Làm sao sống được mà không yêu ?!
II. Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ:
Đó là một câu trích trong bài thơ “Trăng” của Xuân Diệu mà đàng sau dáng vẻ một câu thơ tình thuần túy nó đã dóng lên một tiếng chuông khác lạ. Tình yêu đã đến rồi đấy, thậm chí đã tròn đầy: Còn gì hạnh phúc hơn khi hai người yêu dắt tay nhau dạo bước giữa đêm trăng – tình và cảnh đều đạt đến viên mãn, đúng là chỉ cách thiên đường hạ giới có một bước! Ấy vậy mà, sau khi đã đi qua gần hết cả bài thơ trong âm hưởng tràn trề hoan lạc, cơn cớ nào đã xui khiến nhà thơ hạ ngay hai câu kết u ám, mang đầy điềm gở:
Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.
Đúng là đã có một điều gì đó ở ngoài tình yêu và chen vào giữa câu chuyện của tình yêu. Đó là điều gì vậy?
Tôi muốn nói: Thơ tình của Xuân Diệu không chỉ là thơ tình, mà còn là câu chuyện về thân phận con người.
Đề cập tới khái niệm “thân phận con người”, tôi nhớ ngay đến một con người cũng có những kỷ niệm rất gắn bó với mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định, nơi Xuân Diệu sinh ra và lớn lên – tôi muốn nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “người viết tình ca hay nhất thế kỷ hai mươi” như nhiều người phong tặng, một Xuân Diệu của âm nhạc Việt Nam, ít nhất là trên địa hạt tình yêu. Nhớ như thế là vì “thân phận con người” mặc dù là một khái niệm đã có từ lâu trong từ điển tiếng Việt, nhưng tôi xin được võ đoán rằng chỉ đến khi dòng Nhạc Trịnh xuất hiện và được phổ biến rộng rãi, những người nghiên cứu và thưởng thức âm nhạc của Trịnh Công Sơn mới chú ý và nói nhiều đến khái niệm này, vì đó là một phần không thể thiếu trong gia tài âm nhạc của người nhạc sĩ và cũng là thi sĩ có một không hai của thế kỷ hai mươi đã đem triết học vào âm nhạc “dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật”.
Lan man một chút như thế, vì thú thật, dễ thường ý tưởng này của tôi về thơ tình Xuân Diệu cũng được gợi ý từ nhạc Trịnh cũng nên. Chỉ biết rằng, từ khi đến với nhạc Trịnh, mỗi lần đọc lại thơ tình Xuân Diệu, tôi chợt phát hiện ra những chiều sâu mới mẻ mà dường như trước đó tôi chưa mấy quan tâm. Cũng phải thôi, bởi vì, trong các nguồn cội tạo nên âm nhạc Trịnh Công Sơn tôi tin rằng cũng có một phần gốc gác sâu xa từ thơ ca và âm nhạc tiền chiến.
Trở lại với thơ Xuân Diệu, với một chút trang bị cần thiết về kiến thức xã hội và nhân văn, một chút từng trải và chiêm ngiệm, ta sẽ nhận ra đằng sau mỗi câu thơ tình của ông đều ngầm ẩn một cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm đối với cuộc đời và con người. Phải nói ngay rằng Xuân Diệu không muốn và chưa từng là một nhà thơ tư tưởng. Với ông, chỉ có một quy luật giành cho thơ – đó là quy luật của cảm xúc. Ông đã từng nói một câu nổi tiếng: “Thơ là nước, nước có thể trong, có thể đục, nhưng không thể khô”. Còn nhớ, một lần chính người viết những dòng này đã hỏi lại ông: “Thưa anh, thế còn tư tưởng thì sao ạ?” Và tôi còn nhớ như in thái độ bất bình và diễu cợt của ông khi trả lời tôi bằng một câu thẳng thừng không thương xót: “Kinh nghiệm cho hay, thời gian sẽ thanh toán nó trước hết!” Dĩ nhiên, như bản tính của ông, chỉ một phút sau ông đã vội xoa dịu cái anh chàng trẻ người non dạ là tôi ngày ấy: “Tớ với cậu cộng lại chia đôi thì vừa.”
Đấy là do ông nể nang. Tôi biết vậy. Xuân Diệu trước sau là nhà thơ của cảm xúc. Tuy nhiên, điều ấy không ngăn được chúng ta hôm nay vẫn có thể đi tìm những thông điệp mang tính tư tưởng và triết học ở trong thơ ông.
Bởi vì triết học không ở đâu xa, nó nằm ngay trong chính cuộc sống. Khi những người yêu đã đạt được tình yêu, tay trong tay dạo bước dưới trăng, thì trong mối tương quan của lứa đôi họ đã không còn cô đơn, họ đã có được đoàn tụ. Nhưng bất chợt ngước nhìn lên vầng trăng ngỡ rất gần gũi kia, họ bỗng phát hiện ra rằng nó thật xa thăm thẳm, và cả bầu trời trước mắt họ cũng bát ngát mênh mông – trước cái to lớn đến vô cùng vô tận và hoàn toàn bí ẩn của vũ trụ, của thời gian và cõi hư vô, chút đoàn tụ của lứa đôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi và thảm hại.
Cuộc khai sáng của Phương Tây khi nhập cảng vào Việt Nam đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ý thức về quyền sống của con người, kỷ nguyên của con người cá nhân được giải phóng. Đó là một bước tiến dài trên con đường phát triển của nhân loại. Nhưng như tất cả mọi sự trên đời, cái gì cũng có mặt âm bản của nó. Rời khỏi sự ràng buộc nhưng đồng thời là che chở của tập thể, con người đối diện với cả một chân trời mang tên tự do nhưng cũng liền nhận thấy mình vô hạn cô đơn. Thoát khỏi sự tối tăm nhưng cũng bình yên trong một thói quen an phận và an bài đã ngàn đời, đồng thời được tiếp nhận những nguồn ánh sáng của tri thức để có dịp nhìn lại chính mình và trông ra biển rộng trời cao, con người bỗng nhận chân ra thân phận bé nhỏ, hữu hạn nên cũng đầy bất lực của mình, cùng với những bất cập và phi lý nằm ngay trong thuộc tính của chính sự sống và tồn tại. Cốt lõi của Minh triết Phương Đông được tiếp sức bởi triết học hiện đại của Phương Tây đã thổi vào hồn người Việt một ngọn gió xao xác bất an, với những băn khoăn không sao lý giải, những thắc mắc không thể trả lời. Như một đứa trẻ lớn lên bắt đầu có ý thức về xung quanh, con người luôn bị dằn vặt bởi những câu hỏi tìm về bản chất: “ai”, “cái gì”, “tại sao” và “như thế nào”… Cái “xôn xao”, cái “chơi vơi”, cái “bỡ ngỡ” trong thơ Xuân Diệu mà các tác giả “Thi nhân Việt Nam” đã nhận xét rất chính xác và tinh vi có lẽ đã phản ánh cái tâm thế mà chúng ta vừa nói tới.
Là một người Tây học, Xuân Diệu tiếp thu những điều mới mẻ nói trên sớm và sâu hơn nhiều thi nhân khác. Chẳng hạn, đây là một câu thơ nổi tiếng có thể đóng con dấu “made in Xuân Diệu”:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Cái nỗi buồn không nguyên nhân này là một nét hoàn toàn mới trong tâm hồn người Việt. Nó phản ánh tính phong phú và phức tạp của con người hiện đại, khi biên độ của nhận thức và tâm hồn đã mở rộng lên một tầm cao mới. Một cách cảm, cách nói như vậy rất khó tìm thấy trong thơ Nguyễn Bính chẳng hạn. Ta dễ dàng nhận thấy trong thơ Nguyễn Bính mọi niềm vui, nỗi buồn đều có lý do rõ ràng. Cần nói ngay rằng, tôi đang cố đi tìm nét đặc thù của một con người, điều khác nhau mà tôi vừa trình bày ấy không hàm ý gì về việc đề cao hay hạ thấp một ai.
Thơ Xuân Diệu nói chung và thơ tình Xuân Diệu dường như thường được xây dựng trên những cặp phạm trù tương phản mà cái này luôn vươn tới cái kia trong một nỗ lực bền bỉ nhưng tuyệt vọng – đó là mối duyên nợ giữa cô đơn và đoàn tụ, giữa hữu hạn và vô cùng, giữa bé nhỏ, mong manh và vô biên, tuyệt đích. Có thể nói, đó là những cuộc rượt đuổi mà thất bại đã được tiên liệu, những phấn đấu vu vơ không để làm gì kiểu dã tràng xe cát vốn đã được người xưa khái quát hóa trong huyền thoại Xidíp.
Trong thơ tình Xuân Diệu, ta thấy sự chia ly luôn rình rập cuối con đường, nỗi buồn thường mai phục giữa niềm vui và sự cuống quýt, tham lam chỉ để phơi bày cả một trời bất lực. Chưa kịp nếm mùi hạnh phúc, tình yêu đã vội chất đầy đau đớn và dấu đầy hiểm họa. Ta hãy nghe những lời kêu thét từ những vết thương tên gọi “tình yêu”:
– Yêu là chết ở trong lòng một ít.
– Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ.
– Em ác quá, lòng anh như tự xé.
– Em đốt lòng anh, em biết không.
– Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền.
– Nên lúc môi ta kề miệng thắm
Trời ơi, ta muốn uống hồn em…
Và từ đó, một lá cờ trắng được kéo lên:
Đôi mắt người yêu, ôi vực thẳm
Ôi trời xa, vầng trán của người yêu
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
Cuối cùng, tất cả được buông xuôi và quy về cho định mệnh, với một tiếng thở dài nhè nhẹ thường là dấu hiệu chấm hết cho một chu trình nỗ lực không công:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Cắt nghĩa mà như không cắt nghĩa, bởi đến thế thì nội hàm của tình yêu đã gói trọn trong hai chữ “đẹp và buồn”, như cách nói của nhà văn Nguyễn Tuân khi nhận xét về nhạc Trịnh Công Sơn.
Sức ám ảnh về phận người và chuyện đời trong thơ tình Xuân Diệu sâu và đậm đến nỗi có những bài thơ của ông vốn là thơ tình đích thực như ta đã từng khẳng định, nhưng vẫn không dấu được cái thông điệp thứ hai ấy, dù không chắc đấy đã là chủ định của nhà thơ. Ngẫm cho cùng, phải chăng tình yêu không gì khác hơn là cái phần tinh hoa và cũng thăng hoa nhất của mỗi cuộc đời, hàm chứa trong nó một phần của số phận, trò chuyện về tình yêu bằng tất cả tấm lòng và sự chiêm nghiệm là đã đặt chân vào mảnh đất của thân phận con người không thể khác.
Một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu đồng thời cũng là minh chứng xác thực cho nhận định trên đây là bài “Lời kỹ nữ”.
Đây là một trong những bài thơ hiếm hoi của Xuân Diệu không sử dụng lối nói trực tiếp của đại từ nhân xưng ngôi một, mà lại mượn lời của một người khác – nàng kỹ nữ – để giãi bày tâm tình cũng của một người khác. Dưới cái vỏ khách quan ấy, bài thơ là câu chuyện tình một đêm của một cô gái làng chơi với một khách làng chơi. Cả bài thơ là lời cầu xin van vỉ – hay cũng chính là một cách tỏ tình – của người kỹ nữ tội nghiệp, người ở một vị thế rõ ràng là thấp hơn trong mối tương quan với người tình, nên từng lời từng lời của nàng nghe nhẫn nhục và sầu tủi đến thắt lòng:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi
Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Đó là phần “thực” của bài thơ và cái gốc thực của nó được tác giả xây dựng rất vững chãi: đây đúng là thế giới tâm hồn của một người phụ nữ. Phụ nữ ở đâu cũng là phụ nữ, dù họ có là ai, làm nghề gì đi nữa, họ chỉ có một nỗi khao khát không cùng là yêu và được yêu, một nỗi sợ hãi truyền kiếp là nỗi sợ cô đơn:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Hai câu thơ da diết một vẻ đẹp làm bằng nước mắt. Ta bắt gặp một tâm tình, một trạng huống có thật trong đời. Ta thực sự rung động trước cả tình yêu và nỗi buồn đau to lớn của người con gái cô đơn.
Song song với phần “thực” ấy, tôi muốn nói đến phần “hư” của bài thơ: Nhưng liệu đây có phải chỉ là một bài thơ tình không hơn? Liệu những lời van xin và giãi bày tha thiết đến nao lòng, những lời lẽ trang trọng và sang trọng kia có phải chỉ của riêng nàng kỹ nữ? Ta hãy để ý thêm những lời này:
… Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn
Gió theo trăng từ biển thổi qua non
Buồn theo gió loang xa từng thoáng rợn.
Có phải ta đang gặp một người quen? Vẫn là vầng trăng, người khách thăm thường nhật trong thơ Xuân Diệu, nhà thi sĩ gốc Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở đất Bình Định, xứ sở của các thi nhân luôn bị vầng trăng ám ảnh như nhận xét của các tác giả “Thi nhân Việt Nam”. Con người ở đây như sắp bị dìm chết trong cái biển cả mênh mông của ánh trăng, trong hơi lạnh buốt của tất cả băng giá trên thế gian này ập xuống. Ta thực không còn phân biệt được nỗi lòng của người kỹ nữ với thế giới tâm hồn của nhà thơ cái nào được gửi gắm trong cái nào. Rốt cuộc, cái khát vọng tình yêu, khát vọng đoàn tụ, cùng với nỗi sợ hãi cô đơn nơi người kỹ nữ cũng chính là tâm sự thường trực của chính nhà thơ và rộng ra là của cả một lớp người hiện đại.
Và thế, bài thơ đã trở lại cái dòng cảm xúc và ngôn ngữ chủ quan quen thuộc của nhà thơ tự bao giờ, để cùng với nỗi thương cảm một con người cụ thể, ta cũng thấm thía và cảm thương luôn cho thân phận của con người nói chung, trong đó có chính cả chúng ta.
(còn tiếp)
III. Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya