Làm phim về chiến tranh cách mạng cần tài năng, tình yêu và sự tận tâm
Trong thập niên 1970, 1980, điện ảnh Việt Nam đã có rất nhiều bộ phim kinh điển nói về đề tài chiến tranh cách mạng được ra đời và gặt hái không ít thành công, để lại những ký ức sâu đậm và cảm xúc dạt dào cho rất nhiều thế hệ về sau. Trong đó, không thể không kể đến “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972), “Em bé Hà Nội” (1974), “Sao tháng Tám” (1976), “Cánh đồng hoang” (1979), “Biệt động Sài Gòn” (1986)…
Từ những năm 1990 trở lại đây, những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính gây tiếng vang cũng như thu hút khán giả trở nên ít dần. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò truyện với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã về vấn đề này.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.
Một thế hệ điện ảnh từng dành trọn đời mình cho đề tài này đã khuất bóng
PV: Khởi đầu của điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim về chiến tranh cách mạng xuất sắc. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam đương đại lại chưa có nhiều tác phẩm về đề tài này tạo được sức hút với khán giả. Bà có nghĩ như vậy không?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Đúng là trong ít nhất 20 năm trở lại đây, những bộ phim truyện điện ảnh (và cả phim truyền hình dài tập) khai thác đề tài lịch sử – chiến tranh cách mạng không gây được hiệu ứng tốt với khán giả. Hiện tượng này có hai nguyên nhân: Một là vì kinh phí cấp nửa vời, không đủ cho những dàn dựng đúng mức mô tả những cảnh khốc liệt trong chiến tranh mà các nhân vật phải trải qua. Hai là một thế hệ điện ảnh từng dành trọn đời mình cho đề tài này đã khuất bóng và không để lại được những hậu duệ đáng kể. Vậy là cả nguồn vốn lẫn nhân lực đều nửa vời, làm sao có phim hay?
PV: Trên thế giới có không ít những bộ phim về chiến tranh thu hút khán giả. Còn chúng ta, ở một đất nước mà chiến tranh là một phần của lịch sử, oai hùng và bi thương nhưng lại không có nhiều tác phẩm điện ảnh tầm cỡ. Theo bà, nguyên nhân vì sao?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tôi đã chạm tới vấn đề này ở trên. Nhưng nhìn sâu xa hơn thì thấy thật đáng tiếc. Việt Nam có một lịch sử hình thành và phát triển với dày đặc các cuộc chiến tranh vệ quốc. Có lẽ không dân tộc nào, đất nước nào trên thế giới lại chịu số phận khốc liệt này dai dẳng và không tiền khoáng hậu như thế. Nhưng cho đến hôm nay, chúng ta vẫn là một nước độc lập với bản sắc văn hoá, trong đó bao gồm cả tiếng nói và phong tục tập quán không thể trộn lẫn. Đáng tiếc là niềm tự hào dân tộc cũng như lòng tri ân với các tiền nhân đã bỏ mình vì nước…vì nhiều lý do khác nhau đã mai một phần nào ở thế hệ điện ảnh Việt đương đại.
Nhưng còn đáng tiếc hơn vì chính hệ thống quản lý nhà nước đã không làm gì để những bộ phim khai thác đề tài lịch sử chiến tranh cách mạng được làm ra một cách đúng đắn và đến được với công chúng như một vũ khí tuyên truyền giáo dục hữu hiệu. Mải so sánh dòng phim này với các phim thị trường ăn khách, hệ thống quản lý và xét duyệt tài chính lâu nay chỉ quan tâm đến việc phim này phim kia có doanh thu thế nào, chứ không bàn đến các nguyên tắc kiểm soát và hậu kiểm đối với quá trình sản xuất cũng như bàn về giải pháp phát hành.
Trong khi không thẩm định kịch bản cho dòng phim này một cách tận tâm và cẩn trọng, khách quan tạo động lực và sự tin tưởng cho những người sáng tác, thì khâu xét duyệt kinh phí cho sản xuất cũng chưa bao giờ đề cập đến tỷ lệ kinh phí dành cho quảng bá và phát hành sau khi bộ phim ra đời. Một kiểu “thả nổi” đối với các dự án có kinh phí hàng chục tỷ như thế thì lấy đâu ra phim hay? Có thể nói, niềm tự hào đối với lịch sử chiến tranh cách mạng của chính hệ thống quản lý đã mai một nên mới xảy ra hiện trạng có những bộ phim “không ai xem” như ta đã thấy.
“Sao tháng Tám” khắc họa một giai đoạn quan trọng trong mùa thu tháng Tám lịch sử của đất nước.
PV: Nhiều người cho rằng, phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam kém hấp dẫn là bởi phim làm theo kiểu tuyên truyền, khô cứng, mô típ sáo mòn và mờ nhạt, chiến tranh phải khốc liệt, nhân vật phải anh hùng… Quan điểm của bà thế nào?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Phải nói ngay rằng không đất nước nào không dùng phim nói về chiến tranh để tuyên truyền cho vị thế của đất nước. Mỹ, Hàn Quốc… gần hơn là Trung Quốc đều dùng phim chiến tranh để tuyên truyền. Tuy nhiên rõ ràng những ý tưởng làm phim về đề tài này đã được “đón tay” bởi những người có trách nhiệm và nắm vững mục tiêu đầu tư của họ. Vì hết sức rành mạch trong mục đích, nên các dự án sẽ đều được lật đi lật lại, được sự cộng hưởng sáng tạo của một hệ thống chỉ nhằm đến hiệu quả lan toả trong công chúng của bộ phim tương lai.
Nhân chuyện này xin nhắc lại một chuyện đã cũ: “Giải cứu binh nhì Ryan” là một phim chiến tranh của Mỹ. Nó được Bộ Quốc phòng Mỹ hỗ trợ và đánh giá rất cao. Nó tuyên truyền cho chủ nghĩa nhân văn kiểu Mỹ, nguyên tắc kỷ luật trong quân đội Mỹ và tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà bộ phim đề cập đến. Mạch truyện không có gì phức tạp, nhưng được khai thác đến nơi đến chốn với những hình ảnh chiến tranh khốc liệt và trung thực.
Đương nhiên so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng tôi nhìn thấy trước hết trong bộ phim này một Tình yêu sâu sắc với thông điệp của bộ phim, và Tình yêu ấy đã lan toả đến khán giả. Nói cụ thể, thì khi cả hệ thống xét duyệt dự án cũng như ekip sản xuất không có nổi tình yêu thực sự với thông điệp muốn gửi gắm qua bộ phim thì sản phẩn không đến được với công chúng là điều dễ hiểu.
Các đạo diễn trẻ luôn sẵn sàng dấn thân
PV: Thêm một lý do nữa khiến phim điện ảnh về chiến tranh ở ta hiện nay không mấy hấp dẫn, đó là thiếu sự trải nghiệm. Những người trẻ khi làm về chiến tranh có những hạn chế nhất định. Bà nghĩ sao về điều này?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Không ai có trải nghiệm thực sự với chiến tranh khi chiến tranh được đề cập đến luôn là quá khứ, thậm chí quá khứ sau gần nửa thế kỷ. Nhưng những người làm phim luôn có một trải nghiệm khác, qua sách vở và qua những bộ phim mà những người đi trước đã làm, hoặc đất nước khác, tác giả khác đã làm. Sự học hỏi này, cùng với sự cộng hưởng của một tình yêu sâu sắc đối với lịch sử dân tộc, cũng như lòng biết ơn đối với tiền nhân sẽ khiến cho một bộ phim thấm đẫm tinh thần dân tộc, thấm đẫm trí tuệ và không nhất thiết phải đổ máu nơi chiến trường.
“Người trở về” là bộ phim nhựa về đề tài hậu chiến do đạo diễn trẻ thế hệ 8X Đặng Thái Huyền làm đạo diễn từng gây tiếng vang khi ra mắt dịp Chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
PV: Bà có cho rằng làm phim đề tài chiến tranh ở thời điểm hiện tại là mạo hiểm vì không còn phù hợp với thị hiếu khán giả, khó bán vé khi ra rạp…?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Khán giả là đối tượng phục vụ của điện ảnh, nhưng khán giả cũng đồng thời là đối tượng để điện ảnh thực hiện trách nhiệm giáo dục và điều chỉnh. Nếu một bộ phim chiến tranh chuẩn mực và hấp dẫn, đương nhiên sẽ đến được với khán giả mà không bị rào cản “thị hiếu” gây ách tắc. Người Việt Nam thích xem phim chiến tranh của Mỹ, của Hàn Quốc, Trung Quốc… sao không thể xem bộ phim về chiến tranh của chính đất nước mình. Vấn đề vẫn nằm ở chất lượng bộ phim, không phải bởi phù hợp với thị hiếu hay không.
PV: Khi làm phim chiến tranh, các nhà làm phim thường phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gì, thưa bà?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất mà các nhà làm phim phải đối mặt là chính họ. Tài năng, tình yêu, sự tận tâm… cần được huy động tối đa. Thứ đến là bởi nắm chắc chất lượng bộ phim mà mình sẽ làm, các nhà làm phim phải bảo vệ bằng được một dự toán kinh phí xứng đáng với nó. Không xứng đáng không làm. Đừng đổ tại kinh phí thấp. Không ai cho bạn đủ tiền làm phim khi chính bạn không chắc với số tiền đó có thể làm được phim hay hay không.
PV: Điện ảnh nói riêng và nền nghệ thuật của chúng ta vẫn nợ lịch sử, chưa có nhiều tác phẩm lớn về mảng đề tài khó này? Chẳng hạn danh mục phim truyện điện ảnh của 60 năm ĐAVN có lẽ chỉ duy nhất “Sao Tháng Tám” (đạo diễn Trần Đắc) là làm về đề tài Cách mạng Tháng Tám, sản xuất năm 1976 và kể từ đó đến nay chưa thấy phim nào cùng đề tài. Vậy, làm thế nào để khuyến khích các đạo diễn trẻ dấn thân, để cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Những nội dung mà tôi đề cập đến ở trên chính là những nút thắt cần tháo gỡ. Tháo gỡ từ quan niệm đặt hàng đối với phim chiến tranh cách mạng, tháo gỡ từ mục tiêu đầu tư, và tháo gỡ từ chính việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Tôi nghĩ các đạo diễn trẻ luôn sẵn sàng dấn thân. Vấn đề là cả hệ thống có đón tay không? Có ai đứng bên cạnh họ, vừa nâng đỡ vừa điều chỉnh họ để bộ phim đạt mục đích đến với khán giả không? Đó là cách đào tạo thiện lành và tận tâm nhất trong điều kiện đang đứt gãy thế hệ như hiện nay.
PV: Xin cảm ơn bà!./.