Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc – Khám phá lễ hội cầu ngư lớn nhất đảo Ngọc
Lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là lễ hội cầu ngư. Đây là một hội lễ hội quan trọng đối với ngư dân trải dài trên khắp đất nước Việt Nam, thế nhưng nơi tổ chức linh đình nhất và lớn nhất chính là đảo Phú Quốc. Khi nhắc đến lễ hội Phú Quốc , người ta sẽ nghĩ ngay đến lễ hội này.
Phú Quốc là một trong những hòn đảo tuyệt đẹp tại Việt Nam. Đảo Ngọc được thiên phú cho vẻ đẹp tươi mát, trong lành, bao quanh là biển với đa dạng nhiều loại động thực vật. Với khí hậu ôn hòa, đây thực sự là một hòn đảo nghỉ dưỡng tuyệt vời dành cho khách du lịch. Năm 2006, biển đảo Kiên Giang bao gồm đảo Phú Quốc được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới bởi UNESCO.
Với đặc điểm địa lý như vậy, có thể thấy, nghề biển là một ngành nghề rất phổ biến tại vùng đất này. Mặc dù Phú Quốc đã trở thành vùng đất du lịch nhưng ngư dân nơi đây vẫn yêu nghề biển, vẫn gắn bó với nghề biển và vẫn giữ được phong tục thờ cúng Ngư Ông của mình.
Tín ngưỡng thờ cá ông, cá voi là một tập tục lâu đời của người dân làng biển và là một điều không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Tục thờ cá Ông của ngư dân xuất phát từ quan niệm cá Ông cứu dân biển lúc đánh bắt xa bờ không may gặp phải điều kiện bất lợi như gió lớn hay giông tố. Trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng “khi giông tố nổi lên thì cá voi cũng bị sóng biển đẩy vào bờ và dễ bị mắc cạn. Cá voi theo thuyền để tìm vật cọ xát cho con cá ép trên thân mình rớt ra khỏi sóng biển. Vì hiện tượng song hành này ngư dân cho là cá giúp dân chài”. Tuy nhiên, phong tục thờ cúng này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của Việt Nam nói chung và tại đảo Ngọc Phú Quốc nói riêng bởi nó gắn chặt với yếu tố niềm tin của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, cũng có một nhận định khác về tục thờ cá Ông chính là nguồn gốc của sự xuất hiện cá Ông. Có người cho rằng tập tục thờ này xuất phát từ dân tộc Chăm. Có một vị thần tên là Cha-aih-va đã cãi lại lời thầy của mình vì muốn được quay về quê hương xứ sở. Sau đó, ông đã tự ý rời đi trong đêm bằng đường biển. Khi lao xuống nước, ông lập tức biến thành thân hình của cá voi. Từ đó, người dân đi biển quan niệm thờ cá Ông để mong cầu mỗi lần ra biển đánh bắt xa bờ thì đều có thể thu được cá to và nhanh chóng, thuận lợi trở về đất liền.
Từ thời Gia Long, mục đích của tục thờ cá Ông (cá voi lưng xám) là để cầu yên bình cho các ngư dân ra khơi xa đánh cá và mong thu hoạch được mẻ cá lớn.
Lễ hội Nghinh Ông còn được biết đến với những tên gọi khác như lễ cầu ngư, lễ cúng Ông… Nhìn chung, đến tận bây giờ, lễ hội này vẫn giữ được ý nghĩa và mục đích của nó là cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ngư dân gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, an khang.