Lễ Hội Nghinh Ông – Nét đẹp tín ngưỡng của ngư dân vùng biển

4.1

/

5

(

12

bình chọn

)

Lễ hội Nghinh Ông từ lâu đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa của người dân miền biển. Với niềm tin to lớn vào Cá Ông, ngư dân nơi đây luôn tin vào những điều may mắn do ông đem lại. Lễ hội bao gồm 2 phần là phần lễ và phần hội cùng nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn du khách cả trong lẫn ngoài nước.

Lễ hội Nghinh Ông là gì?

Lễ hội nghinh Ông là lễ hội nước lớn nhất của người dân miền biển. Lễ hội còn có nhiều tên gọi khác như: lễ rước cốt ông, lễ tế cá “Ông”, lễ cầu ngư, lễ nghinh “Ông”, lễ cúng “Ông”, lễ nghinh ông Thủy tướng,… Mặc dù mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng tất cả đều mang chung một quan niệm rằng cá “Ông” là một sinh vật linh thiêng ở biển, là vị cứu tinh của họ mỗi lúc tàu, thuyền của họ gặp nạn trên biển.

Lễ hội Nghinh Ông là một nét đẹp đặt trung trong văn hóa tín ngưỡng của ngư dân các tỉnh thành ven biển Việt Nam, kéo dài từ Quảng Bình trở vào Nam. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội cầu ngư lớn với mục đích cầu cho sóng yên, biển lặng, gió hòa, ngư dân gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, an khang, có được nhiều vụ mùa lớn. Đây cũng là dịp để các địa phương có thể thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước góp phần phát triển cho ngành du lịch.

Nguồn gốc của Lễ hội Nghinh Ông 

Theo lịch sử thì Lễ hội Nghinh Ông cùng Tục thờ Cá Ông có nguồn gốc xuất phát từ tục thờ Cá Ông của người Chăm. Được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trải qua sự bản địa hóa, tục thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng của người Việt và cả người Hoa.

Theo truyền thuyết thì vào những ngày đầu lập quốc, Nguyễn Ánh trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển thì gặp phải sóng to gió lớn. Trong lúc nguy khốn không biết làm cách nào thì bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Về sau, khi thắng được quân Tây Sơn và lên ngôi vua, Nguyễn Ánh nhớ ơn cứu mạng đã phong tặng  cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng cá Ông…” 

Thời gian diễn ra Lễ hội Nghinh Ông 

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào các thời gian khác nhau, tùy vào từng nơi sẽ có thời gian tổ chức riêng: Ở Vũng Tàu lễ thường được tổ chức vào ngày 15/8 – 18/8 âm lịch hàng năm tại Khu di tích đình thần Thắng Tam thuộc phường 2, Tp. Vũng Tàu. Ở Cà Mau lễ hội được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ở Tiền Giang được tổ chức vào 2 ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đình Thần xã Kiểng Phước. Tại Cà Mau thì lễ được tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại cửa sông Ông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ở Cần Giờ người dân tổ chức lễ hội  hàng năm từ 14-17/8 âm lịch. Còn tại Khánh Hòa lễ sẽ bắt đầu vào ngày 15 tháng 12 âm lịch, ….

Quá trình diễn ra Lễ hội Nghinh Ông 

Lễ hội Nghinh Ông dù được tổ chức ở địa phương nào thì cũng sẽ có 2 phần bắt buộc là phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ bao gồm lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Sau phần lễ là phần hội, phần này bao gồm những hoạt động vui chơi và ăn uống. 

Phần lễ

Phần lễ với 2 phần chính là lễ tế và lễ rước kiệu của Nam hải Tướng quân xuống thuyền rồng ra biển. Lễ rước kiệu diễn ra khá trang trọng, từ mờ sáng đã có hàng ngàn ngư dân và du khách trong trang phục quần áo chỉnh tề cùng những lễ vật đã chuẩn bị sẵn cùng tụ hội về ngay trước cửa lăng để dự lễ. Trước cửa nhà dân nằm trên con đường mà đoàn Nghinh Ông sẽ đi qua đều được lập sẵn bàn thờ và mâm cỗ gồm: gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả để chờ nghinh Ông về.



Ở ngoài bờ biển, các ghe tàu đánh bắt của địa phương đều đã neo đậu sẵn trên bờ biển chờ dự lễ hội Nghinh Ông. Trên những chiếc ghe giăng đầy đèn, kết hoa, treo cờ màu sắc rực rỡ và trước mỗi ghe đều bày mâm lễ vật chuẩn bị sẵn sàng ra khơi cúng Ông. Những lễ vật mà ngư dân cúng tế thường là gà, vịt, đầu heo, heo quay,… đặc biệt là không bao giờ được cúng Ông bằng đồ hải sản vì đây là binh tướng của Ông. Ngoài ra, trên biển còn có tàu của Công an, bộ đội biên phòng cũng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự giúp buổi lễ nghinh Ông trên biển diễn ra an toàn, tốt đẹp.


Lễ tế được diễn ra khá trang trọng với các nghi thức cổ truyền ngay sau khi phần lễ rước kết thúc. Lễ cầu an, xây chầu đại bội, hát bội lần lượt diễn ra tại lăng.

Phần hội

Khác với phần lễ, phần hội được diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như: thả chài, bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cà kheo diễn ra sôi nổi trên bãi biển. Một số nơi, lễ hội Nghinh Ông còn có thêm những trò chơi mới như: đánh bi sắt, chạy marathon, bóng chuyền bãi biển, cờ tướng, triễn lãm thành tựu nghề biển và các ngành nghề khác của địa phương, qua đó tạo điều kiện cho khách tham dự giao lưu với ngư dân. Cùng với các hoạt động vui chơi, ngư dân và các du khách cũng được mời đến cùng nhau ăn uống, vui chơi, trò chuyện thân tình… 



Kết luận: 

Lễ hội Nghinh Ông mang đậm bản sắc văn hóa của người dân miền biển, được tổ chức mỗi năm 1 lần với mong ước: mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Đây cũng là dịp để ngư dân tỏ lòng biết ơn của mình và là dịp để vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả. Nếu bạn có dịp đến thì đừng bỏ lỡ lễ hội này nhé!

???Có thể bạn quan tâm: