Lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok
Cùng với Chol Chnăm Thmây, Sene Đolta, Ok Om Bok là một trong ba lễ hội quan trọng của đồng bào Khmer Nam bộ trong chu kỳ một năm.
Ảnh. Lễ hội Ok Om Bok – Thế Bình
Lễ hội Ok Om Bok còn có tên khác là lễ hội Cúng Trăng, được tiến hành vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch, tức là Mười bốn và Rằm tháng Mười âm lịch. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị Thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Theo nghĩa đó, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer có sự tương đồng với lễ hội Thượng điền của người Việt.
Về mặt ngữ nghĩa, Ok Om Bok có nghĩa là “Đút cốm dẹp bằng cách bốc bằng tay” nên lễ hội này còn có tên gọi khác là lễ hội Đút cốm dẹp.
Ảnh. Lễ hội Ok Om Bok – Thế Bình
Tuyệt đại đa số người Khmer Trà Vinh gắn chặt cuộc đời mình, gia đình, phum sóc với sản xuất nông nghiệp, nên Ok Om Bok là lễ hội rất quan trọng, được tiến hành ở mỗi gia đình, trong từng ngôi chùa và trên qui mô toàn tỉnh.
Ở mỗi gia đình hay mỗi ngôi chùa, người ta chọn khoảng sân cao ráo, sạch sẽ và khoáng đãng để có thể nhìn rõ mặt trăng làm nơi tiến hành cúng tế. Khi mặt trăng vừa nhô cao, chiếu ánh sáng khắp mọi nơi cũng là lúc lễ hội bắt đầu, mọi người tề tựu trên vuông chiếu trải sẵn. Vị chủ tế bày các vật phẩm của gia đình, phum sóc vừa thu hoạch, bao giờ cũng phải có cốm dẹp, chuối, khoai… ra cúng, rồi khấn nguyện tạ ơn Thần Mặt Trăng, Thần Nước, Thần Đất Đai… đã cho con người mùa vụ bội thu. Sau đó, người có tuổi sẽ bốc và vo cốm dẹp thành từng viên, kèm theo khoai, chuối… đút cho trẻ vừa xoa vào lưng và hỏi chúng ao ước gì? Những lời nói hồn nhiên có phần ngây ngô của trẻ cũng là ước muốn mà mỗi nhà, mỗi phum sóc gởi đến Thần Mặt Trăng.
Ở cấp tỉnh, lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh diễn ra trong hai ngày Mười bốn và Rằm âm lịch, tại hai địa điểm chính là sông Long Bình chảy qua trung tâm thành phố và Ao Bà Om thuộc Phường 8, thành phố Trà Vinh.
Buổi trưa ngày Mười bốn tháng Mười, khi nước thủy triều lên cao, cuộc đua ghe ngo chính thức bắt đầu và thường kéo dài 3 – 4 giờ đồng hồ giữa các đội ghe ngo của các nhà chùa đại diện cho thành phố Trà Vinh và các huyện trong tỉnh, có khi mở rộng mời các tỉnh trong khu vực cùng tham gia. Ghe ngo là phương tiện di chuyển truyền thống trên sông nước của người dân Khmer Nam bộ, có dạng hình rắn thần Nagar, với 40 – 50 tay bơi, tùy theo qui định. Trong nền nhạc ngũ âm truyền thống, trong tiếng hò reo cổ vũ của hàng chục ngàn người dự hội vây kín hai bên bờ sông, những chiếc ghe ngo được chia thành từng cặp tranh vòng loại, chọn ra bốn chiếc vào vào bán kết và hai chiếc xuất sắc nhất tranh chung kết. Đội ghe ngo giành giải nhất vừa được nhận thưởng của Ban Tổ chức vừa được bà con phum sóc vinh danh, chiêu đãi rất trọng thị.
Đua ghe ngo là môn thể thao sôi động phục vụ hàng chục ngàn người xem, nhưng cũng là nghi thức truyền thống tạ ơn Thần Nước sau chu kỳ gieo cấy – thu hoạch vừa tiễn đưa Thần Nước về với biển cả ở thời điểm mùa mưa kết thúc, chuyển sang mùa khô trong chu kỳ một năm.
Ngày Rằm tháng Mười tại khu di tích danh thắng Ao Bà Om, đông đảo người dân thuộc cộng đồng các dân tộc Trà Vinh và một số tỉnh lân cận đổ về tham quan thắng cảnh nổi tiếng và tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đập nồi, đẩy gậy, đi cà kheo cùng các môn thể thao như chạy việt dã, bóng chuyền thanh niên dân tộc…
Khi mặt trăng vừa lên cao, một số vị bô lão được cử ra thay mặt cho 143 ngôi chùa và toàn thể đồng bào Khmer trong tỉnh tiến hành nghi thức Cúng Trăng. Vật phẩm là những sản phẩm nông nghiệp vừa thu hoạch như cốm dẹp, khoai, chuối, dừa, mía… dâng lên Thần Mặt Trăng, Thần Nước, Thần Đất Đai vừa tạ ơn vừa xin lỗi vì trong quá trình lao động sản xuất, con người đã làm tổn hại, ô uế các vị thần.
Sau khi nghi thức cúng tế kết thúc, những chiếc đèn gió to lớn làm bằng nan tre và vải, có bùi nhùi tạo lửa bên trong, được đốt và thả lên trời cao. Theo quan niệm của các dân tộc thuộc hệ văn minh lúa nước, lửa là phương tiện duy nhất để con người có thể giao tiếp với thế giới thần linh nên đèn gió bay lên sẽ mang theo ước nguyện của con người về mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người no đủ đến với Thần Mặt Trăng. Ngày nay, vì sự an toàn chung, nghi thức thả đèn gió không còn được tiến hành.
Ngay sau đó, mỗi huyện cử ra một ngôi chùa đại diện thực hiện nghi thức thả hoa đăng. Chiếc hoa đăng lớn được đưa lên xe, phía trước có đội múa Chayyam và dàn nhạc ngũ âm mở đường, phía sau xe là sư sãi và bà con phum sóc cầm đèn nhỏ đi bộ diễu hành dọc theo bốn bờ Ao bà Om, hình thành một đám rước tráng lệ với những âm thanh, màu sắc làm náo nức lòng người. Kết thúc diễu hành, toàn bộ hoa đăng của các huyện, thành phố đều được thả xuống mặt nước Ao Bà Om, tạo ra không khí huyền diệu suốt đêm lễ hội.
Bên cạnh đó, nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp và diễn xướng dân gian truyền thống của đồng bào Khmer được tổ chức phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Ngày nay, gắn với lễ hội Ok Om Bok truyền thống của đồng bào Khmer, các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, hội chợ.
Ok Om Bok là một lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức theo chu kỳ hàng năm. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên.
Từ một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, ngày nay, Ok Om Bok đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, có tác động rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam bộ, trong đó có lễ hội Ok Om Bok Trà Vinh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015.