Làm thế nào để bé không gắt ngủ?

Sau khi chào đời, bé phải thích nghi với rất nhiều sự thay đổi lớn. Một số bé gặp phải hiện tượng gắt ngủ, khó ngủ, ảnh hưởng tới khả năng phát triển. Vậy làm thế nào để bé không gắt ngủ?

1. Tại sao trẻ gắt ngủ?

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, hiện tượng gắt ngủ, khó ngủ ở trẻ không hiếm gặp, do một số nguyên nhân sau gây nên:

  • Theo sinh lý bình thường, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau khi sinh ở những tháng đầu thường có giấc ngủ ngắn và không sâu giấc, do đó rất dễ tỉnh giấc và gặp hiện tượng gắt ngủ.
  • Trẻ nhỏ đang bú sữa mẹ thì nhanh đói, do đó khi đói thì bé sẽ trở nên gắt ngủ, khó duy trì giấc ngủ lâu dài.
  • Một số ít trường hợp khi bé bệnh, cơ thể khó chịu cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé, thậm chí nhiều bé sẽ cảm thấy khó ngủ nếu không được mẹ ôm ấp, vỗ về.
  • Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hệ thần kinh vẫn chưa hoàn thiện khiến bé dễ bị giật mình, quấy khóc và gắt ngủ dễ dàng xảy ra.

Làm thế nào để bé không gắt ngủ?

2. Làm thế nào để bé không gắt ngủ?

 

Rất nhiều trường hợp em bé sau khi sinh rất khó ngủ hoặc ngủ rồi nhưng duy trì giấc ngủ không đủ lâu. Mỗi bé sẽ có cách biểu hiện gắt ngủ khác nhau như nằm im, nhìn chằm chằm vào một chỗ, khóc rấm rứt một lúc lâu hoặc gào khóc dữ dội.

Vậy làm thế nào để bé không gắt ngủ? Các mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau đây:

2.1 Tạo thói quen ngủ đúng giờ cho trẻ

Bình thường, trẻ sau khi chào đời dù đang quấy khóc, khó chịu nhưng vẫn rất dễ dàng lăn ra ngủ ngay lập tức. Trong khoảng thời gian 6 tuần đầu sau khi sinh, bố mẹ nên để bé bú và ngủ theo nhu cầu bất cứ lúc nào bé muốn.

Tuy nhiên, hầu hết các bé đều có thời gian ngủ và bú giãn cách từ 30 phút đến 1 tiếng. Do đó, để tạo thói quen ngủ đúng giờ cho bé, bố mẹ có thể ghi lại các mốc thời gian giữa việc bú và ngủ của bé để thay đổi, giãn các cữ bú, giúp giấc ngủ bé kéo dài hơn. Bên cạnh đó, việc này còn tạo ra sự chủ động về mặt thời gian chăm sóc cho cả bố mẹ.

2.2 Cho bé no bụng trước khi ngủ

Nhiều bà mẹ thường có thói quen ru bé ngủ ngay trên tay và sau đó đặt xuống giường, tuy nhiên nhiều bé gắt ngủ lại dễ dàng tỉnh dậy và quấy khóc. Do đó, tốt nhất các mẹ nên cho bé bú no, khi bé có các dấu hiệu buồn ngủ thì hãy đặt xuống giường để bé có giấc ngủ liên tục, không bị kích thích.

Ngoài ra, để bé dễ ngủ hơn thì mẹ có thể vỗ về bé hoặc nhẹ nhàng xoa lưng. Việc cho bé bú no và đặt xuống giường trước khi bé ngủ sẽ tốt hơn nhiều việc bé ngủ chập chờn trên tay mẹ và dễ dàng bị gắt ngủ khi mẹ đặt trở lại giường.

Làm thế nào để bé không gắt ngủ?

 

2.3 Quan sát các dấu hiệu bé buồn ngủ

Một số biểu hiện khi bé muốn đi ngủ hay gặp là bé lờ đờ, ngáp và tỏ ra chậm chạp hơn. Việc của cha mẹ là hay quan sát và ghi nhận lại những biểu hiện này của con mình để cho bé bú no và ngủ ngay lập tức.

Nếu bé bị quá giấc ngủ, cơ thể sẽ không tiết ra được chất melatonin làm dịu cơn mệt mỏi, dẫn đến việc trẻ gắt ngủ, liên tục quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu…

2.4 Tuyệt đối không rung lắc để ru bé ngủ

Rung lắc để bé dễ ngủ trở thành thói quen của rất nhiều mẹ hiện nay. Khi thấy bé quấy khóc liên tục, người chăm sóc sẽ bế bé trên tay vừa đi vừa rung lắc vừa hát ru bé. Một số mẹ còn để bé trên võng hoặc nôi điện và đưa.

Tuy nhiên dù bé có thể ngủ theo cách này nhưng giấc ngủ không sâu, lâu dần bé sẽ bị phụ thuộc vào việc rung lắc để ngủ và khi mẹ đặt bé xuống giường, nôi thì bé quấy khóc và không chịu ngủ nữa.

Vì thế, để bé không gắt ngủ thì mẹ không nên tạo thói quen không tốt này cho bé. Môi trường ngủ tốt nhất cho bé là trên mặt phẳng, êm ái, thoáng mát và ít tiếng ồn.

2.5 Tạo vị trí quen thuộc khi ngủ

Dù còn rất nhỏ nhưng bé đã có thể cảm nhận được tất cả mọi thứ xung quanh. Do đó, để hạn chế việc bé gắt ngủ thì vị trí bé ngủ nên cố định, không nên thay đổi nhiều để bé quen dần. Nhiều bé chỉ ngủ ngon khi được đặt vào đúng nơi, đúng chỗ trên giường của mình.

Làm thế nào để bé không gắt ngủ?

 

2.6 Khi bé ngủ say không nên cho bé bú

Nhiều mẹ mắc sai lầm trong cách chăm sóc bé. Một số mẹ chăm sóc một cách máy móc như cứ canh đúng 30 phút – 1 tiếng sẽ cho con bú 1 lần, vì áp dụng cách này nên dù bé đang ngủ say giấc giữa đêm cũng bị mẹ bắt dậy bú. Chính việc làm tưởng như chuẩn xác này lại là nguyên nhân làm trẻ bị mất giấc ngủ ngon và lâu dần khiến trẻ gắt ngủ, khó ngủ hơn.

2.7 Không gian bé ngủ phải thoải mái, đủ tối, yên tĩnh

Không gian ngủ cho bé cũng rất quan trọng, để giấc ngủ bé được sâu và duy trì đủ thời gian, bé nên được ngủ trong phòng thoáng mát, tránh gió lùa, thoải mái và yên tĩnh. Khi bé đang say giấc, mẹ nên hạn chế tối đa ánh sáng và tiếng ồn vì những yếu tố này gây kích thích và khiến trẻ khó chịu, dễ gắt ngủ hơn bình thường.

2.8 Sử dụng âm thanh lặp đi lặp lại

Nhiều trường hợp đặc biệt, các bé rất thích nghe những âm thanh đều đều và chỉ ngừng khóc khi nghe những tiếng động như tiếng máy sấy tóc, âm nhạc êm dịu…

Do đó, khi giấc ngủ của bé gặp vấn đề thì mẹ có thể sử dụng những âm thanh tương tự, giúp bé thoải mái hơn và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng (white noise) để tạo cho trẻ cảm giác quen thuộc, an toàn, dễ đi vào giấc ngủ và loại bỏ tình trạng gắt ngủ cho bé.