Lễ hội Gióng

Tôn vinh thánh Gióng, có nhiều lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi thuộc đồng bằng Bắc Bộ để kỷ niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong số lễ hội đó, hội Gióng quan trọng và hoành tráng nhất là lễ hội Gióng Phù Đổng được tổ chức ở đền Phù Đổng (còn gọi là đền Gióng, đền Thượng), xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngoài ra, ở Hà Nội còn có những hội Gióng được tổ chức ở một số xã khác như: hội Dóng Chi Nam (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm); hội Gióng Xuân Đỉnh (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm); hội Gióng Sóc Sơn (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn); hội Gióng Bộ Đầu (xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín).

 Việc tổ chức hội Gióng bắt đầu từ khoảng thế kỷ 11, đời Vua Lý Thái Tổ. Lý Công Uẩn trước khi sáng lập ra triều Lý sống ở chùa Kiến Sở, gần đền Phù Đổng và thường đến đây dâng hương cầu xin thần cho biết vận mệnh đất nước. Một đêm, ông nằm mơ được bài sấm gồm bốn câu thơ:

Nhất bát công đức thủy

Tuỳ duyên hoá thế gian

Quang quang trùng chiếu chúc

Một ảnh nhật đăng san

Bài sấm này được diễn dịch đại ý là: Lý Công Uẩn sẽ tạo ra một triều đại mới tồn tại được tám đời vua, làm cho đất nước thanh bình, thịnh trị. Triều đại đó sẽ tàn khi có một vị vua mang tên có chữ “nhật” đặt trên chữ “sơn”. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội.

Ngày nay hội Gióng được tổ chức và chuẩn bị, dàn dựng công phu với sự tham gia của đông đảo nhân dân. Mặc dù diễn ra từ mùng 6 đến 12 tháng Tư âm lịch theo truyền thống. Khâu chuẩn bị đã được bắt đầu từ mùng 1 tháng Ba âm lịch. Diễn xướng chính của lễ hội là nghi thức tái hiện lại chiến công của Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân theo truyền thuyết.

 Theo truyền thống, hai làng Phù Đổng và Phù Dục luân phiên nhau giữ vai trò chủ hội, cử ông “Hiệu cờ” (tượng trưng của Thánh Gióng) và các tướng của đội quân Văn Lang. Hai làng Đổng Viên, Đổng Xuyên cử người đóng vai đội quân lương, làng Hội Xá góp phường múa Ải Lao và diễn trò bắt hổ, 6 giáp của làng Phù Đổng sẽ lần lượt giữ vai trò đó rồi đến 4 giáp của làng Phù Dục. Ngày 1 tháng Ba, nơi đến phiên làm chủ hội thực hiện nghi lễ dâng cúng hai cơi trầu và nhận sổ Hội lệ (sổ ghi các nghi thức, quy định của hội theo truyền thống) về để tổ chức. Thành phần và sự phân công các vai diễn chính trong lễ hội như sau:

Hiệu cờ

Hiệu chiêng

Hiệu trống

Hiệu trung quân

Hiệu tiểu cổ (còn gọi là Hiệu tiền quân)

Các ông Hiệu đều do làng chủ hội chọn trong số nam giới chưa vợ từ 12 đến 20 tuổi của 4 làng Phù Đổng, Đổng Viên, Đổng Xuyên, Phù Dục, hai Hiệu tiểu cổ bao giờ cũng dưới 16 tuổi. Trường hợp chưa đủ số lượng thì cũng có thể chọn người đã có vợ nhưng không được quá 26 tuổi.

Các ông Hiệu là bộ chỉ huy của đội quân Văn Lang, binh lính của đội quân Văn Lang thường được chọn trong số nam giới từ 18 đến 36 tuổi và gồm có:

Phù giá nội: là đội cận vệ của Thánh Gióng, gồm những người trẻ tuổi.

Phù giá ngoại: là đội quân chủ lực của Thánh Gióng.

Xướng suất: mỗi người chỉ huy một đội phù giá ngoại.

Cùng với binh lính chính quy là những đội quân quần chúng:

Đội thám báo, đội quân lương.

Làng áo đỏ: tượng trưng cho đội quân thiếu niên.

Làng áo đen: tượng trưng cho đội quân nông dân.

Đội quân giặc Ân trong lễ hội chỉ gồm 28 tướng giặc, gọi là nữ tướng. Đóng vai tướng giặc là các cô gái từ 10 – 13 tuổi cũng được chọn từ 4 làng Phù Đổng, Đổng Viên, Đổng Xuyên, Phù Dục. Trong số 28 tướng có 2 nguyên soái đứng đầu gọi là tướng Đốc (Chánh tướng) và tướng Ngựa (Phó tướng). “Thường những cô bé đóng các vai này được chọn từ giáp Ban là giáp liền anh trong làng Phù Đổng, trừ khi giáp này làm chủ hội thì việc chọn hai nguyên soái địch sẽ dành cho giáp Phú.” Tướng giặc Ân mặc áo dài màu sắc khác nhau, đội mũ thêu hoa, mỗi người cầm một thanh kiếm và lá cờ đuôi nheo, ngồi trên kiệu có che tán vàng. Ngày mùng 8 tháng Tư, trước ngày hội chính, người ta sẽ chọn cô bé xinh nhất đóng vai Chánh tướng.

Lịch Lễ hội

Ngày 6 tháng 4: Lễ rước nước là nghi thức lấy nước từ giếng trong đền Mẫu (còn gọi là đền Hạ, thờ mẹ Thánh Gióng) để rửa binh khí.

Ngày 7 tháng Tư: Lễ rước cờ lệnh đến đặt trước cửa đền Mẫu, có lễ rước cỗ chay từ đền Mẫu về đền Thượng để tế Thánh trong tiếng hát của phường Ải Lao. Tiếp đó là lễ rước khám đường với ý nghĩa thám thính đường ra trận.

Ngày 8 tháng Tư: Lễ tế Thánh rồi mở cửa đền để dân chúng vào lễ Thánh.

Ngày 9 tháng Tư: Đội quân Văn Lang tập kết ở đền Thượng và làm lễ tế có phường Ải Lao múa hát thờ thần; diễn trận tái hiện sự tích ông Gióng đánh giặc Ân với các cuộc múa cờ, giành chiếu.

Ngày 10 tháng Tư: Lễ rước vãn để điểm quân, kiểm tra lại khí giới và làm lễ tạ Thánh Gióng, mở tiệc ở đền Thượng khao tướng sỹ. Tướng giặc đầu hàng đến dâng lễ vật và cũng được mời dự tiệc.

Ngày 11 tháng Tư: Tổ chức lễ rửa hội, rước nước rửa binh khí. Trò chơi diễn ra khắp nơi, có giải đấu vật, diễn trò trước đền Thượng cùng với hát chúc tụng Thánh.

Ngày 12 tháng Tư: Lễ rước cắm cờ, quân Văn Lang rà soát lại chiến trường từ Động Đàm đến Sòi Bia xem quân địch có còn sót lại không. Cờ trắng được cắm dọc đường biểu trưng cho việc kẻ địch đã thực sự đầu hàng. Buổi sáng cũng có thi hát và chọn ra 4 cô gái hát hay nhất để ca khúc Lạc thành, biểu hiện niềm vui thắng giặc, đất nước thanh bình khi mãn hội. Buổi chiều làm lễ tế cáo thắng trận với trời đất và hạ hội.

Lịch hành hội theo truyền thống như trên nhưng Hội Gióng có thể được rút ngắn, các hoạt động được bố trí dồn lại trong ít ngày hơn. Tuy nhiên nghi thức tái hiện chiến công thắng giặc Ân của Thánh Gióng bao giờ cũng diễn ra vào ngày chính hội, mùng 9 tháng Tư.