Lí luận phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, tình hình tội phạm cũng diễn biến ngày càng trở nên phức tạp hơn. Các tội phạm ngày càng trở nên tinh vi, táo tợn, cùng những cách thức thực hiện hành vi phạm tội ngày càng man rợn, xảo quyệt. Nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng tội phạm diễn ra, các biện pháp để phòng ngừa tội phạm ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng. Phòng ngừa tội phạm được hiểu: “là tổng thể các biện pháp can thiệp chung và riêng áp dụng cho người phạm tội tiềm năng và nạn nhân tiềm năng, có xác định mục tiêu rõ ràng, được tiến hành bởi các thiết chế nhà nước và cộng đồng, trong đó nhấn mạnh vào cách tiếp cận vấn đề có định hướng nhằm kiểm soát hành vi không phù hợp với xã hội, những hành vi phạm tội, cũng như giải quyết các khía cạnh liên quan đến tội phạm như nỗi sợ hãi, sự rối loạn về tâm lí, mất an ninh, trật tự.” (Trịnh Tiến Việt và Nguyễn Khắc Hải (2020), giáo trình Tội phạm học. nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, tr.235)

Một trong số các biện pháp phòng ngừa tội phạm quan trọng hiện nay là phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội. Phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội bao gồm các biện pháp can thiệp, tham gia giải quyết gốc rễ của tội phạm, chú trọng đối tượng có nguy cơ cao trở thành tội phạm là trẻ em và thanh thiểu niên.

 

1. Lí luận phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội

Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội là các biện pháp  phát triển xã hội, song song với khắc phục các vấn đề xã hội mà các vấn đề xã hội này có thể thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi phạm tội xảy ra; ngăn chặn, loại bỏ những hành vi chống đối xã hội. Qua đó, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, nâng cao nhận thức, hiểu biết về tội phạm và nâng cao tinh thần phòng ngừa tội phạm.

 

1.1 Mục tiêu mà các chiến lược phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội hướng tới

Các chiến lược phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội thường hướng tới mục tiêu:

– Nguy cơ đối với đứa trẻ trong môi trường xã hội: với những đứa trẻ này, nguy cơ tồn tại trực tiếp, ảnh hưởng trực tiếp là nguy cơ từ gia đình và cộng đồng. Trẻ em là lứa tuổi đang học ăn học nói, có khả năng bắt chước và làm theo hành động, lời nói của người khác. Nguy cơ từ gia đình là nguy cơ có mức ảnh hưởng lớn nhất, nguy hiểm nhất; nó có thể xuất phát từ chính sự giáo dục lệch lạc của cha mẹ, các hành vi sai trái của cha mẹ hay thậm chí cả những lời nói sai trái của gia đình. Nguy cơ từ cộng đồng có thể do nghèo đói, túng quẫn mà người dân sinh sống trong cộng đồng đó có hành vi sai trái hay nó cũng có thể xuất phát từ chính hành động của các băng đảng tồn tại trong cộng đồng đó. 

– Nguy cơ của chính đứa trẻ đó: nguy cơ từ gia đình hay từ cộng đồng mặc dù có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ nhưng đó cũng chỉ là yếu tố tác động bên ngoài. Yếu tố quyết định chính vẫn là ở đứa trẻ đó. Sự tiếp nhận sự dạy dỗ lệch lạc từ gia đình hay không? Có khả năng kiềm chế cảm xúc, tránh những hành động sai trái hay không? Có bắt chước theo những hành vi sai trái ngoài cộng đồng hay không?…phần lớn quyết định hành vi là ở chính bản thân của đứa trẻ đó.

 

1.2. Một số học thuyết về nguyên nhân tội phạm

Học thuyết được sử dụng làm nền tảng xây dựng nên chiến lược phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội

a. Thuyết về tình trạng vô tổ chức và sự căng thẳng

Tình trạng vô tổ chức là một trạng thái mà ở xã hội đó, con người không tuân thủ theo quy tắc xử sự chung hoặc các quy tắc xử sự chung này chưa được rõ ràng (không có quy tắc xử sự chung thống nhất, rõ ràng cho xã hội đó). Cái hành vi phạm tội ở xã hội này nó được coi như là sản phẩm của tình trạng vô tổ chức.

Giả thuyết về sự căng thẳng cho rằng: “xã hội thông qua sự xung đột và mâu thuẫn giữa mục tiêu của toàn xã hội có thể dẫn đến việc một số người lựa chọn con đường phạm tội” . Chính những sự đối xử phân biệt, chính những bất công trong xã hội là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội

Từ thuyết về tình trạng vô tổ chức và sự căng thẳng có thể đưa ra phương pháp phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội. Thông qua sự phát triển của xã hội, thiết lập quy tắc xử sự chung thống nhất trong toàn xã hội, giảm thiểu những yếu tố có khả năng gây ra sự căng thẳng trong xã hội; đẩy mạnh việc giáo dục, nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật, để tránh các hành vi lệch chuẩn, tránh lại những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến sự căng thẳng; đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế, các chính sách tạo việc làm cho người dân

b. Thuyết về nhóm khác biệt

Nhóm khác biệt ở đây được hiểu là nhóm người họ sống trong môi trường khác biệt so với xã hội, họ ở cái nơi mà pháp luật không được tôn trọng, không được coi trọng

Từ thuyết nhóm khác biệt này có thể đưa ra phương pháp phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội. Thông qua sự phát triển của xã hội, cần giáo dục, nâng cao sự hiểu biết cho nhóm người có nguy cơ cao trở thành tội phạm do sự khác biệt; đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng, dạy dỗ những đứa trẻ có nguy cơ trong một môi trường lành mạnh. 

c. Thuyết học hỏi, bắt chước theo xã hội

Thuyết này cho rằng hành vi phạm tội xuất phát từ việc người phạm tội sống trong môi trường không lành mạnh, thường có những hành vi trái pháp luật. Từ đó dẫn đến sự học hỏi, bắt chước những hành vi đó

Từ thuyết học hỏi, bắt chước theo xã hội có thể đưa ra phương pháp phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội. Thông qua sự phát triển của xã hội có thể tiến hành giáo dục kỹ năng giải quyết xung đột, chữa trị tâm lí để người có nguy cơ phạm tội có thể kiềm chế cơn giận, tự giải quyết các vấn đề tiêu cực

d. Thuyết kiểm soát, các yếu tố liên kết xã hội

Theo thuyết này, có bốn yếu tố kiềm soát xã hội: sự gắn bó; sự cam kết; sự tham gia và tín ngưỡng

Thong qua thuyết kiểm soát và các yếu tố liên kết xã hội có thể đưa ra phương pháp phòng ngừa tội phạm thông qua sự phát triển xã hội. Thông qua sự phát triển xã hội, trực tiếp giải quyết việc kiểm soát kém bằng cách nâng cao kiểm soát xã hội, giáo dục nâng cao kĩ năng giải quyết vấn đề cho người dân.

 

3. Các yếu tố nguy cơ từ trẻ em và thanh thiếu niên

Theo kết quả của nghiên cứu về tội phạm học phát triển cho thấy: “phạm tội là một phần của một hội chứng lớn hơn của hành vi phản xã hội, trỗi dậy ở thời thơ ấu và có xu hướng gắn liền với thời trưởng thành” . Nguy cơ từ trẻ em và thanh thiếu niên có thể xuất phát từ:

a. Nguy cơ từ cá nhân

Nguy cơ này có thể xuất hiện từ rất sớm với biểu hiện rõ ra bên ngoài như khó kiểm soát cơn nóng giận, tính cách hung hãn; thậm chí là có cả sự căng thẳng quá mức, thường xuyên lo lắng, dễ trầm cảm…

b. Nguy cơ từ gia đình

Gia đình bao giờ cũng là môi trường ảnh hưởng đầu tiên, có sự ảnh hưởng lớn nhất và xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Một đứa trẻ, một thanh thiếu niên được sinh ra và lớn lên trong một môi trường tốt như: cha mẹ luôn cư xử mẫu mực, luôn tuân theo pháp luật, luôn chịu trách nhiệm với hành vi của mình, không có lời nói, hành động sai trái, không bạo lực gia đình, phương pháp nuôi dạy con đúng đắn…Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, rất hiếm có trường hợp phạm tội. Ngược lại, đứa trẻ sống trong môi trường mà cha mẹ coi thường pháp luật, thường xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, mức sống của gia đình khó khăn, phương pháp nuôi dạy con cái không tốt, cha mẹ có vấn đề về tâm lí…những đứa trẻ này, thường có nguy cơ cao trở thành tội phạm

c. Nguy cơ từ nhà trường

Sau gia đình, nhà trường chính là yếu tố quan trọng thứ hai quyết định đến sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Trường học không chỉ là nơi trẻ em tiếp nhận kiến thức mà còn là nơi trẻ em va chạm, tiếp xúc với nhiều người với nhiều sự giáo dục khác nhau từ gia đình. Nhà trường giáo dục tốt, tạo môi trường học tập lành mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho các em phát triển…, thì những đứa trẻ đó rất ít có khả năng trở thành tội phạm. Ngược lại, trong môi trường giáo dục kém, trẻ em không có đủ điều kiện để phát triển…, thì nguy cơ sa ngã là rất cao.

Nhà trường và gia đình có mối quan hệ gắn bó rất chặt chẽ trong việc giáo dục trẻ, có quan hệ biện chứng với nhau.  Nhà trường giáo dục tốt, gia đình giáo dục tốt, đứa trẻ đó có thể trở thành đứa trẻ tốt; nhưng một trong hai yếu tố gia đình hoặc trường học mà có sự giáo dục sai, đứa trẻ đó có nguy cơ cao sẽ có những hành vi trái pháp luật

d. Nguy cơ từ cộng đồng

Khi một đứa trẻ, một thanh thiếu niên có hành vi cư xử sai trái, cho dù chịu tác động trực tiếp từ gia đình hay trường học thì họ cũng chịu chung sự ảnh hưởng từ xã hội, từ cộng đồng. Trong số những đứa trẻ có cùng sự giáo dục tốt từ gia đình, trường học, có những đứa trẻ vẫn có hành vi sai trái; đó là vì môi trường sống của chúng có sự khác nhau. Một đứa trẻ sống trong một cộng đồng mà trình độ dân trí ở đó cao, với những hình mẫu tiêu biểu; tỉ lệ thất nghiệp thấp, không có các băng nhóm tội phạm…Sẽ phát triển thành một con người tốt hơn, ít khả năng hành động trái pháp luật hơn so với một đứa trẻ sống trong cộng đồng có tỉ lệ thất nghiệp cao, nhiều băng nhóm tội phạm, các hành vi vi phạm diễn ra thường xuyên, thiếu các hoạt động giải trí, giao lưu văn hóa…

e. Nguy cơ từ bạn bè

Với lứa tuổi trẻ em, việc học theo, bắt chước các hành động từ bạn bè là rất bình thường và phổ biến. Vì vậy mà bạn bè cũng trở thành một trong những nguy cơ có thể khiến đứa trẻ trở thành tội phạm. Nếu chơi với những người bạn tốt, cùng được giáo dục trong môi trường tốt, thì những đứa trẻ đó sẽ cùng nhau phát triển tốt. Nếu đứa trẻ chơi cùng những đứa trẻ có hành vi sai trái, có xu hướng bạo lực hay cả việc bị bạn bè cô lập , hắt hủi thì đứa trẻ đó có khả năng sẽ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

 

4. Một số chiến lược phòng ngừa tội phạm cho thanh thiếu niên

– Nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học và cả xã hội trong việc quản lý, giáo dục đối tượng thanh thiếu niên

– Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho thanh thiếu niên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các ứng dụng mạng xã hội

– Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên được học tập, vui chơi giải trí lành mạnh và tham gia vào các hoạt động xã hội bổ ích, tạo điều kiện cho họ phát triển toàn diện

– Đẩy mạnh các hoạt động lắng nghe thanh thiếu niên và chữa lành tâm lí bị tổn thương cho họ

– Có những chính sách tạo việc làm cho thanh thiếu niên

– Cần có những chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho những thanh thiếu niên đã từng mắc sai lầm.

– ….

Luật Minh Khuê (tổng hợp)