Làm thế nào để phân biệt điều gì là Thiện hay Ác theo ý nghĩa của đạo Phật ?

Thiện, tốt, lành, đúng, chân chính, phải đạo… thì đối nghĩa với Ác, xấu, dữ, sai, bất chính, trái đạo… Vấn đề giữa thiện và ác, tốt và xấu, đúng và sai… thường được thảo luận trong liên quan với quy luật nghiệp (kamma).

Ở đây sự phân biệt hai mặt đó có thể diễn đạt vắn tắt như sau:

Để biết được một hành động là thiện hay ácthì đạo đức Phật  giáo tính cả ba yếu tố liên quan đến một hành động cố ý (hành động tạo nghiệp).

  1. Trước tiên là có sự cố ý (ý  hành)  tạo  ra hành động đó.
  2. Thứ hai là có tác động hay kết quả của hành động mà người đó gây ra cho mình.
  3. Thứ ba là có tác động hay kết quả của hành động đó gây ra cho người khác.

Nếu ý hành tốt xuất phát từ những phẩm chất tốt thiện (tích cực) của tâm như  lòng từ bi và trí tuệ;   Và nếu hành động đó có tác động  hay kết quả tốt  lành cho người làm; Và nếu cũng có tác động hay  kết quả tốt lành cho những người khác, thì đó được cho là hành động thiện tốt (kusala).

Ngược lại, nếu hành động xuất phát từ những phẩm chất xấu (tiêu cực) của tâm như  sân hận  và  ích kỷ; Và nếu hành động đó  có tác động hay  kết  quả xấu cho người làm (ví  dụ  hành  động đó  làm cho tâm của mình càng thêm tiêu cực  và  ích  kỷ);  Và nếu cũng có tác động hay kết  quả  xấu  cho  những người khác, thì đó được cho  là  hành  động xấu ác tốt (akusala).

Về thực tế,  nhiều hành động  có thể là bao gồm  cả yếu tố tốt và xấu, mặc dù ý hành có thể là tốt và cách làm có thể là tốt.  Nhiều hành  động  xuất  phát từ ý hành tốt đẹp nhất  nhưng chẳng  mang lại  kết  quả tốt đẹp gì cho người làm và người khác, mọi sự còn tùy vào những điều kiện trợ duyên.

Ngược lại, đôi khi có những hành  động  xuất  phát từ ý hành xấu, nhưng lại tạo ra những kết quả tích cực cho người làm (ví dụ ăn trộm là hành động bất thiện, nhưng khi lấy được nhiều của cải quý giá, thì điều đó làm cho người đó có cuộc sống vật chất  tốt hơn). Dù kết quả là ‘tốt’, là ‘cải thiện’, nhưng hành động tạo ra nó là bất thiện, không lương thiện.

Đôi khi nhiều người thường lẫn lộn những hành động với những kết quả chẳng liên  quan  gì  đến  hành động đó, nên đoán nhầm và nghĩ  sai về  bản chất thiện ác của nhiều vấn đề. Vì vậy, Đức Phật đã đề ra những giới hạnh đạo đức để dựa vào đó người đời có thể tự sống theo giới hạnh để tránh những nhầm lẫn tạo nên những nghiệp bất thiện.

Những giới hạnh cũng dựa vào quy luật nghiệp quả, dựa vào những giáo lý của Đức Phật.

“Điều gì không tốt cho mình và cho người thì đừng nên làm. Điều gì tốt cho mình và tốt cho người thì nên làm.”

Cao cả hơn:

“Điều gì có thể không mang lại lợi lạc cho mình nhưng tốt cho người thì nên làm”.

Và:

“Điều gì mình không muốn,  mình  cũng  không thể chịu đựng, cũng bị khó chịu, bị đau khổ thì đừng làm cho người khác.”

“Phàm ở trên đời những  gì  mình  không  muốn thì đừng làm cho người”.

Nếu muốn hiểu về một hành động là thiện hay  ác, và hiểu được tại sao việc giữ giới hạnh là việc thiện lành (nghiệp thiện), thì bạn chỉ cần căn cứ vào những nguyên tắc như trên.

Ví dụ: Mình cũng không muốn bị  giết  hại,  không muốn bị lừa dối, không muốn bị mất của cải, không muốn bị ngoại tình, và  không muốn  bị  say xỉn mất trí mà gây ra tội ác, thì mình cũng đừng sát sinh, đừng nói dối, đừng tà dâm, và  đừng  uống  rượu, nhậu nhẹt, hút chích chất độc hại. Làm những điều giữ giới như vậy là làm  việc  thiện lành,  còn làm những việc ngược lại là làm điều xấu ác.

Nguồn: Vấn Đáp Phật Giáo – Lê Kim Kha (biên soạn)