Làm thế nào khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng và Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, khó thở nên thường quấy khóc, bỏ ăn và đòi bế liên tục. Rất nhiều cha mẹ, nhất là những người có con lần đầu thường cảm thấy hoang mang không biết trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi phải làm thế nào. Dưới đây là các cách cha mẹ có thể áp dụng để trẻ cảm thấy dễ chịu và mau chóng khỏi bệnh.

1. Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch mũi, sát khuẩn, ngăn ngừa các vi khuẩn tiếp tục tấn công khoang mũi khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Ngoài ra, nhỏ mũi còn giúp làm mềm các vẩy cứng, làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi, giúp dịch nhầy dễ dàng đào thải ra ngoài hơn. Nhỏ mũi khiến mũi thông thoáng hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, dễ thở.

Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% và vệ sinh khoảng 3 – 5 lần/ngày, đặc biệt là trước khi cho trẻ bú và đi ngủ.

Cách nhỏ mũi cho trẻ: bế trẻ nằm ngửa, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào từng bên mũi, chờ khoảng vài phút, lau sạch nước muối thừa chảy ra ngoài.

Chú ý, không nhỏ mũi bằng nước muối quá 4 ngày liên tiếp vì có thể làm khô dịch mũi của trẻ.

2. Hút mũi

Hút mũi giúp lấy bớt dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ ra ngoài, trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn. Sau khi nhỏ nước muối sinh lý, dịch nhầy được làm loãng hơn, cha mẹ có thể tiến hành hút mũi cho trẻ. Sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng. Vệ sinh sạch sẽ trước khi dùng để không làm tình trạng viêm mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Không hút mũi cho trẻ quá nhiều lần trong 1 ngày, có thể làm kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.

Làm thế nào khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi?

3. Xông hơi

Hơi nước sẽ làm loãng dịch nhầy trong khoang mũi của trẻ. Đồng thời cung cấp độ ẩm và làm mũi trẻ ấm hơn. Xông hơi giúp thông mũi, giảm ho, đặc biệt phù hợp với tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh..

Xông hơi cho trẻ bằng máy xông hơi chuyên dụng hoặc có thể xả nước nóng vào chậu và bế bé bên cạnh sao cho bé ngửi được hơi nước bốc lên. Chú ý cẩn thận để trẻ không bị bỏng.

4. Bổ sung độ ẩm không khí trong phòng

Không khí quá khô vào mùa đông hay cho trẻ nằm quá lâu trong phòng điều hòa có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và là yếu tố tác động khiến tình trạng nghẹt mũi của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nên bổ sung độ ẩm không khí bằng cách chạy máy giữ ẩm để lỗ mũi của trẻ không bị khô, bớt đau rát.

5. Nâng cao đầu của trẻ khi ngủ

Nâng cao đầu cho trẻ khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ thở, ngủ ngon giấc hơn. Có thể đặt một chiếc khăn bên dưới đầu trẻ để nâng đầu cao hơn một chút.

6. Những điều tuyệt đối cần tránh khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi

  • Hút mũi cho trẻ bằng miệng: có thể khiến vi khuẩn từ miệng người hút lây sang trẻ
  • Tự ý cho trẻ sử dụng thuốc co mạch, thuốc kháng sinh

Khi triệu chứng nghẹt mũi không có sự thuyên giảm có thể trẻ đã mắc bệnh lý và cần được thăm khám. Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,….Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm,crom, selen, vitamin nhóm B , … giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.