KỸ THUẬT CHĂM SÓC CAM, BƯỞI SAU THU HOẠCH GIÚP CÂY NHANH CHÓNG PHỤC HỒI
admin
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị
https://khuyennong.quangtri.gov.vn/uploads/baner1.png
Bài viết sau đây giúp bà con làm vườn hiểu được kỹ thuật chăm sóc cây cam bưởi sau thu hoạch, gồm các khâu quan trọng như:
1. Kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch
– Cây cam bưởi cho trái ở chồi cành, nếu không cắt tỉa, chồi cành mới sẽ ít dần, dẫn đến những vụ sau cây không ra nhiều trái. Thời gian cắt tỉa là sau khi thu hoạch được 2-3 tuần thì tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán cho cây.
– Chọn những hôm trời nắng ráo tiến hành cắt tỉa, không nên cắt tỉa vào những hôm trời mưa, ẩm ướt, tránh hiện tượng lây lan bệnh từ cây này sang cây khác qua vết cắt.
– Cắt tỉa tán theo hình chữ Y, nghĩa cắt tỉa theo hình khai tâm, làm cho ánh sáng lọt vào phía trong tán. Đối với các cành nhỏ có thể sử dụng kéo cắt cành nhỏ chuyên dụng, đối với cành to có thể sử dụng cưa cắt cành.
– Kỹ thuật cắt cành: Khi cắt cành, phải cắt sát vào thân, vết cắt phải gọn, dứt khoát và nhẵn, không làm dập cành, không nên cắt cành quá dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Những cành đã được cắt bỏ, thu gom lại rồi tiêu hủy.
– Tiến hành cắt sát thân các cành khô, cành vượt, cành không nằm trong tán, cành mang sâu bệnh, cành yếu, cành không mang quả ở vụ trước để cây có độ thông thoáng. Có thể cắt bỏ những cành to, hạ tán, làm sao để cây chỉ có chiều cao phát triển từ 3-3,5m.
– Sau khi cắt tỉa cành trên cây xong, cần sử dụng vôi quét lên các vết cắt và quét từ gốc lên trên thân cây từ 70 cm-1,5m, để cho cây không bị nhiễm các nấm bệnh từ vết cắt và tiến hành phun chế phẩm nano đồng rửa vườn để tẩy rửa rong rêu, nấm khuẩn sau 1 vụ thu hoạch.
2. Làm cỏ, bón phân sau thu hoạch
2.1. Làm cỏ
– Việc làm cỏ, dọn vệ sinh trong vườn sau khi thu hoạch là hết sức cần thiết, để tránh cư trú cho các loài sâu bệnh xâm nhập, gây ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất vườn cam.
– Làm cỏ theo hình chiếu tán của cây khoảng 1-1,2m kể từ gốc, kết hợp thu dọn quả rụng và các tàn dư cành lá khô có trong vườn cam trước khi bón phân. Những dãy cỏ mọc ngoài tán cây hoặc trên đường băng có thể để nguyên, nhưng nếu cỏ phát triển quá tốt thì cần có biện pháp xử lý như cắt bỏ bớt để tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng với cây cam, đồng thời giữ được độ ẩm cho vườn.
– Cần lưu ý, trong giai đoạn này không được sử dụng thuốc trừ cỏ để phun vào vườn cam. Bởi trong giai đoạn sau thu hoạch bộ rễ của cây cam rất yếu và bộ rễ tơ của cây đang phát triển, nếu bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học bộ rẽ tơ sẽ bị thối hỏng, ảnh hưởng đến sự hấp thụ dinh dưỡng của cây.
– Việc xới đất cho cây cam cần được thực hiện hàng năm, để tạo độ thông thoáng và cung cấp thêm oxy cho đất. Khi xới đất cần chú ý ở gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn do rễ của cam mọc yếu và nông gần lớp đất mặt.
2.2. Bón phân cho vườn cam sau thu hoạch
– Để vườn cam được nhanh chóng phục hồi và cho năng suất cao trong vụ mùa tiếp theo, cần phải biết bón phân một cách hợp lý. Bón phân chuồng trước, sau đó bón phân vô cơ. Phân chuồng phải được ủ với chế phẩm Trichodepma trước khi sử dụng ít nhất 2-2,5 tháng. Do trong phân chuồng có rất nhiều vi sinh vật, những vi sinh vật này hoạt động biến urê thành dạng đạm dễ tiêu, lân khó tiêu thành lân dễ tiêu. Khi các vi sinh vật đã có trong đất, tiếp tục bón phân vô cơ. Nếu đất vườn bị chua cần bón vôi trước khi bón phân 15-20 ngày. Lượng phân bón cho 1 gốc cây như sau: 20-30 kg phân chuồng hoai + 2 – 7kg phân vi sinh + 0,15-0,3 kg Urê + 0,9-2,2kg super lân + 0,15-0,4 kg Kali, tùy theo năm tuổi (thường áp dụng cam 4-10 năm kể từ khi cho thu hoạch). Ngoài ra có thể dùng phân NPK chuyên dùng để bón cho cam.
– Trước khi bón phân, sử dụng cuốc đào rãnh theo hình chiếu tán của cây, sâu 20-25 cm, rộng 20-25 cm (tuỳ lượng phân bón), phơi đất khoảng 3-7 ngày tùy vào thời tiết, sau đó trộn đều các loại phân bón với đất phơi ải, bón vào rãnh rồi lấp đất ngay, không bón phân trực tiếp vào rễ cây. Việc đào rãnh bón phân có tác dụng làm đứt hệ rễ tơ cũ, tạo hệ rễ tơ mới, cây hấp thụ các chất dinh dưỡng tốt hơn.
3. Tưới nước và tiêu nước cho vườn cam sau thu hoạch
Đối với cây cam là loài cây ưa ẩm, ít chịu hạn nhưng cũng rất dễ bị úng nước, chính vì vậy chú ý đến lượng nước tưới cần thiết cho vườn cam. Ở địa bàn tỉnh Quảng Trị do điều kiện thời tiết xảy ra hạn hán và lũ lụt, nên cần thiết phải xây dựng hệ thống tưởi nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm trong suốt mùa khô, đồng thời phải khơi mương thoát rãnh để tiêu úng trong mùa mưa.
4. Phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn cam sau thu hoạch
– Sau khi thu hoạch xong, vườn cam rất dễ bị sâu bệnh tấn công, bởi vì ở giai đoạn này cây có sức đề kháng yếu, nên cần phải thăm vườn thường xuyên, đặc biệt chú ý theo dõi các loài sâu bệnh thường gặp như: rệp sáp, rầy mềm, nhện đỏ, vẽ bùa, nấm bệnh hại cành và lá, bệnh chảy gôm, để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
– Để ngăn ngừa các loài sâu bệnh hại vườn cam có thể sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng ngừa sớm và kịp thời các loại nấm gây hại cho cây trồng và đất.Trong đó có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học Trichoderma Bacillus, EM Plus HLC và EM HLC đặc trị tuyến trùng giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất, ngăn ngừa vàng lá, thối rễ và giúp cải tạo đất. Bên cạnh đó còn thúc đẩy cho quá trình phân giải chất hữu cơ, Xenlulo, tăng độ mùn. Định kỳ phun hoặc tưới 3-4 đợt /năm, mỗi đợt cách nhau 1-1,5 tháng.
– Nếu thực hiện tốt công tác chăm sóc bằng các biện pháp cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng, dọn vệ sinh làm cỏ sạch kết hợp với bón phân hữu cơ thì khả năng cây bị nhiễm sâu bệnh hại rất thấp, cây vẫn có khả năng chống chịu lại các loài sâu bệnh hại.
Trên đây là các biện pháp cần thiết chăm sóc vườn cam sau thu hoạch, góp phần quyết định đến năng suất và chất lượng quả cho vụ mùa tiếp theo, bà con cần thực hiện đúng các biện pháp chăm sóc cây cam sau thu hoạch như đã nói ở trên để mang lại hiệu quả cao.
Trần Xuân Lộc – Trạm KN Gio Linh