Làm thêm dịch vụ lái xe hộ, người đàn ông ở Hà Nội kiếm nhiều tiền hơn thu nhập của nhân viên văn phòng
Liên quan đến dịch vụ lái xe hộ đưa người đã uống bia, rượu về nhà đang nở rộ kể từ khi lực lượng chức năng toàn quốc ra quân thực hiện Chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” của Bộ Công an, phóng viên Gia đình & Xã hội đã có dịp lắng nghe chia sẻ của tài xế Trần Hoàng Mạnh (47 tuổi, ở Khâm Thiên, Đống Đa, thành phố Hà Nội).
Anh Trần Hoàng Mạnh có thâm niên làm nghề lái xe hơn 20 năm.
Trước đây, khi chưa bén duyên với dịch vụ lái xe hộ, anh Mạnh làm cho một doanh nghiệp nước ngoài và thường xuyên chở cán bộ doanh nghiệp đi theo vùng, khu vực như: Khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Miền Trung…để mở rộng thị trường.
Ngoài công việc chính làm theo giờ hành chính, anh Trần Hoàng Mạnh làm thêm dịch vụ lái xe hộ vào mỗi tối và các ngày cuối tuần. Ảnh: NVCC
Do tính chất công việc phải đi xa với mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 – 3 tháng, trong khi đó, con lại quá nhỏ và cha mẹ lại cận kề tuổi 80, anh Mạnh đã xin làm tài xế xe đưa đón cán bộ, kỹ sư của một doanh nghiệp nước ngoài khác ở Hà Nội.
Theo anh Mạnh, với công việc này, dù mức lương cũng chỉ hơn 10 triệu đồng, chưa kể thời điểm dịch COVID-19, mức lương giảm đến 50% nhưng anh thấy an tâm hơn vì được gần bố, gần mẹ và vợ con.
Sau dịch COVID-19, để cải thiện thu nhập, ngoài công việc cố định là tài xế đưa đón kỹ sư, cán bộ của doanh nghiệp nước ngoài gần nhà, anh Mạnh đã tìm tòi thêm nhiều công việc làm thêm ngoài giờ. Trong số đó là làm tài xế test xe (kiểm tra xe mới trước khi xuất xưởng).
Thế nhưng, công việc test xe được ngày nào, biết ngày đó. Trong khi mức sống giữa Thủ đô càng một tăng cao bởi vật giá leo thang, anh Mạnh may mắn được người thân giới thiệu đến với dịch vụ lái xe hộ.
Bởi vậy, từ khi Bộ Công an có chuyên đề, anh Mạnh bận rộn hơn thường ngày và chất lượng cuộc sống của gia đình anh cũng cải thiện hơn rất nhiều.
Chân dung anh Trần Hoàng Mạnh thời điểm bắt đầu làm thêm dịch vụ lái xe hộ. Ảnh: NVCC
Anh Mạnh chia sẻ: “Từ khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, kiểm soát người uống bia, rượu, tôi thường xuyên nhận được đơn phục vụ khách vào buổi tối. Đặc biệt là từ 21 – 22h. Vì con còn quá nhỏ, mới 4,5 tuổi và bố chạm tuổi 80, hai em dù ở gần nhưng bố mẹ ở với vợ chồng tôi nên tôi vẫn là người lo chính”.
“Tôi lo nhất là sức khỏe của cha mẹ và tương lai của con nhỏ. Dù cháu mới 4,5 tuổi nhưng vì tôi cũng gần tuổi 50 nên vợ chồng tôi phải tính và chuẩn bị chuyện tương lai cho cháu từ bây giờ. Với mức lương hành chính cho nghề tài xế như tôi ở thời điểm hiện nay là không đủ chi trả cho cuộc sống ở Hà Nội. Trong khi đó, mức lương hưu của bố mẹ chỉ đáp ứng được các sinh hoạt cơ bản của ông bà, do đó, tôi buộc phải tìm hướng làm thêm”, anh Mạnh cho hay.
Anh Mạnh cho biết, với mỗi chuyến trung bình kéo dài 3 giờ đồng hồ, anh Mạnh có thể “cất túi” khoảng gần 500.000 đồng. Vào những ngày cuối tuần, có thời gian, anh Mạnh có thể thực hiện dịch vụ lái xe hộ từ 2-3 chuyến. Thậm chí lái xe hộ cho cả khách hàng ngoại tỉnh. Bởi vậy, mức thu nhập thêm của anh ở thời điểm cao điểm như hiện nay, có thể chạm đến 15 triệu đồng/tháng.
Theo anh Mạnh, với mức thu trung bình 499.000 đồng/chuyến 3 giờ/ngày, nguồn thu của anh có thể lên đến khoảng 15 triệu đồng nếu chăm chỉ làm hàng ngày. Ảnh: NVCC
Trong suốt nhiều tháng nay phục vụ, hỗ trợ khách hàng đã uống bia, rượu, anh Mạnh gặp không ít những tình huống trớ trêu dù khách hàng không say.
Đó là vị khách được anh đón ở khu vực gần Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cách đây không lâu.
Anh Mạnh cho biết: “Đó là vị khách hàng nam, trẻ tuổi. Khi tôi làm xong thủ tục tiếp nhận xe (quay, chụp hiện trạng bên trong và ngoài xe), vị khách đó yêu cầu tôi đi vài điểm. Trong đó, có điểm ở Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy). Vị khách trẻ tuổi đó không quá say nhưng vào giờ trưa, khi đã uống bia rượu là rất dễ buồn ngủ. Tôi có hỏi quý khách đến điểm nào Nguyễn Khánh Toàn?; vị khách lại bảo: “Anh cứ đi đi, đến nơi em chỉ” và khoảng 5 giây sau đó, vị khách chìm vào giấc ngủ ngay”.
“Đến Nguyễn Khánh Toàn, tôi không biết vị khách cần đến chỗ nào, địa chỉ bao nhiêu. Lực bất tòng tâm, tôi đành đỗ lại bên đường để chờ vị khách đó tỉnh dậy. Thế nhưng, khi tỉnh dậy, vị khách này lại tỏ ra bực bội vì tôi không đưa anh ta đến điểm cần đến”, anh Mạnh bày tỏ và cho rằng, sự biết cách ứng xử của tài xế dịch vụ lái xe hộ và vô cùng cần thiết trong tình huống này.
Đối với anh Mạnh, anh đến với nghề lái xe như một duyên nợ. Bởi dù đi xa hay về gần cha mẹ, anh vẫn chưa hết đam mê với “vô lăng”.
Bởi vậy, với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề này, anh Mạnh cho rằng, để phục vụ, nhận được những đánh giá tích cực từ phía khách hàng và để tránh những xung đột, tình huống tiêu cực không đáng có giữa hai bên, điều đầu tiên, người xác định làm dịch vụ lái xe hộ nên có ít nhất khoảng 5 năm kinh nghiệm ở Hà Nội.
Theo anh Mạnh, với 5 năm kinh nghiệp ở Hà Nội, tài xế đã cơ bản thông thạo đường phố Thủ đô, thông thuộc địa bàn sống và đã trang bị cho mình sự điềm tĩnh, kỹ năng mềm để từ đó biết cách ứng xử với các phân khúc khách hàng khác nhau.
Đặc biệt, là chủ động làm dịu đi tính tiêu cực trong các tình huống ngoài ý muốn xảy ra với khách hàng.
Để làm được điều đó, anh Mạnh cho rằng: “Mỗi ngày, trước khi nhận đơn chuyến mới, tài xế hãy xem tâm trạng, sức khỏe mình có đảm bảo để đáp ứng. Bởi tâm trạng, sức khỏe của tài xế tốt, công việc sẽ diễn ra thuận lợi, hài hòa cho cả hai bên và dễ dàng đem lại sự vui vẻ, hài lòng cho người khác”.
Theo anh Mạnh, nghề lái xe dù “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu” nhưng lại cần sự phản ứng nhạy bén và khả năng quan sát nhanh nhẹ nên anh Mạnh luôn duy trì việc tập thể dục, thể thao, cố gắng sinh hoạt đúng giờ để duy trì, tăng cường sức khỏe.
Hơn nữa, anh là lao động chính của gia đình, lại có nhiều gánh nặng trên vai trong khi mức thu nhập chỉ đáp ứng điều kiện sinh hoạt cơ bản ở Thủ đô, bởi vậy, anh Mạnh “ấn định” không cho phép bản thân được gục ngã.
Anh Mạnh chia sẻ: “Điều may mắn nhất là tôi không có khả năng uống bia, rượu, lại thích thể thao nên tự bản thân thấy rằng, sức khỏe vô cùng đảm bảo để theo nghề lái xe lâu dài hơn nữa”.
“Bản thân tôi luôn muốn có một công việc chính, làm thời gian cố định, ngoài giờ tôi làm thêm dịch vụ khách. Tôi thấy rằng, với dịch vụ lái xe hộ, tôi hoàn toàn hài lòng với mức thu nhập cơ bản để tôi yên tâm lo cho bố mẹ già và tương lai của con nhỏ”, anh Mạnh cho hay.
Vận chuyển gần 500kg lòng lợn sấy khô ẩm mốc, chảy nước bốc mùi hôi thối về Quảng Ninh bán kiếm lời, tài xế Thanh Hóa nhận kết đắng
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đón lõng, thu giữ 1,7 tấn lòng lợn rỉ nước, bốc mùi hôi thối đang trên đường tiêu thụ.