Lễ hội cầu ngư hơn 200 năm tuổi ở Sa Huỳnh
Trải qua hơn 200 năm thăng trầm lịch sử, ngư dân ở vùng biển Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn duy trì lễ hội cầu ngư độc đáo mừng đón mùa xuân mới.
Sáng 3/2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), ngư dân Sa Huỳnh tổ chức lễ hội cầu ngư ra khơi đầu năm thu hút khách du xuân đầu năm mới ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong tiết trời ấm áp, hàng trăm ngư dân tụ hội về bên bờ biển Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ). Họ hòa mình giữa không gian lễ hội cầu ngư, mong ước bà con làng chài mùa xuân mới ra khơi bội thu thủy sản, gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ngư dân Sa Huỳnh trang hoàng cờ tổ quốc, cờ phướn ra khơi trong lễ hội cầu ngư đầu năm mới. Ảnh: Minh Hoàng.
Tinh mơ mùng 3 Tết, tất cả các thuyền viên, đặc biệt là vạn Thạch Bi ở làng chài Sa Huỳnh tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, dâng lễ vật cùng các loại ngư cụ. Ngư dân ngồi trên thuyền ăn mặc đẹp, chít khăn màu đỏ trên đầu…
Sau một vài nghi thức đơn giản của đại diện chức sắc làng xã, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ nhúng nước lưới bắt đầu. Dẫn đầu đoàn thuyền ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (đánh bắt gặp thời, không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín…).
Sau đó, hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp hướng về cửa biển Sa Huỳnh. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, đoàn thuyền dừng lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, xin thần linh đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên, các thuyền quay đầu lại, nối đuôi nhau vào bờ trong tiếng hò reo của những người dự lễ đứng trên bờ và trên những chiếc thuyền con, thuyền thúng.
Nghệ nhân Nguyễn Thuận (70 tuổi, ngụ phường Phổ Thạnh), bộc bạch mỗi lần vào vai trưởng lái trong đội hò bả trạo đầu năm mới lòng mình cảm thấy như trẻ lại, lòng phấn khởi tự hào về di sản văn hóa của tổ tiên được lưu giữ, bảo tồn truyền đời cho con cháu hôm nay và mai sau.
Còn ngư dân Trần Hạnh (ngụ phường Phổ Thạnh) thổ lộ lễ ra quân chính là ngày bà con ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với biển mẹ, trời đất đã che chở cho họ bình yên trở về, tàu đầy ắp cá tôm sau những chuyến ra khơi lênh đênh trên biển cả.
Sau khi kết thúc phần hội với các trò chơi dân gian, các vị bô lão chủ vạn làng chài thành kính tế cáo thần linh cùng các vị thần biển cả, sau đó đánh trống rộn vang làm lễ mở cửa biển đầu năm.
Thắng cảnh đầm An Khê bên bờ biển Sa Huỳnh. Ảnh: Minh Hoàng.
Theo quan niệm của ngư dân Sa Huỳnh, mùng 3 Tết là ngày tốt nên năm nào ngư dân cũng chọn ngày này để “mở cửa biển” đầu năm, với mong muốn mỗi chuyến ra khơi đánh bắt đều thuận buồm xuôi gió, thuyền về tôm cá đầy khoang. Lễ hội đặc trưng miền biển này đã duy trì suốt hơn 200 năm qua.
Vùng biển Sa Huỳnh, nơi nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện khoảng 200 mộ chum vào năm 1909. Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là “ba cái nôi văn minh” xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Vùng biển Sa Huỳnh, nơi nhà khảo cổ học người Pháp, M.Vinet, lần đầu phát hiện khoảng 200 mộ chum vào năm 1909. Cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) là “ba cái nôi văn minh” xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam.
Tiến sĩ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, đánh giá những làng chài nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi, lễ hội cầu ngư đầu năm mới của các làng chài duyên hải miền Trung nói chung, ngư dân Sa Huỳnh nói riêng, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa biển bội thu còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.
“Di phong hoán tục”, âu cũng là việc cần làm, cốt là phải giữ cho được thần thái của lễ hội và nhất là giữ gìn, bồi đắp ý nghĩa nhân văn cao cả thể hiện ý thức tri ân, khát vọng no đủ, thanh bình của người miền biển.