Làm chủ tài chính cá nhân từ A-Z cho người mới đi làm – Infina Blog
Khoảnh khắc bằng tốt nghiệp trao tay đánh dấu một chặng đường với vô vàn cơ hội, thử thách cũng như trách nhiệm quản lý tài chính cá nhân.
Nhưng cuộc sống sau cánh cửa đại học chưa bao giờ là một thiên đường, và sẽ có lúc bạn thấy mình chênh vênh giữa những món nợ ngổn ngang, hoang mang về tài chính của bản thân, hay thậm chí tiêu pha quá trớn để rồi lại mì tôm cuối tháng. Quay lại quá khứ là điều bất khả thi, tuy nhiên ta vẫn luôn có thể chuẩn bị mọi thứ để bắt đầu cho một tương lai tốt hơn.
Trước hết, hãy cùng Infina nhìn lại những sai lầm thường hay mắc phải ở độ tuổi mới đi làm và làm sao để khắc phục được chúng? Cảm giác cầm trên tay những đồng tiền do chính mồ hôi xương máu của mình đôi khi khiến ta chìm đắm trong sự hưởng thụ mà lãng quên mất những kế hoạch chi tiêu đã đề ra.
Nối tiếp là những ngày tháng tự thưởng sau những giờ làm vất vả và rồi dẫn đến tình trạng “viêm màng túi” kéo dài không có điểm dừng. Sai lầm thứ hai mà các bạn trẻ thường hay mắc phải chính là thiếu tự tin vào bản thân khi nhận một công việc mới.
Ở trường hợp này, các bạn mang trong mình tâm lý dè dặt khi đề xuất với nhà tuyển dụng một mức lương phù hợp với điều kiện sinh hoạt dẫn đến tuy mới đôi mươi nhưng đã phải gồng gánh những khoản vay tín dụng.
Vậy làm thế nào để ta có thể đưa ra một giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất trong việc quản lý tài chính cá nhân cho người mới đi làm?
Đề xuất tăng lương chưa bao giờ là một bài toán dễ dàng, nhất là đối với các bạn vừa tốt nghiệp với số kinh nghiệm ít ỏi trong tay.
Mặc dù vậy, theo khảo sát gần đây của NerdWallet, có đến hơn 75% nhà tuyển dụng cho biết, họ sẽ không loại ứng viên nếu mức lương được đề xuất nằm trong ngưỡng chấp nhận song song với ứng viên đạt đủ các tiêu chuẩn cần có.
Bên cạnh đó, đừng ngại ngần tìm hiểu kỹ lưỡng hay hỏi ý kiến gia đình bạn bè về mức lương trung bình ngành nghề của mình cùng với các chế độ đãi ngộ trong công ty để có thể đi đến một thỏa thuận hợp lý nhất.
Đừng lầm tưởng rằng quản lý tài chính cá nhân chính là khả năng gói ghém chi tiêu trong tổng thu nhập của mình, vì bạn không bao giờ lường trước được những trường hợp bất ngờ xảy đến.
Hãy tự vạch ra cho mình những hạn mức cho từng hạng mục chi tiêu và sắp xếp chúng theo mức độ cần thiết để thuận lợi cho việc theo dõi và điều chỉnh.
Nếu bạn vẫn chưa hình dung ra được phương pháp nào hiệu quả, hãy cùng Infina áp dụng bài toán 50/30/20 vào quản lý tài chính cá nhân.
Trong thuật toán này, 50% tổng thu nhập được dùng vào những chi phí bắt buộc hàng tháng, 30% để dành ra cho việc hưởng thụ cuộc sống và giải trí, và 20% còn lại cho một khoản phòng thân hoặc đầu tư.
Thực tế cho thấy, yếu tố tâm lý ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen chi tiêu của chúng ta. Không ít khi ta bắt gặp các bạn trẻ “đốt” hết số tiền lương của mình vào việc mua sắm, hay thậm chí là những món hàng hiệu, để giải tỏa lo toan và căng thẳng trong cuộc sống. Bằng nhiều lý do, họ luôn viện cớ để an ủi chính mình cho thói tiêu pha vô tội vạ này.
Cảm xúc là thứ khó điều khiển, tuy nhiên ta cần phải biết cách giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng xấu tác động đến tâm lý và các quyết định tài chính cá nhân.
Hãy chủ động tránh xa những cám dỗ, tự đấu tranh khỏi những cảm xúc tiêu cực hoặc sử dụng những phần mềm kế toán để công việc quản lý có thể tiến triển thuận tiện hơn.
Như đề cập ở trên, vì những phút giây hoang phí mà dẫn đến các khoản nợ tín dụng như một mê cung không cách nào giải mã được, các bạn trẻ ngày càng hoang mang hơn với những quyết định của bản thân.
Hãy bình tĩnh và xác định số tiền chi trả nợ hàng tháng và lập một kế hoạch chi tiết cho từng khoản. Từ đó, ta có thể tuân thủ những mục tiêu đề ra và thanh toán các khoản nợ nhanh chóng.
Nếu số tiền lương từ công việc chính thức không đủ, bạn vẫn có thể tìm cho mình những nguồn thu nhập thụ động khác như freelancer, hay tìm hiểu về các mô hình đầu tư.
Vì trên thực tế, những người thành công về tài chính đã phải hy sinh khá nhiều thứ như thời gian, sở thích…để kiếm thêm thu nhập. Đến khi họ đủ tự tin về độc lập tài chính thì tất cả những điều đó đối với họ lại quá đỗi bình thường. Đừng tạo cho mình lối sống hưởng thụ khi còn trẻ để rồi lại hối tiếc về sau.
Vậy thanh toán cho bản thân được hiểu như thế nào? Ta thường hay có thói quen nghĩ đến bản thân cuối cùng sau những hoá đơn mua sắm và giải trí thay vì dành ra một phần thu nhập sau khi nhận lương để có thể lập thành một khoản tiết kiệm hay đầu tư.
Khi mới bắt đầu đi làm, việc để dành một khoản tiết kiệm quả thực khó khăn đi kèm với nhiều chi phí phát sinh vượt mức thu nhập. Chính vì tâm lý “sợ không đủ” này đã khiến các bạn trẻ luôn chừa phần còn lại sau khi thanh toán hoá đơn dẫn đến tình trạng chắt bóp và thiếu khoản dự phòng.
Thanh toán cho bản thân trước chính là cách để nhắc nhở rằng mình quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
Bạn có từng nghe qua câu “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện” chưa? Đây là một câu nói khá phổ biến trong thế hệ trước nhằm khuyến khích giới trẻ luôn trang bị những khoản tiết kiệm cho mình.
Tuy nhiên, trong thời đại này, tiền tiết kiệm chính là “tiền chết” cho dù bạn có gửi ngân hàng đi chăng nữa vì tiền lãi thực tế cũng chỉ cao nhất ngang với mức lạm phát. Bên cạnh đó, trong tình hình đại dịch COVID-19, lãi suất gửi tiết kiệm đã bị giảm sút nặng nề khi mỗi cá nhân chỉ còn được nhận khoảng 4% tiền lãi.
Nếu bạn muốn tính đường dài cho tương lai, hãy cân nhắc đến các mô hình đầu tư như chứng khoán hay bất động sản. Bắt đầu từ những bước đệm, Infina có thể giúp bạn tìm kiếm các cơ hội đầu tư dễ dàng với số vốn nhỏ và làm quen với thị trường bất động sản tiềm năng.
Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn về đầu tư, hãy đầu tư vào chính bản thân mình trước, bắt đầu từ những khoá học nhỏ hay những buổi hội thảo để mở rộng mối quan hệ và trao dồi kỹ năng mềm. Đừng lo sợ, hãy bứt phá ra khỏi những giới hạn và nắm bắt các cơ hội mới.
Con đường đến với quản lý tài chính cá nhân đôi khi cũng có những bước ngoặt, nhất là đối với các bạn trẻ mới đi làm, nhưng cũng đừng vì thế mà chùn bước. Khi bạn càng sớm nhận ra tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân chính là lúc bạn đang một bước tiến gần hơn với việc làm chủ tài chính, chỉ cần bạn luôn hướng tới đích đến của chính mình.
Hãy tham gia cộng đồng Infina để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý tài chính cá nhân!