Lại Nguyên Ân
THẦN THOẠI, VĂN
HỌC,
VĂN HỌC HUYỀN
THOẠI
Ngày nay, nhắc đến khái niệm thần thoại
(trong tiếng Việt vài chục năm gần đây còn có thêm từ huyền thoại, cũng
một hàm nghĩa này), ta tưởng như chẳng có gì để bàn thêm về lý thuyết. Những
hiểu biết và quan niệm chung về nó đã trở thành kiến thức giáo khoa. Chúng ta
hiểu nó như là sáng tạo của trí thức tưởng tượng tập thể toàn dân, phản ánh hiện
thực dưới dạng nhân cách hóa cảm tính cụ thể, dưới dạng những “sinh thể” có linh
hồn mà dù là quái tượng, là phi thường đến mấy thì đầu óc các cư dân nguyên thuỷ
vẫn coi là hoàn toàn có thực.
Từ những mảnh vỡ còn sót lại của ý thức
nguyên thuỷ dưới dạng các nghi lễ hội hè, các truyện kể (về các thần thánh tạo
lập và cai quản trần gian, các anh hùng cứu nhân độ thế, các loài ma quỷ đe doạ
và quấy nhiễu loài người…) giới nghiên cứu văn hóa hình dung ra những phổ hệ
thần thoại của các dân tộc, những “thế giới” thần linh, tuyệt đối, trong đó đã
hòa trộn đến mức không thể phân biệt rạch ròi đâu là lịch sử thực của quá trình
hình thành dân tộc, đâu là cái ý thức (cố nhiên là bị khúc xạ, bị thần thoại hóa)
của cộng đồng dân tộc về lịch sử và tiền sử của mình.
Chúng ta cũng hiểu thần thoại như là trạng
thái đầu tiên của cái mà về sau sẽ được gọi bằng “ý thức xã hội” của một cộng
đồng người − một cộng đồng dân tộc hoặc “liên dân tộc”. Cố nhiên từ “ý thức”
dùng ở đây là một ước lệ, vì đây là một “ý thức nguyên hợp”, tức là trong nó
chưa phân lập khái niệm với hình tượng, trong nó bao hàm đồng thời và gắn bó cả
khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, văn học, tư tưởng, chính trị, v.v…, nói gọn lại,
nó là cả một thế giới quan − thế giới quan nguyên thuỷ.
Nếu vài điều sơ lược nêu trên tạm coi là
những nhận thức chung, ai nấy đều biết, về thần thoại, thì trong nhận thức của
chúng ta, trong nghiên cứu văn học của ta, vẫn còn một số phương diện liên quan
đến thần thoại và ý thức thần thoại chưa được chú ý.
1/ Ta chưa chú ý đến mối liên hệ giữa văn
học với thần thoại. Vẫn biết rằng thần thoại là cái “ý thức xã hội” phổ quát đầu
tiên bao hàm cả “văn học”, rằng thần thoại là cái kho tàng đầu tiên cung cấp văn
liệu, thi liệu cho một nền văn học dân tộc sẽ hình thành dần dần về sau, nhưng
trong nghiên cứu các giai đoạn văn học dân tộc, hầu như chưa có nhà nghiên cứu
nào tập trung khảo sát xem cái kho thần thoại thuần Việt (bản địa) và những kho
thần thoại quanh vùng (ví dụ Nam Á, Trung Hoa) để lại dấu ấn ra sao trong văn
học dân tộc qua các thời đại.
2/ Với nhận thức (mà ngày nay có lẽ đã trở
nên thiếu chính xác) rằng từ sau thế kỷ XIX − thường được mệnh danh là thế kỷ
của văn học chủ nghĩa hiện thực − thì văn học ở quy mô thế giới đã tẩy sạch dấu
ấn của thần thoại và không còn khả năng nào nữa để thần thoại trở lại với văn
học. Từ đây nảy ra thái độ cố tình không chấp nhận (hoặc nếu có thì coi là hiện
tượng bệnh hoạn lỗi thời) đối với những dạng sáng tác huyền thoại ở văn học thế
kỷ XX.
3/ Với nhận thức rằng “ý thức nguyên hợp”
đã mất đi khi phân lập thành các hình thái ý thức riêng biệt (chính trị, tôn
giáo, triết học, khoa học, nghệ thuật, v.v…) chúng ta tưởng rằng thế giới quan
thần thoại cũng đã vĩnh viễn lùi vào quá khứ, bởi vậy, hầu như ta bỏ qua không
xem xét các hiện tượng ý thức (thậm chí cả vô thức, tiềm thức) nảy sinh ở ngay
các xã hội văn minh − các hiện tượng cũng ít nhiều mang “tính nguyên hợp”, cũng
lũng đoạn ý thức đám đông, và vì chúng có nhiều nét tương đồng với kiểu thế giới
quan thần thoại nguyên thuỷ nên có thể coi là hiện tượng “ý thức huyền thoại hóa”.
***
Tạm thời gác lại khía cạnh thứ nhất, dưới
đây, xin đề cập đến hai khía cạnh nói sau.
Chúng ta biết, có một quan niệm được thừa
nhận khá rộng rãi (tuy không phải đã và sẽ hết tranh luận), theo đó thì chủ
nghĩa hiện thực trong văn học thế giới (mà chủ yếu là văn học châu Âu) đạt đến
mức phát triển cực thịnh ở thế kỷ XIX, với những nền tiểu thuyết hiện thực hùng
hậu của Nga, của Pháp, của Anh, v.v… Theo lôgic thông thường, nếu chủ nghĩa hiện
thực đã đạt đến đỉnh điểm phát triển ở văn học thế kỷ XIX thì văn học thế kỷ XX
sẽ phải tìm những con đường khác. Nhưng quan niệm nêu trên lại đặt tất cả kỳ
vọng tiến bộ nghệ thuật vào chủ nghĩa hiện thực. Cho nên, cũng với quan điểm đó,
người ta hoặc mô tả lịch sử văn học thông qua nhị phân “hiện thực / phản hiện
thực”, hoặc mô tả bức tranh văn học thế kỷ XX như là cuộc đấu tranh văn học giữa
chủ nghĩa hiện thực với các “chủ nghĩa” khác, được xem như “suy đồi”, “hiện đại
chủ nghĩa” (với hàm nghĩa đánh giá tiêu cực). Cũng với quan niệm đó, bản thân
phạm trù văn học hiện thực lại được phân chia bằng các thuộc tính ý thức hệ (“chủ
nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa hiện thực phê phán”, thậm chí “chủ
nghĩa hiện thực tư sản”…). Đây không phải là chỗ để bàn lại về các thuật ngữ này,
tôi chỉ nhắc lại để nhân đây nhận xét rằng, đã có cả một quan niệm, một tâm thế
lý luận coi chủ nghĩa hiện thực như là dòng chính của văn học thế kỷ XX. Chính
tâm thế này đã che mắt chúng ta, khiến chúng ta không lưu ý đến các xu hướng
nghệ thuật đang nảy sinh trong thực tiễn sáng tác nghệ thuật của thời đại.
Trong thực tế, như nhiều nhà nghiên cứu đã
nhận xét, văn học nghệ thuật thế giới thế kỷ XX chứng kiến sự có mặt đồng thời
của rất nhiều khuynh hướng đa dạng, thậm chí đối cực nhau. Ở hướng hiện thực chủ
nghĩa không chỉ có sự miêu tả “giống như thực” mà còn có “nghệ thuật cụ thể”, “văn
học tư liệu”, trong khi đó vẫn có “văn học biểu cảm lãng mạn”, có cả “văn học
trí tuệ triết lý”, “kịch phi lý”, v.v… và v.v… Trong vô số khuynh hướng nghệ
thuật, ở thế kỷ XX lại hiện diện đậm nét khuynh hướng sáng tác huyền thoại.
Bùng nổ của văn xuôi ở châu Mỹ La-tinh
trong đời sống văn học quốc tế từ những năm 1960, về một mặt nhất định, khiến
những ai có cái nhìn thực sự nghiêm túc không còn có thể xem thường vị trí của
kiểu sáng tác huyền thoại trong văn học hiện đại. Thật ra, trong văn học thế
giới suốt từ đầu đến cuối thế kỷ này, kiểu sáng tác huyền thoại vẫn luôn luôn
sống động, thu hút nỗ lực của nhiều tác giả lớn. Đề cập đến khối lượng đa dạng
các sáng tác thuộc loại này, chẳng hạn, sau đây là một cách mô tả phân loại của
hai học giả Nga là S. S. Averintzev và M. N. Epstein:
a) Những tác phẩm trong đó nhà văn tạo ra
một hệ thống “huyền tích” riêng của mình. Ví dụ tác phẩm có tên (trong nguyên
bản) là Finnegan’s Wake của J. Joyce, các vở kịch và tiểu thuyết của S.
Beckett…;
b) Những tác phẩm trong đó nhà văn tái tạo
những cấu trúc tư duy của thần thoại nguyên hợp (xóa bỏ liên hệ nhân quả, đem
trùng hợp một cách kỳ quái các không gian và thời gian khác nhau, tạo ra nhân
vật hai mặt, v.v…). Đây là trường hợp các sáng tác của F. Kafka, J. L. Borges,
J. Cortazar, Akutagawa, Kobo Abe…;
c) Những tác phẩm trong đó nhà văn dựng lại
những cốt truyện thần thoại cổ, có cải biên, hiện đại hóa ít nhiều (kịch của J.
Anouilh, J. Giraudoux, J.-P. Sartre…);
d) Những tác phẩm trong đó nhà văn đưa một
số mô-típ hoặc nhân vật huyền thoại vào một câu chuyện hiện thực, làm cho các
hình tượng lịch sử cụ thể giàu thêm ý nghĩa phổ quát (Giáo sư Faustus của
Th. Mann, Nhân mã của J. Updike);
e) Những tác phẩm trong đó nhà văn tái hiện
những tầng sinh hoạt và tâm thức dân gian còn sống động những yếu tố của thế
giới quan thần thoại (các tác phẩm của A. Carpentier, G. Amado, M. Asturias…);
g) Những tác phẩm trong đó nhà văn dùng
hình tượng ngụ ngôn hoặc trầm tư trữ tình triết lý, hướng về những hằng số thái
cổ của đời sống tự nhiên và nhân loại như ngôi nhà, tình yêu, bệnh tật, cái chết…(văn
xuôi của Kawabata, A. Platonov, thơ của R.M. Rilker, Saint John Perse).
Ngoài các kiểu nêu trên còn thấy những tác
phẩm như Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov và Trăm năm cô đơn
của G. Garcia Marquez trong đó thống hợp nhiều kiểu sáng tác huyền thoại khác
nhau ở cùng một tác phẩm, − phương hướng mà Goethe đã làm trong Faust ở
thế kỷ trước. [1]
Nếu sự phân loại nêu trên chỉ là một trong
số những cách miêu tả phân loại, thì ít ra nó cũng cho ta ý niệm về sự phong phú
của sáng tác huyền thoại ở văn học thế kỷ XX. Cố nhiên so với các hệ thống thần
thoại cổ xưa, vốn là sản phẩm trí tưởng tượng tự phát của các cộng đồng dân cư,
thì các tác phẩm nêu trên đều là những sáng tác cá nhân có chủ ý của mỗi nhà văn.
Chúng có hàng loạt khác biệt so với thần thoại nguyên hợp cổ xưa, cũng như một
số khác biệt so với loại sáng tác huyền thoại của các thời đại trước (ở đây
không dành chỗ để nêu những khác biệt này).
Nếu tạm coi Homere như một trong những tác
giả vĩ đại đầu tiên của sáng tác huyền thoại, thì trong văn học nhân loại từ
thời cổ đại đến tận thế kỷ XX, mạch sáng tác này vẫn là một dòng mạch liên tục,
dẫu có những biến thái qua các thời đại.
Như thế, sáng tác huyền thoại − tức là
phương diện thi ca vốn có trong thần thoại nguyên hợp cổ xưa − vẫn có chỗ đứng
trong văn học và văn hóa thế kỷ XX. Nhưng thần thoại cổ vốn là một ý thức nguyên
hợp. Ý thức này đã phân hóa, phân lập trong sự tiến hóa của nhân loại thành các
hình thái ý thức riêng biệt. Tuy vậy, ngay cả khi các hình thái ý thức độc lập
đã “vận hành” bình thường theo các quy luật riêng của chúng, vẫn không có gì bảo
đảm để không còn xuất hiện những hiện tượng ý thức vẫn ít nhiều mang tính nguyên
hợp. Chính các loại hình nghệ thuật, sau khi đã tách biệt nhau, vẫn tiếp tục có
những dạng sáng tác ít nhiều mang tính tổng hợp, tức là nhất thiết phải bao hàm
một vài loại hình nghệ thuật khác nhau (ví dụ sân khấu, điện ảnh).
Thần thoại nguyên hợp nguyên thuỷ không chỉ
là thi ca, là sự “hiểu biết” (hoặc hiểu lầm!) về thế giới tự nhiên và xã hội, mà
còn là nghi thức nghi lễ sùng bái. Đối với người tiếp nhận, nó không chỉ mang
chất thơ, mà còn mang tính chất đe doạ, đe nẹt, khủng bố. Cả hai tố chất này vẫn
còn được bảo lưu trong các dạng “ý thức huyền thoại hóa” hiện đại.
Cho đến thế kỷ XX, loài người trên hành
tinh chúng ta vẫn còn có, dù ít ỏi, những tộc người sống biệt lập với thế giới
bên ngoài, và đời sống tinh thần của họ vẫn chưa vượt qua giai đoạn thần thoại.
Ở khu vực những nước đang phát triển, người ta thấy những cộng đồng cư dân đông
đảo vẫn còn giữ cả một “tầng” ý thức huyền thoại cổ trong tâm thức, trong nếp
sống, trong phong tục… (Các nhà văn các nước Mỹ La-tinh đặc biệt lưu ý đến hiện
tượng này để thể hiện nó trong văn học). Ngay ở những xã hội văn minh, hiện đại
của thế kỷ XX, người ta cũng chứng kiến sự xuất hiện và tác động của những dạng
“ý thức huyền thoại hóa” mới.
Thật ra thì điều vừa nói đã được nhận biết
khá muộn. Là vì suốt mấy thế kỷ từ sau các thời Phục hưng, Khai sáng, với nhịp
phát triển tăng tiến của khoa học và công nghệ, người ta dễ bị chế ngự bởi ảo
tưởng về sự vận động theo hướng tiến bộ một chiều, mà quên mất hoặc xem nhẹ
những “phản vận động” dưới các dạng thức khác nhau. Những luồng tư tưởng xuất
hiện và chiếm lĩnh được những bộ phận dân cư rộng lớn, không tất yếu là những
luồng tư tưởng tiến bộ. Một khi tính ảo tưởng, sai lầm ở nó đã bộc lộ thì việc
nó có đông đảo công chúng chỉ tỏ rõ mức độ nguy hại của sự lừa mị. Nó không còn
là sự ý thức, sự nhận thức, mà trở lại là sự huyền thoại hóa một chủ thuyết. Gọi
nó là “ý thức huyền thoại hóa” là như vậy.
Và suốt từ nhiều thế kỷ cho đến tận ngày
nay, ta vẫn thấy xuất hiện những luồng ý thức huyền thoại hóa, với quy mô chiếm
lĩnh cư dân khác nhau. Chẳng hạn, “ý thức” về sứ mệnh khai hóa của những kẻ xâm
lược ở các thế kỷ trước; “ý thức” về tính ưu đẳng của một “nòi giống” (dân tộc,
màu da) đối với các nòi giống khác; “ý thức” về sứ mệnh của một giai tầng xã hội
này đối với các giai tầng xã hội khác; “ý thức” về tính ưu việt của một chủ
thuyết này đối với các chủ thuyết khác, v. v… và v. v… Có những luồng “ý thức
huyền thoại hóa” đầy tính hiếu chiến, hung hăng, có những luồng “ý thức huyền
thoại hóa” mềm mỏng nhưng không ít kiên trì. Từ các thế kỷ trước cho đến tận thế
kỷ này, những thủ lĩnh nhiều tham vọng vẫn không ngừng tự dựng lên quanh mình
những huyền thoại, −loại huyền thoại về phẩm cách vĩ nhân. Ngay ở các xã hội văn
minh, người ta vẫn thấp thoáng nhận ra dấu vết của huyền thoại, − huyền thoại về
“xã hội tiêu dùng” − và người ta vẫn còn có nhu cầu tìm cho mình một vài thần
tượng, hoặc nếu không thì cũng tìm thấy những gương mặt thay thế cho thần tượng,
dù đó chỉ là một ca sĩ, một tài tử, một ngôi sao thể thao…
Trong đời sống ý thức xã hội, một tư tưởng
nảy sinh luôn luôn hàm chứa các khả năng: hoặc nó là tri thức tiệm cận chân lý,
hoặc nó là ảo tưởng, lầm tưởng; mặt khác, hoặc là nó được người ta đối thoại lại,
tranh cãi lại, tức là được người ta đặt ngang giá với các tư tưởng khác, hoặc là
nó được người ta sùng bái, tuyệt đối hóa. Một tư tưởng chứa đựng ảo tưởng, lừa
mị, lại bị sùng bái, tất trở thành sự huyền thoại hóa. Chỉ sự đối thoại mới ngăn
chặn khả năng huyền thoại hóa. Nhưng không phải bao giờ cũng dễ dàng tạo được
điều kiện cho sự đối thoại. Vì vậy khả năng huyền thoại hóa một tư tưởng, một
nhân vật, một tập đoàn… vẫn là khả năng hằng thường của nhân loại.
Chắc chắn là không dễ gì nhận ra được, xác
định được dù chỉ một hiện tượng ý thức huyền thoại hóa. Chắc chắn càng khó khăn
hơn nếu có tham vọng mô tả cơ chế hình thành ý thức huyền thoại hóa trong xã hội
hiện đại. Tuy nhiên, có thể dự đoán được rằng ở những hiện tượng ý thức huyền
thoại hóa ngày nay, chất thơ không phải là nét trội (nó đã là lĩnh vực của “sáng
tác huyền thoại” trong văn học như đã nói ở phần trên), trong khi đó chất đe nẹt,
khủng bố lại đậm lên, bởi chỉ các xu hướng bảo thủ với thích mượn sức mạnh răn
đe của huyền thoại.
Việc nhận diện các hiện tượng ý thức huyền
thoại hóa, hơn nữa, việc “đối thoại” lại với chúng, việc ngăn chặn khả năng bị
huyền thoại hóa của các luồng tư tưởng đang hình thành, − đó không chỉ là việc
của các nhà nghiên cứu, mà còn là việc của các nhà phê bình, các nhà xã hội học,
các nhà chính luận, của tất cả những ai quan tâm đến “sức khoẻ tinh thần” của xã
hội.
8/12/1992
● Tạp chí Văn học, số 3/1992.
[1] Xem mục từ Thần thoại (Mif)
do S.S. Averintsev và M.N. Epstein soạn, trong Từ điển bách khoa văn
học (chữ Nga), Moskva, 1987, tr. 223-225.