Lễ hội ” Dinh cô – Bà Rịa Vũng Tàu “

Tương truyền, 186 năm trước, xác một người con gái khoảng 16 tuổi dạt vào bãi, tên cô là Lê Thị Hồng Thuỷ, quê ở Phan Rang, theo cha Lê Văn Khương dong ghe bầu xuôi ngược Trung – Nam để đánh bắt cá và trao đổi hàng đan lát bằng tre. Mỗi lần ghe bầu qua vùng biển Long Hải, Cô nhìn cảnh sơn thuỷ hữu tình, thường ao ước được ở lại đây chung sống. Một đêm bão tố, trời chiều lòng Cô, đưa Cô theo sóng biển dạt vào, nằm lại trên bãi cát trắng xoá, nơi mà Cô từng mong ước. Cát đùn lên che chở, sóng vỗ muôn nghìn lời ru cho Cô yên giấc. Dân làng xem Cô là nữ thần thiêng liêng nên lập mộ trên đồi, dựng miếu thờ bên cạnh. Đầu tiên chỉ là một nấm mộ đất, miếu tre lá. Miếu và mộ thay đổi dần theo sự linh ứng ngày càng lan rộng. Một lần (vào khoảng năm 1966), miếu phát hoả, được trùng tu thành ngôi đền khang trang hơn. Đầu năm 1990, Dinh Cô lại được trùng tu bằng kinh phí quyên góp của khách thập phương, trở thành một dinh thự kiên cố như hiện nay.

Từ khi có Dinh Cô để hương khói, ngư dân Long Hải có thêm sức mạnh tinh thần trong lồng ngực để đương đầu với vất vả, gian nan. Thành tích của mình, dân làng thường gán cho Cô, dệt thành nhiều huyền thoại thi vị, chú yếu là chuyện Cô ứng linh ứng giúp người hiền vượt khó khăn. Sự tôn kính dành cho Cô đã trở thành tập quán của người Long Hải, trong đó ẩn chứa khát vọng và niềm tin về cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.

 Hàng năm, vào ngày lễ hội hàng chục vạn khách thập phương từ miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận… lũ lượt kéo về Long Hải dự “Giỗ Cô”, chen chúc nhau trong rừng dương, trên bãi cát, ở những hành lang, khoảng trống để nghỉ qua đêm, dự trọn 3 ngày hội. Có người phải đến trước mấy ngày mới mong kiếm được chỗ trọ. Có gia đình mang theo cả con cái cả đồ dùng nội trợ để ăn nghỉ tại chỗ. Đêm buông màn, rừng dương lao xao, sóng biển rì rào, lấp loáng trăng, lồng lộng gió… cảnh hữu tình khiến người ta quên vất vả mà vui với cuộc hành hương mang tính chất dã ngoại.

Từ rạng sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, người ta đã bắt đầu viếng Cô. Mỗi người thường cầm trong tay một nhành huệ trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Giới trẻ ham vui, các cụ già sùng tín đều chen nhau vượt 187 bậc đờ để dâng hương xin lộc nơi chính điện. Đêm 10 và 11 là đêm hội hoa đăng. ánh đèn sáng rực hoà cùng ánh trăng. Hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng thâu đêm.

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ “Nghinh Cô”. Lễ “Nghinh Cô” được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành “Nghinh Cô”. Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ “Nghinh Cô”, còn duy trì được hình thức diễn xướng “Hát bả trạo”.

Thú vị nhất của khách hữu tình không phải ở nội điện, mà là toàn cảnh bãi Long Hải trong những ngày hội rộn ràng, đứng ở hành lang của chính điện, có cảm giác như đang ở vùng giao thoa giữa biển và trời, giữa đời thực và hư, giữa sóng biển dập dềnh như đang dệt lụa và Dinh Cô trong thế “phục long” đang muốn bay lên. Bởi vậy, đến Dinh Cô trong ngày hội không chỉ có người sùng tín mà còn có những văn sĩ, thi nhân và các đôi trai gái đi tìm rung cảm cho con tim.

 

 

                                                                                                                                                             Theo  bariavungtau.com