Kinh nghiệm trồng mía tím

Trồng mía có ưu điểm là cho thu nhập cao, tốn ít công chăm sóc

Về thời vụ trồng:

Do đặc thù của HTX (Bắc Ninh) nằm ven đê sông Đuống, thế mạnh là cây rau màu, do đó thông thường trồng mía tím vào các tháng 1, 2 để thu hoạch tập trung vào tháng 10, thời gian còn lại trồng tiếp vụ rau đông.

Về hom giống:
Có thể tận dụng hom giống từ các ruộng mía có sức sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, không bị đổ ngã. Nếu hom giống không đủ trồng, cần mua thêm. 1 sào mía trồng hết khoảng 2000 hom giống (đối với loại hom có từ 3 – 4 mầm).

Về làm đất và đặt hom mía:
Cày bừa làm đất nhỏ, nhặt sạch cỏ dại sau đó tạo rãnh mía, rãnh trồng có độ sâu từ 22 – 25cm, rãnh nọ cách rãnh kia chừng 1,2m, trước khi trồng ở đáy rãnh mía có lớp đất nhỏ. Đặt hom mía so le sao cho mầm mía hướng ra hai bên, đặt hom xong lấp lượt đất mỏng.

Về chăm sóc, bón phân:
Thường xuyên giữ ẩm để mía nhanh nảy mầm, phân bón tùy theo chân ruộng tốt xấu để đầu tư cho phù hợp, thông thường 1 sào mía cần 13 -15kg đạm urê, 20 – 25kg lân, 10-13kg kali, 300 – 350kg phân chuồng, cách bón của bà con là: Đối với phân chuồng, phân lân bón lót 100%, đạm và kali lót khoảng 20%, số lượng còn lại bón rải, song bón phân nên kết thúc vào thời điểm mía vươn lóng. 
Khi mía mọc đến 2- 3 lá, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời dặm những chỗ khuyết bằng hom mía đã mọc mầm. Một vụ mía vun gốc từ 2 -3 lần vào các thời điểm khi mía kết thúc đẻ nhánh, khi mía có 3 lóng và khi mía có khoảng 6 lóng.

Phòng trừ sâu bệnh:
Đời sống cây mía tím từ trồng đến thu hoạch khá dài, nổi lên hai đối tượng dịch hại là rệp và sâu đục thân, muốn vậy nên phòng trừ rệp bằng thuốc Ofatox, phòng trừ sâu đục thân bằng thuốc Padan (liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì).
Nên rải Basudin với liều lượng 20 kg/ha vào rãnh mía trước khi đặt hom. Chú ý thường xuyên thăm đồng để chặt và tiêu hủy các cây mía bị sâu bệnh tấn công để tránh lây lan. Đối với đất mới khai hoang hoặc có mối dùng 20-30 kg thuốc Diaphos, Padan để rải.
Một số loại sâu bệnh như: sâu đục thân, rệp có thể dùng Diaphos, Padan, Supracide, Trebon, Bascide xịt, rải vào gốc mía. Riêng trường hợp cây bị nhiễm bệnh than nên đưa cây ra khỏi ruộng và đốt để tiêu hủy mầm bệnh. Ngoài ra, bà con có thể tiến hành bóc lá để hạn chế sâu bệnh, rệp, chuột và hạn chế ra rễ trên thân. Một số sâu bệnh chính thường gặp như: bệnh thối đỏ, bệnh than đen, sâu đục thân, sâu hại gốc, rệp trắng…

Thu hoạch:
Tùy từng giống mía ta trồng mà xác định được giai đoạn chín của mía. Quan sát màu da thân mía trở nên bóng, sậm, ít phấn, lá khô nhiều, độ ngọt giữa gốc và ngọn không chênh lệch là thu hoạch được. Dùng dao thật bén đốn sát gốc tất cả các cây trên hàng mía, để vụ sau mía tái sinh đều hơn. Thu hoạch đến đâu vận chuyển đến đó, không nên để lâu quá hai ngày lượng đường trong mía sẽ giảm. 
Trung bình một sào ruộng trồng được 11 – 12 hàng mía, bán buôn được hơn 100.000đ/hàng, còn nếu bán lẻ tùy theo chất lượng của mỗi cây mía; thấp cũng được 500đ/cây, cao: 800 – 1000đ/cây.