Làm gì để ngăn chặn sự gia tăng dân số?

Rất đáng lo ngại khi  gần đây, tỷ lệ dân số tăng một cách đột biến. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2004, quy mô dân số Việt Nam đạt khoảng 82,5 triệu người, 38/64 tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ sinh con thứ  ba tăng “bất thường”. Năm 2004, TP Hà Nội có 2.234 trẻ em ra đời là con thứ ba, tăng so với năm 2003 là 0,38%, trong đó có 57 cặp vợ chồng là cán bộ, công chức sinh con thứ ba. TP Hồ Chí Minh có 5.600 trẻ em ra đời là con thứ ba, tăng so với năm 2003 là 0,4%, trong đó có 14 cặp vợ chồng là đảng viên sinh con thứ ba. Ðáng lưu tâm, phần lớn các gia đình sinh con thứ ba  thuộc nhóm kinh tế khá giả và trình độ học vấn tương đối cao. Vì vậy, nhận diện đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp nhằm kìm hãm và kiểm soát nhịp độ gia tăng dân số là việc làm cấp bách. Thực tiễn cho thấy, Việt Nam hiện nay không chỉ đứng trước nguy cơ bùng nổ dân số trở lại, mà đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số như: sự khác biệt về dân số giữa các vùng, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, giải quyết đói nghèo và việc làm, hiện tượng tảo hôn ở các đồng bào dân tộc, phòng, chống HIV/AIDS… Theo số liệu thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 300 nghìn phụ nữ dưới 20 tuổi sinh con, mang thai và nạo thai ở vị thành  niên, phần lớn vị thành niên chưa được giáo dục, cung cấp kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản. Hiện nay việc thực hiện các mục tiêu về dân số và sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình còn bộc lộ một số bất cập. Sự thiếu bền vững trong kết quả giảm sinh, nguy cơ bùng nổ dân số vẫn còn tiềm ẩn trong nhiều nhóm xã hội.

Thực trạng chất lượng dân số và gia tăng dân số trở lại, nhất là hiện tượng sinh con thứ ba tăng đột biến cần được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Nếu không đó sẽ là hệ lụy cho các vấn đề kinh tế – xã hội khác như đói nghèo, bệnh tật, thất học, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực và cản trở quá trình thực hiện CNH, HÐH  đất nước. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ đâu? Trước hết, do nhận thức của một bộ phận nhân dân và cán bộ lãnh đạo, công chức nhà nước về vấn đề dân số-kế hoạch hóa gia đình. Một bộ phận đáng kể trong nhân dân hiểu sai lệch một số điều quy định trong Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 như Khoản 1 Ðiều 10: Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh sao cho phù hợp quy mô gia đình ít con. Do vậy, dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận việc chậm ra Nghị định 104 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Dân số gây ra những khó khăn cho các địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện duy trì xu thế giảm sinh mà chúng ta đã đạt được những năm trước đó. Số liệu điều tra định lượng tại tám tỉnh, thành phố cho thấy, có tới 62,6% số ý kiến cho rằng một bộ phận nhân dân chưa hiểu đầy đủ về Pháp lệnh Dân số và 39,4% ý kiến nhận định rằng người dân còn hiểu sai lệnh về Pháp lệnh Dân số. Bên cạnh đó, việc một số cơ quan làm công tác tuyên truyền vận động thực hiện chính sách giảm sinh, nhất là ở các cấp cơ sở đã bộc lộ tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với  những thành tích đạt được trong công tác dân số trước năm 2003.

Thứ hai, tổ chức bộ máy làm công tác dân số có sự biến động, vừa mang tính thụ động, vừa quá tải. Vấn đề đầu tư cho công tác dân số cả nước giảm (từ 245 tỷ đồng năm 2000 xuống còn 200 tỷ đồng các năm 2003, 2004). Số liệu điều tra cho thấy, có tỉnh ngân sách trung ương chuyển về cho hoạt động dân số nhưng lại sử dụng không đúng mục đích, chuyển sang sử dụng cho lĩnh vực khác.

Đặc biệt, lực lượng cộng tác viên dân số ở cơ sở, những người mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn đi từng ngõ, gõ từng nhà, và từng đối tượng để tuyên truyền vận động nhân dân, nhưng chế độ phụ cấp còn thấp. Ðó là chưa nói đến việc họ phải kiêm nhiệm thêm cả công tác gia đình và trẻ em (tăng gấp ba lần). Ngay cả cán bộ chuyên trách công tác dân số ở cơ sở cũng phải kiêm nhiệm thêm công việc, nhưng lương cũng bị giảm sau khi sáp nhập. Một số địa phương có hiện tượng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý. Ðể kịp thời khắc phục tình trạng trên, cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Quán triệt công tác dân số là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động lãnh đạo, quản lý các cấp.

Hai là, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình. Cần thiết phải tập huấn đội ngũ cán bộ các cấp về mục tiêu, chương trình, kế hoạch công tác dân số, nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở. Nghiên cứu sắp xếp lại một cách hợp lý biên chế tổ chức các cơ quan làm công tác dân số. Ðiều chỉnh chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số. Cần có sự ưu tiên đối với cộng tác viên dân số ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường mạnh mẽ chiến lược truyền thông, vận động và cung cấp các dịch vụ dân số – kế hoạch hóa gia đình ở các tỉnh, thành phố đông dân, có mức sinh cao. Chú trọng  tạo điều  kiện  cho người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi, an toàn với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản và trẻ em. Ðồng thời, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong việc nâng cao nhận thức của người dân nhằm thực hiện tốt việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba. 

Bốn là, Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em cần tiếp tục đẩy  mạnh triển khai công tác truyền thông, tư vấn kế hoạch hóa gia đình có trọng điểm, hướng sự tập trung về cơ sở với chủ đề chính của năm 2005 là: Chăm sóc sức khỏe phụ nữ,  phòng, chống bệnh phụ  khoa và phòng, chống HIV ở phụ nữ mang thai (chủ đề Năm dân số Việt Nam 2005).

Năm là, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những người sinh con thứ ba, nhất là cán bộ, công chức và đảng viên. Cần đưa việc sinh con thứ ba thành tiêu chí cơ bản trong xem xét, đánh giá tư cách đảng viên, tiêu chuẩn bình xét tổ chức đảng và cấp ủy trong sạch vững mạnh.