Làm giàu thành công từ trồng củ lùn | Khởi nghiệp
“Tôi có 4 công đất chuyên trồng củ lùn, mỗi vụ thu hoạch trừ hết các khoản chi phí, còn lời khoảng 80 triệu đồng. Mức lợi nhuận như trên cao gấp vài lần so trồng lúa, vả lại nhàn hạ hơn, không tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”, bà La Thị Siêu Ghết, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vui vẻ cho biết.
Trên địa bàn huyện Châu Thành có một loại củ mà ai đã từng ăn cũng thích thú vì chỉ có thể thưởng thức được 1 lần/năm – đó chính là khoai lùn (củ lùn). Loại củ có lớp vỏ bên ngoài màu vàng nhạt, thịt bên trong màu trắng, mùi vị vừa bùi, vừa dẻo pha chút béo. Nhiều du khách khi đến Châu Thành ăn thử củ lùn đều cho rằng: “Đây là món quà quê dân dã nhưng ngon miệng và tạo được dấu ấn riêng trong lòng mọi người khi đến vùng đất hiền hòa, mến khách này”.
Từ TP. Sóc Trăng, chúng tôi tìm về các xã: An Hiệp, Phú Tân “quê hương” của củ lùn, gọi như thế bởi củ lùn được người dân nơi đây canh tác khoảng 20 năm nay. Điều đặc biệt là củ lùn được thu hoạch vào những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 (âm lịch), thời điểm đưa tiễn năm cũ đón chào năm mới. Khi sắp sang xuân, tiết trời se lạnh, những món ăn vặt trở nên đắt hàng, do vậy mà dọc tuyến đường từ ngã ba An Trạch đến xã Phú Tân có hàng chục hộ kinh doanh củ lùn theo thời vụ. Việc kinh doanh này đã giúp họ cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cũng như qua đó giới thiệu được “món quà quê” gởi tới du khách khi đến Châu Thành.
Nhiệt tình trò chuyện cùng khách mua hàng, bà Thạch Thị Ni, xã An Hiệp tâm tình: “Tôi bắt đầu bán củ lùn hơn 10 năm qua. Bình quân nấu khoảng 20 – 30kg/ngày, giá khoai lùn nấu chín 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận tầm 100.000 đồng/ngày. Nếu bán xuyên suốt trong 2 tháng thời điểm củ lùn thu hoạch, tôi cũng bỏ túi 5 – 6 triệu đồng, số tiền trên giúp trang trải trong mấy ngày tết”.
Cách chỗ ngồi bán hàng của bà Ni không quá 4m, bà Sơn Then, cũng ngụ tại xã An Hiệp bộc bạch: “Chúng tôi chỉ bán củ lùn theo mùa, mỗi năm chỉ kiếm lời từ tiền bán củ lùn 1 lần. Ở đây người bán chủ yếu là người lớn tuổi, chứ lớp trẻ đi làm công nhân hết rồi. Thấy ngồi bán “khỏe re” nhưng kỳ thực cực lắm, mình phải thức từ 4 giờ sáng, rửa khoai, nấu sao cho kịp dọn hàng đúng lúc trời hừng sáng để bán cho khách đi đường.
“Dù là món ăn vặt nhưng nhiều người tiết kiệm vẫn mua củ lùn để ăn sáng. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, ngoài củ lùn đã nấu sẵn, còn có cả củ lùn tươi. Ngoài luộc, củ lùn còn có thể dùng nấu chè, hầm thịt… rất ngon và lạ miệng, nhờ đó tôi bán bình quân khoảng 50kg/ngày (cả 2 loại đã luộc và tươi), trừ chi phí lợi nhuận gần 300.000 đồng/ngày”, bà Sơn Then, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
Niềm nở với khách, chị Thạch Sô Na ở xã Phú Tân vui vẻ cho biết: “Dù chỉ bán củ lùn theo hình thức nhỏ lẻ nhưng tôi được nhiều khách hàng đặt mua hàng với số lượng lớn, mỗi ngày có thể bán 200 – 300kg củ lùn tươi. Để có đủ nguồn hàng, tôi phải tới tận ruộng của người trồng, đặt hàng trước khi họ chưa thu hoạch, tự mua và vận chuyển về nhà, sau đó mới giao lại cho khách. Công việc tuy cực nhưng bù lại thu nhập khá, bởi không qua bất kỳ khâu trung gian nào. Ngoài số củ lùn tươi, tôi còn luộc chín bán tầm 100kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 500.000 đồng – 600.000 đồng/ngày. Số tiền trên cải thiện đáng kể cho gia đình trong những tháng cận Tết Nguyên đán”.
Niềm vui của người bán là đắt hàng thì người trồng củ lùn cũng rất phấn khởi. Chúng tôi đến thăm ruộng trồng củ lùn của gia đình cô La Thị Siêu Ghết, cô cho biết, nhờ trồng củ lùn mà gia đình cô đã ổn định cuộc sống. Cũng theo cô Ghết, củ lùn từ lúc xuống giống tới thu hoạch mất 7 tháng. Để tận dụng nguồn nước tưới, bà con xuống giống vào tháng 5 (âm lịch), đây là thời điểm mùa mưa nên không cần tưới nước, tới khi chấm dứt mùa mưa thì thu hoạch củ.
“Tôi có 4 công đất chuyên trồng củ lùn, mỗi vụ thu hoạch trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Mức lợi nhuận như trên cao gấp vài lần so canh tác lúa, vả lại nhàn hạ hơn, không tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hướng tới, tôi phát triển thêm diện tích trồng củ lùn lên 6 công nhằm tạo nguồn thu ổn định cho gia đình” – cô Ghết phấn khởi cho biết thêm.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Võ Minh Luân cho biết: “Củ lùn được trồng chủ yếu tại 2 xã An Hiệp và Phú Tân, với diện tích ước 25 – 26ha. Do là loại cây thuộc họ củ nên thời gian trồng đến thu hoạch kéo dài và đặc điểm của củ lùn là không phải loại đất nào cũng trồng được, chúng chỉ thích hợp trồng ở loại đất pha cát hay đất gò cao.
“Khoai lùn nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư nên người trồng thu lợi nhuận cao; theo đó 1 công thu hoạch khoảng 1 – 1,2 tấn, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Do là loại cây màu nên các địa phương không có quy hoạch, tùy vào điều kiện canh tác của người dân mà họ chọn loại phù hợp để trồng. Trong tương lai, đơn vị hỗ trợ địa phương quảng bá củ lùn đến khách hàng trong và ngoài tỉnh, cũng như kết nối với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định, khi đó sẽ tuyên truyền mở rộng diện tích trồng”, ông Võ Minh Luân.
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.