LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ .CÔNG AN TRA VINH

Theo đó, dự thảo Luật này gồm 08 chương 93 điều quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các nghị định, thông tư có liên quan, đồng thời bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ… 

 

Dự thảo Luật này cũng đã quy định cụ thể các nội dung sau: Hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ (Chương II); Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông (Chương III); Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ (Chương IV); Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (Chương V); Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý (Chương VI); Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VII).

 

Đáng chú ý, quy tắc giao thông đường bộ quy định từ Điều 13 đến Điều 45 có các nội dung cơ bản như: quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách… Sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe…; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc; khoảng cách an toàn giữa các xe tương ứng với tốc độ và điều kiện mặt đường thời tiết, địa hình để đảm bảo an toàn giao thông…

 

Ngoài ra, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
– Xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; báo cáo về tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ với Chính phủ, Quốc hội. 
– Cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới.
– Tổ chức kiểm định xe cơ giới của Công an sử dụng vào mục đích an ninh.
– Sát hạch và cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.
– Chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ;
– Chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ đang khai thác khi xảy ra vụ việc gây mất an toàn giao thông do nguyên nhân tổ chức giao thông hoặc khi có yêu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ; tham gia hội đồng nghiệm thu đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ trước khi đưa vào khai thác; tham gia ý kiến đối với việc điều chỉnh, thay đổi hệ thống báo hiệu đường bộ;
– Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thông báo tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ hoặc đột xuất.
– Quản lý, sử dụng trung tâm chỉ huy điều khiển hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
– Thống kê, tổng hợp, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ, đăng ký xe, xử lý vi phạm và quản lý người lái xe; kết nối, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
– Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
– Kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ giữa hai kỳ kiểm định; xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, hoạt động đào tạo lái xe.
– Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải về nội dung an toàn giao thông trong xây dựng kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ.

 

Dự thảo Tờ trình Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết: Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người (chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu (chiếm trên 90% số vụ).

Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm… Ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém, đã phát hiện, xử lý 57.683.830 trường hợp vi phạm; phát hiện, xử lý gần 6.000 vụ phạm pháp hình sự trên tuyến giao thông; vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ…

So sánh năm 2019 với năm 2009, phương tiện giao thông bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, tập trung tại các đô thị lớn; thực trạng tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện cơ giới, thô sơ… đa dạng về chủng loại, nơi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, trong đó chủ yếu là xe cá nhân, nhiều phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, nhiều phương tiện đã được mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.

Vì vậy, xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nêu trên, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

File đính kèm