Ký ức chiến tranh: Vào trận – P40
Lần ấy, tôi và Vũ Duy Tòng không may bị ốm. Đơn vị hành quân xuống Gò Nổi, hai chúng tôi ở lại “cứ” thuộc địa bàn bưng Đức Huệ. Bấy giờ đã gần Tết Nguyên đán Giáp Dần (1974). Ở đấy có hai vợ chồng của một người trốn quân dịch, không chịu đi lính cho chế độ VNCH (nguỵ Sài Gòn). Bà vợ hết sức khó tính. Tuy nhiên có hai đứa cháu gái (gọi họ bằng chú thím hay cậu mợ gì đó) từ chỗ sợ sệt rồi tò mò muốn xem “Việt Cộng” ra sao, đến lúc họ gần gũi và mến chúng tôi lúc nào không biết. Một cô chừng 18 tuổi ở Đức Huệ, một cô chừng 20 tuổi nghe đâu ở trên Sài Gòn, thi thoảng lại ra thăm và tiếp tế cho người trốn lính ấy.
Tác giả Vương Khả Sơn (bên trái) chụp cùng cô Tư Riêng cựu du kích hồi chiến tranh chống Mỹ, tại cuộc họp mặt CCB E271 Tại Bảo Tàng HCM (cạnh Lăng Bác) hồi tháng 11/2022.
Từ khi có hai chúng tôi, các cô ra thăm chú (cậu) thường xuyên hơn. Nhưng có lẽ đó chỉ là cái cớ để được gặp và nói chuyện với chúng tôi mà thôi. Tôi và Tòng vốn thân nhau ngay từ khi mới về tiểu đoàn 7. Bởi Tòng cũng khá giống tôi về hoàn cảnh. Cả hai đang học dang dở cấp III thì nhập ngũ, rồi đi B. Chúng tôi yêu thích thơ văn và hay lãng mạn hoá cuộc sống gian khổ, ác liệt ở chiến trường. Lần này, tôi và cậu ta ở lại. Hầu như khoảng vài ngày thì hai các cô lại ra một lần. Mỗi lần ra thì ở lại mấy hôm mới về. Hai cô gái chính là cầu nối giữa chúng tôi với bà vợ khó tính của người trốn lính ấy. Từ chỗ là một người khó tính như vậy, bà ta dần dần bắt chuyện với chúng tôi. Một thời gian ngắn sau thì “bình thường hoá” quan hệ. Đặc biệt hai cô gái thì gần như đã “say” chúng tôi thật rồi. Họ thổ lộ: “Tiếp xúc với mấy anh Giải phóng, tụi em thấy thật dễ thương, thật dễ gần chứ hổng phải như tụi lính “Quốc gia” (nguỵ). Mấy anh coi hiền khô hà!”. Tôi và Tòng thường nhận được những món quà nho nhỏ, mỗi lần các cô ra bưng.
Một buổi tối, vào khoảng 20 giờ, chúng tôi đang ngồi uống trà và kháo chuyện với nhau trong lán dưới ánh đèn cầy (nến), bỗng pháo từ Đức Huệ rít xẹt qua đầu rồi nổ cách chỗ chúng tôi chừng vài ba trăm mét. Hoảng quá, hai cô ôm chặt lấy tôi và Tòng. Tôi bảo họ: “Hãy bình tĩnh, tụi tôi dẫn xuống hầm”. Tôi và Tòng dẫn hai cô gái lao ra công sự tránh pháo cách đó chừng 5 mét, chui xuống. Xuống hầm rồi, lòng hầm tối om. Và không những họ không buông chúng tôi ra mà còn ôm chặt hơn hơn. Tôi mắc cỡ (xấu hổ), gỡ tay cô gái ra nhưng cô ta càng riết chặt hơn. Tôi đang lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì bất ngờ, cô gái kéo đầu tôi ghì sát vào ngực mình rồi cúi xuống đặt vào môi tôi nụ hôn. Một mùi hương quyến rũ từ thân thể con gái quyện với dầu gội đầu ngan ngát toả ra… Một tình huống hết sức bất ngờ! Tôi… hoảng quá, đẩy cô gái ra. Nhưng càng đẩy, cô ta càng ôm chặt hơn. Hình như Tòng cũng rơi vào trạng huống tương tự… Tôi lờ mờ nhận ra điều ấy… Lần đầu tiên trong đời, tôi “bị” một cô gái “tặng” hôn như thế! Tôi vội nói lảng: “Thôi Tòng ơi, lên thôi! Hết pháo rồi!”. Tôi gỡ tay cô gái ra rồi trườn nhanh lên khỏi công sự. Mọi người lục tục lên theo. Chúng tôi chia tay nhau. Hai cô gái về lán của ông chú còn chúng tôi trở lại lán của mình. Đêm ấy, tôi và Tòng thao thức, kể cho nhau nghe những gì đã xẩy ra. Thì ra Tòng cũng “bị” y như tôi. Một sự trùng hợp thật “ngẫu nhiên”. Sáng hôm sau, hai em đến chào tạm biệt chúng tôi để về sớm. Gương mặt rạng rỡ của hai cô gái không hề tỏ ra một chút bối rối nào, và còn hẹn: “Vài bữa nữa, tụi em lại ra thăm mấy anh”. Không ngờ, đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp hai cô gái “vô tư” và “liều lĩnh” ấy.
Mấy hôm sau, bất ngờ chúng tôi nhận được lệnh phải khẩn trương trở lại đơn vị để chuẩn bị vào chiến dịch. Thực lòng, từ lúc được lệnh, tôi và Tòng nôn nao mong gặp lại hai cô gái ấy để… nói lời tạm biệt sau chót. Nhưng chờ mãi đến 4 giờ chiều, vẫn chẳng thấy các cô đâu? Đã đến giờ hành quân, chúng tôi chỉ biết gửi lại lời nhắn cho ông chú “trốn lính” rằng: “Chúng tôi cảm ơn hai cô đã “giúp đỡ”, động viên chúng tôi rất nhiều. Hẹn ngày tái ngộ…”
Đã trên 30 năm có dư, kể từ ngày tôi và Vũ Duy Tòng chia tay hai cô gái kia vào một buổi sáng cuối năm Quý Sửu -1973. Bấy giờ, sắp đến Tết Nguyên đán Giáp Dần…
…Giờ đây, thời gian chắc đã đưa hai cô gái ngày ấy lên thiên chức mới. Không biết có lúc nào đó trong cuộc đời mình, hai cô lại được gặp lại nhau để nhớ về kỷ niệm “ngọt ngào” trong một đêm bị pháo kích ở “cứ” Hội Đồng Sầm, Đức Huệ năm nào với hai anh Giải phóng quân miền Bắc, mà trước đó trong con mắt họ là hai “Việt Cộng” đáng sợ!
Tôi và Vũ Duy Tòng trở lại đơn vị vào dịp gần Tết. Đơn vị tổ chức đón Tết tại “cứ”. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng đưa tin cả ta và nguỵ đều ngừng bắn tại chỗ trong mấy ngày này. Nếu như năm 1973, chúng tôi không có Tết, chỉ ăn Tết bằng những trận giao tranh dữ dội bảo vệ Hiệp định Paris, đánh địch lấn chiếm thì Tết này, đơn vị tổ chức cho chúng tôi trước khi vào chiến dịch. Các ba, các má, các chị và cơ sở cách mạng uý lạo cho nhiều quà. Có đủ cả bánh tét, bánh ú, thịt mỡ, dưa hành, thuốc lá, hạt dưa, kẹo… Nói chung là khang trang cho một cái Tết ở chiến trường đối với chúng tôi.
Sau Tết có tin tình báo, địch sẽ tổ chức một trận càn lớn ra bưng để thăm dò vì chúng đã đánh hơi được lực lượng ta đang chuyển quân xuống chiến trường. Chúng tôi nhận lệnh phục kích chặn đánh một đoàn tàu chở ba đại đội địch đi càn.
Trung đội 2 chúng tôi do anh Nguyễn Văn Báo, trung đội trưởng, chỉ huy, phục kích chặn đánh đoàn tàu này. Chúng tôi mai phục đã mấy ngày mà tàu vẫn chưa đến. Tranh thủ thời gian, anh em thả lưới và lợp (giống như lờ ngoài Bắc nhưng lớn hơn rất nhiều) ven bờ để cải thiện. Cá, tôm ở sông Vàm Cỏ Đông nhiều vô kể, vì nước sông khi lớn, khi ròng, lắm phù du, sẵn thức ăn. Chỉ cần thả mấy khúc mỳ (sắn) vào lợp rồi buộc dây cho xuống mép bờ sông, qua chừng hai đêm vớt lên, trong lợp ít nhất cũng có dăm bảy con tôm càng xanh to như vỏ đạn 20 ly. Còn lưới thì sau một đêm thả, sáng sớm vớt lên dày đặc những mắt lưới dính cá. Nhiều nhất là cá lòng tong (thịt ngon nhưng rất nhiều xương). Ở đây, không bao giờ thiếu thực phẩm tươi. Ai đã từng đến và chiến đấu ở mảnh đất này, chí ít cũng một lần được thưởng thức cơm gạo “Nàng Thơm” chợ Đào ăn với cá bống kèo kho, một đặc sản duy nhất mà chỉ ở miền hạ Long An mới có được. Chỉ cần một lần thôi là đủ để nhớ cả đời. Có thể nói nó vừa là đặc sản nhưng đồng thời cũng đã trở thành nét văn hoá ẩm thực của người dân vùng quê này từ bao đời. Nét văn hoá ấy đã đi vào lời ca, điệu nhạc của tài tử cải lương :
“…Ơi miền Hạ trải màu xanh bát ngát,
Anh quý gạo Nàng Thơm con cá bống kèo.
Nhưng… xích xe tăng đã cày nát lên những xóm nghèo”…
Đúng như lời ca vọng cổ. Cái vẻ đẹp mang nét văn hoá ẩm thực đậm chất dân gian Nam Bộ ấy đã và đang ngày đem rên xiết dưới sức tàn phá, huỷ diệt của bom đạn và chất độc dioxin ( da cam) của Mỹ. Chiến sự nơi đây vô cùng ác liệt, địch càn quét, đổ chụp, pháo bầy, trực thăng quần thảo liên miên…
Sự chờ đợi đã đến! Hôm đó là ngày 12 tháng 3 năm 1974.
Vào khoảng 8 giờ sáng, ba chiếc tàu “mặt dựng” (há mồm) chở 3 đại đội địch do tên thiếu tá Nghĩa, tiểu đoàn trưởng khét tiếng ác ôn chỉ huy. Khi đoàn tàu đi ngang qua quãng sông nơi chúng tôi phục kích, chúng dồn hết các loại hoả lực bắn như mưa vào trận địa chúng tôi mai phục (chúng chỉ nghi ngờ thôi). Đồng chí Báo ra lệnh, “Tất cả chui xuống công sự để tránh đạn đồng thời chú ý quan sát động thái của địch. Nếu chúng có ý định đổ quân thì thực hiện phương án đã định!”.
Tuy nhiên, sau một lúc bắn như đổ đạn vào bờ, nơi có công sự của chúng tôi, không thấy phản ứng gì, chúng nổ máy cho tàu chạy ngược lên phía trên cách chừng 2 cây số rồi dừng lại. Chúng tôi, ai cũng ngỡ địch sẽ đổ quân càn quét trên đó.
Không ngờ, khoảng hơn một giờ sau, từ xa, chúng tôi phát hiện đoàn tàu 3 chiếc lúc nãy từ từ trôi xuống (chúng lợi dụng nước ròng, tắt máy, thả trôi). Đến ngang trận địa lúc nãy, chúng bất ngờ, nổ máy quay ngang tàu 90 độ rồi sập cái lưỡi tàu phía trước, từ từ chạy vào bờ. Trên boong, bọn lính tay lăm lăm súng. Thằng Nghĩa cởi trần đứng chống nạnh, tay đeo đồng hồ “Thuỷ quân lục chiến”, da đỏ như gà chọi, hò hét bọn lính chuẩn bị đổ bộ. Chờ cho ba chiếc tàu xáp vào cách bờ chừng 30 mét, chúng tôi đồng loạt phát hoả. B40, B41, trung liên RPD, AK bắn dữ dội vào tàu địch. B40 và B41 cứ nhằm bụng tàu, tống đạn vào. Đạn nổ âm trong khoang làm địch chết rụi. Trung liên và AK rà sát mặt boong. Bọn lính bị bắn, rớt xuống sông như sung rụng. Không một tiếng súng chống trả. Khi tàu đang tiến vào, bất ngờ bị B41 tống vào bụng cùng với sức nổ, nó khựng lại một giây rồi theo quán tính lao vào bờ. Trên boong không còn một bóng địch nào sống sót. Chúng tôi cũng thôi bắn. Lúc này nước đã ùa vào khoang. Tàu đang chìm dần. Khói lửa mù mịt một quãng sông. Có chiếc đã áp sát bờ công sự của chúng tôi. Trong số 11 quả đạn B40 tôi bắn, bị lép mất 2 quả. Còn 9 quả, tôi tống hết vào bụng của hai chiếc tàu gần nhất. Máu tai và máu mũi tôi chảy thành dòng. Lịch sử bắn B40 của tôi trong tác chiến đã đạt đến kỷ lục! Mắt hoa đom đóm. Hai tai tôi ù đặc mất khoảng gần hai tuần. Tôi cũng không giải thích nổi tại sao mình lại có thể bắn một lúc được nhiều đạn như vậy? Bây giờ thì tôi đã hiểu được vì sao chị Ngô Thị Tuyển (Hàm Rồng,Thanh Hoá) ngày trước, khi trọng lượng cơ thể của mình chưa đầy 50 cân mà một lúc vác hai hòm đạn pháo gần 100 cân chạy lên đồi, tiếp cho bộ đội phòng không!
(Còn nữa)
Trái tim người lính