Kỹ thuật nuôi cá rô phi thương phẩm
Ao nuôi cá rô phi tốt nhất có diện tích 1000 – 2000 m2.
1. Điều kiện ao nuôi:
– Ao nuôi cá rô phi tốt nhất có diện tích 1000 – 2000 m2.
– Nhiệt độ: 25-30 độ C.
– Độ sâu khoảng 1,5-2 m, lớp bùn khoảng 15 – 20 cm.
– Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, bờ cao hơn mức nước cao nhất >50cm.
– pH 6,8 – 8
– Nếu ao nuôi bán thâm canh nhất thiết phải có máy quạt nước, sục khí…
2. Chuẩn bị ao:
– Tháo cạn nước, dọn cây cỏ xung quanh bờ ao, tu sửa và đắp bờ ao chắc chắn, vét bùn ao chỉ chừa một lớp dày từ 10-15 cm.
– Dùng vôi bột (7-10 kg/ 100 m2) rải khắp ao để diệt địch hại cá, giảm độ phèn. Nếu ao phèn nhiều, tăng lượng vôi lên gấp đôi
– Bón lót: Dùng phân chuồng ủ mục rải khắp đáy ao với liều lượng 10 – 15 kg/100m2, phân xanh 10 – 15 kg/100m2.
– Lọc nước:
+ Sau khi phơi ao 3 – 5 ngày sau đó lọc nước vào ao, lọc nước vào ao qua lưới có kích thước mắt lưới 100 mắt/cm2.
+ Nước lọc vào ao 1,2 – 1,5 m thì thả cá.
3. Thả cá:
– Tiêu chuẩn cá thả: Phải chọn cá khỏe mạnh, vây, vẩy hoàn chỉnh, không bị sây sát, không bị bệnh, cá sáng con, cỡ đồng đều, tỷ lệ đơn tính đực ≥ 95%.
– Mật độ thả: 2 – 3 con/m2, nếu nuôi thâm canh thả 5 – 7 con/m2.
– Cỡ cá thả 2g/con.
Cách thả cá giống: Khi vận chuyển cá bằng bao nilon có bơm ôxi, trước khi thả cá ta phải để bao chứa cá xuống ao từ 10-15 phút, cho nước vào từ từ, sau đó mới thả cá ra ao.
4. Mùa vụ thả nuôi
– Đối với vùng nước ngọt có thể thả nuôi quanh năm.
– Đối với vùng nước lợ, mặn thả cá nuôi:
+ Miền Bắc: Tháng 4- 8
+ Miền Nam: Tháng 4-10
5. Chăm sóc, quản lý:
– Thường xuyên duy trì màu nước cho ao nuôi bằng cách bón phân chuồng ủ mục 1 tuần 2 lần với liều lượng 7 – 10 kg/100m2 và phân xanh 1 tuần 1 lần với liều lượng 10 – 15 kg/100m2 (lượng phân bón bổ sung phụ thuộc vào màu nước của ao).
– Hàng ngày quan sát bờ ao, cống đáy, cống khơi để khi có sự cố xảy ra thì xử lý kịp thời.
– Thường xuyên quan sát hoạt động của cá. Nếu thấy cá nổi đầu từng đàn trong thời gian dài, ta cần cấp nước mới vào ao.
– Định kỳ 15 ngày chài cá một lần, xem độ lớn và mức độ ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
6. Thức ăn và cách cho ăn
– Thức ăn: Cho cá ăn thức ăn tinh bột như bột ngô, khoai sắn, gạo, cám… và thức ăn xanh như rau muống, bèo trứng cá, bèo tấm, bèo hoa dâu, rau thái nhỏ… các loại động vật như tôm, cá nhỏ, giun, ốc đã xay nhỏ và các phần loại thải của chế biến thực phẩm (bã bia, bã rượu, lòng trâu bò…). Ngoài thức ăn tận dụng trên, để nuôi thâm canh đạt năng suất cao, rút ngắn thời gian nuôi tạo ra hàng hóa xuất khẩu cần phải sử dụng thêm thức ăn công nghiệp.
– Cách cho ăn: Cho cá ăn ngày 2 lần sáng và chiều mát với liều lượng:
+ Tháng thứ nhất: Dùng cám công nghiệp (tháng hao hụt đầu con lớn nhất) cho cá ăn với lượng 5 – 7% trọng lượng quần đàn trong ao.
+ Tháng thứ hai: Khi cá đạt cỡ 100 g/con cho cá ăn bằng thức ăn tự chế biến nhằm giảm giá thành. Ngày cho cá ăn 2 lần, lượng thức ăn cho ăn hàng ngày 3 – 4% trọng lượng cá trong ao.
+ Tháng thứ ba trở đi cho cá ăn 2 – 3% trọng lượng cá trong ao
7. Thu hoạch:
Cá rô phi đơn tính, nuôi 6 – 8 tháng tuổi có thể đạt cỡ trên 0,5 kg/con. Năng suất đạt -10 -15 tấn/ha/vụ nuôi.
– Có hai cách thu hoach:
+ Thu hoạch một lần: Hạ mức nước ao đến còn 40-50 cm, kéo lưới nhiều lần sau đó tát cạn, bắt cá còn sót lại.
+ Thu hoạch nhiều lần: Sau khi nuôi cá 6-7 tháng, hàng tháng ta dùng lưới bắt cá lớn thu hoạch, thả thêm cá nhỏ tiếp tục nuôi sau đó 2-3 năm thu hoạch toàn bộ.