LÀM GÌ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ NGHẸT MŨI?
Mục Lục
LÀM GÌ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ NGHẸT MŨI?
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khiến trẻ khó thở, thở khò khè, không ngủ được… Vậy mẹ cần làm gì để giúp trẻ giảm tình trạng nghẹt mũi? Dưới đây là một số cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hữu ích, các mẹ hãy cùng tham khảo nhé!
1/ Nguyên nhân bé bị nghẹt mũi
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi là do mũi bị dịch nhầy ngăn cản, gây khó khăn cho hoạt động hô hấp của đường thở. Khi trẻ bị nghẹt mũi thường xuyên, nếu không được xử lý dứt điểm, trẻ sẽ có thói quen thở bằng miệng, rối loạn giấc ngủ và ăn uống. Những nguyên nhân gây nghẹt mũi thường gặp nhất đó là:
- Cảm cúm
- Bệnh đường hô hấp do vi rút gây ra
- Viêm xoang
- Sống trong môi trường thiếu độ ẩm, tiết trời khô hanh
- Bị dị ứng bụi, khói thuốc lá, nước hoa, các món ăn…
2/ Nên làm gì khi trẻ bị ngạt mũi?
Trẻ bị nghẹt mũi có nhiều cách để xử lý, tuy tình trạng này không nguy hiểm nhưng không nên để kéo dài lâu bởi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác không tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số cách chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả nhất.
Dùng nước muối sinh lý
Sử dụng nước muối sinh lý có tác dụng đào thải dịch nhầy, thông mũi, làm sạch và sát khuẩn mũi hiệu quả. Các mẹ nên nhỏ mũi cho trẻ từ 3 – 5 lần/ngày, tối đa 4 ngày liên tiếp để đảm bảo thông mũi hoàn toàn. Lưu ý không nên sử dụng nước muối sinh lý thường xuyên trong thời gian dài vì rất dễ gây khô mũi và khiến mũi trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Tư thế nhỏ nước muối đúng cách là mẹ hãy đặt bé nằm ngửa, nhỏ mỗi bên mũi một vài giọt, chờ khoảng vài phút và cuối cùng là lau sạch nước muối bị thừa chảy ra ngoài.
Nếu trẻ bị nghẹt mũi lâu ngày, dịch mũi nhiều và đặc, thì bạn có thể dùng cụ hút mũi cho bé. Cách làm: đầu tiên cho nước muối sinh lý vào để làm loãng dịch trong khoang mũi, sau đó dùng bóng bóp để đẩy hết không khí ra ngoài rồi đưa đầu hút vào trong mũi bé sau đó từ từ nhả bóng. Nhớ lây giấy lau sạch đầu hút trước khi tiếp tục với bên còn lại. Sau khi làm xong, bạn vệ sinh mũi cho bé cũng như dụng cụ hút mũi. Để có thể tái sử dụng lần sau, dụng cụ hút mũi nên được tiệt trùng bằng xà phòng dịu nhẹ và ngâm rửa qua nước sôi. Áp dụng cách này khoảng 1 – 3 lần/ngày, không nên hút mũi quá nhiều lần sẽ dễ tổn thương niêm mạc mũi, gây kích ứng cho trẻ.
Massage cánh mũi cho bé
Đây là cách trị ngạt mũi cho trẻ sơ sinh giúp dịch mũi loãng ra và dễ trôi ra ngoài hơn. Bạn nên massage cánh mũi cho bé sau khi đã nhỏ nước muối sinh lý. Cách làm là dùng ngón cái và ngón trỏ chà nhẹ vào 2 bên cánh mũi. Thực hiện động tác này nhiều lần sẽ giúp đường thở của bé được lưu thông dễ dàng hơn, giảm các dấu hiệu ngạt mũi ở trẻ nhỏ.
Xông hơi mũi
Việc xông hơi có công dụng làm loãng dịch nhầy, ấm mũi, giảm ho và giảm tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh do bị cảm lạnh. Ưu điểm của cách làm này là không tác động trực tiếp vào mũi của trẻ. Bạn thực hiện bằng cách xả nước nóng vào một cái chậu sau đó giữ cho trẻ ngồi gần để hơi nước lan tỏa vào mũi nhưng cần chú ý không đặt chậu quá gần có thể khiến trẻ dễ bị bỏng.
Gối đầu cao khi ngủ
Ngoài với các phương pháp trên, bạn có thể kết hợp nâng cao gối đầu cho trẻ khi ngủ. Việc này cũng có tác dụng giúp trẻ dễ thở, ngủ sâu giấc hơn.
3/ Một số lưu ý khi trẻ bị nghẹt mũi
Ngoài cách nhỏ mũi cho trẻ sơ sinh để giảm tình trạng nghẹt mũi, bố mẹ cũng cần lưu ý một số điều sau để chăm sóc trẻ an toàn, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Không nên tự ý dùng thuốc co mạch hoặc kháng sinh cho trẻ nếu không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dùng không đúng cách có thể khiến trẻ vừa không khỏi bệnh vừa có nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Không dùng miệng để trực tiếp hút dịch nhầy trong mũi của trẻ vì các vi khuẩn từ miệng bạn có thể gây bội nhiễm, làm trẻ dễ nhiễm khuẩn hơn.
Nếu bạn thực hiện các biện pháp chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh như trên nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay nhé!
Nguồn tham khảo:
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/dieu-tri-va-cham-soc-nghet-mui-o-tre-so-sinh/