Làm nhục người khác: Biết để tránh!
Những năm qua, trên mạng xã hội lan truyền những ngôn từ, hình ảnh, clip… nhằm làm nhục người khác khác. Điều này làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, gây mất trật tự công cộng. Vậy hành vi làm nhục người khác sẽ được pháp luật xử lý như thế nào?
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Hiểu thế nào là làm nhục người khác?
Theo khoản 1 Điều 20 của Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được quy định rất cụ thể tại Điều 34, Bộ luật Dân sự 2015: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình[…]
Như vậy, làm nhục người khác là hành vi trái pháp luật, xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.
Làm nhục người khác bị xử lý thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Xử phạt hành chính:
Căn cứ tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: nghiêm cấm các hành vi: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đồng thời, người vi phạm còn bị xử phạt theo Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về việc sử dụng thông tin số nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác. Cụ thể, bị xử phạt số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Hành vi tung ảnh “nóng” của người khác lên facebook nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
– Xử lý hình sự:
Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội làm nhục người khác:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Làm nhục người khác là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của con người. Được thể hiện qua các hình thức sau đây:
Thể hiện bằng lời nói: bao gồm sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu, lăng mạ… nhằm vào nhân cách danh dự với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy nhục nhã trước người khác.
Thể hiện bằng việc làm: gồm có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc người bị hại trước đám đông để bêu rếu. Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông đấm đá, đăng tải ảnh, video lên facebook… hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình.
Tất cả những hành vi, thủ đoạn trên chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi làm nhục người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện.
Về chế tài hình sự, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
– Phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
– Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, áp dụng đối với trong các trường hợp phạm tội sau đây: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài việc phải chịu một trong số hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn phải chịu hình phạt bổ sung: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Với những mặt tích cực mà nó mang lại cho xã hội thì cũng có không ít người lợi dụng môi trường này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thiết nghĩ, người dùng mạng xã hội nên chủ động tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Xuân Thành