Lễ Hội Kate 2022: nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm Ninh Thuận – Ninh Thuận Review

Không biết từ bao giờ cứ đến thời gian giao mùa, mảnh đất nắng Phan Rang bắt đầu đón những cơn mưa đầu mùa rơi xuống xua đi cái nóng hè kéo dài, người dân Ninh Thuận và đồng bào Chăm lại nao nức đón mừng một mùa Lễ Hội Kate.

Trong không khí lễ hội Kate thật đặc biệt cùng những điệu múa, những làn điệu dân ca Chăm, cộng hưởng với bản hòa âm của trống Gi Năng, trống Paranưng và kèn Saranai tất cả tạo nên một không gian lễ hội thiêng liêng sống động để những ai đã từng một lần đến Du lịch Ninh Thuận hòa chung không khí lễ hội đều nhớ mãi luôn muốn tìm về nơi đây!

Thời gian diễn ra Lễ Hội Kate 2022 ở Ninh Thuận: đang cập nhật…

Kịch bản chi tiết chương trình Lễ Hội Kate 2022 ở Ninh Thuận sẽ được ninhthuanreview.com cập nhất sớm nhất…. (thời gian tổ chức thay đổi hàng năm vì lễ hội Kate được tính chính xác theo Chăm lịch – lịch riêng của đồng bào Chăm)

Lễ hội Kate 2022: diễn ra từ 24 – 26/10/2022

_ 24/10: Tại làng Hữu Đức

_ 25/10: Tại Tháp Chàm PoKlong Garai

_ 26/10: Hoạt động tại các gia đình và làng Chăm.

Thưởng thức tiếng trống Gi Năng mỗi mùa Kate lại về trên đất Ninh Thuận

Lễ Hội Kate: là gì, có từ khi nào?

Văn hóa Chăm nói chung còn đọng lại hôm nay chỉ là bóng mờ của quá khứ, cho nên muốn biết Lễ hội Kate có từ khi nào phải ngược nguồn một quãng đường dài cũng như phải có cái nhìn thực địa vào những gì đã và đang diễn ra. 

Bởi Kate đã đứt mạch và ngưng trệ trong một thời gian dài từ khi triều đại cuối cùng cáo chung vào thế kỷ XVII, chỉ được phục dựng lại vào thập niên năm 60 thế kỷ XIX và được tôn tạo theo thời cuộc cho đến ngày hôm nay. 

Lễ hội Kate 2022Lễ hội Kate 2020 diễn ra tại Tháp Chàm Po Klong Garai

Có nhiều học giả và nhà nghiên cứu đặt vấn đề tìm hiểu căn nguyên về lễ hội này, nhưng nhìn chung chưa đi thẳng vào cốt lõi mà chỉ mô tả về bên ngoài nhiều khi làm người đọc càng thêm hoang mang hụt hẫng…

Chăm bí ẩn là thế bởi không có gì rõ ràng rành mạch, mọi thứ dường như bị chôn vùi trong tro bụi thời gian và không gian ngay cả trong ký ức của những vị cao niên thông thái nhất.

Tháp Chàm hiện hữu sừng sững ngay trước mắt có thể tai nghe mắt thấy tay sờ, thế mà nhiều nhà khoa học với nhiều phương tiện hiện đại cũng không thể lý giải được kết cấu của từng viên gạch hình thành lên ngôi tháp. Kate thật xa và cũng thật gần là thế, hãy đến với Kate trong chính tự cõi lòng! 

Tìm về nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Hội Kate: Kate là gì?

Dân tộc Chăm có ba lễ hội quan trọng nhất, đó là Rija Nưgar, Kate và Cabbur. Rija Nưgar là tết đầu năm tương đương với tết Nguyên đán của người Việt bởi nó bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 Chàm lịch, có nghĩa là ngày lễ tết của toàn xứ sở vương quốc Champa ngày xưa. Đó là ngày tết truyền thống đón năm mới của toàn dân Chăm cho dù cư trú ở vùng miền nào, thuộc sắc tộc nào hiện diện trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Champa xưa. 

Lễ hội Kate Ninh ThuậnNiềm vui đón lễ hội Kate của đồng bào Chăm tại tháp Po Klong Garai

Không biết ngày xưa lễ tết này diễn biến và được tổ chức quy mô như thế nào nhưng hôm nay chỉ còn gói gọn ở phạm vi làng như một tục lệ, làng nào cúng lễ làng ấy để rồi sau đó cúng lễ theo từng gia đình tộc họ. 

Trở lại từ Kate là gì không chỉ để định nghĩa mà là để thấu hiểu ý nghĩa của nó một cách căn cơ nhất có thể để từ đó có một hướng nhìn mới về lễ hội này. Nếu Rija Nưgar bắt đầu một năm mới thì Kate khởi đầu vào giữa năm vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch, cho nên tạm gọi Kate là tết giữa năm. 

Mâm cúng Kate tại Tháp Chàm Po Klong GaraiMâm cúng được chuẩn bị trang trọng, đầy đủ tại Tháp Chàm Po Klong Garai

Trong từ vựng Chăm chỉ có duy nhất một từ Kate trong cụm từ Ar Kate, có nghĩa là chuyện trên trời để ám chỉ những điều cao xa mà người trần gian khó tiếp cận và thấu hiểu. Chăm bảo rằng Kate di bingun Cabbur di klơm, có nghĩa là lễ Kate được tổ chức trong thượng tuần còn Cabbur luôn khởi đầu vào hạ tuần trăng. 

Điều này cho thấy rằng Kate thuộc dương nên chỉ thỉnh mời dương thần ở trên thượng giới mà tiếng Chăm gọi là Ywơr Yang, những vị thần mang tính thần thoại cùng những thần vua đã có công khai phá đất nước để có thành quả đến ngày hôm nay. 

Còn Cabbur thuộc âm nên chỉ ưu tiên mời Quốc mẫu Po Inư Nưgar cùng những vị tiền hiền mang tính địa phương hơn là toàn vương quốc và tầm vóc có phần nào lép vế hơn so với Kate. 

Triết lý âm dương Chăm còn được phản ánh rõ nét hơn khi Kate được tổ chức vào tháng 7 bởi đó là biểu tượng của tính dương thuộc về người đàn ông, Cabbur diễn ra vào tháng 9 bởi đó là tính âm thuộc về người phụ nữ. 

Số 7 tượng trưng (padah tok) cho trí tuệ qua thất khiếu với đầy đủ giác quan trong một cái đầu (sa baoh cơk tajuh gilaung), những kiến thức cần thiết để trang bị cho chiến đấu. 

Số 9 là sự bổ sung thêm hai bầu sữa tượng trưng cho dòng suối mát của trực giác và linh cảm, một sự trú ẩn cần thiết cho sự sinh sản và dưỡng dục. Ariya Xah Pakei có câu: Hơc po kanai jiơng crauh / Jiơng bbol sa bauh caik ray gơm gabbak để nói lên khát vọng của sự hòa hợp này, từ tình cảm bình dị của con người cho đến quy luật sinh tồn của thiên nhiên. 

Lễ hội Kate 2Ngày hội đầy màu sắc của đồng bào Chăm trong lễ hội Kate

Từ những lý giải nêu trên có thể kết luận rằng: Kate là Lễ tế trời và Cabbur là Lễ tế đất. Kate đã mất đi một thời gian dài và được phục dựng lại một thời gian không lâu nhưng phần nào cũng đáp ứng được đời sống tâm linh của người Chăm trong những ngày lễ hội thiêng liêng vui vẻ. 

Tự hỏi nếu không có tháp Chàm thì Kate sẽ lên đâu nhỉ? Và nếu không có Kate thì ngôi tháp Chàm sẽ buồn biết bao nhiêu? Có nhiều ngôi tháp hoang vẫn đang gục đầu trong hoang lạnh, cũng như có nhiều linh hồn lang bạt còn nơi trở về để mừng Kate trên đất tháp. 

Hãy nở một nụ cười trên đôi môi héo, long lanh khóe mắt buồn chợt vỡ òa vui để tay bắt mặt mừng ôm nhau thật chặt. Xalam (xin chào) nhé Kate, Xalam mùa thu, Xalam những người bạn quen cùng chưa quen… Xalam đất trời cùng tất cả mọi người đang tìm lại chính mình trong vòng tay bè bạn! 

Lễ Hội Kate đồng bào Chăm Ninh Thuận: được tổ chức ở đâu, diễn ra vào thời gian nào?

Lễ hội Kate của người Chăm ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận hằng năm được khai diễn vào ngày 1.7 Chăm lịch, thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. 

Đây là lễ hội lớn kéo dài trong 3 ngày, với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Theo truyền thuyết, trong “gia đình Champa xưa” thì người Chăm là chị cả, người Raglai là em út. Em gái út trong gia đình mẫu hệ Chăm sẽ là người cất giữ đồ gia bảo của tổ tiên, vì vậy y phục của các vị thần của người Chăm do người Raglai cất giữ.

Ngày đầu tiên của lễ Kate là ngày mà người Raglai rước y phục của các vị thần trở về làng của người Chăm ở khu vực có đền thờ của vị thần đó. Buổi lễ rước và lễ đón y phục của người Chăm diễn ra rất trang trọng, với những hoạt động văn nghệ truyền thống Chăm đặc sắc tại làng Hữu Đức.

Lễ rước y trang tại Hữu Đức 2
Lễ đón rước y phục nữ thần Po Nagar từ làng Raglai Phước Hà về làng Chăm Hữu Đức (Nình Thuận)Lễ đón rước y phục nữ thần Po Nagar từ làng Raglai Phước Hà về làng Chăm Hữu Đức (Nình Thuận)

Ngày thứ hai là ngày đặc sắc nhất của lễ hội diễn ra tại Tháp Po Klong Garai. Với nghi thức: rước y phục của vị thần lên tháp, lễ mở cửa tháp, tiến hành tắm rửa cho tượng thần, khoác y phục cho tượng thần, cùng các đại lễ truyền thống khác. 

Ngày này, những người Chăm địa phương và các vùng lân cận (không có đền tháp) đều tìm về đền tháp, trong những bộ trang phục lễ hội truyền thống đẹp nhất của mình, sắm sửa lễ vật cúng dâng các thần để cầu mong những điều tốt đẹp.

Lễ hội KateLễ hội Kate diễn ra vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch – đầu tháng 10 theo Dương Lịch

Ngày thứ ba là phần lễ hội ở các làng, các gia đình. Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng cầu mong cho tổ tiên, thần linh phù hộ để con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Múa Chăm ở làng Hữu Đức 2Múa Chăm ở làng Hữu Đức 1Nhiều hoạt động văn nghệ diễn ra rất sôi động tại các làng Chăm trong suốt thời gian diễn ra lễ hội

Với các hoạt động lễ hội diễn ra trên các đền tháp cổ kính, lễ Kate đã thu hút rất đông du khách khắp nơi về dự, và ngày nay đã trở thành một lễ hội lớn nhất trong năm của người Chăm. 

Năm 2017, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Giờ đây, Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Raglai ở Ninh Thuận.

Một vài lưu ý cần thiết khi đến tham dự lễ hội Kate ở Ninh Thuận

Trầu cau Kate tại tháp Po Klong GaraiKhay trầu cau được chuẩn bị trang nghiêm làm lễ vật cúng thần tại Tháp Po Klong Garai

Hàng năm kịch bản tổ chức Lễ Hội Kate sẽ được cập nhật trước 1 tháng để công tác chuẩn bị tổ chức được tốt nhất cũng như công bố thời gian tổ chức chính thức theo Dương Lịch để du khách gần xa có thể thu xếp tham dự lễ hội độc đáo này.

Kịch bản Lễ hội Kate sẽ cập nhật đầy đủ thời gian và địa điểm tổ chức trong 03 ngày diễn ra chính thức của lễ hội. Vì vậy, bạn có thể yên tâm chủ động thời gian theo dõi lễ hội.

Ninh Thuận với khí hậu nắng nóng vì vậy khi tham gia Lễ hội Kate mang nên trang bị đồ dùng chống nắng và nước uống mang theo để không bị gián đoạn trong quá trình tham gia hòa vào không khí lễ hội.

Thời gian diễn ra lễ hội du khách tập trung về Ninh Thuận rất đông, vì thế vấn đề tự bảo vệ tài sản cá nhân nên được đề cao cảnh giác và tránh mang theo các đồ trang sức có giá trị khi tham gia lễ hội.

Ngày thứ 2 của Lễ hội Kate diễn ra tại Tháp Po Klong Garai là ngày du khách khắp cả nước tập trung về đông nhất, bạn nên đi sớm hơn thời gian kịch bản công bố để chọn được vị trí tốt nhất tham gia lễ hội.

Thuê hoặc mua cho mình một bộ trang phục Chăm Ninh Thuận tại làng Mỹ Nghiệp để hòa mình vào lễ hội. Lưu lại những bức ảnh ấn tượng nhất khi dự lễ hội Kate – chắc chắn đó là một kỷ niệm khó quên tại vùng đất Panduranga.

(P/s: Ninh Thuận Review tham khảo và sử dụng tài liệu: Kate là gì? từ nguồn tác giả TRÀ VIGIA để tưởng nhớ ông một nhà văn Chăm)

Blogger: Tuệ Minh