Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh – Sở VHTT Hồ Chí Minh
1. Tên lễ hội: Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thời gian, địa điểm tổ chức:
Trước đây, lễ hội được diễn ra vào khoảng trung tuần của tháng ba âm lịch, nhưng từ năm 1914, do điều kiện kinh tế, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nên lễ hội được dời vào ngày rằm tháng tám là thời gian ngư dân đánh bắt được mùa, vì thế lễ hội trùng với Tết Trung Thu của các em thiếu nhi. Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 8 âm lịch hàng năm) với quy mô cấp thành phố.
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ được tổ chức chính tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Lăng Ông Thủy Tướng (hay còn gọi là Thạnh Phước Lạch) và một số địa điểm như Công viên văn hóa di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Rừng Sác, di tích lịch sử cấp thành phố đình Cần Thạnh, những con đường trung tâm của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và trên biển.
Ngoài ra, ở một số địa điểm là đình, miếu có thờ cá Ông như: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Bình Khánh (xã Bình Khánh), đình Đồng Hoà (xã Long Hòa), đình An Thới Đông, đình Thạnh An (xã Thạnh An), đình Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp), đình An Thới Đông (xã An Thới Đông), miếu Bà (xã Long Hòa) cũng tổ chức cúng Ông vào ngày rằm (15 tháng 8 âm lịch), sau khi cúng Ông xong, tất cả ngư dân cùng tụ hội về thị trấn Cần Thạnh để tham dự Lễ hội Nghinh Ông.
3. Nguồn gốc hình thành và ý nghĩa của lễ hội:
Cần Giờ là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh, có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Cuộc sống của những người dân nơi đây gắn liền với cuộc sống sông nước, đánh bắt thủy hải sản. Trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: “Cửa biển Cần Giờ, cửa rộng chừng 5 dặm, nước triều lên thì sâu 12 tầm, nước triều xuống sâu 9 tầm; cách trấn lỵ về phía đông 142 dặm rưỡi, có thủ ngự đạo Cần Giờ, điếm chợ trù mật, dân theo nghề chài cá. Trong cảng nước sâu rộng bằng phẳng, ngày thường có thuyền buôn ra vào, là một cửa biển đông đúc nhất thành Gia Định, không đâu ví bằng”( ). Chính vì gắn liền với cuộc sống sông nước, phụ thuộc vào công việc đánh bắt thủy hải sản trên biển, cho nên, qua bao thời kỳ phát triển của lịch sử, ngư dân Cần Giờ luôn xem Thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi) là vị Thần che chở cho ngư dân trong cuộc sống. Và từ xa xưa, ngư dân Cần Giờ đã lập Miếu Hải Thần (tức di tích Lăng Ông Thủy Tướng hiện nay) để thờ cúng Thần Nam Hải (cá Ông, cá Voi). Việc thờ cúng cá Voi, cá Ông qua thời gian dần thành lễ hội nên người dân nơi đây gọi là Lễ hội Nghinh Ông (hay còn gọi là tục thờ cúng cá Ông, cá Voi).
Sự ra đời của tín ngưỡng thờ cá Ông gắn với hai truyền thuyết dân gian được lưu truyền đến nay đó là:
– Truyền thuyết thứ nhất gắn với Phật giáo có nội dung “cá Ông là tiền thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã có lần hóa thân để cứu khổ chúng sinh”;
– Truyền thuyết thứ hai gắn với buổi đầu lập quốc của Nguyễn Ánh “Khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, thủy quân của Nguyễn Ánh tháo chạy ra biển và gặp phải sóng to gió lớn, trong lúc nguy khốn bỗng có một con cá Ông to lớn ghé đưa thuyền vào bờ. Sau này khi thắng quân Tây Sơn và lên ngôi vua, nhớ ơn cứu mạng, Nguyễn Ánh đã phong tặng cá Ông là Nam Hải Đại Tướng quân và cho dân lập miếu thờ cúng cá Ông…”
– Riêng tại Cần Giờ, truyền thuyết về cá Ông được lưu truyền phổ biến hiện nay là “ngày 16 tháng 8 âm lịch, do cá Ông sao lãng nhiệm vụ, để chìm một chiếc ghe làm chết nhiều người trong một cơn bão, nên cá Ông bị Long Vương Thủy Tề trừng phạt, cho cá Đao chém làm ba khúc, xác tấp vào Thắng Tam (Vũng Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và Cần Thạnh (Cần Giờ), mỗi làng thỉnh một bộ phận thi thể cá Ông về thờ cúng.
Điều đó khẳng định rằng, Lễ hội Nghinh Ông hay tục thờ cúng cá Ông (tức cá Voi) đã được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Nguồn gốc lễ hội này gắn với truyền thuyết dân gian được du nhập vào Cần Giờ trong quá trình giao lưu văn hóa của ngư dân Cần Giờ với ngư dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Đây là lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông (cá Voi) nhằm cầu nguyện sự bình an khi ra biển và ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội tổng kết một mùa đánh bắt trên biển của ngư dân và chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới với những ước vọng một mùa bội thu. Đây là lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn, tạ ơn Thần Nam Hải (cá Ông) và Thần Biển của ngư dân huyện Cần Giờ.
Đồng thời, lễ hội còn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để ngư dân tưởng niệm về những người con Cần Giờ có công đầu trong việc chế tạo ra những phương tiện đi biển, ngư cụ đánh bắt thủy hải sản để phục vụ cho ngư dân nhưng đã qua đời và những người đã bỏ mình trong lòng biển sâu. Lễ hội còn là dịp để ngư dân nghỉ ngơi, vui chơi giải trí sau những ngày đi biển gian khổ, bạn bè gần xa có thời gian thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau và qua đó trao đổi những kinh nghiệm đi biển, nâng cao hiệu quả sản xuất, đánh bắt thủy hải sản. Vì vậy, lễ hội đã trở thành ngày Tết của ngư dân, ngày tết trung thu của thiếu nhi trong toàn huyện Cần Giờ.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm một lần, tuy nhiên quy mô tổ chức lễ hội tùy vào hoàn cảnh kinh tế của ngư dân và kết quả đánh bắt trong năm mà họ tổ chức đơn giản hay long trọng. Tại di tích Lăng Ông Tủy Tướng, thị trấn Cần Thạnh, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức rất long trọng, nghi lễ chính được phục hồi và phát triển trở thành lễ hội lớn của nhân dân huyện Cần Giờ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút ngày càng đông ngư dân ven biển và khách thập phương đến dự lễ.
4. Diễn trình phần lễ và hội:
Không khí chuẩn bị cho lễ hội Nghinh Ông được diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết từ các gia đình đến Hội Vạn Lạch và các cấp chính quyền của thành phố, của huyện. Đường xá, công viên, chợ, đình, đền, miếu… được sửa chữa khang trang, sạch đẹp, băng rôn, khẩu hiệu, cờ hội được trang hoàng nghiêm túc, lộng lẫy… Tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng, nơi diễn ra các nghi lễ chính, ngư dân hỗ trợ Hội Vạn Lạch chuẩn bị chu đáo, phân công tu sửa, dọn dẹp và trang trí các bàn thờ, cảnh quan quanh di tích. Những nơi diễn ra lễ hội, chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ chuẩn bị sân lễ, tổ chức trưng bày triển lãm thành tựu phát triển nghề biển của huyện trong năm, chuẩn bị lễ đài để biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian, sân thi đấu và sân chơi cho thiếu nhi, dựng rạp đón tiếp khách và đại biểu… Các gia đình ngư dân, nhất là ngư dân hai bên đường thì lập bàn hương án trước nhà với lễ vật là hương đèn, hoa quả, gạo, muối, rượu trà (có khi có bài vị) để tế lễ Nghinh Ông, mừng đón Ông đi và chờ Ông về với lòng tin rằng Ông về sẽ đem lại phúc lành cho họ, cho người thân và cho những ngư dân đi biển. Các ghe, thuyền lớn nhỏ dù ở xa hay ở gần cũng chuẩn bị sơn sửa, trang trí rực rỡ dành thời gian về để dự lễ Nghinh Ông.
Diễn trình Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh gồm có hai phần: phần lễ và phần hội đan xen nhau nhưng thời gian, địa điểm tổ chức lễ và hội khác nhau.
4.1. Phần lễ: Phần lễ được tổ chức trang nghiêm và long trọng tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng và vùng biển thuộc thị trấn Cần Thạnh. Lễ hội bắt đầu vào ngày 15 tháng 8 âm lịch và kết thúc vào ngày 17 tháng 8 âm lịch theo lịch trình như sau:
*Ngày 15 tháng 8 âm lịch: gồm các chương trình lễ sau: Lễ Thượng Kỳ (lễ treo cờ), Lễ mừng công ngư dân Cần Giờ, Lễ cúng bạn cũ lái xưa, Lễ Cầu An; trong đó, Lễ Thượng Kỳ là nghi thức lễ mở đầu cho Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện nay Lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác được bổ sung vào và tổ chức trước khi thực hiện Lễ Thượng Kỳ nhằm tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ và những ngư dân đã hy sinh trên biển.
– Lễ Thượng Kỳ: được tổ chức ngoài trời, ngay phía trước cửa di tích Lăng Ông Thủy Tướng. Nghi thức Lễ Thượng Kỳ gồm các bước như sau: đầu tiên, ông Chủ Hội Vạn Lạch (Hội Nghinh Ông) đánh 03 hồi trống chiêng và trống báo hiệu Lễ hội Nghinh Ông bắt đầu; sau đó các bô lão, các cấp lãnh đạo địa phương và các ngư dân tham dự cùng đến thắp một nén hương trong ngày đầu của lễ hội… Sau ba hồi trống là nghi thức treo cờ, lá cờ ngũ sắc được kéo lên tung bay trong ánh sáng ban mai tạo nên sự giao hòa của trời và biển, tạo vẻ linh thiêng của lễ hội.
– Lễ mừng công ngư dân Cần Giờ: là buổi lễ tổng kết một năm đánh bắt, nuôi thủy hải sản của ngư dân huyện Cần Giờ. Đây là nội dung lễ mới được các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đưa vào lễ hội trong những năm gần đây nhằm mục đích tạo cho ngư dân có dịp giao lưu học hỏi kinh nghiệm đánh bắt, nuôi thủy hải sản và cũng là dịp để tôn vinh những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nuôi thủy hải sản cũng như đánh bắt thủy hải sản, qua đó khuyến khích ngư dân phát triển nghề nghiệp để phát triển kinh tế.
– Lễ Cúng bạn cũ lái xưa: được tổ chức tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng. Theo đó, Vạn trưởng sẽ là người đứng ra thắp hương đầu tiên, với lễ cúng 3 tuần rượu sau đó là 1 tuần trà. Trong nghi lễ này có rất nhiều bô lão với khăn áo chỉnh tề (áo dài, khăn đóng) cùng đông đảo ngư dân mang lễ vật đến đáp tạ ơn Ông đã đem đến cho ngư dân một mùa đánh bắt bội thu, đồng thời tưởng niệm những người con đất Cần Giờ có công đầu trong việc chế tạo ra ngư cụ đánh bắt và phương tiện đi biển phục vụ cho ngư dân sản xuất, đồng thời tưởng nhớ những người đã mất trên biển, qua đó thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” mang tính nhân văn sâu sắc.
– Lễ Cầu An: được tổ chức trang nghiêm tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng đúng theo nghi thức lễ cúng xưa. Thời gian bắt đầu cử hành nghi lễ là 19 giờ 30 hoặc 23 giờ đến 24 giờ. Hình thức cúng Cầu An giống như cúng đình, nhưng chịu ảnh hưởng của Phật giáo tức là lập đàn cầu an. Nghi lễ sẽ do một bô lão có giọng đọc tốt đứng ra đọc một bài kinh Cầu An mang tính chất cầu siêu cho những con người miền biển luôn làm ăn phát đạt, có cuộc sống ấm no hạnh phúc, đây còn là nghi thức lễ cầu an của khách thập phương và ngư dân gửi gắm niềm tin vào sự che chở và phù hộ của cá Ông khi đi biển. Họ tin rằng cá Ông không chỉ mang đến sự an lành cho ngư dân đi biển mà còn tạo phúc cho những con người sống gắn liền với đất biển thân yêu. Khi đọc xong sớ Cầu An thì vị bô lão sẽ đốt sớ Cầu An vì như thế cá Ông mới có thể nhận được lời cầu nguyện của ngư dân.
Sau khi Lễ Cầu An kết thúc cũng là lúc thời gian điểm 0 giờ ngày 16 tháng 8 âm lịch, đây là thời gian mà theo phong thủy là khoảnh khắc giao thời, khi mà khí âm kết thúc, khí dương bừng sáng, là thời điểm tốt nhất trong ngày. Đúng thời gian này người ta làm heo tế Thần (heo tế cần phải hội tụ các yếu tố sau: heo chỉ có một màu lông, không làm đốm lông, hay có trộn lẫn một màu nào khác). Khi làm heo tế, người ta lấy huyết của heo cạo thêm một phần lông ở trên đỉnh đầu bỏ vào ly rượu để tế Thần. Người ta gọi là Thỉnh Sanh hay còn gọi là tế Mao Huyết.
* Ngày 16 tháng 8 âm lịch: là ngày lễ chính của lễ hội, trọng tâm là Lễ Nghinh Ông trên biển hay còn gọi là lễ cúng Ông. Lễ hội diễn ra trên vùng biển thị trấn Cần Thạnh vào lúc 10 giờ ngày 16 tháng 8 âm lịch.
Từ mờ sáng, hàng ngàn cư dân và du khách trong trang phục quần áo chỉnh tề cùng những lễ vật đã chuẩn bị sẵn cùng tụ hội về ngay trước cửa di tích Lăng Ông Thủy Tướng để dự lễ. Các nhà dân xung quanh trên các con đường mà đoàn Nghinh Ông sẽ đi qua đã lập sẵn bàn thờ và mâm cỗ gồm: gạo, muối, rượu, trà, hương đèn, hoa quả để chờ nghinh Ông về. Bắt đầu nghi lễ là nghi thức khiêng Kiệu Nghinh Ông từ di tích Lăng Ông Thủy Tướng diễu qua các đường phố rồi đến cửa biển Cần Thạnh thì dừng lại và chuyển lên ghe nghinh để ra biển đón Ông về. Ghe Nghinh Ông được Hội Vạn Lạch chọn từ trước và trang trí lộng lẫy hơn tất cả các tàu thuyền khác. Theo tục lệ xưa, ghe được chọn làm ghe ghinh là ghe mà người chủ ghe đó không có tang chế. Địa điểm Nghinh Ông trên biển là “tam giang khẩu”, đây là nơi giáp nhau của ba con nước (cách bờ biển khoảng 4 hải lý, 1 hải lý =1,8km). Các ghe tàu đánh bắt tại địa phương về dự lễ đã neo đậu sẵn trên bờ biển, trên ghe giăng đèn, kết hoa, treo cờ màu sắc rực rỡ và trước mỗi ghe đều bày mâm lễ vật để chuẩn bị ra khơi cúng Ông. Lễ vật ngư dân cúng tế thường là gà, vịt, đầu heo, heo quay, đặc biệt không bao giờ cúng Ông bằng đồ hải sản vì đây là binh tướng của Ông. Ngoài ra, còn có tàu của Công an, bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự giúp buổi lễ nghinh Ông trên biển diễn ra an toàn, tốt đẹp.
Đoàn thực hiện nghi lễ Nghinh Ông gồm: ban quý tế (chánh bái, phó bái); ban bồi bái (văn để), đào thài, lễ sinh (học trò lễ), ban nhạc lễ, lính áp hầu, bàn nghinh. Đi đầu là ông Vạn trưởng, tiếp theo là học trò lễ (mặc đồ tú tài cung đình), đào thài (đào hát bội), lính áp hầu (trang phục màu vàng, sọc đỏ, quần quấn cạp) cầm cờ ngũ sắc, kế là ban quý tế với khăn đóng áo dài màu xanh nước biển. Phía sau là bốn người lính áp hầu khiêng bàn nghinh (bàn nghinh làm bằng gỗ quý và chạm trổ theo kiến trúc chính điện lăng thu nhỏ) trên có bài vị thờ Ông Thủy Tướng, lư hương, chân đèn, cùng với lễ vật cúng Ông gồm: xôi, chè, lòng heo, thịt heo luộc (hoặc vịt luộc), trái cây, bình bông, trầu cau, gạo muối, rượu, trà, bánh… Riêng lư hương có cắm ba bài vị với giấy đỏ, viết chữ Nho bằng mực đen, được dịch nghĩa như sau: Hà bá Thủy quan tôn thần; Nam Hải cự tộc ngọc lân thủy tướng; Thủy Long Thần Nữ Nương Nương.
Đúng 10 giờ, kiệu Nghinh Ông được đưa lên ghe chủ đến “tam giang khẩu” thì lễ Nghinh Ông trên biển chính thức diễn ra. Các nghi lễ do ban quý tế (là những bô lão lớn tuổi được ngư dân bầu ra) thực hiện. Khởi đầu cho lễ cúng Ông trên biển là ba hồi trống vang lên, sau đó hai bô lão đứng ra chủ trì lễ rước Ông trên biển. Mâm cổ lúc này được đặt thêm xôi, thịt heo sống, sớ cầu an, gạo, muối và giấy tiền (vàng mã). Nghi thức lễ gồm: lễ thượng hương (thắp hương), lễ chầu rượu (hai bô lão thắp hương và vái ba vái, ba lạy), lễ đọc sớ (do một bô lão đọc sớ, sau khi đọc xong thì đốt và rải tro xuống biển), lễ đại điền (lễ dâng trà theo tục lệ cổ truyền của người Việt).
Sau khi Lễ dâng trà kết thúc, đoàn ghe nghinh Ông quay đầu hướng về đất liền, một bô lão được cử ra đốt giấy tiền và sớ cầu an của ngư dân gửi đến Ông với ước mong mang điềm phước lành về cho họ. Tiếp đó là vãi gạo, muối xuống biển, như một hình thức tỏ lòng cảm ơn đối với những oan hồn, binh tôm tướng cá (do người dân tưởng tượng và tin rằng đi hộ tống Ông). Đến khi đoàn ghe thuyền rước kiệu Ông gần cập vào đất liền, thì đoàn ghe thuyền sẽ di chuyển thành một vòng tròn trong tiếng trống, chiêng vang dội cộng với tiếng reo hò của ngư dân tạo nên một không khí sôi động, mừng Ông đã từ ngoài khơi trở về với đất liền và đây cũng là nghi lễ ra mắt chào quan khách.
Cách thức nghinh Ông đi và về diễn ra long trọng và trang nghiêm, đi đầu là đoàn Lân Sư Rồng, kế đến là xe hoa được trang trí rực rỡ và trang nhã, sau đó là đoàn thiếu nhi của huyện, tiếp theo là các bô lão, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương. Theo sau kiệu Ông là những binh tôm tướng cá hộ tống kiệu Ông về, cuối đoàn kiệu nghinh ông là đội hình 30 người trong đội đi cà kheo do huyện tổ chức. Trong quá trình nghi lễ diễn ra, các ban nhạc lễ không ngừng đánh trống, chiêng và hương khói nghi ngút tạo nên không khí linh thiêng cho buỗi lễ.
Sau khi đoàn Nghinh Ông quay về thì Lễ Túc Yết (gồm lễ Xây Chầu võ và lễ Đại Bội) được tổ chức tại Lăng Ông Thủy Tướng. Lễ Xây Chầu võ diễn ra như một phần nghi thức quan trọng, trọng tâm lễ là chiếc trống Đại Lôi (đại cổ) được chọn để xây chầu và nội dung gồm: phần lễ thỉnh roi (ông Chấp sự thỉnh roi, lấy khăn lau mặt trống, quấn vào roi chầu, chừa phần góc khăn), phần lễ khai thông thái cực (ông Chấp sự đánh vào giữa mặt trống một tiếng lớn, hai tiếng nhẹ), phần lễ tam luân (ông chấp sự đánh ba hồi trống tam luân, tổng cộng 12 tiếng)… Tiếng trống vang lên có ý nghĩa khởi sự cho sự vui mừng đón tiếp Ông về. Sau đó, là lễ thắp hương cho Ông và lễ cúng Ông, đọc văn tế. Cuối cùng ông chấp sự đánh trống khai tràng, kết thúc tiếng trống chầu cũng là lúc kết thúc lễ Xây Chầu và bắt đầu lễ Đại Bội.
Lễ Đại Bội là lễ hát tuồng cho Ông xem tại phần Võ Ca của di tích Lăng Ông Thủy Tướng do các Đoàn nghệ thuật của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Các tuồng hát cho Ông xem là các tuồng cổ và lưu truyền cho đến nay, như: Mộc Quế Anh dâng cây, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Ngọc Kỳ Lân xuất thế, Tam nữ đồ Vương, Phụng Nghi Đình…
Lễ cúng Ông trên biển tại Cần Giờ không chỉ mang nét riêng về hình thức mà cả về nội dung cúng tế. Từ hình thức cúng Ông trên biển đến khi nghinh Ông về lăng, diễn tuồng cho Ông xem đều mang âm hưởng lễ nghi của vùng sông nước Nam Bộ khác hẳn tập tục cúng Ông tại các tỉnh khác trên đất nước Việt Nam.
* Ngày 17 tháng 8 âm lịch: tất cả các ban chủ sự đứng ra làm Đại lễ cổ truyền, sau đó là lễ tạ ơn Thần Nam Hải (Cá Ông), đây cũng là nghi lễ bế mạc Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ngày này, các ngư dân và khách dự lễ tiếp tục trở về Lăng Ông Thủy Tướng để dự Đại lễ tạ ơn Ông và cầu an, cầu tài, cầu hạnh phúc cho gia đình.
4.2. Phần hội: song song với phần lễ là phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí như: thả chài, bắt vịt trên biển, trói cua, đá bóng cà kheo diễn ra sôi nổi từ bãi biển chợ Cần Giờ kéo dài đến bãi biển Công viên Cần Thạnh suốt từ ngày 15 đến 17 tháng 8 âm lịch, nhằm tạo cho mọi người tham dự được thưởng thức một không khí vui tươi, hạnh phúc và an lành sau những ngày lao động vất vả trong năm. Thời gian gần đây, lễ hội được tổ chức thêm một số hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh như: đánh bi sắt, chạy marathon, cờ tướng, bóng chuyền bãi biển, triễn lãm thành tựu nghề biển và các ngành nghề khác của địa phương, qua đó tạo điều kiện cho khách tham dự giao lưu với ngư dân.
Ngoài ra, các điệu múa lân (lân sư múa đi trên quả cầu, lân đi trên mai hoa thung, biểu diễn múa rồng) được đoàn lân, sư, rồng chuyên nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn đã tạo thêm sự đa dạng của văn hóa lễ hội. Từ năm 2011 đến nay có thêm hội thả diều đèn nghệ thuật vào lúc 22 giờ do Câu lạc bộ diều Sài Gòn biểu diễn. Đặc biệt, trên vùng biển Cần Giờ có tổ chức Hội hoa đăng vào lúc 23 giờ ngày 15 tháng 8 âm lịch, đã thu hút đông đảo bà con ngư dân tham gia. Lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào dịp rằm tháng 8 trùng với Tết Trung Thu của các em thiếu nhi, vì vậy Ban tổ chức lễ hội đã đồng thời tổ chức hội rước đèn Trung thu vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 15 tháng 8 âm lịch nhằm tạo hoạt động vui chơi cho các em thiếu nhi.
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ trong sinh hoạt và đời sống lao động của nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển. Lễ hội với các nghi thức, nghi lễ, trò chơi mang tính độc đáo riêng đã thể hiện bản sắc văn hóa của ngư dân ven biển và còn là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ có nét tương đồng với một số nghi thức lễ chính so với các lễ hội Cầu Ngư và lễ hội Nghinh Ông khác trong khu vực, nhưng lại có nét đặc trưng riêng về một số nghi tiết lễ hội và diễn ra vào dịp Tết Trung Thu, cộng thêm nhiều huyền thoại, chuyện kể dân gian về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất rừng ngập mặn Cần Giờ từ đó đã tạo nên một lễ hội Nghinh Ông mang màu sắc riêng biệt của địa phương.
Một số hình ảnh minh họa:
Di tích Lăng Ông Thủy Tướng
Bộ xương Cá Ông được thờ tại Lăng Ông Thủy Tướng
Lễ viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Rừng Sác
Lễ Thượng kỳ
Đoàn Nghinh Ông bắt đầu xuất phát
Đoàn Nghinh Ông di chuyển ra bến tàu
Quang cảnh đoàn ghe Nghinh Ông trên biển
Nghi thức cúng Ông trên biển
Lễ Xây chầu
Lễ Đại bội
Người dân đến lễ bái Ông
Trò chơi trói cua
Trò chơi đi cà kheo
Trò chơi đẩy gậy