Lễ hội Gò Đống Đa Và chương trình kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa – Cổng thông tin Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội
Lễ hội năm nay sẽ có nhiều nét đặc sắc, độc đáo, đa dạng hơn những năm trước. Theo kế hoạch, buổi tối sẽ có Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện. Hiện di tích gò Đống Đa đang được quận Đống Đa và Thành phố Hà Nội đề nghị là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Hội gò Đống Đa được coi là lễ hội đầu tiên, mở đầu cho một mùa lễ hội của Hà Nội. Lễ hội gò Đống Đa liên quan đến một loạt địa danh gồm đình Khương Thượng, chùa Bộc, chùa Đồng Quang, gò Đống Đa. Địa điểm chính diễn ra lễ hội là gò Đống Đa. Hội gò Đống Đa diễn ra với nhiều nghi thức, lễ thức, nhưng một nghi thức không thể thiếu được đó là tục rước rồng lửa nhằm tái hiện lại trận đánh oai hùng của quân Tây Sơn với giặc Thanh. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Lễ hội Gò Đống Đa không chỉ có rước rồng lửa mà còn có biểu diễn võ thuật. Ngày nay còn có múa lân của nhiều đoàn võ thuật của Hà Nội và Bình Định, lò vật cổ truyền nổi tiếng của cả nước – quê hương của Quang Trung Nguyễn Huệ và biểu diễn trống hội của các Nhà hát nghệ thuật thuộc Sở VHTT Hà Nội và của các đoàn nghệ thuật Trung ương.
Nguyễn Huệ sinh năm 1753 , mất năm 1792. Ông sinh tại ấp Tây Sơn, làng Kiên Mỹ, huyện Bình Kê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nguyễn Huệ còn được biết đến là Quang Trung Hoàng Đế, hay Bắc Bình Vương. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi được các sử gia đương thời và sau này đề cao. Ông là Anh hùng dân tộc, người có nhiều hoài bão lớn lao nhằm xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh mọi mặt nhất là về quân sự, ngoại giao. Ông đã có nhiều công lao trong việc cải cách đất nước. Đặc biệt ông còn là nhà quân sự lỗi lạc, nhà ngoại giao tài ba với khả năng đối nội, đối ngoại linh hoạt, chưa thất bại bao giờ trên cả hai lĩnh vực. Nhờ ông và những người anh em đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài của 2 tập đoàn phong kiến Trịnh (Bắc) – Nguyễn (Nam).
Hàng năm lễ hội tưởng nhớ vua Quang Trung được tổ chức ở 2 địa điểm trong cả nước, đó là làng Mỹ Kiên, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, quê hương Quang Trung – Nguyễn Huệ và là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Địa điểm thứ hai đó là tại Gò Đống Đa với chiến thắng ròn rã Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng thành Thăng Long, đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Lịch lễ hội gò Đống Đa được tổ chức hàng năm như sau: Trước Tết âm lịch tổ chức dọn vệ sinh quanh các điểm diễn ra lễ hội, treo cờ hội và các loại cờ khác. Việc lau chùi đồ tế khí, đồ thờ cũng được thực hiện trong dịp đó. Sau những ngày đầu năm vui vẻ, tưng bừng, đến chiều mùng 4 Tết, vị chủ tế cùng một cụ từ ở đình Khương Thượng chuẩn bị các đồ thờ rồi sang chùa Bộc thắp hương trước bàn thờ tượng vua Quang Trung.
Khi ấy các địa điểm chùa Bộc, đình Khương Thượng, gò Đống Đa đã được trang hoàng rực rỡ với cờ thần, cờ hội, ngày nay được trang hoàng thêm cờ dây, cờ chuối, băng rôn, áp phích nhiều màu trông thật hoành tráng, lộng lẫy và đẹp mắt. Gò Đống Đa – địa điểm chính đã được trang hoàng từ trước Tết âm lịch, lại có thêm những chậu đào, cây mai và một sân khấu lớn trước tượng đài vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Sáng sớm mồng 5 Tết, chiêng trống nổi lên rộn rã. Ngày nay còn thêm hệ thống loa đài phát các bài hát, bản nhạc khiến không khí càng thêm long trọng. Từ lúc trời chưa sáng rõ, nhân dân sống quanh khu vực lễ hội và các vùng phụ cận đã kéo về đông đúc. Xưa kia 3 làng Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng tổ chức cướp đầu giặc. Đầu giặc là một củ chuối được gọt cho thật tròn, sơn hồ bóng cho đen kịt. Chiếc đầu này tượng trưng cho chiếc đầu của tướng giặc Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự vẫn ở đồn Khương Thượng khi xưa. Sau khi thắp hương là nghi thức tế thần. Theo quy định thì khi tế thần sẽ dâng 6 tuần rượu và đọc văn tế. Lúc này là lễ rước thần, sau khi ba hồi chín tiếng trống hội vang lên, đoàn rước khởi hành theo trống lệnh, đi từ đình Khương Thượng đến gò Đống Đa, dài khoảng hơn 1 km. Trang phục đoàn rước giống như thời nhà Tây Sơn.Trong lúc đoàn rước hành lễ về gò Đống Đa thì ở chùa Đồng Quang, nằm bên phố Tây Sơn, đối diện gò và ở chùa Bộc, trên phố Chùa Bộc gần đó các tín đồ cũng tấp nấp ra vào để cầu hồn cho các quân sỹ tử nạn. Chùa Đồng Quang là nơi cầu siêu cho các tử sĩ nhà Thanh, chùa Bộc là nơi cầu siêu cho các tử sĩ nhà Tây Sơn và tôn vinh hoàng đế Quang Trung vĩ đại. Tại chùa Đồng Quang thì làm lễ “cúng cháo thí” cho các cô hồn chiến bại. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của nhân dân Hà Thành với những kẻ xâm lược. Đến nơi, đoàn rước sẽ được chào đón bằng dàn quân nhạc, đội trống ếch và kèn của các cháu thiếu nhi. Sau khi hạ kiệu, Ban tổ chức làm lễ dâng hương tưởng niệm và đọc bài văn tế ôn lại tiểu sử, chiến tích của hoàng đế Quang Trung. Tiếp theo là phát biểu của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Đồng chí Bí thư quận ủy hoặc Chủ tịch UBND quận Đống Đa sẽ lên đọc tổng kết những thành tựu kinh tế xã hội của quận Đống Đa năm qua và phát động phong trào thi đua cho năm tới. Kết thúc sẽ là phần dâng hương của các đoàn khách của các tỉnh, thành về dự hội, trong đó có tỉnh Bình Định quê hương của Hoàng đế Quang Trung và nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh tượng đài Quang Trung, các võ đoàn sẽ biểu diễn võ thuật, các đội rồng, đội lân của Đống Đa sẽ tổ chức múa rồng, múa lân. Những năm gần đây các Nhà hát nghệ thuật về gò Đống Đa tổ chức biểu diễn các chương trình như: Màn trống hội, Kịch về Ngọc Hân Công chúa và Hoàng đế Quang Trung, các trích đoạn chèo, tuồng vui, những điệu múa, bài hát ca ngợi đất nước, ca ngợi thủ đô.
Ở phía xa sân khấu, quanh khu gò Đống Đa là một loạt các trò chơi mang tính đua tài như: Đánh đu, đấu vật (hai trò này nay không tổ chức), chơi cờ người, chọi gà v.v. khiến không khí lễ hội thêm tưng bừng, náo nức. Lễ hội Đống Đa kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào những năm chẵn được tổ chức rất quy mô, hoành tráng (đại đám), hàng năm tổ chức hội lệ.
Năm 2019 là năm Đại đám, kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Ngay từ tháng 10 năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã có Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 19/10/2018, và Công văn số 9/HĐTĐKT-BTĐ về đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Theo đó, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng – mừng xuân 2019, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hiến và anh hùng của dân tộc; chú trọng tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với các nhà nghiên cứu lịch sử… nhằm ôn lại những chiến công hào hùng của chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa và bề dày lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp này, thành phố Hà Nội cũng khuyến khích các địa phương, ban, ngành kịp thời phát hiện các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động kỷ niệm để biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền nhân rộng nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.
Được sự chỉ đạo của quận ủy Đống Đa, UBND quận Đống Đa đã xây dựng Báo cáo số 316/BC-UBND, ngày 23 tháng 11 năm 2018 về Kế hoạch Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2019) trên địa bàn quận Đống Đa. Theo đó, công tác tuyên truyền được thực hiện từ tháng 09/2018 đến hết ngày 15/2/2019, cao điểm là các hoạt động gắn với Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, dưới các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan và thông tin đại chúng.
Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm với 23 nội dung như: Các cuộc thi tìm hiểu, thi viết trong học sinh, sinh viên, đoàn viên về Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức đến thăm quan, học tập truyền thống, dâng hương tại Công viên văn hóa Đống Đa; Tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực Công viên văn hóa Đống Đa…Đáng lưu ý, nhân dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND quận Đống Đa tổ chức triển lãm về thời kỳ Tây Sơn tại Công viên Văn hóa Đống Đa…
Về lễ hội gò Đống Đa, khác mọi năm do Quận tổ chức, năm nay Thành phố Hà Nội sẽ chủ trì tổ chức lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào ngày 09/2/2019, tức Mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi tại Công viên Văn hóa gò Đống Đa tại số 4 phố Đặng Tiến Đông, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, thời gian từ 6h00 đến 21h00. Lễ hội năm nay sẽ có nhiều nét đặc sắc, độc đáo, đa dạng hơn những năm trước. Theo kế hoạch, buổi tối sẽ có Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện. Hiện di tích gò Đống Đa đang được quận Đống Đa và Thành phố Hà Nội đề nghị là di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Thanh Quy
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm