Kỳ 1: Hà Nội quyết tâm giải quyết các vấn đề môi trường
Cơ sở pháp lý khẳng định quyết tâm của TP Hà Nội để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng công cuộc xây dựng TP xanh – sạch- đẹp, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31-5-2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Trong đó, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đưa ra một số chỉ tiêu như: Đối với chất thải rắn, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt từ 95 – 100%, phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, thu gom 100% và xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp, 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định.
Đối với môi trường nước, xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và đến năm 2020, 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% số hộ dân có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn…
Đồng thời, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Bảo vệ môi trường nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước, quản lý tốt các nguồn xả thải, cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hóa mới.
Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại, đầu tư xử lý xử lý chất thải rắn theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, giảm tỷ lệ chôn lấp; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và hoàn thiện mạng lưới điểm tập kết trung chuyển rác thải cấp huyện.
Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở các khu vực nội thành, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.
Để đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đã đề ra 4 giải pháp chính là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, cá nhân người đứng dầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về môi trường và hoàn chỉnh các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP (theo Luật Thủ đô năm 2013, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014), các cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đối với mọi cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân Thủ đô, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường, tập trung vào các cơ sở có nguồn xả thải lớn từ 100 m3/ngày, đêm trở lên, qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tập trung nhiều nguồn lực và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.
Đưa Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đi vào cuộc sống
Để triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3-7-2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giao tổng hợp các chỉ tiêu giám sát, đánh giá đến từng Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; đồng thời yêu cầu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp, cơ quan, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, Kế hoạch số 160/KH-UBND đã đề ra 13 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm (chia làm 20 lĩnh vực cụ thể) cần thực hiện trong giai đoạn từ 2017 năm 2020.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn đến năm 2020, UBND TP sẽ xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, nhằm hướng tới việc xây dựng những điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải và phát triển bền vững Thủ đô.
Theo Sở TN&MT Hà Nội, với trách nhiệm là cơ quan được UBND TP giao trách nhiệm thường trực triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Thành ủy, những năm qua, Sở TN&MT đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành và UBND các quận, huyện và thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UBND, đảm bảo đúng tiến độ được UBND TP giao.
Đồng thời, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tổ chức chính trị – xã hội tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết số 11-NQ/TƯ và Kế hoạch số 160/KH-UBND, nhằm huy động sự vào cuộc cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường.
Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Điều 14 của Luật Thủ đô quy định rõ những nội dung về quản lý và bảo vệ môi trường. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô, bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Việc cải tạo sông, suối, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn Thủ đô nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia theo đề nghị của UBND TP Hà Nội.