Kỹ năng tranh luận trong pháp luật? Bí quyết tranh luận trong nghành luật?
Kỹ năng tranh luận là một trong những kỹ năng rất cần thiết trong pháp luật, tranh luận để có thống nhất vấn đề, làm rõ chủ đề, cần đứng ở hai lập trường để biết được điểm sai của ý kiến trái chiều, tranh luận đưa ra ý kiến về vấn đề giúp nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh hiểu vấn đề sâu sắc hơn
Mục Lục
1. Khái niệm kỹ năng tranh luận
Tranh luận là một hoạt động diễn ra thường xuyên trong mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội, trong học tập, trong lao động, nghiên cứu, sáng tạo… Tranh luận khác với tranh cãi, tranh luận đòi hỏi các bên phải có kiến thức cơ bản, các kỹ năng như thuyết trình, lắng nghe, phản biện, thuyết phục người khác… Hơn nữa, tranh luận khác tranh cãi ở thái độ của người tranh luận và sự tôn trọng đối với đối phương cũng như kiến thức mà họ sử dụng trong quá trình tranh luận. Tranh cãi hình thành do tâm lý ganh đua, hiếu thắng. Tranh cãi xuất phát là từ quan điểm trái chiều nhưng các quan điểm này đặt ra không phải để thảo luận mà để giành phần thắng cho mình nên bất đồng quan điểm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh cãi. Do vậy cùng xuất phát từ ý kiến không đồng thuận với nhau nhưng quá trình giao tiếp lại diễn biến khác nhau. Tranh cãi có một đặc điểm rất dễ nhận biết đó là các bên to tiếng, lớn giọng, lên mặt với nhau. Từ việc không kiểm soát được cảm xúc dẫn đến không tự chủ được về ngữ điệu cũng như thái độ của mình. Nhiều trường hợp cãi vã lớn còn dùng vũ lực với nhau. Các bên xảy ra tranh cãi thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, khi bạn mất kiềm chế bạn có thể làm tổn thương đến lòng tự trọng, sự tự tôn của người đối diện. Sự thiếu tôn trọng lẫn nhau này nảy sinh từ việc bạn không tôn trọng sự khác biệt của nhau. Kết thúc một cuộc tranh cãi không phải là sự chiến thắng của kĩ năng và năng lực mà bởi vị trí và vị thế trong xã hội của mỗi người, buộc bên còn lại phải chấp nhận. Như vậy tranh cãi và tranh luận khác nhau không chỉ hình thức mà còn cả nội dung, quá trình. Đặc biệt là với sinh viên ngành luật rất cần giữ bình tĩnh và sự tôn trọng mọi người xung quanh, chỉ nên tranh luận mà không nên tranh cãi. Vì hình ảnh cá nhân với người học luật là vô cùng quan trọng. Đặc biệt cách giải quyết tình huống khéo léo để không gây xích mích là một trong những kĩ năng, thế mạnh của người học luật. Do đó từ khi còn nguồi trên giảng đường sinh siên ngành luật không chỉ phải rèn luyện cho mình miễn dịch với những cám dỗ, trau dồi những kĩ năng mềm mà còn phải học cách làm chủ cảm xúc và thái độ của mình.
Bên cạnh đó, nhiều người còn dễ nhầm lẫn khái niệm tranh cãi với đôi co. Đôi co là một động từ chúng ta có thể hiểu “đôi” nghĩa là hai, “co” là kéo qua kéo qua kéo qua kéo lại không ai nhường ai. Đôi co giống với tranh cãi là đều xuất hiện một cách tự phát, mang tính chủ quan. Điểm khác biệt là ở chỗ trong hình thức đôi co hai bên không bám sát vào luận điểm của nhau mà lại “ông nói gà, bà nói vịt” nói qua nói lại, không vào đúng trọng tâm. Việc các bên đôi co khiến cuộc giao tiếp bị kéo dài, lãng phí thời gian mà lại không thu được kết quả tốt. Hai bên đôi co cố chấp với quan điểm của mình, bảo thủ không nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để tiếp thu ý kiến của nhau. Đôi co là một cuộc thảo luận không có chiều sâu về kiến thức do thiếu sự chuẩn bị kĩ lưỡng, luận điểm, lập luận không có sự đồng bộ. Khi đôi co dần dần hai bên không giữ được bình tĩnh dẫn đến tranh cãi, nảy sinh mẫu thuẫn và khiến hai bên không hài lòng. Như vậy đôi co có thể trở thành một cuộc tranh cãi nảy lửa bất cứ lúc nào. Mỗi bên khi bắt đầu cũng như kết thúc đều quá đề cao quan điểm cá nhân của mình mà không xem trọng ý kiến của người khác, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Qua các đặc điểm trên, có thể thấy việc giao tiếp mà xuất hiện đôi co không mang lợi ích, giá trị gì mà mặt khác còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Giao tiếp bằng lời nói là tấm gương phản ánh con người nên khi ta đôi co với một ai đó thì người đó thường bị nhìn nhận là không tốt. Nhưng không dừng lại đó, đôi co còn mang đến nhiều hạn chế với công việc và mọi người xung quanh.
2.Vai trò và lợi ích của việc rèn luyện kỹ năng tranh luận
Cuộc sống luôn có hai mặt tốt và xấu, trái và phải… vì vậy, thông qua tranh luận, chúng ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề đó. Nhưng tranh luận không phải là một cuộc đấu khẩu. Trong tranh luận, có những quy tắc nghiêm ngặt cần được tuân thủ, cần vận dụng các kỹ năng một cách khéo léo và đôi khi sinh viên phải đứng vào vị trí phản đối những điều mà thường ngày vẫn tin là đúng. Tranh luận giúp sinh viên nhìn nhận một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, hiểu vấn đề được sâu sắc hơn. Thông qua quá trình tranh luận, sinh viên mở rộng kiến thức, nâng cao kỹ năng và thấy được vai trò, tầm quan trọng của những cuộc tranh luận đối với sinh viên luật trong học tập, cuộc sống.
Đối với ngành luật, tranh luận để có thể nhìn ra được một trái của vấn đề, từ đó, đưa ra những kết luận gần với thực tế hơn và đảm bảo tính đúng đắn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đối với một luật sư, tranh luận có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tố tụng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Để tranh luận tốt, người luật sư cần có kỹ năng, kiến thức sâu rộng. Thông qua việc tranh luận giúp các luật sư có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình hành nghề luật, xây dựng được hình ảnh cá nhân mình.
Có thể nói, tranh luận giúp cho cá nhân chủ động học hỏi, tìm tòi các thông tin, kiến thức về chủ đề tranh luận trong các lĩnh vực, tự hoàn thiện kiến thức chuyên môn cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ngoài ra, khi tranh luận có thể học hỏi kiến thức trực tiếp từ đối phương thông qua những lý lẽ phản biện thể hiện được góc nhìn mới của đối phương về vấn đề.
Sinh viên học được kỹ năng tranh luận và nâng cao các kỹ năng khác cho bản thân như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục, tư duy phản biện, kỹ năng nói, viết, lắng nghe chủ động, kỹ năng lập luận… Không chỉ vậy, bản thân người học còn phải có tư duy logic, có khả năng khái quát, hệ thống vấn đề, biết kết hợp các kỹ năng để làm chủ tình thế, tránh bị động trước đối phương.
Tranh luận không chỉ tốt cho những người hành nghề luật mà còn có ích cho cả xã hội. Người học thấy được tầm quan trọng của tranh luận trong công việc, học tập cũng như trong cuộc sống, từ đó có động lực để phấn đấu và rèn luyện kỹ năng này. Lợi ích trực tiếp của những cuộc tranh luận giúp mở rộng, đào sâu vấn đề dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Một xã hội nếu khả năng phản biện tốt thì xã hội đó sẽ luôn phát triển vì tranh luận là một kênh chống tham nhũng, chống bất công xã hội hữu hiệu. Thông qua những buổi tranh luận, các đạo luật được ra đời ngày càng hoàn chỉnh hơn, những ý tưởng mới cũng được nảy sinh từ các cuộc tranh luận. Điều này càng có ý nghĩa trong thời kỳ kinh tế tri thức hiện nay.
Ví dụ: Ở các nước theo dòng họ Common law, Tòa án được xem như một hội trường tranh luận, thẩm phán chỉ đóng vai trò là người nghe, người điều hành, và người đưa ra phán quyết cuối cùng. Còn nhận vật chính tại phiên tòa là các vị luật sư với nhau, hoặc các vị luật sư với các công tố viên. Sự thắng hay bại của một vụ án phụ thuộc rất lớn vào cuộc khẩu chiến, thuyết phục thẩm phán của vị luật sư bào chữa. Nếu vị luật sư có tài hùng biện tốt, biết cách tranh luận tốt với đối phương còn lại, thuyết phục được thẩm phán ngả theo quan điểm của mình sẽ chiến thắng. Và ngược lại, luật sư bào chữa không thể tiến hành tranh luận lại được với công tố viên, hoặc luật sư bào chữa của đối phương thì không thể thuyết phục được thẩm phán nghe theo quan điểm của mình và phần thua là chắc chắn
3.Các bí quyết để tranh luận hiệu quả trong nghề luật
Tranh luận là một loại xung đột. Xung đột là sự đối lập về những nhu cầu, giá trị, lợi ích . . . và tranh luận chính là sự xung đột về quan điểm, tư tưởng được giải quyết bằng phương pháp giao tiếp: sử dụng lời nói để thuyết phục đối phương thừa nhận quan điểm, tư tưởng của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tranh luận. Do sự bất đồng về quan điểm dẫn tới tranh luận để thuyết phục đối phương theo quan điểm của mình; do sự lắng nghe không chủ động dẫn tới có sự thiếu sót trong quá trình nghe tạo nên tranh luận hay tranh luận hình thành do xuất phát từ sự hiềm khích…
Trong giao tiếp, đôi khi không tránh khỏi những cuộc tranh luận và hậu quả của các cuộc tranh luận này là làm mất thời gian, thậm chí còn làm sứt mẻ tình cảm. Tuy nhiên, đôi lúc các cuộc tranh luận cũng đem lại lợi ích nào đó, chẳng hạn như tăng cường khả năng thăng tiến hoặc sự phát triển về mặt tinh thần của cá nhân sinh viên. Vì vậy, cần có một số bí quyết giúp cuộc tranh luận đạt kết quả tốt:
Thể hiện quan điểm tự tin, giữ vững lập trường
Quan điểm chính là nội dung muốn thể hiện. Nếu cách trình bày hay, cuốn hút được mọi người thì giá trị của nội dung như được nâng lên một tầm cao mới. Hơn nữa khi trình bày quan điểm của bản thân, người tranh luận phải thể hiện mình một cách tự tin nhưng không kiêu ngạo, như vậy mới thuyết phục được đối phương.
Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác
Mỗi người có những quan điểm khác nhau. Không được coi thường quan điểm của đối phương, vì vậy cần lắng nghe và suy nghĩ ý kiến đó trước khi phủ nhận quan điểm của họ vì không ai hoàn hảo, vì ai cũng có thể mắc sai lầm.
Thừa nhận sai lầm
Khi tranh luận nếu sảy ra lỗi sai hãy thừa nhận sai lầm ngay lập tức và đối phương sẽ rất tôn trọng vì sự trung thực, thẳng thắn thừa nhận sai lầm. Hơn nữa, đối phương sẽ nghĩ nếu họ sai lầm thì bạn cũng dễ dàng chấp nhận và bỏ qua. Mọi người thường có sự liên tưởng so sánh như bạn là người rộng lượng.
Dẫn dắt đối phương đồng ý với quan điển cá nhân
Việc dẫn dắt đối phương đồng ý với quan điểm của mình sẽ giúp đối phương gián tiếp thừa nhận lập luận của họ sai, làm cho đối phương thay đổi quan điểm. Đây là một kỹ thuật mang tính tâm lý và thường được sử dụng khi một bên tranh luận có nhiều luận điểm mạnh.
Lắng nghe đối phương
Trong một cuộc tranh luận, không ai có thể chiến thắng nếu không cho người khác cơ hội được diễn đạt quan điểm của mình. Lắng nghe đối phương sẽ biết nhiều thông tin khác và khi họ càng nói nhiều sẽ càng có nhiều sơ hở. Vì thế, cần tập trung lắng nghe, phản biện và lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Chú ý đôi khi nên ngắt lời đối phương nếu cần thiết vì nếu để cho đối phương nói quá nhiều sẽ làm cho cuộc tranh luận mất hứng thú và lãng phí thời gian của mọi người.