Kỹ thuật trồng bí đao leo giàn quả sai trĩu ít sâu bệnh
Bí đao hay còn gọi là bí xanh, loại thực phẩm thanh mát rất tốt cho sức khỏe. Bí đao có thể dùng để nấu canh, xào, làm mứt, nấu trà, làm mỹ phẩm,… Để bí đao sai quả thì công đoạn làm giàn leo rất cần thiết.
Bí đao là một loại rau củ quen thuộc trong các món ăn và được trồng khá phổ biến trong vườn nhà. Tuy nhiên, nếu không được trồng đúng kỹ thuật, bí đao có thể không phát triển tốt và thu hoạch không đạt được hiệu quả. Trong đó, trồng bí đao leo giàn là một kỹ thuật trồng rất phổ biến để tối ưu hóa diện tích trồng và giúp cây phát triển tốt hơn.
Việc áp dụng đúng kỹ thuật trồng bí đao sẽ giúp cho cây phát triển mạnh, tạo ra nhiều hoa và trái, đồng thời giúp cho việc thu hoạch trở nên dễ dàng hơn. Trong bài viết này, mobiAgri sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng bí đao leo giàn một cách đầy đủ và chi tiết nhất.
Thông tin về cây bí đao
Cây bí đao thuộc loại thân leo, có thể leo cao đến hơn 6 mét. Làm giàn bí đao vừa giúp tăng năng suất, chất lượng lại còn tạo bóng mát, không gian xanh cho không gian sống. Bí xanh thuộc họ cây bầu bí, có sức sinh trưởng tốt, thích nghi tốt với điều kiện môi trường, ít sâu bệnh nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy bí xanh được coi là thực phẩm sạch. Lớp vỏ cứng, dày, giúp cho quá trình bảo quản, vận chuyển ít bị hư hỏng. Vì vậy những vùng thiếu rau có thể tích trữ loại thực phẩm này trong nhiều ngày hơn so với những loại rau khác.
Bí đao không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn, đây còn là loại nguyên liệu chữa bệnh trong Đông Y. Hạt bí đao chữa các bệnh ho, viêm phế quản, chữa tàn nhang, phù thũng thai kỳ,… Vỏ quả bí đao có tác dụng chữa phong nhiệt, táo nhiệt, ung nhọt ngoài da, viêm tuyến tiền liệt, chữa bỏng,… Lá bí đao có tác dụng chữa chín mé. Như vậy tất cả các bộ phận của cây bí đao đều có công dụng chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, sắc đẹp rất tốt.
Thời vụ trồng bí đao
Trồng bí đao vào tháng mấy là điều mà nhiều người quan tâm. Thời điểm chính vụ trồng bí đao thường từ tháng 12 năm trước, đến đầu tháng 3 có thể thu hoạch. Tuy nhiên vẫn nhiều hộ gia đình theo trồng vụ đông từ khoảng cuối tháng 9, đến đầu tháng 10. Hiện nay do việc áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng trong nhà kính nên bí đao có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên năng suất có thể không cao bằng vụ chính.
Chuẩn bị trước khi trồng bí đao
Đất trồng: Đất để trồng bí đao leo giàn nên bón phân hữu cơ, tiến hành xới đều để giúp cho việc thoát nước tốt. Nên trộn thêm phân chuồng ủ mục để tăng thêm độ phì nhiêu cho đất.
Chuẩn bị hạt giống: Hiện nay hạt giống bí đao được bán rất nhiều tại các cửa hàng, trang thương mại điện tử. Hoặc bạn cũng có thể lấy hạt giống từ những quả bí già, hạt chắc, mẩy. Tiến hành ngâm hạt trong nước ấm, theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh. Sau khoảng 3h vớt ra để ráo, sau đó ủ trong khăn ẩm. Hàng ngày dùng bình xịt hơi nước để tưới ẩm cho khăn, sau khoảng 2 – 3 ngày hạt bắt đầu nứt nanh, nảy mầm tiến hành đem trồng ra bầu đất.
Cách trồng bí đao leo giàn tại nhà
Gieo hạt đã nảy mầm vào trong các bầu đất dinh dưỡng, trộn sẵn xơ mùn, phân bón. Khi cây đã lên được 2 – 3 lá xanh có thể tiến hành đem trồng ra đất. Lưu ý khoảng cách giữa các cây trồng, không để quá dày.
Cách chăm sóc cây bí đao
Tưới nước: Khi cây ở giai đoạn ra hoa thì nên tưới nước nhiều hơn, cấp ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng tốt, tăng tỉ lệ đậu trái. Nên tưới 2 lần mỗi ngày, sáng và chiều tối.
Bón phân: Giai đoạn cây con ra được 3-4 lá thì tiến hành bón lót bằng phân chuồng, trùn quế, phân gà hoặc phân hữu cơ vi sinh. Cứ sau khoảng 15-20 ngày tiến hành bón phân đợt tiếp theo.
Phòng ngừa sâu bệnh: Cây bí đao thường gặp một số loại sâu bệnh gây hại như sâu xanh, sâu vẽ bùa, sâu cuốn lá,… Và các bệnh như sương mai, phấn trắng, héo xanh. Vì vậy cần thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nên ưu tiên các loại thuốc trừ sâu từ chế phẩm sinh học, tự làm từ ớt, tỏi,… để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Kỹ thuật làm giàn bí đao
Có thể làm giàn bí đao theo nhiều hình thức khác nhau như giàn thẳng đứng, giàn chữ A hoặc giàn leo trên cao. Bạn cũng có thể tận dụng bờ rào, hay cho mái nhà,… Tuy nhiên hiện nay nhiều người làm giàn chữ A hoặc giàn leo giúp tăng năng suất, ít sâu bệnh. Có thể dùng dây thép to, móc nối đan xen thành hình lưới để giúp cây leo cao, dùng cọc để cố định các góc. Phía trên cao dùng dây thép móc nối để tạo thành giàn, giúp cây vươn dài, quả treo trên cao. Có thể dùng cọc bằng tre, nứa để thay thế giàn bằng dây thép.
Nếu trồng bí đao ngoài ruộng nên áp dụng cách làm giàn chữ A. Giàn này chủ yếu được làm từ các loại cọc tre, gỗ. Các cọc được buộc cố định vào nhau, ở giữa là cọc trụ và rãnh thoát nước. Kiểu giàn này rất tiện cho người thu hoạch, vừa có sức chống đỡ tốt.
Thu hoạch: Khoảng sau 50-60 ngày tuổi sau trồng là có thể thu hoạch quả bí đao. Bí non nên sử dụng trong vòng 20-25 trong điều kiện bảo quản tốt. Nếu muốn để lâu phải để bí già, vỏ có phấn trắng thì thời gian sử dụng lâu hơn.
Hi vọng với những thông tin, chia sẻ về cách trồng bí đao leo giàn tại bài viết sẽ giúp ích cho quý bạn đọc. Chúc bạn trồng thành công những giàn bí đao sai lúc lỉu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình.
5/5 – (1 vote)