Làm sao để lấy dị vật trong tai đúng cách?
Làm sao để lấy dị vật trong tai đúng cách?
Dị vật tai là sự cố thường gặp, có thể gây tổn thương hoặc tắc nghẽn tai, đe dọa tới sức khỏe thính lực. Người bệnh nên trang bị cho bản thân kiến thức lấy dị vật trong tai đúng cách và an toàn.
1. Nhận biết dị vật rơi vào tai
Dị vật rơi vào trong tai là tình trạng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hiện nay. Đây là một cấp cứu trong lĩnh vực tai mũi họng và có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương thính lực nên cần được xử trí đúng cách.
Khi dị vật rơi vào tai, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, đau đầu hoặc ngứa ngáy trong tai. Tùy thuộc vào loại dị vật, triệu chứng có thể khác nhau như sau:
– Cảm giác khó chịu hoặc đau trong tai
– Chảy máu trong tai
– Nghe kém hoặc giảm sức nghe
– Ù tai
– Cảm giác nặng đầu hoặc chóng mặt
– Buồn nôn
– Mất thăng bằng
– Tai đỏ tấy, viêm nhiễm…
Nếu thấy bản thân có bất kỳ triệu chứng nào kể trên, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và loại bỏ dị vật đúng cách.
2. Vì sao lại có dị vật trong tai?
Có nhiều nguyên nhân khiến dị vật bị mắc vào trong tai như:
– Tới những nơi có nhiều khói bụi, ô nhiễm không khí như các khu công nghiệp, công trường xây dựng, làng nghề mài đá…
– Trẻ em thường có nguy cơ bị mắc dị vật trong tai khi chơi đùa với các vật nhỏ như hạt, khuy áo, pin đồng hồ, đồ chơi…
– Tham gia một số hoạt động thể thao như bơi lội ở nơi kém vệ sinh, đi xe đạp ở nơi nhiều cây cối…
– Sử dụng bông ngoáy tai hoặc một số dụng cụ sắc, nhọn để chọc vào tai cũng có thể dẫn tới tình trạng mắc dị vật.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra dị vật trong tai như:
– Viêm nhiễm tai: Khi tai bị viêm nhiễm, niêm mạc tai sẽ bị phù nề và làm giảm khả năng tự làm sạch của tai, từ đó dị vật dễ dàng bị mắc vào.
– Tăng tiết ráy tai cũng có thể khiến dị vật khó thoát ra, đặc biệt là khi chúng ta không làm sạch thường xuyên.
– Mắc tai biến: Gây ra tình trạng mất cảm giác hoặc mất khả năng tự làm sạch của tai…
Nguy cơ mắc dị vật tai khi tới nơi ô nhiễm, nhiều khói bụi
3. Xử trí lấy dị vật tai
3.1. Những điều cần tránh
Nếu phát hiện dị vật trong tai, người bệnh cần tránh thực hiện một số điều sau vì có thể làm tổn thương tới các cấu trúc trong tai:
– Không cố gắng lấy dị vật ra bằng tay hoặc bất kỳ dụng cụ sắc, nhọn nào khác, vì có thể làm tổn thương tai, gây ra chảy máu và nhiễm trùng tai và đẩy dị vật vào sâu bên trong.
– Không sử dụng nước hoặc các loại dầu để làm mềm dị vật trong tai, vì có thể làm cho dị vật phồng lên và trở nên khó lấy ra hơn.
– Không sử dụng các dung dịch vệ sinh để loại bỏ dị vật trong tai vì có thể gây kích ứng, viêm nhiễm.
– Không ngủ nằm nghiêng về phía tai mắc dị vật hoặc tác động vật lý từ bên ngoài vì có thể gây đau và đẩy dị vật vào sâu hơn.
3.2. Lấy dị vật tai
Lấy dị vật tai tại nhà
Nếu xác định rõ ràng trong tai là dị vật gì và không tiềm ẩn nguy hiểm thì chúng ta có thể tự thực hiện việc loại bỏ dị vật tại nhà bằng cách sau:
– Khi vật thể là côn trùng, bạn có thể sử dụng đèn pin để soi vào trong tai, dẫn lối cho côn trùng bò ra ngoài qua ánh sáng. Ngoài ra, bạn có thể nhỏ dung dịch oxy già hoặc nước ấm vào tai để côn trùng không còn động đậy thì nghiêng đầu để côn trùng trôi ra ngoài.
– Khi dị vật là các đồ vật nhỏ, hạt ngũ cốc… thì bạn có thể dùng nhíp sạch để gắp nhẹ dị vật ra ngoài hoặc dùng ống hút để hút ra.
Lưu ý rằng việc lấy dị vật trong tai tại nhà chỉ nên thực hiện trong trường hợp xác định dị vật không nguy hiểm, nằm ở vị trí dễ thấy và có kiến thức khoa học trong việc gắp dị vật. Ngược lại, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện để được xử trí khi dị vật bị mắc vào tai gây đau đớn, ở vị trí sâu hoặc khi bạn không thể lấy ra ngoài dù đã áp dụng các biện pháp trên…
Lấy dị vật trong tai tại cơ sở y khoa
Khi mắc dị vật tai, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và xử trí đúng cách. Các biện pháp thường được áp dụng để lấy dị vật trong tai như là:
– Rửa ống tai: Bơm nước ấm vào ống tai ngoài để tạo lực đẩy dị vật ra theo dòng nước.
– Dùng nhíp và phễu soi để sẽ gắp dị vật ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
– Dùng giác hút, để hút dị vật nhỏ ở trong tai ra ngoài.
– Với một số trẻ nhỏ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thuốc mê để trẻ hợp tác, giúp quá trình lấy dị vật trở nên dễ dàng hơn.
– Dị vật gây thủng màng nhĩ cần được tiến hành vá nhĩ kịp thời để bảo toàn thính lực.
– Sau khi lấy dị vật, bác sĩ làm sạch ống tai, sát khuẩn, bôi thuốc nhằm ngăn ngừa viêm nhiễm. Đồng thời, người bệnh cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe và thính lực trong giai đoạn này để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
4. Phòng tránh dị vật rơi vào tai
Dị vật rơi vào tai có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, đặc biệt là đối với thính lực. Để phòng tránh mắc dị vật tai, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp sau:
– Không để trẻ chơi đùa với các loại đồ chơi kích thước nhỏ hoặc đồ dùng, vật dụng bé như móc khóa, bông ngoáy tai, khuy áo, hạt ngũ cốc…
– Vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ thường xuyên bằng khăn sạch, mềm và chỉ làm sạch ở tai ngoài.
– Không sử dụng tăm bông để ngoáy tai do tai có cơ chế tự vệ sinh, ngoáy tai sai cách có thể dẫn tới thủng màng nhĩ.
– Nên vệ sinh không gian nhà ở, nơi nghỉ ngơi, quần áo và đồ dùng sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn, ngăn ngừa côn trùng trú ngụ.
– Nên sử dụng chăn màn khi ngủ và nằm ở giường cao để côn trùng không bò vào trong tai.
– Nếu thấy côn trùng, dị vật bị mắc vào tai, mọi người nên chủ động tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ có chuyên môn xử trí kịp thời.
Lấy dị vật trong tai kịp thời sẽ giúp bảo vệ thính lực toàn diện, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh nên chủ động đi khám khi thấy dấu hiệu bất thường và sinh hoạt đúng cách để phòng ngừa mắc dị vật.