LỄ HỘI DINH CÔ

Tháng giêng “ăn chơi” cũng là tháng giêng của những miền lễ hội.

 

Trải khắp các vùng từ xuôi lên ngược, sâu trong những làng quê thuần hậu, nơi tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết, huyền sử hòa trộn, các lễ hội mang đến một nét đẹp văn hóa đậm tính Việt hơn hết…

Và điều đó một lần nữa cho thấy khi lễ hội thật sự là của làng, của dân, những nhốn nháo kim tiền, những phù hoa giả tạo… như đã thấy lâu nay sẽ bị đẩy lùi.

Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh viết : “Thờ phụng nữ thần và mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á”. Có lẽ vì thế, trong tiết xuân ấm áp, nơi đền miếu quyện khói hương trầm, trong những lễ hội mang đậm màu sắc dân gian cổ truyền, thu hút hàng chục ngàn khách thập phương tụ về, không thể không nhắc đến những lễ hội Bà.

TRUYỀN THUYẾT DINH CÔ

Dinh Cô là một kiến trúc hoành tráng, đậm màu sắc văn hóa dân gian, nằm bên bờ biển Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

“Lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra biển”, Dinh Cô vừa là nơi thờ cúng tôn nghiêm, vừa có không gian thanh thoát với bãi biển rộng đẹp, hấp dẫn khách phương xa. “Từ mồng 5 tết trở đi là tụi tui bắt đầu quay như chong chóng” – ông Thái Văn Cảnh, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô, cho biết.

Theo ông Cảnh, tương truyền hồi trào Minh Mạng, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định), giàu lòng nhân ái từ bi, muốn tìm nơi thanh liêu ẩn dật. Cô thường theo cha là ông Lê Văn Cần đi ghe bầu vô Nam buôn bán. Tới mùa gió bấc, trời lạnh, sóng to gió lớn, cô và cha thường đậu ghe tránh gió ở sũng (vũng) Cây Dầu (cách Dinh Cô ngày nay khoảng 800m).

Ra tết, trời êm biển lặng, cô cùng cha kéo neo quay hướng về Bình Định. Chẳng may khi vừa tới Hòn Hang, gặp một luồng gió lớn thổi ngang, cô lâm nạn chết trên biển khi mới 16 tuổi. Ngư dân kéo lưới mai táng cô trên đồi cạnh đó rồi lập miếu thờ ngoài bãi biển. Dần dà, người dân cảm thấy cô hiển linh như thần. Mỗi khi gặp dông bão hiểm nguy, ngư dân van vái cầu cô phù hộ tai qua nạn khỏi thì y như rằng đều được thoát nạn. Mỗi chuyến ra khơi, bà con thành tâm cầu xin thì lúc về tôm cá đầy ghe.

Một lần, cả làng chài Long Hải bị dịch thổ tả, người dân không cách gì chữa chạy, người chết khá nhiều. Bà con xin cô cứu độ, hiển linh thay, sau đó bệnh dịch lui dần. Từ đó, trong tâm linh của người dân trong vùng, cô được ví như một nữ thần cứu nhơn độ thế, giúp đỡ ngư dân có cuộc sống yên lành, hạnh phúc.

Ông Cảnh kể năm 1930, khi ngư dân Long Hải dời miếu cô lên núi Kỳ Vân (Dinh Cô ngày nay), các nhà khảo cổ phát hiện có một tấm bia khắc chữ Hán, dịch ra là “Long Hải thần nữ bảo an chánh trực nương nương chi thần”, có lẽ là danh hiệu cao quý mà người xưa đặt cho cô để ghi nhớ công ơn.

Lễ hội trên mặt nước

Theo ông Nguyễn Văn Điểm, phó bái (ban nghi lễ) lễ hội Dinh Cô, trước ngày giỗ chánh (mồng 10 và 11-2 âm lịch) có những đêm hội hoa đăng trên biển. Hàng vạn ghe thuyền kết hoa đăng rực rỡ đậu kín bên bờ biển, hướng mũi vào Dinh Cô. Lúc này trời đã có trăng nên khung cảnh càng thêm huyền ảo. Ghe thuyền nào cũng cờ, đèn, kèn, trống ca hát tưng bừng. Bên bờ biển, hàng vạn du khách dựng lều, trải bạt cắm trại dã ngoại càng thêm nhộn nhịp.

Tới ngày chánh lễ (12/2 âm lịch), từ sáng sớm các ghe thuyền quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Một chiếc ghe của dân chài được coi là đi biển giỏi nhất trong năm được chọn dẫn đầu, trên có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, các bô lão cao niên với lễ phục trang nghiêm và đội lân sư rồng. Đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời.

Đi khoảng 2-3 hải lý, nhắm chừng tới nơi Cô tử nạn ngày xưa, ông chánh bái bắt đầu nghi lễ rước Cô cùng các vị thần linh, ông bà tổ tiên cùng về dinh ăn giỗ. Nhân dịp này, ngư dân cũng khấn vái đất trời, thủy thần tiếp tục phò hộ dân làng năm mới làm ăn được thuận buồm xuôi gió, mọi sự bình yên, tai qua nạn khỏi. Xong lễ, đoàn ghe quay vào, trên đường đi cũng trống chiêng inh ỏi, bạn chèo ca hát vang lừng, tâm trạng hết sức vui vẻ.

“Công đức của bà Cô giúp cho dân lành tới ngày nay vẫn còn – ông Thái Văn Cảnh cho biết – Nguồn thu mỗi năm từ cúng lễ của khách hành hương khoảng 3 tỉ đồng, ngoài dùng để trùng tu, tôn tạo di tích đình, chùa trong thị trấn còn là nguồn quỹ hỗ trợ nhà tình thương, học sinh nghèo hiếu học, quỹ khuyến học, hỗ trợ bếp ăn của Bệnh viện huyện Long Đất, trợ cấp hằng tháng cho mẹ liệt sĩ, gia đình có công, người nghèo neo đơn…”. (theo TTO)

VỀ BIỂN ĐI HỘI DINH CÔ

Nếu nói rằng, nét đẹp cơ bản trong lễ hội truyền thống người Việt được xây dựng bằng tín ngưỡng, niềm tin người dân qua thời gian, năm tháng thì lễ hội Dinh Cô của ngư dân vùng Long Hải (Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) là đặc trưng nhất. Ở đó, không có những bát nháo tiền tài, danh hoa phù phiếm mà chỉ có truyền thuyết lâu đời, tín ngưỡng cao thượng cùng những người ngư dân chân chất, hiền lành với một đức tin mãnh liệt vào tâm linh.

Tết khác của ngư dân

Hiện nay, khu di tích Dinh Cô đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp giấy chứng nhận là khu Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Lễ hội Dinh Cô được tổ chức hàng năm định kỳ vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch.

 

 

 

Có thể nói, đây thực sự là một ngày Tết cả về tinh thần và vật chất của ngư dân Long Hải vì những ngày lễ hội, ngoài hàng vạn du khách thập phương từ khắp vùng Đồng Nai, Bình Thuận, TP Vũng Tàu, TP. Sài Gòn… hàng trăm đồng nam, đồng nữ với những trang phục truyền thống cũng nô nức, chuẩn bị.

Trong 3 ngày lễ hội Giỗ Cô ở đây, mỗi người thường cầm một nhành huệ trắng tinh khiết tiến về đại điện làm lễ và thắp hương cầu khấn những điều an lành cho bản thân và gia đình trong năm mới. Ngoài việc tế lễ ở trong dinh, ngư dân địa phương còn tập trung nhiều thuyền bè, tàu cá ở ngoài biển, trang hoàng lộng lẫy, hưỡng mũi thuyền về phía bức tượng của Cô trên đỉnh núi Kỳ Vân như một ước vọng về sự an lành, bình yên trước sóng gió biển khơi. Điểm đặc biệt của lễ hội Dinh Cô là trong 3 ngày này, người dân và du khách sẽ thức thâu đêm, suốt sáng với những lễ hội đặc trưng như thả đèn hoa đăng, đánh trống, chiêng, đua thuyền và hát “bả trạo”. Hát “bả trạo” là một nét văn hóa đặc sắc như hát dân ca của ngư dân miền biển vùng miền Trung và Nam Trung Bộ có từ lâu đời và may mắn vẫn còn được ngư dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn.

 

 

Cuối cùng và độc đáo nhất là màn lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ “Nghinh Cô”. Lễ “Nghinh Cô” được cử hành long trọng, vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hương án được xem là ghe dành “Nghinh Cô”. Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác, đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô lúc ban đầu, đoàn người xuống ghe viếng mộ và nghênh đón Cô về Dinh.

Có lẽ, nét đẹp đặc sắc nhất của lễ hội Dinh Cô là toàn cảnh bãi biển Long Hải rộn ràng, hàng ngàn người tất cả như đang sống giữa cảm giác của biển và trời, của đời thực và hư, của sóng biển bồng bênh như dải lụa và Dinh Cô trong thế “phục long” đang muốn bay lên. Bởi vậy, đến Dinh Cô trong ngày hội không chỉ có người sùng tín mà còn có những ai yêu vẻ đẹp thiên nhiên, yêu cái hồn cốt cách được gìn giữ mấy trăm năm của những ngư dân nơi đây. (theo Đoàn Xá)

LỄ HỘI DINH CÔ

Cũng như “Chúa Hòn” ở Kiên Giang, “Núi Sam” ở An Giang, tên gọi “Dinh Cô” ở Long Hải đã trở nên quen thuộc với khách thập phương.

Là ngôi miếu nhỏ thờ một trinh nữ chết nước, nằm trên mỏm đồi lộng gió ở bãi tắm Long Hải. Dinh Cô được dựng lên bằng lòng tin, sự tín ngưỡng vốn có lâu đời trong nhân dân.

Từ khi có Dinh Cô để hương khói, ngư dân Long Hải có thêm sức mạnh tinh thần trong lồng ngực để đương đầu với vất vả, gian nan. Thành tích của mình, dân làng thường gán cho Cô, dệt thành nhiều huyền thoại thi vị, chú yếu là chuyện Cô ứng linh ứng giúp người hiền vượt khó khăn. Sự tôn kính dành cho Cô đã trở thành tập quán của người Long Hải, trong đó ẩn chứa khát vọng và niềm tin về cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.

Hàng năm, lễ hội thường mở trong 3 ngày (10 – 11 – 12 tháng 2 âm lịch), suốt cả ngày cả đêm. Hàng chục vạn khách thập phương từ miền Tây, Sài Gòn, Lâm Đồng, Bình Thuận… lũ lượt kéo về Long Hải dự “Giỗ Cô”, chen chúc nhau trong rừng dương, trên bãi cát, ở những hành lang, khoảng trống để nghỉ qua đêm, dự trọn 3 ngày hội. Có người phải đến trước mấy ngày mới mong kiếm được chỗ trọ. Có gia đình mang theo cả con cái cả đồ dùng nội trợ để ăn nghỉ tại chỗ. Đêm buông màn, rừng dương lao xao, sóng biển rì rào, lấp loáng trăng, lồng lộng gió… cảnh hữu tình khiến người ta quên vất vả mà vui với cuộc hành hương mang tính chất dã ngoại.

Từ rạng sáng ngày 10 tháng 02 âm lịch, người ta đã bắt đầu viếng Cô. Mỗi người thường cầm trong tay một nhành huệ trắng tượng trưng cho sự thanh khiết. Giới trẻ ham vui, các cụ già sùng tín đều chen nhau vượt 187 bậc đờ để dâng hương xin lộc nơi chính điện. Đêm 10 và 11 là đêm hội hoa đăng. ánh đèn sáng rực hoà cùng ánh trăng. Hàng vạn ghe thuyền quay mũi về Dinh chầu Cô, tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng thâu đêm.

Lễ chính được tổ chức từ rạng sáng ngày 12. Từ chính điện, đoàn người chỉnh tề cờ quạt ra bãi, lên thuyền, ra khơi làm lễ “Nghinh Cô”. Lễ “Nghinh Cô” được cử hành long trọng. Vị Chánh bái dẫn đầu, đoàn học trò lễ tiếp bước, có cờ xí, lọng che, hoa đăng rực rỡ. Một chiếc ghe to đặt bày hướng án được xem là ghe dành “Nghinh Cô”. Ghe được hộ tống bởi vài chục chiếc ghe khác. Đoàn ghe nối nhau ra khơi trong tiếng chiêng trống vang trời. Đến Mũi Nhỏ, nơi có ngôi mộ Cô, đoàn người xuống ghe lên viếng mộ, nghênh đón Cô về Dinh. Đặc biệt, trong lễ “Nghinh Cô”, còn duy trì được hình thức diễn xướng “Hát bả trạo”.

Theo TS Tôn Thất Bình, “Hát bả trạo” có nghĩa là hát có nắm mái chèo, một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của cư dân vùng biển từ Bình Trị Thiên (cũ) đến Bình Thuận. Ngư dân thường tổ chức hát bả trạo trong nghi lễ đưa ma Cá Ông. ở Long Hải, hát bả trạo lại gắn với lễ “Nghinh Cô”. Hình thức diễn xướng không khác hát bả trạo của cư dân vùng biển Nam Trung bộ, cũng có tổng khoang (hoặc tổng thương), tổng mũi, tổng lái và đám bạn chèo từ 12 đến 16 người. Các bạn chèo và các tổng đề trong trang phục cổ truyền, vừa hát vừa diễn (xướng – xô) mô phỏng thao tác của người đi biển vượt ngàn trùng sóng gió. Chỉ khác ở nội dung bài hát ngưỡng vọng Cô (thay vì ca ngợi, thương tiếc Cá Ông) và lời nguyện cầu cho trời lên biển lặng, tôm cá đầy khoang. Làn điệu và bài hát cho thấy hát bả trạo Nghinh Cô ở Long Hải phóng khoáng và trữ tình hơn lối hát “nặng nỗi âu lo” của vùng biển Nam Trung bộ. Câu lối của một tổng mũi ở Quảng Nam

Thú vị nhất của khách hữu tình không phải ở nội điện, mà là toàn cảnh bãi Long Hải trong những ngày hội rộn ràng, đứng ở hành lang của chính điện, có cảm giác như đang ở vùng giao thoa giữa biển và trời, giữa đời thực và hư, giữa sóng biển dập dềnh như đang dệt lụa và Dinh Cô trong thế “phục long” đang muốn bay lên. Bởi vậy, đến Dinh Cô trong ngày hội không chỉ có người sùng tín mà còn có những văn sĩ, thi nhân và các đôi trai gái đi tìm rung cảm cho con tim.

HÁT BẢ TRẢO

Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội có chương trình biểu diễn hát bá trạo, hát tuồng. Đây là lễ hội dân gian truyền thống thể hiện văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển nói chung được tổ chức hàng năm cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa tôm cá.

Loại hình múa hát bả trạo thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới…

Đội bả trạo có khoảng 18 người, trang phục theo nghi lễ cổ và ba vị chỉ huy gồm Tổng mũi, Tổng khoan và Tổng lái.

Mở đầu lễ hội là một đoạn múa chèo thuyền. Sau khi được lệnh của tổng lái, các tay chèo cùng nhảy bước một, từ một hàng thành hai hàng, rồi chuyển thành bốn hàng dọc. Tiếp đó là động tác qùy lạy và day mái chèo. Từ động tác này, ba vị chỉ huy hát theo các điệu tẩu mã, nói lối hoặc hát khách, hát nam. Các con trạo (bạn chèo) thỉnh thoảng phụ hoạ theo, hoặc lặp lại một đoạn của bài hát cổ.

Loại hát múa dân gian này được tổ chức theo tục lệ hằng năm, hoặc 2, 3 năm một lần nhân dịp Lễ Nghinh Ông hoặc trình diễn nhân dịp đưa tang cá Ông và trong các lễ hội cầu mùa, cầu ngư của ngư dân và tại Dinh Cô Long Hải, nơi thờ con gái một ngư dân đi biển đã chết vì biển cả.

Hát bả trạo còn gọi là hát chèo bả trạo, chèo cầu ngư, chèo cạn, hò rước Ông… Nội dung hát bả trạo ca ngợi công đức của cá Ông cứu người, giúp đánh bắt được nhiều cá tôm hoặc mô tả quá trình lao động vất vả của ngư dân giữa biển khơi, đồng thời ca ngợi sự giàu có của biển và trên hết là sự đoàn kết của bạn chèo vươn tới cuộc sống ấm no đầy đủ. 

 

 

Có thể nói hát bả trạo gắn liền với nghi lễ, bởi vì khi tham gia bả trạo tất cả mọi người, từ diễn viên đến khán giả đều cầu mong cho sự bình yên, thịnh vượng – từ lòng kính đối với Ông. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ của ngư dân ven biển, vì vậy trong lễ hội hát bả trạo đóng một vai trò quan trọng thu hút nhiều người tham gia và là một phần của văn hoá dân gian, tuy mang tính nghi lễ nhưng vẫn cung cấp được tài liệu quý báu về phong tục, tập quán và nghệ thuật.

Dần dần, loại hình này biến thành biến thành múa hát nghi lễ, áp dụng trong tang gia của các ngư dân, rồi lan ra quần chúng, gọi là hò đưa linh.

Đội gồm có : Tổng mũi (tổng thuyền), tổng khoang (tổng trung) và tổng lái (tổng hậu) và khoảng từ 10 đến 16 thành viên gọi là con trạo (tay chèo), số lượng con trạo bao giờ cũng là số chẵn. 

Đội có trang phục riêng, tổng mũi, tổng khoang, tổng lái mặc lễ phục cổ truyền : áo dài đen, quần trắng (có nơi mặc trang phục rực rõ như hát tuồng). Con trạo mặc áo trắng, quần trắng có quần xà cạp, đầu chít khăn, lưng bụng thắt vải đỏ, đi chân đất, tay cầm mái chèo dài 1,2m sơn đen, trắng. Dàn nhạc cụ có đàn cò, trống, kèn, sênh. Nghệ thuật trình diễn của hát bả trạo là sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc, lời ca và động tác trình diễn của các tổng mũi, tổng khoang, tổng lái cùng con trạo dưới sự điều khiển thống nhất của tổng mũi. Đội múa nghiên mình giống tư thế người đang chèo thuyền, vừa hát vừa múa mái chèo. Động tác cách diệu đôi chân di chuyển trên mặt đất như thuyền đang lướt sóng, theo hiệu lệnh họ nghiên về phía trước, phía sau nhịp nhàng, đội di chuyển thành vòng tròn, hàng dọc, hàng ngang … át bả trạo có “xướng” và “xô”, 3 tổng thì xướng theo điệu hò, nói lối, hát nam, hát khách, tấu mã … còn các tay chèo thỉnh thỏang “xô” theo hiệu lặp lại một đoạn của vai Tổng.

Toàn bộ tiết mục hát bả trạo diễn ra như một hoạt cảnh gồm 8 đoạn : Tụ quân – Đưa linh – Ra khơi – Đánh bắt cá – Nghỉ ngơi – Bão tố – Chống bão tố và an bình. Nội dung ý nghĩa trong các lời hát của vai Tổng là nhắc đến công đức của cá Ông, tỏ lòng tôn kính công lao tiền hiền, ca ngợi cuộc sống lao động bình dị chân chất của ngư dân, ca ngợi cuộc sống tươi đẹp của đất nước và cầu mong cho vụ mùa bội thu, tránh được bão tố đem lại cuộc sống no đủ hạnh phúc.

Hoàng Nguyễn (tổng hợp trên Net)