Kinh tế trang trại là gì? Đặc trưng, vai trò của kinh tế trang trại ở nước ta

Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại đã trở thành loại hình kinh tế chiếm ưu thế về hiệu quả kinh tế so với kinh tế hộ nhờ lợi thế về quy mô sản xuất. Loại hình này đã khẳng định là loại hình có quy mô hiệu quả nhất trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới, thay thế dạng nông hộ phân tán và xí nghiệp tư bản quy mô lớn. Để hiểu rõ hơn về loại hình kinh tế trang trại là gì, các bạn hãy cùng Luận Văn 2S tham khảo bài viết sau nhé.

Kinh tế trang trại là gì? 

Về mặt bản chất, “trang trại” và “kinh tế trang trại” là những khái niệm không đồng nhất, nó là hai cụm từ ghép để phản ánh hai nội dung kinh tế hoàn toàn khác nhau. Khi nói đến “trang trại” là nói đến cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp, là một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh nhất định. Còn khi nói đến “kinh tế trang trại” là đề cập đến mặt kinh tế của trang trại. kinh tế trang trại là tổng thể các yếu tố vật chất của sản xuất và các mối quan hệ nảy sinh trong quá trình tồn tại và hoạt động của trang trại, quan hệ giữa các trang trại và các tổ chức kinh tế khác nhau, giữa trang trại của các nước, thị trường, hay với môi trường sinh thái tự nhiên. Trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, hai thuật ngữ này được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau, nhưng trong một số trường hợp cụ thể nó được sử dụng như là thuật ngữ đồng nghĩa, có thể thay thế cho nhau mà ý nghĩa không bị thay đổi.

Khái niệm trang trại

Trước hết phải nhắc lại quan điểm của Lênin khi nghiên cứu các trang trại ở Mỹ: “Ấp trại tuy vẫn là nhỏ nếu tính theo diện tích, nhưng lại hóa thành ấp trại lớn khi xét theo quy mô sản xuất”. Điều này đòi hỏi khi xét về quy mô ta có thể hiểu đó là quy mô về diện tích nhưng cũng có thể hiểu đó là quy mô về sản xuất thể hiện bằng thu nhập của trang trại. Còn theo Từ điển tiếng Việt trang trại được hiểu một cánh khái quát là “trại lớn sản xuất nông nghiệp”.

Theo Nghị quyết trung ương 6 (1998), bản chất của trang trại gia đình là kinh tế hộ sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, sử dụng tiền vốn, lao động của gia đình là chủ yếu để sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Điền, trang trại gia đình là loại hình cơ sở sản xuất nông nghiệp trong của nền kinh tế thị trường từ khi phương thức sản xuất tư bản thay thế phương thức sản xuất phong kiến, khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở một số nước châu Âu. 

Giáo sư Nguyễn Thế Nhã lại cho rằng: “Trang trại là loại hình tổ chức sản xuất thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng đất của một chủ độc lập sản xuất được tiến hành trên quy mô ruộng đất và các yếu tố sản xuất tiến bộ và trình độ kỹ thuật cao, hoạt động tự chủ và luôn gắn với thị trường”.

Hội nghị nghiên cứu kinh tế trang trại của Ban kinh tế Trung ương lại đưa ra kết quả nghiên cứu về khái niệm trang trại như sau: Trang trại là một hình thức tổ chức kinh tế phổ biến trong nông – lâm – ngư nghiệp, được hình thành và phát triển trên cơ sở phát triển kinh tế hộ nhưng mang tính sản xuất hàng hóa rõ rệt. 

Ta có thể thấy rằng điểm chung của những khái niệm trên cho thấy trang trại là kinh tế hộ dựa trên cơ sở lao động, đất đai, tư liệu sản xuất hộ gia đình nhưng mức độ tổ chức cao hơn, mang tính chất sản xuất hàng hóa và tỷ suất hàng hóa càng cao càng tốt, sản xuất gắn với kinh doanh và hướng đến thị trường.

Tóm lại, ta có thể khái quát về khái niệm trang trại như sau: Trang trại là một hình thức tổ chức kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp được hình thành trên cơ sở kinh tế hộ mang tính sản xuất hàng hóa, các yếu tố sản xuất được tập trung và ruộng đất được tích tụ cao, có tỷ suất hàng hóa cao hơn kinh tế hộ, cách thức tổ chức quản lý tiến bộ, có khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KH – KT) và công nghệ mới vào sản xuất để mang lại hiệu quả KT – XH cao hơn so với kinh tế hộ, hoạt động tự chủ và luôn gắn với thị trường.

trang_trai_la_gi_luanvan2s
Trang trại là gì?

Khái niệm kinh tế trang trại là gì?

Trải qua hàng ngàn năm, kinh tế trang trại đã hình thành và phát triển, trở thành hình thức sản xuất hàng hóa phổ biến trong nông nghiệp ở hầu hết các nước phát triển. Bản thân kinh tế trang trại có nguồn gốc từ kinh tế hộ gia đình nông dân, được phát triển dần dần trong quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. 

Trong Nghị quyết 03 ngày 02/02/2000 của Chính phủ đã chỉ rõ: “Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình…”

Trên thực tế vẫn còn nhiều cách tiếp cận khác nhau về kinh tế trang trại như: 

Tác giả Nguyễn Phượng Vỹ cho rằng: Kinh tế trang trại là một hình thức tổ chức sản xuất kinh tế nông- lâm – ngư nghiệp, phổ biến được hình thành trên cơ sở kinh tế hộ nhưng mang tính chất sản xuất hàng hóa”

Theo giáo sư Lê Trọng thì nhận định: Kinh tế trang trại bao gồm kinh tế nông trại, lâm trại, ngư trại, là hình thức kinh tế cơ sở của nền sản xuất nông nghiệp xã hội, dựa trên cơ sở hiệp tác và phân công lao động xã hội, bao gồm một số người lao động nhất định, được trang bị những tư liệu sản xuất nhất định để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế trang trại, được nhà nước bảo hộ” 

Từ các nghiên cứu nêu trên, có thể thấy: Kinh tế hộ với việc tích lũy vốn, đất đai, kinh nghiệm quản lý, lao động đủ lớn, với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả kinh tế cao với cách thức tổ chức quản lý tiến bộ và trình độ kỹ thuật cao, hoạt động tự chủ, luôn gắn với thị trường là cơ sở nền tảng hình thành kinh tế trang trại. Phải khẳng định rằng, kinh tế trang trại không chỉ là phương thức giải phóng lực lượng sản xuất ở trình độ cao hơn kinh tế hộ mà còn có thể khắc phục những khiếm khuyết, đồng thời tiếp tục phát huy những nhân tố tích cực, của kinh tế hộ. 

Như vậy, kinh tế trang trại là kinh tế hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm cả lâm, ngư nghiệp), sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Kinh tế trang trại là tổng hợp các yếu tố vật chất của sản xuất và các mối quan hệ kinh tế nảy sinh trong quá trình tồn tại và hoạt động của trang trại. Còn trang trại là nơi kết hợp các yếu tố vật chất của sản xuất và là chủ của các quan hệ đó. 

kinh_te_trang_trai_la_gi_luanvan2s
Kinh tế trang trại là gì?

Xem thêm:

→ Luận văn thạc sĩ kinh tế phát triển: Chia sẻ đề tài & chi tiết cách thực hiện

Phân loại kinh tế trang trại

Dựa vào đặc điểm, loại hình, phương thức sản xuất, hình thức sở hữu tư liệu sản xuất mà có nhiều cách phân loại kinh tế trang trại khác nhau. 

Căn cứ vào loại hình sở hữu 

  • Trang trại cá thể: Là hộ nông dân tiểu nông sản xuất tự cấp, tự túc là chủ yếu, sử dụng LĐ gia đình là chính, có sản xuất hàng hóa với tỷ suất thấp, nhiều nhất là khoảng 50% – 60%. 

  • Trang trại tiểu chủ: Là trang trại sản xuất nông sản hàng hóa là chủ yếu, có thuê lao động thời vụ hoặc thường xuyên, nhưng chủ lao động vẫn là lao động chính, sản xuất hàng hóa nông sản với tỷ suất hàng hóa từ 65% trở lên. 

  • Trang trại tư bản tư nhân: Là trang trại hoàn toàn thuê lao động, làm thuê thường xuyên và thời vụ với số lượng lớn, sản xuất ra nông sản hàng hóa với số lượng lớn, tỷ suất nông sản hàng hóa nhiều từ 80 % – 90 % trở lên [10]. 

Căn cứ vào hình thức tổ chức quản lý 

  • Trang trại gia đình: Là kiểu trang trại độc lập sản xuất kinh doanh của từng gia đình có tư cách pháp nhân riêng, do chủ hộ hoặc một người có năng lực và uy tín trong gia đình đứng ra quản lý. Loại trang trại này có thể là của một hộ gia đình hoặc của nhiều hộ gia đình cùng quản lý, và đây là loại hình trang trại phổ biến nhất thế giới hiện nay. 

  • Trang trại liên doanh: Là kiểu trang trại được thành lập trên cơ sở tự nguyện hợp nhất từ một số trang trại nhỏ với tư cách pháp nhân mới nhằm tăng năng lực sản xuất, vốn, lao động và khả năng cạnh tranh trước các đối thủ, hoặc để tranh thủ các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các trang trại có quy mô lớn, nhưng vẫn giữ nguyên quyền tự chủ và điều hành của các trang trại nhỏ. Ở Mỹ loại trang trại này chiếm khoảng 10% tổng số trang trại, nhưng ở châu Á thì hầu như rất ít do quy mô còn nhỏ

  • Trang trại hợp doanh theo cổ phần: Là kiểu trang trại được tổ chức theo nguyên tắc của công ty cổ phần, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản phẩm. Ở Mỹ loại trang trại này chiếm 2,7% tổng số trang trại  hiện nay 

Căn cứ vào mức độ sở hữu tư liệu sản xuất 

  • Chủ trang trại sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất. 

  • Chủ trang trại sở hữu một phần tư liệu sản xuất, một phần thuê ngoài.

  • Chủ trang trại hoàn toàn không có tư liệu sản xuất, phải thuê toàn bộ các cơ sở của một trang trại để sản xuất, từ đất đai, mặt nước, rừng cây đến chuồng trại, kho hàng, máy móc thiết bị…. 

Căn cứ vào phương thức điều hành sản xuất

  • Chủ trang trại và gia đình ở ngay trong trang trại và trực tiếp điều hành cũng như trực tiếp lao động sản xuất. Đây là loại hình trang trại phổ biến nhất ở các nước và chủ trang trại hầu hết là nông dân. 

  • Chủ trang trại và gia đình không ở nông thôn, không ở trang trại mà ở một nơi khác (thị trấn, thành phố) nhưng vẫn trực tiếp điều hành và quản lý trang trại. Loại hình này có xu hướng phát triển ở một số nước công nghiệp phát triển. 

  • Chủ trang trại sống ở thành phố, thuê người khác trực tiếp quản lý, điều hành trang trại ở nông thôn. 

  • Chủ trang trại ủy thác cho chủ khai thác là bà con, bạn bè quản lý sản xuất từng công việc hay toàn bộ, từng vụ hay liên tục nhiều năm. Ở Đài Loan đến nay có khoảng 75% số chủ trang trại đã áp dụng phương thức sản xuất ủy thác.

Căn cứ vào cơ cấu sản xuất 

  • Trang trại chuyên môn hóa: Là loại hình trang trại chỉ sản xuất và kinh doanh một loại sản phẩm (trang trại trồng trọt, chăn nuôi, có trang trại chỉ chuyên một loại cây trồng, vật nuôi). 

  • Trang trại kinh doanh tổng hợp: Là trang trại kinh doanh nhiều sản phẩm (trang trại kinh doanh nhiều cây trồng, vật nuôi, hoặc kinh doanh cả chăn nuôi và trồng trọt, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái…)

  • Trang trại sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến hoặc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các trang trại khác. 

Căn cứ vào cơ cấu thu nhập

  • Trang trại thuần nông: Thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp. 

  • Trang trại thu nhập chủ yếu ngoài nông nghiệp: Loại trang trại này có xu hướng ngày càng tăng thậm chí ở một số nước tỷ lệ của nó còn cao hơn số trang trại thuần nông. Ở Nhật Bản năm 1985 số trang trại loại này có đến 66% có thu nhập ngoài nông nghiệp lớn hơn từ nông nghiệp 

Căn cứ vào quy mô diện tích đất đai 

Cách phân loại này thực tế cho thấy chỉ nên áp dụng cho các trang trại tại sản xuất trồng trọt hoặc trồng rừng, còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và các ngành nghề khác không nên sử dụng nó làm tiêu thức bởi lẽ đối với ngành chăn nuôi và các ngành nghề khác có thể rất nhỏ về quy mô đất đai nhưng có thể tạo ra thu nhập cao hơn so với các trang trại lớn chuyên trồng trọt hoặc trồng rừng. 

Tóm lại, phụ thuộc vào điều kiện kinh doanh của mỗi trang trại mà có nhiều cách phân loại khác nhau. Tại Việt Nam, với quy mô trang trại nhỏ lẻ, nên rất khó để phân loại kinh tế trang trại, mà hình thức chủ yếu là mô hình trang trại gia đình.

phan_loai_kinh_te_trang_trai_luanvan2s
Phân loại kinh tế trang trại

Bài viết cùng chuyên mục:

→ Khu công nghiệp là gì? Lý luận về phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam

Vai trò của kinh tế trang trại là gì?

Trang trại được đánh giá là hình thức tổ chức sản xuất quan trọng trong nền nông nghiệp thế giới. Ở các nước phát triển, trang trại gia đình có vai trò quan trọng và quyết định trong sản xuất nông nghiệp và đại bộ phận nông sản cung cấp cho xã hội được sản xuất ra trong các trang trại gia đình.

Trong những năm gần đây, kinh tế trang trại phát triển nhanh cả về số lượng, đa dạng về ngành sản xuất ở tất cả các vùng, các địa phương trong cả nước. Mặc dù kinh tế trang trại mới phát triển nhưng đã thể hiện vai trò quan trọng và tích cực trong sự phát triển kinh tế của cả nước.

Phát triển kinh tế trang trại có vai trò lớn trong nền kinh tế quốc dân, tác động lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, cụ thể như sau:

Về kinh tế: Kinh tế trang trại là loại hình tổ chức sản xuất lấy việc khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh nhằm phục vụ nhu cầu xã hội làm phương thức sản xuất chủ yếu. Loại hình này cho phép huy động khai thác, đất đai, sức lao động và nguồn lực khác một cách đầy đủ, hợp lý và có hiệu quả. Nhờ vậy, nó góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Kinh tế trang trại mang lại kết quả và hiệu quả sản xuất cao góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các loại cây trồng vật nuôi có giá trị hàng hóa cao, khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún và từ đó tạo nên vùng chuyên môn hóa cao, đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa.

Về mặt môi trường: Phát triển kinh tế trang trại nhìn chung có tác động tích cực đến bảo vệ môi trường sinh thái. Do sản xuất kinh doanh tự chủ và có mục đích thiết thực lâu dài nên các chủ trang trại có ý thức khai thác hợp lý và quan tâm bảo vệ môi trường. Thực hiện phát triển kinh tế trang trại đã mang lại nhiều kết quả về kinh tế xã hội và môi trường.

Về mặt xã hội: Phát triển kinh tế trang trại giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, làm tăng hộ giàu và giảm số hộ nghèo đói ở nông thôn. Mặt khác, phát triển kinh tế trang trại cũng góp phần thúc đẩy kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo tấm gương cho các hộ nông dân về cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh tiên tiến và có hiệu quả.

Đặc trưng cơ bản của kinh tế trang trại trong nền kinh tế thị trường

Thứ nhất, kinh tế trang trại là loại hình kinh tế cơ bản trong nông nghiệp, được chuyên môn hóa, tập trung hóa sản xuất theo nhu cầu thị trường. Kinh tế trang trại có tỷ suất hàng hóa lớn và quy mô trang trại thường lớn hơn nhiều lần so với quy mô của kinh tế nông hộ.

Thứ hai, kinh tế trang trại có định hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường. Do sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn nên kinh tế trang trại phải gắn với thị trường cả về sản phẩm đầu vào lần đầu ra.

Thứ ba, kinh tế trang trại là loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh có khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ mới tốt hơn, nhanh và hiệu quả hơn so với kinh tế hộ. Kinh tế trang trại có khả năng ứng dụng công nghệ mới, đưa khoa học- công nghệ vào ngay trong quá trình sản xuất và đem lại hiệu quả cao.

Thứ tư, các trang trại ngoài sử dụng lao động gia đình còn sử dụng thêm lao động bên ngoài. Mức độ sử dụng lao động của kinh tế trang trại phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm của từng trang trại. Do điều kiện sản xuất nông nghiệp nên trang trại thường thuê lao động thời vụ.

Thứ năm, kinh tế trang trại có tổ chức quản lý sản xuất tiến bộ hơn và có thu nhập cao hơn so với sản xuất kinh tế hộ. Do mục đích là sản xuất hàng hóa nên các trang trại đều tập trung chuyên môn hóa một số sản phẩm nhất định.

Thứ sáu, chủ trang trại là người có ý chí làm giàu, có nghị lực và quyết tâm làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Họ là người có năng lực tổ chức, quản lý và có kinh nghiệm, kiến thức nhất định về sản xuất kinh doanh nông nghiệp và trực tiếp quản lý trang trại.

kinh_te_trang_trai_trong_nen_kinh_te_thi_truong_luanvan2s
Đặc trưng cơ bản của kinh tế trang trại trong nền kinh tế thị trường là gì?

Chi tiết dịch vụ & bảng giá thuê viết luận văn

Bạn đang thực hiện đề tài luận văn về chủ đề kinh tế trang trại, phát triển kinh tế trang trại? Bạn cần nguồn tài liệu tham khảo hay bạn đang gặp khó khăn trong quá trình viết luận văn, xử lý số liệu thống kê… Tham khảo dịch vụ viết luận văn thuê của Luận Văn 2S sẽ là giải pháp hữu ích dành cho bạn.

Điều kiện hình thành và phát triển kinh tế trang trại

Điều kiện khách quan hình thành và phát triển kinh tế trang trại là gì?

  • Nhà nước thừa nhận và khuyến khích kinh tế trang trại, ban hành các chính sách, hành lang pháp lý chó sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại, nhất là chính sách đất đai, tài chính và ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp. 

  • Để hình thành và phát triển kinh tế trang trại phải tạo lập được môi trường thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và không ngừng được củng cố, hoàn thiện, phát triển. Vì môi trường được xem như là điều kiện KT – XH cần thiết nhất đối với sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại.

  • Phải có hộ nông dân tự chủ, biết sản xuất hàng hóa, vượt ra khỏi khuôn khổ của kinh tế hộ, năng động, dám nghĩ, dám làm, có ý chí và nghị lực làm giàu. 

  • Có nền kinh tế đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa vì sự ra đời và phát triển của công nghiệp đã làm nảy sinh nhu cầu sản xuất và cung ứng hàng hóa. Thị trường tiêu thụ và sức mua rộng lớn của nông nghiệp, nông thôn cần phải được đáp ứng đầy đủ cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và đầu tư sản xuất, chi tiêu cá nhân. Do đó, nó có sức cải tạo nông nghiệp lạc hậu, tự cung, tự cấp thành nền nông nghiệp hàng hóa phát triển. 

  • Có nền kinh tế trang trại hoàn chỉnh hoặc trong quá trình hoàn thiện, trong đó thị trường nông nghiệp có đầu vào, đầu ra đều là hàng hóa. Sản phẩm kinh doanh hàng hóa gắn liền với cơ chế thị trường. Trong sản xuất nông nghiệp, không có sản xuất kinh doanh hàng hóa cũng đồng thời không tồn tại trang trại gia đình với đúng nghĩa của nó. 

  • Cần phải có hệ thống thị trường đầy đủ đồng bộ, trong đó các thị trường như: thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa và dịch vụ… phải phát triển năng động, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.  

Điều kiện chủ quan hình thành và phát triển kinh tế trang trại là gì?

  • Có một bộ phận dân cư có nguyện vọng tạo lập trang trại, có sở thích hoạt động sản xuất nông sản hàng hóa và lao động ở trang trại, tạo ra nông sản hàng hóa và hoạt động kinh doanh trang trại.

  • Chủ trang trại có phẩm chất, năng lực, trình độ của người quản lý sản xuất kinh doanh, phải có ý chí quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp. 

  • Có sự tích tụ, tập trung quy mô nhất định của các yếu tố sản xuất, trước hết là đất đai, tài sản, tiền vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh. Để hình thành kinh tế trang trại quy mô ruộng đất, vốn…phải đạt tới quy mô tối thiểu nào đó mới có thể bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mặt khác mới có cơ sở cho đầu tư khoa học công nghệ đạt hiệu quả. 

  • Sự phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cũng là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế trang trại. Trong đó vấn đề giao thông nông thôn, thủy lợi, điện…là những vấn đề cốt yếu, có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế trang trại, nhất là vùng miền núi, vùng còn khó khăn. 

  • Có sự hỗ trợ của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản phẩm. Vì sản phẩm nông nghiệp không để được lâu, nếu không sử dụng ngay hoặc không được chế biến, bảo quản sẽ giảm chất lượng và hư hỏng, do đó vai trò của công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng làm tăng giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

  • Có sự hình thành vùng sản xuất chuyên môn hóa và các hình thức liên kết trong nông nghiệp. Vì chuyên môn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm của trang trại. 

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại là gì?

Yếu tố tự nhiên

Đất đai: Quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố đất đai, dù áp dụng bất cứ hình thức sản xuất nào, kinh doanh loại nông sản nào, chủ trang trại cũng phải phát triển trên một cơ sở đất đai nhất định. Ảnh hưởng của đất đai đến phát triển kinh tế trang trại được quyết định bởi quy mô đất đai, đặc điểm đất đai.

Thời tiết, khí hậu: Yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất của cả trang trại chăn nuôi và trang trại trồng trọt, bởi chúng là những “đối tượng sống” được đặt trong một “môi trường sống” ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng và sinh sản. Nước ta có khí hậu nhiệt đói ẩm gió mùa thuận lợi với rất nhiều loại động, thực vật khác nhau và sự phong phú của khí hậu cũng tạo điều kiện để có cơ cấu chăn nuôi đa dạng.

Dịch bệnh: Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của mỗi trang trại. Nếu trang trại phòng trừ và chữa trị tốt vật nuôi khỏe mạnh lớn nhanh sẽ đem lại lợi nhuận cho trang trại. Nếu không có biện pháp phòng trừ hợp lý, để dịch bệnh lây lan sẽ gây ra thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Yếu tố kinh tế – xã hội

Dân cư và nguồn lao động: Là lực lượng sản xuất quan trọng nhất của xã hội. Nguồn lao động trong nông nghiệp là tổng thể sức lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp gồm chất lượng và số lượng.

Khoa học- kỹ thuật: Khoa học- công nghệ tác động tổng hợp đến tất cả các ngành, các lĩnh vực và tạo ra sự chuyển biến về chất trong hoạt động của các ngành và lĩnh vực, trong đó có trang trại. Khoa học- công nghệ tạo điều kiện để các hộ nông dân nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phá vỡ tính khép kín của việc sản xuất tự cung tự cấp và chuyển sang phát triển theo chiều sâu và giúp cho trang trại có thể trụ vững trong nền kinh tế thị trường.

Nguồn vốn và thị trường: Đây là điều kiện cần thiết để kinh tế hộ chuyển thành kinh tế trang trại, đây là mô hình sản xuất lớn có tỷ suất hàng hóa cao, chấp nhận cạnh tranh gay gắt và luôn vận động theo các quy luật khách quan của cơ chế thị trường nên cần được trang bị nguồn vốn đầu tư. Thị trường là vấn đề sống còn của kinh tế trang trại vì nó ảnh hưởng lớn tới tư duy và cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại.

Cơ sở hạ tầng: Là yếu tố hỗ trợ cho kinh tế trang trại. Một hệ thống thủy lợi tốt, mạng lưới điện và thông tin liên lạc đồng bộ, hệ thống giao thông hoàn chỉnh là những điều kiện cần thiết để tạo ra một cơ chế sản xuất liên hoàn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho trang trại.

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về khái niệm kinh tế trang trại là gì và vai trò của kinh tế trang trại trong phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay. Đây là mô hình mới được đẩy mạnh trong những năm gần đây nhưng đã và đang là mô hình được nhiều người hướng tới. Luận Văn 2S hy vọng những nội dung kiến thức mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này sẽ là nguồn thông tin tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc