Ký hợp đồng gói thầu dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch trên 1.800 tỷ đồng
Dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 là một phân đoạn quan trọng kết nối giao thông các tỉnh trong khu vực nói chung, tỉnh Đồng Nai với TP.HCM nói riêng.
Gói thầu CW1 xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn (từ Km10+000 đến Km12+600) dự án thành phần 1A có giá trị 1.813 tỷ đồng.
Quy mô gói thầu, gồm: Xây dựng cầu Nhơn Trạch có chiều rộng mặt cầu 19,75 m, chiều dài 2.040 m, phần nhịp chính là dầm bê tông cốt thép đúc hẫng cân bằng, phần nhịp dẫn dầm Super-T bê tông cốt thép dự ứng lực; và đầu tư đường dẫn hai bên đầu cầu với chiều dài 560 m. Thời gian thực hiện hợp đồng 35 tháng.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nêu rõ, với tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết định triển khai dự án hạ tầng giao thông khu vực này.
Ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch tạo điều kiện cho người dân có thêm lựa chọn kết nối từ TP.HCM đến sân bay quốc tế Long Thành cũng đang được triển khai đồng thời. Đó còn là giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông từ TP.HCM đến Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Theo kế hoạch, toàn bộ các hạng mục hạ tầng khu bay Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ được khởi công đồng bộ trong tháng 12/2022 và hoàn thành phần xây dựng trong quý II-2024, đưa vào khai thác dịp 02/9/2025. Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu dự án thành phần 1A Tân Vạn – Nhơn Trạch phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 31/12/2025, kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài gần 35 km; trong đó dự án thành phần 1A dài 8,75 km.
Với tính cấp thiết của dự án đối với hạ tầng giao thông trong khu vực như vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị nhà thầu, Ban Mỹ Thuận xây dựng kế hoạch cụ thể, đánh giá cũng như xây dựng giải pháp giải quyết các khó khăn tiềm ẩn về nguyên vật liệu, nhân lực, thiết bị, không được để dự án bị chậm trễ.
Dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch được chuẩn bị đầu tư từ những năm 2011 – 2012. Hai bên Việt Nam và Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ từ năm 2015 và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư vào tháng 02/2016. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Mỹ Thuận, sau đó ký kết hiệp định vay thực hiện dự án bị gián đoạn. Đến tháng 5/2020, hiệp định vay được ký kết làm cơ sở triển khai các bước kế tiếp.
Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác chuẩn bị cho khởi công dự án đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị tỉnh Đồng Nai khẩn trương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến thời điểm hiện nay, Đồng Nai mới bàn giao được 1.100 m trong tổng chiều dài 6.300 m của dự án, chưa đủ điều kiện để triển khai thi công dự án. Hợp đồng bồi thường giải phóng mặt bằng ở huyện Nhơn Trạch đã hoàn thành công tác kiểm đếm, đang cập nhật hoàn thiện các đơn giá bồi thường.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh thủ tục ban hành đơn giá đồng thời lập các phương án bồi thường và hoàn thành, phê duyệt, chi trả trong tháng 7/2022 để dự án kịp triển khai.
Dự án thành phần 1A thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài khoảng 8,75 km; trong đó 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 2,45 km đi qua địa bàn TP.HCM.
Dự án có điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Đoạn đường có tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.329 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.