Lá lốt là gì? Công dụng, cách trồng thế nào để cây sum suê lá
Có lẽ bạn không xa lạ gì với cây lá lốt – một loại lá có mùi thơm đặc trưng dùng kết hợp với những loại thực phẩm khác như một loại rau phụ gia quan trọng trong nhiều món ăn từ dân giã cho đến cao cấp, sang trọng. Hãy cùng Khuyến Nông TPHCM tìm hiểu về đặc điểm, công dụng và cách trồng chăm sóc để chúng sum suê lá nhé! Chắc chắn sẽ có nhiều điều bổ ích đối với bạn đấy!
Lá lốt có mùi thơm đặc trưng dùng kết hợp với những loại thực phẩm khác.
Mục Lục
Đặc điểm cây lá lốt
Đây là loại cây phổ biến ở khắp các tỉnh thành nước ta. Người ta vẫn dùng chúng trong nhiều món ăn gia đình và còn dùng dược liệu trị bệnh. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng ở những vườn rau của nhà hay cũng có thể mọc hoang tự do nơi hàng rào hay ven đường…
Lá lốt là một trong những loại cây thuộc họ hồ tiêu và có tên khoa học là piper lolot C.DC.
Chúng là loài cây thân thảo với thân nhỏ, khá yếu ớt và bao gồm nhiều đốt. Tùy giống mà chúng có kích thước chiều cao khác nhau. Chiều cao trung bình của cây khoảng từ 30 – 50cm. Cây có thể mọc thẳng hay lan rộng xung quanh mặt đất.
Lá cây có hình trái tim, bản lá to và tán rộng. Phiến lá có nhiều đường gân (tầm 5 – 7 gân trên 1 lá). Trên cùng một cành, những lá non có màu nhạt và mong manh hơn so với lá già.
Đây là loại cây có hoa. Hoa lá lốt mọc ở nách lá. Quả và hạt của chúng sẽ xuất hiện khi cây có dấu hiệu già. Thông thường thời điểm tháng 8 – tháng 10 là thời điểm cây ra hoa kết quả.
Cây phát triển lá quanh năm nên bất cứ khi nào cần cũng có thể thu lá. Lá cây có thể dùng tươi sống hoặc phơi khô. Thường thì dùng làm thuốc người ta sẽ dùng lá lốt ở dạng phơi khô.
Phiến lá có nhiều đường gân (tầm 5 – 7 gân trên 1 lá).
Tác dụng của lá lốt
Nhờ mùi thơm của lá mà người ta dùng chúng với nhiều loại thực phẩm khác để tăng độ đậm đà cho món ăn. Bạn có thể kết hợp lá lốt với thịt bò, trứng, thịt heo, thịt gà, tôm, ốc, hay với măng, nấm,… trong những món chay đều rất ngon. Bạn có thể chế biến nhiều kiểu từ chiên, xào, nướng hay nấu canh,…
Theo Đông y, lá lốt có vị cay, nồng, ấm, nên có công dụng làm ấm bụng, trừ hơi lạnh trong người và giúp giảm đau hiệu quả. Nhờ vậy mà người ta dùng nguyên thân cây để làm nguyên liệu cho bài thuốc chữa đau nhức xương khớp đặc biệt là khi trở trời. Ngoài ra, người ta còn phát hiện ra cây lá lốt còn có những công dụng tuyệt vời sau đây:
- Giúp chữa kiết lỵ hiệu quả bằng cách uống nước lá;
- Chữa mồ hôi chân tay: Hãy ngâm chân tay vào nước đun rễ thân và lá lốt tươi với nước cùng với ít muối;
- Trị mụn nhọt với việc dùng loại lá này kết hợp với, lá ráy, lá chanh, lá tía tô với tỷ lệ bằng nhau rửa sạch giã nhỏ rồi đắp lên vết thương. Mỗi ngày thay 1 lần. Có thể băng lại để không ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
- Hỗ trợ làm giảm đau nhức xương khớp nhờ vào việc uống nước lá lốt nấu với một vài vị thuốc đông y khác;
- Chữa viêm âm đạo, ra khí hư, ngứa khó chịu: với việc nấu nước lá với vài vị thuốc khác rửa hằng ngày hoặc xông hơi âm đạo;
- Chữa đau sưng đầu gối: Bạn giã lá lốt, lá ngải cứu với tỷ lệ bằng nhau, chưng chúng với giấm rồi chườm vào chỗ đau;
- Trị chứng đau bụng do lạnh đơn giản bằng cách sắc nước lá tươi và uống khi còn ấm trước bữa ăn tối.
Chính vì những công dụng hữu ích này mà nhiều người tìm hiểu cách trồng để tự trồng tại nhà để chủ động dùng khi cần.
Loại lá có thể kết hợp với nhiều món ăn và trị bệnh hiệu quả.
Cách trồng lá lốt
Để có những bụi cây xanh tốt, cho nhiều lá, bạn nên chuẩn bị và thực hiện trồng theo hướng dẫn sau:
Chuẩn bị dụng cụ trồng
Nếu có đất vườn thì bạn trồng ra đất hoặc không bạn có thể trồng cây lá lốt trong chậu, thùng xốp hoặc đơn giản là những bao xi măng cũng được.
Yêu cầu dụng cụ trồng phải có lỗ thoát nước để tránh việc làm cây bị ngập úng gây thối rễ dẫn đến chết cây.
Chuẩn bị đất trồng
Lá lốt dễ thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để cây phát triển khỏe mạnh nhất, bạnh nên chọn loại đất giàu dinh dưỡng và nhiều mùn.
Trước khi trồng nên trộn đất với phân hữu cơ, phân gà, phân bò, phân trùn quế và xơ dừa, vỏ trấu,…rồi kết hợp với việc bón vôi vào đất. Sau đó, bạn phơi ải từ 7 – 10 ngày để xử lý mầm bệnh tiềm ẩn.
Chuẩn bị giống
Thông thường người ta nhân giống lá lốt bằng cách dùng cành. Bạn chuẩn bị những cành giâm khỏe mạnh, xanh tốt, không ảnh hưởng sâu bệnh và cắt thành từng đoạn dài 20 – 30cm để giâm.
Tiến hành trồng
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ, bạn chọn thời điểm mát mẻ để thực hiện việc giâm cành như sau:
- San bằng mặt đất.
- Đặt cành giâm xuống, lấp đất phủ 2/3 thân. Mỗi gốc cành giâm nên cách nhau 15 – 20cm để cây đủ không gian phát triển sau này.
- Sau đó nước để cấp ẩm cho đất để cây nhanh bén rễ.
- Cuối cùng cần chọn địa điểm thoáng mát đặt chậu cây hoặc dùng đồ che chắc cho cây mới giâm.
Tận dụng những vật dụng sẵn có để giâm cành.
Cách chăm sóc cây lá lốt
Quá trình chăm sóc cây khá đơn giản. Bạn chỉ cần lưu ý:
– Trong 2 tuần đầu, bạn nên tưới cây ngày 2 lần để cây đủ ẩm. Sau đó giảm số lần tưới còn ngày 1 lần hoặc 2 – 3 ngày tưới 1 lần. Tùy vào tình hình thời tiết mà cân chỉnh lượng nước tưới cho cây.
– Thưởng xuyên dọn cỏ, nhổ cỏ dại và xới xáo lớp đất mặt.
– Mỗi tháng hoặn 2 tháng 2 lần bón thêm phân trùn quế, phân bò, phân gà, … để tăng dinh dưỡng cho cây.
Thu hoạch
Thời gian để bắt đầu thu hái lá lốt khá nhanh. Bạn chỉ mất tầm 1 tháng chăm bón.
Tùy nhu cầu mà có cách thu hoạch khác nhau.
- Nếu hái lá, bạn nên chọn hái từ lá già.
- Nếu cắt nguyên cành, bạn nhớ chừa lại phần gốc 10 – 15cm để cây nhanh ra cành lá mới.
Chẳng mấy chốc mà bạn có những bụi cây dày lá.
Lá lốt là loại lá dùng để gia vị cho món ăn, giúp cho món ăn thêm dậy mùi hấp dẫn nhưng cũng là một trong những vị thuốc quý. Nếu như bạn hay người thân hay yêu thích loại lá này thì bạn đừng ngại trồng chúng nhé! Với những kiến thức trên cùng với công chăm bón tỉ mỉ của bạn, nhất đinh bạn sẽ sớm có những chậu cây sum suê lá.
Chúc bạn thành công và luôn mạnh khỏe!
5/5 – (1 bình chọn)