Kỹ thuật chăm sóc vườn vải thiều mới trồng và khi thu hoạch

1. Vườn vải thiều mới trồng

Đây là thời kỳ kiến thiết cơ bản, cần được làm sạch cỏ xung quanh tán gốc, đồng thời xới xáo quanh gốc, kết hợp trồng cây họ đậu (điền thanh, cốt khí, đậu tương) hoặc cỏ chống xói mòn. Có thể trồng xen dứa quả hoặc xoài. Phương pháp trồng xen vừa tận thu hoa quả phụ khi cây trồng chính chưa cho thu hoạch, vừa tác dụng tăng độ che phủ đất, chống xói mòn rửa trôi làm suy thoái đất khi cây vải chưa khép tán. Có thể trồng tận thu trong thời gian từ 3-4 năm đầu.

Cây vải thiều mới trồng

– Bón phân: Trong thời kỳ đầu kiến thiết cơ bản (chưa có thu hoạch), chế độ bón phân hàng năm cho mỗi cây như sau:

  • Phân chuồng: 5 – 10kg
  • Phân đạm urea 0,2 – 0,4kg
  • Phân lân Super: 0,5 – 1kg
  • Phân kali 0,2 – 0,5kg

* Số lần bón: Chia làm nhiều lần bón trong năm (3 – 4 lần) sau mỗi đợt lộc hoàn chỉnh. Những cây xanh tốt cần giảm lượng phân, số lần bón, tránh cây sinh trưởng quá mạnh, vống lướt.

* Cách bón: Đào rãnh xung quanh theo hình chiều tán, độ sâu rãnh khoảng 20cm, rộng 30cm rải đều phân vào rãnh và lấp đất lại, hoặc rải đều phân trên mặt đất dưới tán rồi xới nhẹ và lấp một lớp đất mỏng, đồng thời tiến hành phủ một lớp rơm rạ hoặc cây phân xanh.

– Tưới nước: Trong điều kiện thời tiết khô hạn cần tưới nước cho cây, đặc biệt sau mỗi đợt bón phân nếu gặp khô hạn cần tưới ẩm để giúp cho phân tán nhanh, giúp cây sử dụng phân bón có hiệu quả hơn. Khi các đợt lộc hình thành gặp thời tiết khô hạn cũng cần tưới ẩm cho cây.

– Thoát nước: Vải thiều Lục Ngạn là cây trồng chịu hạn rất tốt nhưng khả năng chịu úng lại rất kém, nhất là đối với cây trồng bằng cành chiết vì chủ yếu là rễ chùm và ăn nông. Trong điều kiện mùa mưa kéo dài, đất kém thoát nước gây ứ đọng hoặc mực nước ngầm dâng cao, rất dễ gây nên hiện tượng chết rũ với toàn bộ hệ thống rễ bị chết và cổ rễ thối đen. Bộ rễ không còn khả năng hô hấp, trao đổi nước và dinh dưỡng. Kết quả làm cho cây chết đột ngột.

* Biện pháp: Trên những vườn vải có địa hình đất bằng phẳng, kém thoát nước cần đào rãnh thoát nước. Cứ 2 – 3 hàng cây cần đào một rãnh thoát nước, rãnh sâu từ 30 – 40 cm, để nước thoát nhanh sau khi mưa lớn và góp phần hạ thấp mực nước ngầm trong vườn.

– Tỉa cành, tạo tán: Là biện pháp hết sức quan trọng đối với các loại cây ăn quả nói chung và cây vải nói riêng. Thường xuyên sau mỗi đợt lộc cần tỉa bớt cành khuất, cành tăm, cành vượt và những cành bị sâu bệnh phá hoại. Việc tỉa cành tạo tán đối với cây trong giai đoạn kiến thiết cơ bản rất quan trọng, giúp cho cây phát triển cân đối và chắc khỏe để tạo khả năng ra quả tốt sau này. Thường tạo tán theo hình mâm sôi hoặc bánh dày, có khoảng cách từ mặt đất tới tán cao khoảng 70 đến 80 cm. Ngoài ra, biện pháp tỉa cành tạo tán còn giúp hạn chế sâu bệnh trú ngụ, giảm tiêu hao dinh dưỡng và giúp cây sinh trưởng phát triển tốt hơn.

2. Vườn vải thiều cho quả

Thời kỳ kinh doanh, từ khi vườn cây cho thu hoạch quả việc chăm sóc cho cây bao gồm các khâu như: đốn tỉa, bón phân, nước tưới, phòng trừ sâu bệnh…và đều phải tuân thủ theo một quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Đặc biệt, trong vụ hè thu cần chăm sóc để cây kết thúc đợt lộc thu chậm nhất vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Nếu muộn quá sẽ ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả, tuyệt đối không tiến hành bón phân và tưới nước vào thời gian từ tháng 10 trở đi. Nếu tưới ẩm hoặc mưa ở thời kỳ này thì cây sẽ sinh trưởng dinh dưỡng (ra lộc), lấn át sinh trưởng sinh thực (ra hoa) vì vải là cây rất mẫn cảm với thời tiết, gianh giới giữa sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực luôn đan xen, lấn át nhau. Do vậy, việc chăm sóc vườn cây cần chú ý những công việc sau:

+ Tỉa cành tạo tán:

Sau vụ thu hoạch quả cây bị tàn tạ, cành bị sước, dập gẫy do mang quả và quá trình thu hái gây nên, vì vậy cần tiến hành cắt tỉa cành tăm, cành khuất, cành dập gãy và các cành vượt. Mục đích của công việc này là loại bỏ những cành cây hư, cành vô ích, để lại những cành hữu ích, giảm bớt thân cành, giúp cây chống gió bão. Đặc biệt, giúp cây sớm phục hồi sau thu hoạch, đồng thời giảm bớt trú ngụ sâu bệnh hại trong tán cây.

+ Làm cỏ, bón phân:

Tiến hành làm cỏ dưới gốc và tán cây tránh cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây, đồng thời tiến hành bón phân cho cây. Lượng phân cần bón được xác định bởi sản lượng quả vừa thu hoạch nhằm bù đắp lại lượng thiếu hụt dinh dưỡng trong đất. Bình quân cho một cây 10 năm tuổi trở lên có sản lượng 100kg/cây/năm, thì lượng bón như sau:

  • Phân chuồng: 20 – 30kg
  • Đạm Urea: 0,8 – 1,2kg
  • Phân Lân Super: 2 – 3,5kg
  • Phân Kali Sulphát: 1,2 – 1,5kg
  • Hoặc phân chuồng: 10 -12kg NPK có tỷ lệ 5:7:6 hoặc NPK có tỷ lệ 5:10:3

Cây vải thiều đang nở hoa

Số lần bón và phương pháp bón như sau:

– Bón lần 1:

+ Lượng bón: Sau thu hoạch quả cuối tháng 6 và trong tháng 7 giai đoạn này là giai đoạn cây đang bị suy kiệt dinh dưỡng sau thời kỳ mang quả. Vì vậy, cần bón đủ phân cho cây để bù đắp lượng dinh dưỡng trong đất do cây lấy đi để nuôi quả, thân và lá. Lượng phân bón cần bón lần này chiếm 2/3 lượng phân bón cả năm (2/3 lượng phân cần bón nên ở trên).

+ Phuóng pháp bón: Đào rãnh xung quanh mép ngoài hình chiều tán 20cm, rãnh rộng 30cm và sâu 30cm. Rải đều lượng phân cần bón vào rãnh và lấp đất lại. Với những cây đã khép tán thì bón phân rải đều trên bề mặt dưới tán cây rồi tiến hành xới nhẹ 1 lượt để trộn lẫn phân vào đất hoặc lấp 1 lớp đất màu mỏng. Với những cây xanh tốt, cây không cho quả, hoặc có phía tán không cho quả có thể không cần bón hoặc bón lượng phân ít hơn.

 – Bón phần 2:

+ Lượng phân bón: Bón vào giai đoạn có nụ hoa (cuối tháng 1 hàng năm) với 1/2 lượng phần còn lại.

+ Phương pháp bón: Có thể bón rải đều trên mặt đất dưới tán cây rồi lấp 1 lớp đất mỏng hoặc bón xong kết hợp tưới ẩm cho cây. Chú ý không bón phân và tưới nước cho những cây chưa phát triển hoa rõ rệt, vì thời kỳ này nếu ẩm thời tiết ấm rất dễ làm cây biến đổi trạng thái phát triển hoa sang lộc.

– Bón lần 3:

+ Lượng bón: Vào khoảng tháng 4 khi hình thành quả non và cùi. Tiến hành bón hết lượng phân còn lại, có thể bón bổ sung thêm kali từ 0,2 – 0,3kg/cây.

+ Cách bón: Bón rải đều trên bề mặt dưới tán cây khi có mưa nhỏ hoặc sau bón kết hợp tưới ẩm. Chú ý với những cây không mang quả hoặc ít, cây xanh tốt thì không cần bón bổ sung.

+ Tưới nước:

Từ khi cây hình thành hoa đến khi thu hoạch, nếu thời tiết khô hạn, cần tưới ẩm cho cây thường xuyên. Nếu giai đoạn này thiếu nước làm cho hoa còi cọc, hoa và quả non dễ bị rụng. Chú ý khi tưới nước chỉ được tưới ẩm thường xuyên, không được tưới đẫm đột ngột gây nên hiện tượng rụng hoa, nứt quả non do sức trương hạt lớn hơn sức căng vỏ quả. Cần tưới rải làm nhiều lần.