Lễ hội Ok Om Bok và văn hóa của người Khmer
(VOV5) – Lễ hội Ok Om Bok ngày nay đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ở các tỉnh Nam bộ.
Tuần này, đồng bào Khmer ở Nam Bộ bắt đầu vui mừng tổ chức lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là Lễ Cúng Trăng hay lễ “Đút cốm dẹp”. Ok Om Bok là lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Sene Dolta của đồng bào Khmer. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy, họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cúng Mặt Trăng. Vào đêm 15/10 âm lịch khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ.
Tái hiện nghi thức “Cúng trăng” hay “Đút cốm dẹp” của đồng bào Khmer
Ảnh dangcongsan.vn
Các lễ vật cung tiến khá đơn giản, gần gũi, chủ yếu là sản vật do bà con vun trồng, cấy hái được như: khoai môn, khoai mì, trái dừa tươi, chuối, các loại bánh làm từ bột. Đặc biệt, lễ vật dâng cúng bắt buộc phải có cốm dẹp. Cốm dẹp là loại cốm được bà con Khmer dùng hạt nếp vừa chín tới rang rồi quết dẹp.
Tất cả các lễ vật được trưng bày đẹp mắt trên chiếc bàn đặt giữa sân, mọi người trong gia đình cùng nhau cầu nguyện, tạ ơn thần linh. Sau đó, nghi thức quan trọng khác được thực hiện là các sư sãi, các vị achar, người có uy tín trong cộng đồng, phum sóc hoặc người cao tuổi nhất (trong gia đình) chọn thức ăn mỗi thứ một ít nắm vào tay, trong từng nắm ấy lúc nào cũng phải có cốm dẹp. Người chủ sự lần lượt đút vào miệng từng trẻ nhỏ, vỗ nhẹ sau lưng cùng với câu hỏi các em ước muốn gì. Người Khmer tin rằng, những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin và động lực của người lớn vào năm tới.
Tiết mục múa Chhuôi Chhay tại lễ hội Ok Om Bok. – dangcongsan.vn
Sau các nghi thức, mâm cúng được dọn xuống và mọi người cùng quây quần thưởng thức, với ý nghĩa chung hưởng lộc của Thần Mặt Trăng cũng là thể hiện sự gắn bó, kết chặt tình thân, “chia ngọt sẻ bùi”. Anh Đỗ Minh Dũng, người dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer, một năm chỉ có một lần. Chúng tôi ráng hết sức đóng góp cho nhà chùa cũng như bổn sóc của mình. Nói chung, tới lễ hội, ai cũng rộn ràng, vui mừng..”
Ngoài phần lễ nghiêm trang, ý nghĩa, Lễ hội Ok Om Bok còn đươc tổ chức ở các chùa, phum sóc với phần hội rộn ràng, vui tươi, mang tính cộng đồng rất cao, với các hoạt động như: hội hoa đăng, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, cùng nhau hát múa những bài ca, điệu múa truyền thống dưới ánh trăng rằm trong niềm vui được mùa. Đặc biệt, cuộc thi đua ghe ngo, một trong những hoạt động sôi nổi được mọi người mong đợi nhất.
Đua ghe ngo truyền thống mừng lễ hội Ok Om Bok. Ảnh truyenhinhdulich.vn
Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét có từ 50 – 60 tay bơi. Chiếc ghe Ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho từng ghe. Ghe Ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Và chỉ được hạ thủy 1 lần trong năm khi có lễ Ok Om Bok.
Du khách tại lễ hội chia sẻ: “Những năm trước chỉ có các đội đua của thành phố Sóc Trăng nhưng mười mấy năm nay có thêm 1 số tỉnh bạn đến tham dự. Môn thể thao này là vui nhất của người dân tộc Khmer.
“Trước đây tôi chỉ xem qua báo đài, nay được chứng kiến tận mắt, thấy đồng bào Khmer ở đây tổ chức một lễ hội giống như lễ hội Tết của dân tộc Kinh. Tâm trạng rất phấn khởi và chắc chắn lần sau sẽ quay lại.”
Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng tổ chức và duy trì hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đồng thời, thông qua lễ hội, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh về vùng đất và con người Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Ok Om Bok ngày nay đã trở thành một lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer ở các tỉnh Nam bộ. Đó là khát vọng, ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn và lòng biết ơn đấng tạo hóa. Việc Lễ hội Ok Om Bok được duy trì hằng năm đã góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và quảng bá bản sắc ấy với du khách gần xa.