Lễ hội đâm trâu ở buôn làng Gia Rai

Mỗi khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê táp giữa làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc con trai, con gái các buôn làng Gia Rai chuẩn bị đón hội hè. Gặt hái xong xuôi, đây là thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi nên mọi nhà, mọi buôn làng đều lo chuẩn bị các lễ ăn cơm mới, lễ đâm trâu, lễ ăn nhà mả tưng bừng, rộn rịp với các trò vui chơi và ăn uống no say.

Đồng bào Gia Rai thường tổ chức ngày hội đâm trâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng Chạp cho đến tháng ba âm lịch năm sau. Thời gian tổ chức khoảng hai hôm.

Người Gia Rai gọi ngày đầu của lễ đâm trâu là ngày vào mùa (mút), ngày cuối cùng là ngày ăn đầu trâu (bong kơ).

Để chuẩn bị cho ngày lễ, đồng bào vào rừng chặt lấy bốn cây to bằng bắp chân đem về làng và khắc lên đó những hình hoa văn rất đẹp. Những cây đó gọi là cây Ging Ga. Họ còn lấy 4 ngọn lồ ô và cũng khắc lên đó nhiều hình hoa văn để buộc làm tua. Ngoài ra họ còn chặt cây lồ ô gọi là gốc về làm cây thần cắm ở giữa. Sau đó họ dùng sợi dây thật mềm và chắc buộc trâu vào cột Ging Ga, đồng thời trói 1 con heo to đặt áp sát vào cột.

Những chàng trai có nhiệm vụ đánh trống, đánh cồng, chiêng trong ngày hội thì đầu phải chít khăn đỏ, mặc áo blan hay áo ló (áo chui đầu, không có tay), đóng khố kteh (khố hoa). Các cô gái thì mặc áo phia (loại áo lễ của nữ giới), mặc váy kteh (váy hoa), đầu quàng khăn trắng. Người già, trẻ em thì mặc những bộ đồ mới nhất, đẹp nhất.

Thầy cúng (Riu Yang) bước đền gần cột trâu khấn vái lâm râm. Vừa xong thì chiêng trống nổi lên cùng với tiếng hú của mọi người tham dự khiến cho buôn làng trở nên sinh động và rộn ràng lạ thường.

Khi chiêng trống vừa dứt, tức thì những chàng trai khoẻ mạnh tay cầm dao sáng loáng nhảy ra múa may, dao chạm vào nhau nghe loảng xoảng để diễn tả cuộc chiến đấu để bảo vệ buôn làng. Sau cuộc nhảy múa này họ bắt đầu đâm trâu. Chàng trai nào chỉ đâm một nhát dao mà trâu chết thì được mọi người tán thưởng, riêng các cô gái thì bàn tán xôn xao. Ai không đâm được trâu hoặc đâm trâu không chết thì bị mọi người chê bai.

Làm thịt trâu xong thì họ lấy thịt chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu được dành lại để uống chung tại nhà Rông. Riêng đầu trâu thì gác lên cây cột lễ. Phải đợi cho Riu Yang (thầy cúng) khấn lần thức hai thì cuộc vui chơi, ăn uống, múa hát mới thật sự bắt đầu và kéo dài cho đến hết ngày hôm sau đó.

Sáng ngày thứ ba, đầu trâu được rước về nhà Rông. Đầu trâu được lấy hết thịt để làm món ăn, còn chiếc sừng thì giữ lại và đem giắt lên vách nhà Rông.

Ngày này vui chơi, múa hát chủ yếu ở trong nhà Rông và phần lớn người tham dự là những người đứng tuổi và các cụ già.

Cứ thế, từ gia đình này đến gia đình khác, từ buôn làng nọ đến buôn làng kia, lễ đâm trâu được tổ chức luân phiên suốt mùa nắng ráo khắp các buôn làng người Gia Rai.

Theo Nguyễn Nhân
(Báo Thanh niên dân tộc thiểu số & miền núi- số 5/2006)

[TT: L.M.H]