KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY XOÀI – BVTV ĐIỀN KHANG
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY XOÀI
-
YÊU CẦU SINH THÁI
-
Nhiệt độ:
Xoài là cây ăn trái nhiệt đới, có nguồn gốc ở Ấn Độ, nhiệt độ trung bình năm từ 15 – 36oC , thích hợp với nhiệt độ từ 24-27OC.
-
Lượng mưa và ẩm độ không khí:
Lượng mưa trung bình từ 1000 – 1200 mm phân bố ít nhất có 4 tháng mùa khô trong năm, ẩm độ không khí tương đối từ 55 – 70%.
-
Chế độ gió:
Vùng trồng xoài phải chọn nơi tránh ảnh hưởng trực tiếp của bão, lốc xoáy, gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian cây đang mang trái. Nơi chịu ảnh hưởng của gió to theo các đợt gió mùa hàng năm thì phải bố trí hệ thống cây chắn gió hợp lý trước khi trồng.
Điều kiện đất đai:
Xoài có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau: đất vàng, vàng đỏ, đất Feralit, đất phù sa cổ, đất phù sa mới ven sông, kể cả trên vùng đất cát giồng ven biển, nhưng tốt nhất là trồng trên đất cát hoặc cát pha thịt, thoát nước tốt, độ dầy tầng canh tác ít nhất 1 m tính từ mặt đất trồng, có cơ cấu thịt pha cát hay thịt nhẹ với tỷ lệ sét không quá 50%, tơi xốp, mực nước ngầm thấp hơn 80 cm. Độ pH nước từ 5,0 – 6,5. Tuy nhiên, xoài có thể chịu đựng và phát triển bình thường ở nhiều loại đất xấu hơn, như đất hơi phèn, mặn, nghèo dinh dưỡng nếu được chăm sóc tốt.
-
Yêu cầu tưới tiêu:
Hệ thống tưới tiêu phải đảm bảo điều tiết lượng nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây xoài tương đương với lượng nước 11.000 m3 /ha/năm.
-
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
-
Chuẩn bị đất trồng
Vùng đất thấp như ở ĐBSCL để tránh không bị ngập úng vào mùa mưa hay mùa nước nổi, đào mương lên líp là một trong những khâu quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình sinh trưởng của cây xoài sau này đồng thời nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác…
Trước khi lên líp, nên xới nền đất để giúp cho rễ cây xoài sau này có thể phát triển xuống sâu hơn. Líp có chiều rộng trung bình 6 – 8 m, mương rộng 2 m, sâu 1-1,5m. Vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây xoài cát Chu vào mùa nắng.
Ngoài ra đối với các vùng đất thấp như ở khu vực đồng bẳng sông Cửu Long, đất trồng cần phải được lên mô, đường kính mô từ 80 – 100cm, cao 30 – 60cm. Sau khi đắp mô đất xong bà con tiến hành ủ khoảng 30% phân chuồng, 3 – 5kg phân hữu cơ vi sinh. Tất cả trộn đều vun lại thành mô đất và phủ rơm rạ trên mặt mô. Mô được chuẩn bị trước khi trồng 2 – 4 tuần. Đối với những vùng đất cao lên mô thấp, đường kính mô từ 70 – 80cm, cao 30 – 40cm và cũng chuẩn bị bón lót cho hố đất với những thành phần giống như việc chuẩn bị cho 1 mô đất như trên. Hố cũng cần phải được chuẩn bị trước khi trồng từ 2 – 4 tuần.
-
Trồng cây chắn gió
Khi qui hoạch vườn xoài nên trồng cây chắn gió để hạn chế việc rụng hoa, quả, gãy cành nhánh, đổ ngã trong mùa mưa bão. Hàng cây chắn gió được trồng dọc theo phía ngoài, thẳng góc với hướng gió.
-
Khoảng cách trồng
Trồng cây trong vườn có thể theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật, hình nanh sấu hoặc theo đường vành nón cho vườn đồi ở vùng đồi núi.
Khoảng cách trung bình 7m x 8m, 8m x 8m. Sau khi trồng cắm 2 cọc chéo hình chữ X vào cây và buột dây để tránh lay gốc làm chết cây, đồng thời tủ rơm rác mục quanh mặt mô và tưới nước giữ ẩm cho cây để tạo độ ẩm cần thiết cho rễ phát triển.
-
Tủ gốc giữ ẩm
Hằng năm nên đắp thêm đất hay bùn ao vào chân mô ở ĐBSCL. Vào mùa nắng cần phủ kín xung quanh tán cây bằng rơm, thân đậu hay cỏ khô. Phải phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại.
-
Làm cỏ và trồng xen
Lợi ích của việc giữ cỏ trong vườn cây ăn quả:
– Cỏ sẽ giữ ẩm cho đất trong mùa hè và chóng sự rửa trôi dinh dưỡng, xói mòn đất vào mùa mưa.
– Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, bộ rễ cỏ làm đất trở nên tơi xốp, thoáng khí giúp rễ cây trồng hô hấp và hấp thu dinh dưỡng dễ dàng. Trong quá trình cỏ bị cắt tỉa hoặc chết đi sẽ bị phân hủy tạo một lượng hữu cơ đáng kể cho đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng hấp thụ.
Việc chọn loại cỏ trồng trong vườn cây ăn quả phải thoả mãn các yêu cầu sau:
– Loại cỏ không phát triển quá cao vì sẽ cạnh tranh ánh sáng với cây trồng chính.
– Loại cỏ không sinh trưởng và phát triển quá mạnh hoặc thích ánh sáng trực tiếp vì sẽ cạnh tranh dinh dưỡng và nước với cây trồng chính trong vườn.
– Loại cỏ không phải là cây ký chủ của sâu bệnh hại sinh sống.
Các phương pháp để kiểm soát cỏ trong vườn cây ăn quả:
– Làm cỏ bằng cơ học: máy, dao, cuốc,…
– Khi cây xoài chưa khép tán cần làm sạch cỏ xung quanh gốc theo đường kính tán cây , thông thường làm 4-5 đợt/năm kết hợp mỗi lần bón phân. Có thể trồng xen một số loại cây khác trong vườn xoài để lấy ngắn nuôi dài. Nên trồng xen cây họ đậu để cải tạo đất và tạo nguồn phân hữu cơ cho cây xoài.
-
Tưới nước
Giai đoạn sau khi thu hoạch xoài cần được tưới nước thường xuyên để duy trì ẩm độ đất khoảng 50-60% độ ẩm bão hoà.
Trước khi ra hoa, xoài cần một giai đoạn khô hạn khoảng 2 tháng trước khi phân hoá mầm hoa. Vì vậy, thời gian cuối mùa mưa đầu mùa khô không tưới nước cho xoài. Sau khi xử lý ra hoa, trong thời kỳ cây mang quả nên tưới liên tục như sau khi thu hoạch.
Chú ý: Ngừng tưới 2 – 4 tuần trước khi thu hoạch.
Tỉa cành và tạo tán
– Nhằm tạo lập một hình thái cây trồng có khả năng tiếp nhận ánh sáng đầy đủ, thuận lợi cho quang hợp, đồng thời khống chế và duy trì chiều cao của cây trong tầm kiểm soát để thuận lợi trong việc chăm sóc vườn.
– Hình thành và phát triển bộ khung cơ bản, vững chắc nhằm tránh đổ ngã, gãy nhánh, từ đó phát triển các cành nhánh thứ cấp cho cây.
– Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và kết quả, duy trì khả năng cho quả ở mức tối hảo.
– Tạo ra những cành mang quả trẻ thuận lợi cho việc ra hoa. Thay thế những cành già, loại bỏ cành sâu bệnh, chết, cành vô hiệu….
Tạo tán:
Sau khi trồng khoảng 8 – 12 tháng, cây có chiều cao 1 – 1,2 m tiến hành bấm ngọn, chừa lại độ cao của thân chính 0,6 – 0,8 m.
Khi ra cơi đọt 1 chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng tương đối đồng đều nhau làm cành cấp 1. Dùng tre cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính một góc 35-40o, tiếp tục thực hiện kỹ thuật này cho cơi đọt 2 và 3… để đảm bảo bộ khung hoàn chỉnh và cân đối cho cây.
Tỉa cành:
Việc cắt tỉa cành được tiến hành hàng năm, sau khi thu hoạch xong cần cắt bỏ những cành đã mang quả hay không mang quả ở vụ trước (cắt cành sâu khoảng 10-12cm), đồng thời cắt bỏ những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán.
Đến khi cây ra đọt non, tiến hành tuyển đọt chỉ giữ lại 2-3 đọt khỏe phân bố đều các hướng nhằm tạo vườn thông thoáng, cành mang quả khỏe, hạn chế những cành vô hiệu cạnh tranh dinh dưỡng. Khi lá già tiến hành tỉa lại lần nữa những cành bị sâu bệnh, cành mọc nằm bên trong tán và dọn vệ sinh cho vườn cây giúp tán cây thông thoáng, chuẩn bị cho việc xử lý ra hoa.
-
Phân bón
Dinh dưỡng là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hình thành quả (ngoại trừ các yếu tố như thời tiết, nhiệt độ và lượng mưa). Bón phân hợp lý sẽ làm cho năng suất được ổn định. Thiếu phân, đặc biệt là thiếu đạm và kali sẽ làm cho quả rụng, quả nhỏ phẩm chất kém.
Cây xoài ra hoa trên chồi tận cùng, nên sự tạo chồi mới khỏe mạnh có ý nghĩa quyết định sự ra hoa. Đọt mập dài thường để ra hoa hơn đọt ốm yếu hoặc bị sâu bệnh tấn công. Do đó, việc bón phân cân đối cho cây ra đọt tốt sau khi thu hoạch là một trong những biện pháp quang trọng quyết định đến quá trình ra hoa của cây.
Trước khi cây ra hoa, nếu bón phân không hợp lý (nhiều đạm) thì rất đễ dẫn đến cây ra đọt quá mạnh, ức chế quá trình phân hóa mầm hoa. Do đó trong giai đoạn này cần phải giảm bớt đạm, gia tăng hàm lượng lân và kali để lá sớm thuần thục và trổ hoa sớm.
* Lợi ích của việc sử dụng phân hữu cơ:
– Cải tạo tính chất đất: Là nguồn bổ sung chất mùn rất quan trọng cho đất. Chất mùn làm cho kết cấu đất tốt hơn, làm, đất tơi xốp, là kho dự trữ thức ăn cho cây, làm tăng hiệu quả phân khoáng, là yếu tố chủ yếu tạo nên độ phì nhiêu của đất, bảo vệ đất chống xoái mòn, làm hạ độ chua của đất, giúp cây phát triển tốt.
– Tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây lâu dài: bao gồm các chất đa, trung, vi lượng.
– Cây trồng được bón phân hữu cơ có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn.
– Quả có phẩm chất ngon, tồn trữ được lâu.
– Giảm chi phí sản xuất, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn cho người sử dụng.
Liều lượng phân bón: cần căn cứ vào tình trạng sinh trưởng của cây, tuổi cây, độ lớn của cây, sản lượng quả hàng năm, độ màu mỡ của đất để có liều lượng bón phân thích hợp cho từng vụ xoài.
Cây từ 1-3 năm tuổi: sau khi trồng, khi cây ra đọt non thì có nhu cầu phân bón để sinh trưởng và phát triển, năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, khi tưới phải cách gốc 10-20cm để tránh phân bón làm cháy rễ. Giai đoạn này nếu bón phân nên tiến hành khi lá già chuyển màu xanh đậm.
Lượng phân bón cho cây xoài còn tơ
Tuổi cây
(năm)
Số lần bón (năm)
Liều lượng (cây/năm)
Urea
Super lân
Clorua kali
1
4-5
150gN (326g)
100gP2O5 (625g)
150gK2O (250g)
2
4
300gN (652g)
200gP2O5 (1.250g)
250gK2O (416g)
3
4
450gN (978g)
300gP2O5 (1.875g)
350gK2O (583g)
Hằng năm bón: – Phân hữu cơ hoai mục từ 10-20kg/
– Vôi vào đầu mùa mưa: 200-300g/cây.
Lượng phân bón cho cây xoài trưởng thành
Tuổi cây
(năm)
Liều lượng (cây/năm)
Urea
Super lân
Clorua kali
4
600gN (1.304g)
400gP2O5 (2.500g)
450gK2O (750g)
5
750gN (1.630g)
500gP2O5 (3.125g)
550gK2O (916g)
6
900gN (1.956g)
600gP2O5 (3.750g)
650gK2O (1.083g)
7
1.050gN (2.282g)
700gP2O5 (4.375g)
750gK2O (1.250g)
8
1.200gN (2.608g)
800gP2O5 (5.000g)
850gK2O (1.416g)
9
1.350gN (2.934g)
900gP2O5 (5.625g)
950gK2O (1.583g)
10
1.500gN (3.260g)
1.000gP2O5 (6.250g)
1.050gK2O (1.750g)
Hơn 10 tuổi
Tăng liều lượng phân bón lên 10 – 15% mỗi năm và không tăng thêm nữa tùy vào sự giao tán và sinh trưởng của cây.
Hằng năm bón: – Phân hữu cơ hoai mục từ 20-30kg/
– Vôi vào đầu mùa mưa: 200-300g/cây.
– Phân vô cơ: 4 lần bón
+ Lần 1: Sau khi thu hoạch bón 60% N + 50% P2O5 + 40% K2O
+ Lần 2: Khi các lá đã già, bón chuẩn bị làm bông 50% P2O5 + 30% K2O
+ Lần 3: 3 tuần sau đậu quả 20% N + 15% K2O (quả có đường kính 1cm)
+ Lần 4: 8 – 10 tuần bón 20% N + 15% K2O.
– Phân hữu cơ: 2 lần bón
+ Lần 1: Sau khi thu hoạch bón 75% liều lượng.
+ Lần 2: 6 tuần sau đậu quả bón 25% liều lượng
Phương pháp bón phân: Sau khi thu hoạch cuốc rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10-20 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước. Các lần sau xới nhẹ quanh tán cây để bón phân và tưới nước.
Phun phân bón qua lá:
Sau khi thu hoạch, cắt tỉa cành xong, có thể phun thêm phân bón qua lá có hàm lượng đạm cao, phun Ure 0,5% trong mùa nắng nhằm giúp cho bộ lá mới ra đều và khỏe mạnh. Sau đó, để thúc đẩy lá mau thuần thục và sớm trổ, dùng phân bón qua lá MKP 0-52-34 Hàn Quốc (50gr/10 lít nước) hoặc MiracPro 10-60 Hàn Quốc (10gr/10 lít nước). Trong giai đoạn từ khi quả non cho đến trước lúc thu hoạch, để bổ sung thêm dinh dưỡng, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng đạm và kali cao (10-5-44; liều dùng 50g/10 lít nước).
-
Xử lý ra hoa
Sau 10 ngày bón phân lần 2 tưới KIHORA 15WP (Pacloputrazol 15% w/w): 10-15g/m đường kính tán tán, pha hóa chất với nước (10-15 lít, hoặc lượng nước vừa ướt đủ tán cây) tưới đều xung quanh tán cây. Sau đó tưới nước giử ẩm (1-2 ngày/lần) trong vòng 10 ngày đầu sau đổ hóa chất.
Thời điểm kích thích ra hoa: Sau khi xử lý pacloputrazol từ 40-60 ngày (lá của chồi ngọn có hai mép dợn sóng, chồi ngọn phát triển nhô cao) tiến hành phun Chuyên kích (100g/16 lít nước) 7 ngày sau phun lần Chuyên kích (100g /22 lít nước). Chỉ kích thích ra hoa khi trời khô ráo, rút cạn nước trong mương.
*Xử lý ra hoa là phần rất quan trọng, được ĐIỀN KHANG trình bày chi tiết hơn ở mục ĐIỀN KHANG VÀ CÁC PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ RA HOA XOÀI.
* Một số nguyên nhân hạn chế sự thành công khi xử lý ra hoa trên cây xoài
– Có sử dụng GA3 trước khi cây ra hoa.
– Xử lý Pacclobutrazol cho cây không đúng thời điểm: xử lý quá sớm (lá non còn màu đỏ trên đọt) hoặc quá trể nên tỷ lệ thành công thấp.
– Tiến hành xử lý ra hoa cho cây quá sớm lúc này cây chưa hồi phục kịp sau giai đoạn mang quả ở vụ trước, cây có bộ lá không khoẻ, lá nhỏ dẩn đến sự hình thành bông yếu, quả nhỏ.
– Xử lý ra hoa đối với cây mới cho quả 1-2 năm hay cây quá suy do năm trước cho năng suất quá nhiều.
– Tưới Paclobutrazol không đúng cách (đất có nhiều sét nên xới đất xung quanh tán cây để hóa chất thấm vào đất tốt, không bị mất do chảy tràn trên mặt; đất có nhiều cát nên pha hóa chất với lượng nước vừa phải và tưới từ từ vào tán cây để hóa chất không bị mất do thấm lâu vào đất)
– Bón phân không hợp lý: bón hoặc phun các loại phân bón qua lá quá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa cho cây dẫn đến cây dễ ra lá hoặc hình thành bông lá.
– Tưới nước: trong giai đoạn xử lý cho cây ra hoa mà lại tưới nước quá nhiều hoặc do điều kiện thời tiết như mưa nhiều, mưa liên tục thì cây lại tiếp tục ra lá.
Cắt tỉa cành: cắt tỉa cành nhiều quá sẽ làm cho cây đâm nhiều chồi, hình thành nhiều phát hoa, năng suất cao trong vụ này nhưng lại giảm sự ra hoa trong vụ tới.
Phòng trừ sâu bệnh: không phòng trừ sâu bệnh kịp thời ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, hình thành đọt mới.
-
Tăng đậu quả:
Dùng (Vọt Hoa – đậu trái) hoặc Canxi-Bo GA3 hay Chuyên Gia – LẤY NHỤY Điền Khang liều lượng theo khuyến cáo phun vào các thời điểm trước khi cây nở hoa, 30% hoa nở và cây vừa đậu quả sẽ làm tăng tỷ lệ đậu quả.
-
Khắc phục hiện tượng rụng quả non:
Vườn phải trồng cây chắn gió, tưới nước, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh và phun các chế phẩm chống rụng quả non như các thương phẩm chứa: Hữu cơ + vi lượng, GA3, Canxi, Bo,…. Điền Khang có các dòng: (nhập khẩu 100% từ Thổ Nhỹ Kỳ), TRỘI HỘT XOÀI, Canxi-Bo GA3 hoặc Chuyên Gia – LẤY NHỤY DIKA,.… sau khi đậu quả 1-2 tuần, phun lần 2 cách nhau 10 ngày và các giai đoạn rụng sinh lý (21 và 35 ngày sau khi đậu quả).
-
Tỉa quả và bao quả
Việc tỉa quả giúp gia tăng kích thước, quả to, giảm hiện tượng ra quả cách năm, chùm quả sẽ có quả đồng đều về độ lớn. Tiến hành tỉa quả sau khi kết thúc thời kỳ rụng quả sinh lý, lúc này quả non đang ở vào giai đoạn khoảng 30-35 ngày sau khi đậu quả. Với giống xoài Cát chu thì tỷ lệ đậu quả rất cao nên phải tỉa những quả bị sâu bệnh, quả dị hình, quả ở đầu ngọn của chùm, những gié không mang quả, cành lá chung quanh che khuất quả. Dùng túi chuyên dùng để bao quả. Thời điểm bao tốt nhất là hoàn thành tỉa quả. Chú ý phòng trừ sâu bệnh trước khi bao quả.
Thu hoạch quả:
Thu hoạch khi quả đã phát triển một cách đầy đặn, lúc này có thể nói là quả đã “tròn” hay quan sát màu sắc vỏ quả, kiểm tra độ cứng của vỏ bao hạt, quan sát tuyến mật trên vỏ quả, tính ngày từ khi đậu quả để thu quả đạt hiệu quả nhất. Khi thu hoạch nên cắt cuống dài để tránh nhựa làm cháy vỏ quả làm giảm giá trị thương phẩm, đồng thời giúp cho quả chống chịu bệnh thán thư tốt hơn trong giai đoạn sau thu hoạch.