KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY NHÃN SAU THU HOẠCH

Nhãn là loại cây ăn quả nhiệt đới, được trồng ở nhiều ở nước ta từ Bắc chí Nam. Sau mỗi chu kỳ ra hoa và đậu quả, cây nhãn bị mất nhiều chất dinh dưỡng nên cây rất yếu ớt và dễ bị tổn thương. Vì vậy nhà nông cần nắm rõ kỹ thuật chăm sóc nhãn sau thu hoạch nhằm giúp cây mau chóng phục hồi để có thể bắt đầu 1 chu trình ra hoa và đậu quả mới.

Sau đây là kỹ thuật chăm sóc cây nhãn giai đoạn sau thu hoạch:

Tỉa cành, tạo tán cho cây:

– Sau thu hoạch, bà con nên tỉa cành tạo tán cho cây bằng cách cắt tỉa các cành già, yếu, sâu bệnh, cành mọc lộn xộn, những cành mọc quá dày hay bị che khuất trong tán cây…Bà con cần dùng kéo cắt bỏ sát thân cây, với những cành vượt cắt bớt phía ngọn, trên những cành có lộc thu cắt tỉa hết, chỉ để lại 1- 2 lộc thu to khoẻ.

tia-canh-tao-tan-cho-cây-nhan

Tỉa cành, tạo tán cho cây nhãn

– Việc cắt tỉa cần được thực hiện ngay sau khi vừa thu hoạch xong, sau thu hoạch một tháng hoặc cắt tỉa vào mùa đông trước khi cây nảy cành xuân và ra hoa kết quả.

– Bà con lưu ý mức độ cắt tỉa ở cây nhãn còn phụ thuộc vào giống, độ tuổi của cây, trạng thái sức khỏe của cây… để có thể quyết định cắt nhiều hay ít. Đối với giống cây mọc khỏe, cây sung sức, trồng ở đất tốt, được cung cấp phân bón, nước đầy đủ thì bà con cần cắt nhiều để tạo độ thông thoáng cho cây và tránh lây lan mầm bệnh từ cây này sang cây khác.

– Ngược lại những cây trồng ở đất đồi, thiếu nước, cây già yếu, giống sinh trưởng yếu thì nên cắt tỉa ít để không làm mất sức của cây.

– Khi cắt tỉa bà con cần chú ý: Cắt tỉa trong tán trước, ngoài tán sau, cắt cành lớn trước, cành bé sau, sao cho cành phân tán đều.

Bón phân cho cây:

– Đối với cây từ 10 năm tuổi trở lên, lượng phân bón cho cây như sau: Phân chuồng hoại mục: 50 – 100kg; phân NPK với liều lượng từ 3-4kg/cây.

bon-phan-cho-cay-nhan

Bón phân cho cây nhãn

– Bà con nên thay thế phân đơn bằng phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho cây ăn quả, lượng bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất.

– Tùy từng độ tuổi của cây và năng suất quả vừa thu hoạch mà bà con quyết định lượng phân bón hợp lý cho cây.

– Việc bón phân cần được thực hiện sau khi thu hoạch quả khoảng 15 – 20 ngày (thời gian từ tháng 8 – 9 dương lịch), lần bón này nhằm giúp cây phục hồi sau thu hoạch và thúc đẩy cành thu. Đây là lần bón cơ bản trong năm.

Kỹ thuật bón phân cho cây:

+ Kể từ mép tán ra 30cm, bà con đào rãnh 20 x 20cm vòng quanh tán. Bà con cần trộn phân bón rồi rải đều xuống rãnh, sau đó lấp đất bằng phẳng rồi tưới nước hoặc hoà nước phân chuồng tưới đều quanh tán. Tiếp đến, bà con lấy đất phù sa, bùn ao đã được để ải, phơi khô và đập nhỏ đổ đều quanh gốc, không đổ quá nhiều và quá dày, chỉ dày khoảng 5 – 7cm là phù hợp.

+ Đối với những cây có chất lượng quả ngày càng kém, bà con nên dùng phân bón lá để phun lên lá lần 1 sau khi bón phân xong nhằm hỗ trợ cho lộc thu bật nhanh. Sau đó, bà con phun tiếp lần 2 khi lộc thu dài 5cm, và phun lần 3 khi lộc thu chuyển bánh tẻ.

Chú ý:

+ Đối với cây nhãn cho quả ít hoặc không cho quả, bà con cần giảm 1/2 lượng phân chuồng, lân và bón thêm phù sa, bùn ao để cây mau chóng phục hồi và phát triển trở lại.

+ Bà con cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc, phân bón quá nồng độ làm ảnh hưởng đến quá trình sinh lý của cây nhãn trong giai đoạn ra nụ và nở hoa.

Chúng tôi vừa chia sẽ kỹ thuật chăm sóc cây nhãn sau thu hoạch. Hy vọng bà con có thể áp dụng cho vườn nhãn nhà mình để có 1 mùa nhãn bội thu.

Nguồn: VTNN Bích Trâm tổng hợp