Lễ hội tại Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia đa tôn giáo, vì thế tại quốc gia này hằng năm diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc mà tất cả mọi du khách đều có thể hòa chung không khí đầy sắc màu.

Lễ hội Ánh sáng – Diwali festival, một lễ hội truyền thống ở Ấn Độ và cũng là lễ hội chính của đạo Hindu được diễn ra trong 5 ngày để chào đón năm mới trong đạo Hindu (giống như Tết Nguyên đán ở Việt Nam). Mỗi ngày đều có một ý nghĩa riêng, như ngày may mắn để mua dụng cụ và vàng bạc, ngày tiêu diệt cái ác, ngày để thắp đèn trong nhà và ngoài đường để nghênh đón sự thịnh vượng và hạnh phúc, ngày chồng tặng quà vợ…Vào những ngày lễ hội Diwali, cả đất nước Ấn Độ trở nên rực rỡ trong ánh đèn, nến và pháo hoa. Cũng trong dịp lễ này, những gia đình tụ họp, trang hoàng nhà cửa sạch đẹp. Nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà. Người ta diện quần áo mới, đi đến đền để cúng thần, dâng lên những lời cầu nguyện, sau đó họ về nhà vui vầy những bữa tiệc thịnh soạn, thăm viếng và chúc phúc láng giềng. 

Lễ hội Holi – cuộc chiến sắc màu. Ở Ấn Độ, vào dịp lễ hội Holi, người dân Ấn Độ lại ném bột màu vào nhau thể hiện cho sự tự do và không phân biệt giai cấp vốn tồn tại trong xã hội, đây là lễ hội diễn ra vào mùa xuân nổi tiếng của người Hindu và cũng là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Ấn Độ. Những người tham gia lễ hội này sẽ đốt lửa, ném bột màu và nhau, ăn đồ ngọt và nhảy các điệu nhảy truyền thống. Đây cũng là dịp người dân tạm quên đi các quy tắc, các rào cản xã hội bởi dưới lớp bột màu, tận sâu bên trong mọi người đều giống nhau. Mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính, đẳng cấp, giàu nghèo đều quây quần bên nhau và ăn mừng lễ hội. Đây cũng là thời điểm các thành viên gia đình tụ họp, tặng quà cho nhau, trang trí nhà cửa và ăn các loại thực phẩm truyền thống. 

Lễ hội Ganesha (Ganesh Chaturthi) là một trong những lễ hội rất quan trọng của người Hindu ở Mumbai – người Ấn Độ kỷ niệm ngày sinh của thần Ganesha đầu voi – biểu tượng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Vào những ngày lễ, người Hindu thường lui tới các nơi thờ tượng thần Ganesha để dâng thức ăn và nước. Thức ăn thường là những thứ bánh ngọt, nước thì thường là nước dừa. Họ cũng cầu nguyện Thần giúp họ giải trừ những chướng ngại và rủi ro, và tất nhiên nhớ giúp họ đạt được may mắn và thịnh vượng trong đời sống.