Kỷ Jura – Bách khoa Toàn thư Việt Nam
Siêu lục địa Pangaea tại điểm khởi đầu kỷ Jura, khoảng 200 triệu năm trước
Tranh minh họa cảnh quan Jura Muộn trên một hòn đảo lớn ở bồn địa Hạ Saxony (Niedersachsen), miền bắc nước Đức.
Kỷ Jura là một kỷ địa chất kéo dài 56 triệu năm từ lúc kỷ Trias kết thúc 201 triệu năm trước đến khi kỷ Creta bắt đầu 145 triệu năm trước.[1] Kỷ này được đặt tên theo dãy núi Jura nằm dọc biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ. Kỷ Jura cấu thành giai đoạn giữa của đại Trung Sinh[1] hay còn được gọi là thời đại khủng long.[5][6] Ranh giới Trias–Jura (T–J) phơi bày tại đèo Kuhjoch, Áo và tương ứng với lần xuất hiện đầu tiên của loài cúc đá Psiloceras spelae tirolicum.[7]
Kỷ Jura bắt đầu với sự kiện tuyệt chủng Trias–Jura, một trong những vụ tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất liên đại Hiển Sinh.[8][9] Sự kiện mà có nguyên nhân chủ yếu từ hoạt động núi lửa đã tác động nặng nề lên các hệ sinh thái với ước tính 80% số loài bị diệt vong.[10] Khủng long, với việc mọi tổ tiên và họ hàng đều tuyệt chủng, đã vươn lên đa dạng hóa nhanh chóng trong kỷ Jura.[12] Chúng là động vật có xương sống lớn và nổi bật nhất, bên cạnh những loài vật hưng thịnh khác như cá sấu, rùa, hay thú. Ở biển và đại dương nông, sinh vật đông đảo là cá, động vật thân mềm, cùng những bò sát bơi quan hệ gần với khủng long như ngư long và xà đầu long. Thống lĩnh bầu trời là dực long, động vật có xương sống đầu tiên phát triển khả năng bay.[13][14] Chim lần đầu xuất hiện vào kỷ Jura, chúng tiến hóa từ khủng long chân thú.[16]
Không như nhiều sinh vật biển hay động vật bốn chân trên cạn, thực vật mặt đất không bị tuyệt chủng hàng loạt tại điểm chuyển giao giữa kỷ Trias và kỷ Jura.[17] Trong kỷ Jura, rừng mưa nhiệt đới không tồn tại do khí hậu khô cằn ở miền xích đạo. Thống trị hệ sinh thái trên cạn là thực vật hạt trần bao gồm các nhóm tuế, thông, bạch quả, và dây gắm.[19] Tuế rất phổ biến và đạt đến mức đa dạng cao nhất, khiến cho kỷ Jura còn được gọi là thời đại tuế.[↓ 1][21] Thực vật tập trung ở miền vĩ độ vừa tạo nên cảnh quan kiểu xa-van mà ở đó khủng long ăn cỏ tự do lang thang, giống như voi ngày nay. Gần hai cực, những cánh rừng rậm rạp mọc lên và đón ánh nắng liên tục trong hàng tháng.[23] Thực vật ở đây kém phong phú hơn, chủ yếu là dương xỉ, bạch quả và thông lá to. Đây còn là thời kỳ mà thực vật hạt kín đa dạng hóa đáng kể từ khi xuất hiện vào cuối kỷ Trias trước đó.[24][25]
Kỷ Jura chứng kiến sự tan rã của siêu lục địa Pangaea, mở ra Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.[26] Khởi đầu kỷ Jura, Pangaea hầu như vẫn nguyên vẹn. Đến khoảng 195 Ma trong Jura Sớm, Trung Đại Tây Dương dần mở ra khi Bắc Mỹ tách khỏi Châu Phi–Nam Mỹ. Sự kiện này đã chia Pangaea thành hai phần, phần bắc được gọi là Laurasia còn phần nam là Gondwana. Vào khoảng 170 Ma, Gondwana cũng phân tách thành Đông Gondwana và Tây Gondwana.[28] Tàn tích của đại dương Cổ Tethys có thể còn sót lại trong Jura Sớm và biến mất khi đại dương Tân Tethys mở rộng. Đại dương Mongol-Okhotsk dần thu hẹp và khép lại gần ranh giới giữa kỷ Jura và Creta.[31] Quá trình phân tách của Pangaea sẽ còn tiếp tục trong kỷ Creta.[33]
Trong kỷ Jura, mực nước biển nhiều lúc cao hơn ngày nay gần 100 m và đại dương nhìn chung ấm hơn. Dưới đại dương sâu, nhiệt độ cao hơn ngày nay khoảng 8 °C.[23] Khí hậu toàn cầu ấm hơn khoảng 5 đến 10 °C, tạo độ ẩm không khí cao và tăng cường đáng kể chu kỳ thủy văn.[23] Mưa chủ yếu diễn ra ở đại dương, để cho những hoang mạc lớn mở rộng trong lục địa.[23] Các phiến băng cực hay chỏm băng mặt đất hầu như không tồn tại do nhiệt độ mùa hè cao.[23][26] Khí hậu ấm áp đi kèm với nồng độ CO2 khí quyển cao gấp bảy lần mức tiền công nghiệp.[26]
Kỷ Jura trở nên nổi tiếng qua phim Công viên kỷ Jura (Jurassic Park) năm 1993, tuy nhiên nhiều loại khủng long tiêu biểu trong phim như Velociraptor, Tyrannosaurus, Triceratops thực tế không sống trong kỷ Jura mà là kỷ Creta.[36]
Chú thích
[
sửa
]
- ↑Bennettitales, Age of the Cycads) không chặt chẽ về mặt khoa học.[20]
Tuế (Cycad, Cycadales) còn thường nói đến tập hợp các nhóm thực vật giống nhau nhưng không quan hệ gần: Cycadales Nilssoniales . Các nhóm thực vật thống trị là Bennettitales và Nilssoniales, còn Cycadales chỉ là một phần nhỏ của quần thực vật kỷ Jura. Vì vậy cách gọi “Thời đại Tuế” () không chặt chẽ về mặt khoa học.
Tham khảo
[
sửa
]
Sách
[
sửa
]