hình ảnh Halloween bao gồm các chủ đề về cái chết, xấu xa, huyền bí, hoặc quái vật thần thoại. Màu đen và màu da cam là những màu sắc truyền thống của kỳ nghỉ.
HALLOWEEN (Hallow Evening) – NGÀY ÂM DƯƠNG GIAO NGỘ
Hình như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những chuyện liên quan đến quỷ, ma và một số hiện tượng siêu nhiên khác. Về chuyện ma thì Âu Mỹ nổi tiếng nhất là truyện Dracula và Frankenstein. Trung Quốc thì có “Con ma nhà họ Hứa”, Việt Nam thì có ma hời, ma trơi, ma rà, ma xó, ma mách… Người ta thường nói là sợ ma quỷ nhưng tại sao lại thích kể, thích xem phim truyện quỷ ma? Phải chăng trong cuộc sống của chúng ta cũng đang lắm quỷ ma trà trộn? Ma quỷ đang ở giữa chúng ta, trong cuộc sống và cả trong lòng người! Thiền học phân biệt “nội ma” và “ngoại ma”. Các nhà luyện võ thì rất sợ tẩu hỏa ngập ma. Người thường thì luôn luôn phải lo kiềm chế con “ma lỗi” để khỏi “nổi ma” gây ra tai họa cho gia đình xã hội… Những vị tu thiền thì thường bị ma chướng phá hoại… Xem như vậy thì không có gì đáng ngạc nhiên khi ta đón chào ngày trở về của chàng thanh niên lỡ chơi với quỷ mà bị cả Thiên đàng lẫn Địa ngục từ chối “nhập cảnh”, đành quay lại trần gian chung đụng với loài người trong tình trạng “Nghe gà gáy tìm đường lẩn trốn, tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra”…
Đó là Jack trong ngày Halloween.
LỄ HỘI HALLOWEEN
Ngày cuối tháng Mười dương lịch là ngày Halloween của Hoa Kỳ. Đây là một lễ hội bắt đầu vào buổi chiều tối ngày 31-10 cho tới 12 giờ đêm. Trong dịp này, trẻ em và thiếu niên được mặc “y phục Halloween” để đi đến từng nhà, gõ cửa để nhận kẹo và chúc tụng… Theo tục lệ, các em nhỏ thường cầm theo lồng đèn làm bằng vỏ quả bí ngô có đục lộng hình mặt người để ánh sáng xuyên ra ngoài… Những cuộc hội hè vui chơi trong đêm Halloween thường xoay quanh các đề tài như chuyện may rủi trên đời, các chuyện kể về ma quỷ và phù thủy…
Lễ Halloween đã bắt nguồn và phát triển từ những lễ hội Tân niên và các lễ hội dành cho những người đã chết. Vào thế kỷ thứ 8 (năm 800 sau Tây lịch), các giáo hội Thiên Chúa giáo đã thiết lập “Ngày Các Thánh” (All Saint’s Day) vào mồng 1 tháng 11 để mọi người sửa soạn chờ đón Giáng Sinh luôn thể.
NGUỒN GỐC CHỮ “HALLOWEEN”
Thánh Lễ được truyền giảng vào ngày này gọi là Allhallowmas. Thời gian đêm trước ngày “Các Thánh” hay Chư Thánh đã được xem như là All Hallow Evening hay Halloween. Nguyên nghĩa chữ “Hallow” là “Holy”, nghĩa là Thánh. Halloween là lối viết tắt của “Allhalows’ Evening.”
“TRICK OR TREAT” – “Cho kẹo không thì phá”
Đây là sinh hoạt chính của hầu hết trẻ em và thiếu niên tại Hoa Kỳ trong đêm Halloween. “Trick” nguyên nghĩa là : đánh lừa, trò chơi tinh ma nghịch ngợm. “Treat” là tiếp đón, đối xử tử tế, tiếp đãi. Các em nhỏ và thiếu niên, thanh niên hóa trang với áo quần và mặt nạ hình ma quỷ rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat.” Thông thường những người láng giềng luôn luôn muốn tránh việc “trick” nghĩa là chơi đòn đánh lừa với “lũ ma” nên thường tiếp đón (treat) chúng bằng kẹo và trái cây (theo tục lệ có nhét đồng tiền ở bên trong). Biểu tượng chính của đêm “Halloween” là cái đèn lồng của chàng Jack – Jack-O-Lanterns. Các biểu tượng phụ là phù thủy, ma quỷ và mèo đen.
TRUYỀN THUYẾT VỀ HALLOWEEN
Theo truyền thuyết của nước Ái Nhĩ Lan (Ireland) thì từ ngữ “Jack-O-Lanterns” đến từ một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên đàng vì lý do : lúc sống anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất dấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh. Chuyện kể rằng : một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát. Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên đường từ chối, Jack liền tìm đến địa ngục, nhưng quỷ không cho vào vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô… Và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.
LAI LỊCH
Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2.000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp. Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết của loài người . Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.
Vào năm 43 (Tây lịch kỷ nguyên), người La Mã chinh phục vùng đất của dân tộc Celt và cai trị khoảng 400 năm (vùng này bây giờ là nước Anh). Trong giai đoạn này có hai lễ hội Samhain của dân tộc Celt. Một trong hai lễ đó là FERALIA được cử hành vào cuối tháng Mười để vinh danh những ngưòi đã chết, lễ thứ hai dành cho Pomona, nữ thần La Mã về cây và quả. Có lẽ vì nữ thần Pomona mà quả táo (apple) đã được kết hợp vào lễ hội Halloween.
Sau ngày lễ Chư Thánh, tại Anh Quốc còn có ngày “Các vong hồn” vào mồng 2 tháng 11. Tại Anh, Halloween đôi khi được gọi là Nutcrack Night or Snap Apple Night vì mọi người trong gia đình ngồi quanh lò sưởi kể chuyện và ăn đậu phộng rang hoặc nhai “táo”. Vào ngày “Các vong hồn,” những người nghèo đi “khất thực cô hồn” (went-a-souling) và họ sẽ được bố thí bánh trái gọi là “soul cakes” (bánh vong hồn) để họ hứa là sẽ cầu nguyện cho “các vong hồn.”
Halloween đến Hoa Kỳ do những di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, họ đã đem qua Mỹ khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì lý do tín ngưỡng bị giới hạn, nghĩa là lúc đầu các tôn giáo lớn đưa ra giới luật tương đối chặt chẽ, nên việc cử hành lễ Halloween chưa được phổ cập trong dân chúng. Mãi đến thập niên 1800 mới trở nên tục lệ được nhiều người hưởng ứng. Vào giữa thế kỷ 19, tục lệ “trick or treat” chưa được phổ biến ở các thành phố lớn vì ở những nơi này “hàng xóm láng giềng” hầu như không có, nhiều người ở cạnh nhau mà không quen biết nhau, cho nên Halloween đôi khi gây ra những sự việc tai hại . Ngày nay, nhiều cộng đồng, nhiều tổ chức đã đứng ra bảo trợ các tục lệ vui chơi của ngày Halloween, nên nó đã trở thành một ngày lễ hội rất vui thú của thiếu niên và thanh niên.
Ý NGHĨA CỦA NGÀY HALLOWEEN
[1] Về giáo dục
Hành động và cuộc đời của Jack đã trở thành những kinh nghiệm để tuổi trẻ rút ra một bài học làm người, đó là :
– Sống không nên tham lam, bủn xỉn, keo kiệt.
– Phải có lòng bác ái, từ bi, biết giúp đỡ kẻ khó khăn.
– Không nên chơi đùa với ma quỷ. Ma quỷ hiểu theo nghĩa bóng là những trò lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi, những việc làm tinh quái do trí thông minh và tưởng tượng của tuổi trẻ sáng tạo ra có khi làm hại đến người, đến xã hội… Chơi đùa, giao du với ma quỷ sẽ dễ bị cám dỗ đi vào đường tối tăm và tội lỗi.
“Tham lam” là tâm lý chung của loài người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Tính bủn xỉn, keo kiệt, hà tiện là những hệ luận của tính tham lam mà thôi. Lòng tham của cải vật chất, sắc dục, danh vọng từng là nguồn gốc của vô số tội ác trong lịch sử nhân loại. Vì tham vọng người ta sẽ dùng bất cứ thủ đoạn hay phương tiện nào miễn là đạt được mong cầu. Có lẽ vì vậy mà các đấng giáo chủ của tôn giáo đều khuyên răn con người bỏ lòng tham để có thể sống đời an vui trong hiện tại và để được vào cõi Thiên đàng, Niết bàn, Bồng lai tiên cảnh sau khi từ bỏ trần gian… Kiềm chế lòng ham muốn là bước đầu để trở nên người tốt. Tiếp theo là phải có lòng thương người (nhân ái, bác ái, từ bi…), biết giúp đỡ người khác lúc họ gặp khó khăn, phải bố thí cho kẻ nghèo…
Ngoài ra, thanh thiếu niên không nên chơi đùa với quỷ hay ma. Sở dĩ có điều cấm kỵ này là vì người đời thường quan niệm rằng quỷ, ma là những thành phần bất chính, thường dùng những phép thuật, những mưu chước của mình để làm hại loài người, để phá phách hoặc để thỏa mãn ham muốn… Các tôn giáo rất kỵ quỷ vì quỷ thường có hành động chống đối lại các đấng giáo chủ thiêng liêng. Trong Thiên Chúa giáo, quỷ là loài hung dữ, xấu xa ở Hỏa ngục. Lucifer chẳng hạn, là quỷ giữ Địa ngục. Trước đó Lucifer cũng ở nước Thiên đàng, nhưng vì tham vọng mà đọa Địa ngục. Dân gian thường tin rằng quỷ hay đi bắt bớ người ta, hành hạ người ta một cách tàn nhẫn để vui đùa hoặc để thỏa mãn dục vọng. Có lẽ vì đó mà người ta thường dùng lời nguyền rủa “Đồ quỷ tha ma bắt” khi nói đến một người mà họ ghét bỏ. Người Việt thì có những thành ngữ như : “mưu ma chước quỷ”, “quỷ quái tinh ma”… Trong thần thoại có rất nhiều loại quỷ. Về quyền phép biến hóa thì quỷ với thần ngang nhau. Quỷ với thần phân biệt nhau qua hành động :
– Quỷ thường dùng quyền phép của mình để thỏa mãn ham muốn, tham vọng nên thường đi vào đường ác, có hại cho loài người và vũ trụ.
– Thần luôn luôn dùng quyền phép để làm điều phúc lợi cho loài người và vũ trụ, đó là con đường thiện. Chỗ ở chính của quỷ là địa ngục, là bóng tối, trong lúc các thần thì ở cõi Trời, trong ánh sáng.
– Thần được người trần gian tôn thờ. Quỷ bị người đời xa lánh vì sợ hãi, vì quỷ lúc nào cũng bị xem là dữ. Trong kinh Địa Tạng của Phật giáo có nhắc đến một Quỷ vương có tên là Vô Độc. Đây là một điều mà Tây phương không nghĩ đến vì đối với họ quỷ luôn luôn hung dữ, độc ác. Do đó, không bao giờ nên giao du với quỷ, nhất là tuổi thanh thiếu niên. Người Việt có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” để chỉ những hành vi ranh mãnh, đầy mưu trí, có hại cho xã hội loài người. Học trò ở đây là tuổi thanh thiếu niên.
Câu chuyện Halloween muốn gửi cho thanh thiếu niên một thông điệp để đề phòng sự tiêm nhiễm cái “quỷ quái, tinh ma” khi giao du với cái giới mà mình cũng được xếp vào hạng số 3! Tuy nhiên, chuyện anh chàng Jack trong đêm Halloween cũng ghi nhận một thái độ sòng phẳng của quỷ, đó là “ân đền, oán trả” và “giữ lời hứa”. Dù rằng sự “giữ lời hứa” này đã làm cho Jack rơi vào thân phận cô hồn lang thang vất vưởng. Quỷ đã chịu ơn cứu mạng của Jack. Jack đã cứu quỷ vì tình bạn vui đùa. Quỷ đã đền ơn với lời hứa là “không bắt hồn Jack về Địa ngục.” Và kết quả, như đã nói trên, hồn Jack đã phải trở về trần gian, lang thang với những đốm than hồng do quỷ từ địa ngục tặng để sưởi ấm và soi đường đi trong tăm tối, cô đơn.
Đối với các xã hội Âu Mỹ, Halloween đã trở thành lễ hội vui chơi hằng năm cho trẻ em và cả người lớn. Ít người quan tâm tìm hiểu ý nghĩa nhân bản của nó. Họ chỉ chú trọng vui chơi. Các phim ảnh về Halloween cũng nhằm tạo cảm giác rùng rợn ma quái của thế giới âm ty như để thay đổi cách chơi, tìm cảm giác mới là chính yếu.
[2] Ý nghĩa nhân bản
Nếu đào sâu hơn, có lẽ sẽ tìm thấy tính cách nhân bản trong câu chuyện. Thử đặt câu hỏi : tại sao dưới ánh sáng khoa học và kỹ thuật mà các nước Âu Mỹ vẫn dành một ngày lễ hội cho người của “cõi âm” mà đại diện là chàng Jack? Jack là nhân vật tưởng tượng nhưng đã thực sự hiện thân trong cuộc đời, trong thân phận làm người… mà lại là một người cô đơn. Khi chết, Jack trở thành cô hồn, không chỗ dung thân, Thiên đàng và Địa ngục đều từ chối! Truyền thống lễ hội Âu Mỹ đã dành cho Jack một ngày. Một ngày được trở lại với cõi dương. Trong ngày đó, Jack có thể sống vui chơi thoải mái, vì người sống đã hóa trang thành ma quỷ để linh hồn Jack có chỗ trà trộn vào cho đỡ cô đơn. Đây là ý nghĩa nhân bản của lễ hội Halloween.
Lễ Hội Halloween ở Mỹ nhằm vào tiết Thu, mưa buồn và gió lạnh trùng hợp với “ngày cô hồn” trong truyền thống dân tộc Việt Nam cũng trong mưa buồn hiu hắt :
“Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường lê lác đác mưa sa
Hồn nào hồn chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…
Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người…”
Trong ý nghĩa nhân bản, Halloween và Rằm tháng Bảy âm lịch có thể xem như là ngày hai cõi Âm, Dương hội ngộ trong niềm thương cảm bao la… Cuộc hội ngộ này đã phần nào nói lên cái triết lý “Âm, Dương nhất lý, Sinh tử đạo đồng” nơi gặp gỡ của tâm hồn nhân bản Đông – Tây.
“Halloween”, “All Soul’s Day”, “Cúng Cô Hồn” đều là những dịp để người sống tưởng nhớ, đoái thương những mảnh đời bất hạnh trong cõi u minh và trong cuộc sống hiện thực chung quanh… Có lẽ người đời đã dùng phương pháp loại suy (Analogy) để từ đời sống hiện thực trần gian, tưởng tượng ra một thế giới của cõi âm nơi những linh hồn sinh hoạt sau khi chết. Đó là ý nghĩa của lập luận : “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm!” Thật vậy, tưởng tượng và hư cấu không thể nào bắt nguồn từ cái không không mà phải khởi đi từ một thực tại nào đó. Như vậy thì, phải chăng, “Jack-O-Lantern” chỉ là hình tượng của bao nhiêu thanh thiếu niên trong cuộc đời hiện thực, vì môi trường gia đình, xã hội, giáo dục hoặc vì những thúc bách thầm kín nào đó đã vô tình “đùa chơi với quỷ”. Và vì đó họ đã lỡ tay đánh mất tuổi thơ, vì ham vui, vì lòng trắc ẩn, thương xót, vì tình bạn bè… mà đã vô tình vi phạm quy ước xã hội, lỗi với giáo điều tín ngưỡng, mang tội với gia đình… Rồi bị xã hội thẳng tay loại trừ…
Thật vậy, khi ra tay cứu quỷ một lần… Chỉ một lần thôi, là đủ, để cho cái xã hội với thành kiến hẹp hòi, với tư duy cố chấp buộc tội đến trọn cả đời, không cất đầu lên nổi! Bao nhiêu thanh thiếu niên trong xã hội, chỉ vì một lần lầm lỡ trong đời thực mà đã không còn chỗ dung thân! Bao nhiêu linh hồn đã bị Thiên đường từ chối, nhưng lại không đủ tiêu chuẩn vào Địa ngục đã phải sống lang thang! Trên đời này, nơi đây và hôm nay, thiếu gì người đang sống trong cảnh :
“Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ!”
Dù sao… thì Jack-O-Lantern cũng đã có một ngày hạnh phúc bên cạnh và trong cõi loài người…
(Vntim)