Kỹ thuật trồng Táo an toàn tại Ninh Thuận

Cây táo có tên khoa học Ziziphus mauritiana, thuộc họ táo ta Rhamnaceae, loài Ziziphus mauritiana Lamk, là cây có nguồn gốc phát sinh từ vùng Trung Á bao gồm Tây Bắc Ấn Độ, Afghanistan, Tatjikistan, Uzbekistan, Tây Bắc Trung Quốc. Hiện nay, táo được trồng rộng khắp trên thế giới như châu Phi, châu Mỹ, châu Úc và châu Á, trong đó châu Á là khu vực cây táo được trồng phổ biến nhất.

Điều kiện ngoại cảnh

Nhiệt độ: do cây táo có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và á nhiệt đới nên có yêu cầu nhiệt độ tương đối cao, nhiệt độ cao cây tăng trưởng mạnh, nhiệt độ từ 25-30oC táo phân hóa mầm hoa tốt nhất.

Ánh sáng: táo thuộc loại cây ưa ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng hoa dễ bị rụng hặoc khó thụ phấn.

Nước: táo rất cần nước vì khối lượng lá, hoa quả nhiều. Nhưng nếu bị úng kéo dài thì cây con dễ bị chết, cây lớn dễ bị vàng lá, rụng hoa quả non và thối quả nặng, đặc biệt khi ẩm độ không khí cao trên 85%.

Đất đai: táo ưa đất trung tính hay hơi kiềm, vì vậy khi trồng trên đất chua cần phải bón thêm vôi để cải tạo đất.

Dinh dưỡng: bộ rễ táo phân bố khá rộng và sâu, có khi sâu trên 1m và lan rộng trên 10m. Trong đó, rễ tơ hấp thu dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở lớp mặt đất từ 20-40 cm. Mặt khác, hàng năm mỗi cây táo 5 tuổi có thể sinh sản khoảng 100 kg quả, 100 kg lá, 50 kg cành tươi, nên đòi hỏi một khối dinh dưỡng lớn. Vì vậy, đòi hỏi đất có độ phì cao.

Táo Ninh Thuận

ĐÁNH GIÁ VÀ LỰA CHỌN VÙNG SẢN XUẤT

– Lựa chọn vùng trồng táo là khâu rất quan trọng và quan tâm hàng đầu để an toàn và chất lượng sản phẩm. Vị trí, vùng sản xuất táo an toàn phải phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất táo của tỉnh. Vùng trồng này có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy như vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng và các chất ô nhiễm từ công nghiệp.

– Vì vậy, cần phải đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử cũng như các mối nguy sinh học, hóa học của vùng đất trước khi trồng táo.

– Cần phải đánh giá, điều tra về lịch sử vùng trồng và cả vùng phụ cận, bao gồm mục đích và các hoạt động sử dụng trước đó của vùng đất và đánh giá khả năng gây ô nhiễm cho đất và nước của khu vực sản xuất.

– Kiểm tra đất và nước: Nếu kết quả điều tra, khảo sát vùng trồng và phụ cận cho thấy vùng đất có khả năng phù hợp để sản xuất táo thì mẫu đất, nước phải được lấy để kiểm tra chất lượng. Mẫu phải được lấy theo đúng phương pháp, thực hiện bởi người có chuyên môn và được gửi đi phân tích ở các phòng kiểm nghiệm được chỉ định để phân tích.

– Kết quả phân tích về dư lượng kim loại nặng trong đất và nước phải được so sánh với ngưỡng tối đa cho phép ban hành tại Thông tư số 07/TT-BNN&PTNT.

– Loại đất thích hợp cho táo là đất thịt pha cát, trung tính hoặc hơi kiềm.

KỸ THUẬT TRỒNG TÁO

1- Giống táo

– Ở nước ta có nhiều giống táo như táo chua, táo Thiện Phiến ngọt, táo Gia Lộc, mới nhập vào giống táo Thái Lan. Một số giống chọn lọc trong nước như táo số12, số 32, táo Đào Tiên,…

Các giống táo được trồng ở Ninh Thuận:

– Táo Thái Lan quả dài: Giống được nhập từ Thái lan vào miền Nam nước ta từ trước năm 1975. Cây cao, cành lá vươn thẳng, lá dài. Quả dài, đỉnh quả nhọn như hình quả trám, quả rất to, trọng lượng quả trung bình từ 35-40 g/quả. Khi chín ăn giòn, ngọt, thơm nhẹ. Giống này đã được đưa ra trồng ở miền Bắc và miền Trung nhưng không thích hợp do chịu rét kém, sâu bệnh gây hại nhiều.

– Táo Thái Lan quả tròn: Giống được nhập từ Thái lan vào miền Nam nước ta. Có đặc điểm là cành nhánh vươn thẳng, lá tròn. Quả tròn, khi chín ăn dòn ngọt, có vị chua. Năng suất tuy cao hơn giống quả dài nhưng ăn không ngon. Mùa thu hoạch kéo dài hơn so với táo quả dài gần một tháng.

Hai giống táo này chủ yếu được trồng ở miền Nam. Một năm có thể “đốn tái sinh” hai lần để thu hai lứa quả. Lần đốn thứ nhất vào tháng 2-3, thu hoạch từ tháng 6-8, đợt này tuy năng suất cao nhưng chất lượng chỉ đạt trung bình. Lần đốn thứ hai vào các tháng 9-10, thu hoạch vào tháng 12-2. Do được thu hoạch vào mùa khô nên chất lượng khá, tuy nhiên năng suất lại thấp hơn lần đốn thứ nhất.

– Táo gia lộc: Quả hình trái xoan khi chín có màu vàng tươi, vị hơi chua, trọng lượng quả 20-25g, vụ chính ra hoa vào tháng 7-9, thu hoạch tháng 11-12.

2- Kỹ thuật nhân giống

Đối với cây táo phải áp dụng phương pháp nhân giống vô tính như giâm rễ, chiết cành, ghép. Giâm rễ và chiết cành có hệ số nhân giống thấp, tỷ lệ ra rễ không cao, không phù hợp với phương thức sản xuất lớn hiện nay. Vì thế người ta thường áp dụng phương pháp ghép là phổ biến. Trong phương pháp ghép có hai công việc cơ bản cần chuẩn bị:

2.1. Chuẩn bị gốc ghép

+ Cây để chọn làm gốc ghép: Chọn giống táo dại, táo cỏ (táo rừng, táo chua), táo địa phương,… vì những giống này có sức sống rất mạnh, có khả năng chống chọi được với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, hệ số nhân giống cao, tỷ lệ chết khi ghép thấp.

+ Trên cây, chọn những quả chín kỹ, không bị sâu bệnh, lấy hạt phơi nắng nhẹ vài ngày. Ngâm hạt trong dung dịch nước muối 14-18%, loại bỏ hạt lép, đập lấy nhân bên trong. Sau đó mang nhân đi gieo ngay. Nên gieo giống vào những bầu nilon có chứa đất phân đã được chuẩn bị sẵn, có đục lỗ phía dưới để thoát nước. Bầu gồm đất trộn với tro trấu hoặc phân chuồng mục với tỷ lệ 1:1, bầu gieo được xếp xít nhau thành từng luống ngoài nơi có nắng. Sau khi gieo hạt, lấp thêm một lớp đất mỏng lên phía trên, rồi tưới nhẹ cho đất ướt đều, kết hợp rải thuốc chống kiến và côn trùng cắn hạt. Sau khi gieo 5-7 ngày thì hạt bắt đầu nảy mầm, hai tuần sau khi gieo, nhổ bỏ cây xấu. Làm giàn che để cây con không bị chết do nắng to, mưa lớn. 20 ngày sau trồng tưới nhử thêm phân NPK 20-20-15 với nồng độ từ 1-2%.

* Khi cây con có 2-3 lá thật, đem trồng trên những luống đất đã được chuẩn bị sẵn. Đào hố sâu 30-40 cm, rộng 60-80 cm, bón thêm phân hữu cơ mục trộn với đất bột rồi trồng cây con vào. Tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Khi cây con bén rễ hồi xanh thì bón nhử thêm NPK 20-20-15 bằng cách hòa phân vào nước theo tỷ lệ 1-2%. Sau đó cứ 10-15 ngày bón thêm một lần (khi cây còn nhỏ), các lần bón sau đó tùy theo tình hình sinh trưởng tốt hay xấu của cây mà tăng dần lượng phân cho phù hợp. Xới xáo mặt luống cho đất thông thoáng và nhổ sạch cỏ dại. Trước khi ghép 3-4 tuần nên tăng cường phân bón và thường xuyên tưới nước đảm bảo đủ ẩm cho cây, để cây có nhiều nhựa, dễ tróc vỏ khi ghép đạt tỷ lệ sống cao hơn.

2.2. Chuẩn bị cành ghép

Giống ghép được lấy từ những cây có những đặc tính quý theo mục đích của mình như năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, phù hợp với điều kiện ngoại cảnh và đất đai của địa phương. Táo có thể ghép quanh năm, nhưng nên tránh ghép vào những thời gian giá lạnh, mưa bão, hoặc quá nắng nóng. 

2.3. Kỹ thuật ghép: Chủ yếu là ghép mắt, ghép áp hoặc ghép nêm, thời vụ ghép tốt nhất là tháng 2-3.

Ngoài những cách ghép trên, nếu muốn thay đổi giống khác tốt hơn giống đang trồng người ta cũng có thể dùng mắt ghép của những giống tốt đã được lựa chọn ghép lên gốc của giống cũ.

Tuy nhiên, hiện nay đa số nông dân thường mua cây giống đã ghép sẵn để  trồng.

3- Thời vụ trồng

Thời vụ trồng táo thích hợp tại Ninh Thuận là vào cuối mùa mưa, tháng 11 đến tháng 1 năm sau.

4- Chuẩn bị hố trồng và khoảng cách trồng

Đào hố sâu 30-40 cm, rộng 60-80 cm. Trồng theo hàng hoặc theo ô vuông, khoảng cách cây cách cây 4-5 m, hàng cách hàng 5-6 m. Mật độ: 330-500 gốc/ha.

Lượng phân bón lót cho 1 hố: 30-40 kg phân hữu cơ hoai + 0,5 kg vôi bột + 1,0 kg Supe lân. Trộn đều phân với đất trong hố, trên cùng phủ một lớp đất mặt cao hơn mặt đất 10-15 cm. Chuẩn bị trước khi trồng khoảng 20-30 ngày.

5- Kỹ thuật trồng

Đặt gốc đứng thẳng hoặc hơi nghiêng để cành ghép hướng theo chiều thẳng đứng, mặt bầu đất đặt ngang bằng mặt hố. Nếu trồng rễ trần thì lấp đất phải kín phía trên cổ rễ, không được lấp đất quá cao gần chỗ mắt ghép. Chú ý không cho rễ cây tiếp xúc với phân bón lúc mới trồng. Trồng xong cắm cây choái để buộc cây ghép vào.

Sau khi trồng, phải cần phải tủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ rác khô để giữ ẩm và tưới nước cho cây. Hàng tuần theo dõi vặt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép, ta gọi đó là các mầm dại vì để nó phát triển sẽ lấn át mầm ghép, cây lớn lên sẽ không cho quả đúng như cây giống tốt ban đầu.

6- Làm giàn táo

– Sau khi trồng, cây cao khoảng 0,5m so với mặt đất thì tiến hành làm giàn.

– Giàn táo thiết kế kiểu giàn lưới, giàn phải đạt chiều cao khoảng 1,65m-1,75m. Khi cây táo mọc cao hơn giàn khoảng 25-50cm, tiến hành bấm ngọn để tạo cành, chọn 2-4 cành khỏe để tạo bộ khung cành. Cột cành cố định trên giàn, mỗi cành kéo về một hướng để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng,…

KỸ THUẬT CHĂM SÓC TÁO

1- Làm cỏ, xới xáo

– Sau khi trồng tủ gốc bằng rơm rạ, cỏ rác để giữ ẩm và chú ý tưới nước đều. Hàng tuần theo dõi ngắt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Trồng được 20-30 ngày có thể tưới nước phân pha loãng, mỗi tuần tưới 1 lần trong 1-2 tháng đầu.

– Thời kỳ cây con định kỳ 20-30 ngày nên xới xáo nhẹ và làm cỏ quanh gốc một lần, lúc đầu xới cách gốc 20 cm và về sau xới xa gốc dần.

– Khi táo đã giao tán cỏ phát triển chậm, làm cỏ khi thấy cỏ xuất hiện, kết hợp xới xáo nhẹ để phá váng và giúp đất thông thoáng.

– Sau mỗi vụ thu hoạch cần làm sạch cỏ, dọn vệ sinh xung quanh và trong vườn táo nhằm loại trừ nơi ẩn nấp của sâu bệnh hại cho vụ sau.

– Hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ nhằm tránh ô nhiễm đất. Nếu dùng chỉ được phép dùng các loại thuốc trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành.

2- Bón phân

Trên cơ sở tham khảo tài liệu và điều tra thực trạng sản xuất của nông dân tại các vùng trồng Táo trọng điểm của tỉnh;

– Dựa theo Quyết định số 3073/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 10 năm 2009 và Quyết định số 3735/QĐ-UBND tỉnh Ninh Thuận ngày 25 tháng 6 năm 2008 áp dụng cho cây ăn quả giai đoạn kinh doanh (năm thứ 2 – năm thứ 4).

Lượng phân bón cho 1 ha như sau: 10-15 tấn phân chuồng ủ hoai hoặc 3.000kg phân hữu cơ vi sinh + 450kg Lân Super + 450kg Ure + 250kg Kali Clorua + 2 kg phân bón qua lá.

– Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh + Lân Super, trước giai đoạn đốn táo khoảng 7-10 ngày, kết hợp xới xáo và lắp phân.

– Bón thúc: Chia làm 3 lần bón chính:

+ Lần 1: Sau khi đốn táo, bón 1/3 Ure + 1/3 Kali Clorua.

+ Lần 2: Trước khi cây ra hoa rộ, bón 1/3 Ure + 1/3 Kali Clorua.

+ Lần 3: Sau khi cây đậu quả xong, bón hết lượng phân hóa học còn lại.

Chú ý: – Tùy và tình hình sinh trưởng của cây, tuổi cây và điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, có thể tăng số lần bón thúc và lượng phân bón cho phù hợp. Không nên đào rảnh xung quanh tán để bón phân vì dễ bị đứt rễ cây.

– Nếu sử dụng phân bón hỗn hợp NPK thì phải tính toán lượng phân bón sao cho tương đương với lượng phân như trên.

* Sử dụng phân bón qua lá để bổ sung các chất cho cây đặc biệt là các nguyên tố vi lượng và một số chất kích thích sinh trưởng thông qua các loại chế phẩm kích phát tố. Các chất này bổ sung kịp thời sự thiếu hụt các chất trên cây nên có tác dụng rõ rệt. Các loại phân bón lá thường bổ sung vi lượng như magie (Mg), kẽm (Zn), bo (B), đổng (Cu),… khi cây bắt đầu hình thành nụ hoa, phun định kỳ 10-15 ngày 1 lần, và ngưng phun phân trước khi thu hoạch 10-15 ngày.

3- Tưới nước

Táo là cây rất cần nước, nhất là khi cây còn nhỏ, khi ra hoa, khi trái đang lớn và đặc biệt là khi trái sắp chín. Nếu gặp hạn trái sẽ nhỏ, vỏ dày, ăn chát, phẩm chất kém. Để táo đạt năng suất cao, phẩm chất quả ngon, phải đảm bảo đủ nước cho táo, định kỳ 5-7 ngày tưới một lần.

4- Lặt bông, tạo hình và đốn táo

Sau khi trồng 1-2 tháng là táo có bông, cần lặt bỏ hết bông để tập trung dinh dưỡng nuôi và giữ sức cho cây. Khi cành vươn cao khỏi giàn khoảng 25 -50cm tiến hành bấm ngọn để tạo cành. Chọn 2-4 cành khỏe buộc vào giàn để tạo bộ khung cho vườn táo. Khi cành vươn dài khoảng 1-1,5m trên giàn thì bắt đầu để bông tạo trái.

Trồng táo phải đốn để cho cây trẻ lại mới đạt năng suất và chất lượng tốt. Có hai cách đốn là đốn phớt và đốn đau:

+ Đốn phớt: hàng năm sau mỗi vụ thu hoạch. Cắt các cành đã cho quả chỉ để lại 1 đoạn 20-30cm. Trên đầu cành này sẽ cho nhiều cành nhỏ, có thể tỉa bớt chỉ để vài cành phân bố đều trên tán cây.

+ Đốn đau: nhằm mục đích tạo tán từ khi cây còn nhỏ trên một năm tuổi và cây đã già. Cắt cụt hết các loại cành, chỉ để lại một đoạn gốc của vài cành lớn (3-5 cành chính) đã ra trong năm trước, cây sẽ cho nhiều cành mới trẻ hơn, cho năng suất và chất lượng quả tốt hơn. Ở Ninh Thuận thường đốn vào tháng 1-2 dương lịch.

Ngoài ra, trong thực tế nông dân còn áp dụng một số biện pháp làm tăng khả năng ra hoa, đậu quả cho táo như:

– Khoanh cành: có tác dụng làm hãm vận chuyển nhựa trong cây và kích thích ra hoa, khoanh ở những cành cấp 1, 2. Khoanh tròn một vòng, độ rộng lát khoanh khoảng 1-2mm. Khoanh xong dùng nilon quấn kín để tránh bị thối vết khoanh.

– Khoanh cành để hạn chế rụng quả: trong quá trình phát triển, cây táo sẽ có các đợt phát lộc, khi phát lộc cây sẽ tự rụng quả để dành dinh dưỡng cho phát triển lộc non. Vì vậy, nên khoanh cành vào giai đoạn này để hạn chế rụng quả.

– Phun chất điều hòa sinh trưởng: chất điều hòa sinh trưởng có khả năng kích thích ra hoa, tăng khả năng đậu quả và chống rụng hoa.