Kinh doanh quốc tế – chuyên ngành phát triển bền vững

Hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ khắp mọi nơi trên thế giới…


Tóm tắt: 
 

Hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang là xu hướng diễn ra ngày càng mạnh mẽ khắp mọi nơi trên thế giới. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ đã làm cho thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, khoảng cách về không gian và thời gian giữa các quốc gia ngày càng thu hẹp. Điều này đã giúp cho các giao dịch giữa các chủ thể kinh tế ở các nước khác nhau diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, thị trường giữa các quốc gia ngày càng được quốc tế hóa. Đó là lý do tại sao ngành học Kinh doanh quốc tế đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với sinh viên các trường đại học khối kinh tế. Ngày nay, Kinh doanh quốc tế được đánh giá là một ngành học hấp dẫn, năng động tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 
 

Bài viết này trình bày cơ sở thực tiễn về nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kinh doanh quốc tế xuất phát từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế năng động của Việt Nam diễn ra trong các lĩnh vực từ cam kết mở cửa nền kinh tế với sự tích cực gia nhập các Hiệp định tự do thương mại của Chính phủ và sự hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế. Đồng thời, bài viết cũng nêu lên những điểm sáng nổi bật trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng (HVNH) nhằm đáp ứng cho ngành Kinh doanh quốc tế tại Việt Nam.   
 

Từ khóa: Kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, ngân hàng quốc tế.

International business  – Fast-growing profession
 

Abstract: International integration, especially international economic integration, has become an increasing trend all over the world. The rapid development of science and technology has made the world flatter and flatter while narrowing the distance in space and time between countries. This helps transactions between economic subjects in different countries occur faster and more efficiently. Consequently, markets between countries have been increasingly globalized. This is also the reason why the study of International Business emerges as the top choice for students from universities of economics. Today, International Business is considered an attractive and dynamic field of study in most countries around the world, including Vietnam.
 

This article provides a practice basis for Vietnam’s demand for high-quality human resources in the international business sector as a way to meet the requirements for participation in free trade agreements, the boom in import and export turnover, international investment, and other external economic activities. At the same time, the article also presents the highlights in training at the Faculty of International Business, Banking Academy, serving high-quality human resources for the international business sector in Viet Nam.
 

Keywords: International business, import-export, international banking.
 

1. Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kinh doanh quốc tế 
 

Tại Việt Nam, ngành Kinh doanh quốc tế là ngành nghề có nhiều triển vọng trong tương lai bởi vì ngành này đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo ra cơ hội việc làm tốt cho những ai được đào tạo bài bản, trong đó có sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế tại HVNH.
 

Kinh doanh (business) là hoạt động vô cùng phong phú và đa dạng trong nền kinh tế thị trường, đó có thể là các hoạt động đầu tư, sản xuất, thương mại, cung ứng dịch vụ như vận tải, logistics, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm… của các chủ thể kinh tế nhằm mục đích sinh lời. Như vậy, ngày nay, cách hiểu hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường là rộng hơn và toàn diện hơn so với cách hiểu truyền thống trước đây, theo đó, kinh doanh chỉ bao gồm việc buôn bán (mua bán) hàng hóa thuần túy, tức hoạt động thương mại (trade).
 

Xét từ giác độ quy mô thị trường, các hoạt động kinh doanh gồm hoạt động kinh doanh nội địa (domestic business) và hoạt động kinh doanh quốc tế (international business). Trong đó, kinh doanh quốc tế là hoạt động kinh doanh diễn ra trên phạm vi quốc tế giữa những người cư trú (residents) của một quốc gia với những người không cư trú (non-residents). 
 

Trong thực tế, cũng có nhầm lẫn giữa ngành Kinh tế học quốc tế (thường gọi là Kinh tế quốc tế) với ngành Kinh doanh quốc tế. Thực ra, hai ngành này là khác nhau, có thể phân biệt như sau:
 

– Ngành Kinh tế quốc tế (International Economics) thuộc nhóm ngành kinh tế học, cung cấp cho người học kiến thức lý luận cơ bản và có hệ thống về các lĩnh vực khoa học chính gồm: Lý thuyết thương mại quốc tế, Công cụ và Chính sách thương mại quốc tế, Tài chính quốc tế, Chính sách kinh tế vĩ mô quốc tế. Như vậy, ngành Kinh tế quốc tế là ngành nghiên cứu vĩ mô về quy luật và các mối quan hệ kinh tế quốc tế.
 

– Ngành Kinh doanh quốc tế (International Business) thuộc nhóm ngành kinh doanh, cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về các hoạt động kinh doanh quốc tế nói chung nhằm mục tiêu lợi nhuận như thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, logistics và vận tải quốc tế, thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại (NHTM), marketing quốc tế,… Như vậy, ngành Kinh doanh quốc tế là ngành học vi mô về các hoạt động kinh doanh quốc tế nhằm mục đích sinh lời.
 

1.1. Việt Nam với các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)
 

Trong môi trường hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại quốc tế, làn sóng ký kết các Hiệp định thương mại tự do đang trở nên mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và trở thành xu thế trong quan hệ kinh tế quốc tế mà các quốc gia không thể đứng ngoài cuộc. Trong xu thế đó, với sự tham gia tích cực ký kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho Việt Nam nói chung, và ngành Kinh doanh quốc tế nói riêng. Đến nay, Việt Nam đã chính thức ký kết thực hiện 14 FTA, 01 FTA đã chính thức ký kết chờ phê chuẩn (sắp có hiệu lực) và đang đàm phán 02 FTA. (Bảng 1)

Bảng 1: Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 5/2021

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (www.trungtamwto.vn) 
 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (www.trungtamwto.vn)

1.2. Bùng nổ về hoạt động xuất nhập khẩu
 

Bảng 2: Tổng hợp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 5 năm gần đây
        

                                                                                        Đơn vị: Tỷ USD

Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, ngoài việc góp phần ổn định, tăng trưởng kinh tế và tạo được tích lũy quốc gia, còn có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nhiều việc làm, tăng nhanh thu nhập trong ngành Kinh doanh quốc tế như hoạt động ngoại thương, dịch vụ logistics/hậu cần, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại tệ của các NHTM,… (Bảng 2)

Nguồn: Bộ Công Thương – Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 – 2020
 

Nguồn: Bộ Công Thương – Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 – 2020

Một chỉ tiêu quan trọng, có ý nghĩa đối với ngành Kinh doanh quốc tế của một quốc gia, đó là chỉ số mở cửa nền kinh tế (economic openness). Theo cách đánh giá truyền thống, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP của một quốc gia phản ánh mức độ mở cửa nền kinh tế của quốc gia đó. Theo đó, một quốc gia có độ mở cửa kinh tế càng cao thì cơ hội phát triển cho ngành Kinh doanh quốc tế càng lớn. Xét theo chỉ tiêu này, Việt Nam là nước có chỉ số mở cửa kinh tế vượt trội so với chỉ tiêu trung bình của thế giới. 
 

Bảng 3: Chỉ số mở cửa nền kinh tế Việt Nam qua các năm gần đây


                                                                            

Đơn vị: Tỷ USD

Cũng về chỉ số mở cửa nền kinh tế, Việt Nam không những ở top cao nhất trên thế giới, mà chỉ tiêu này còn tăng liên tục qua nhiều năm, cụ thể như sau: (Bảng 3)

Nguồn: Bộ Công Thương – Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 – 2020

Nguồn: Bộ Công Thương – Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 – 2020


1.3. Sức hút đầu tư quốc tế
 

Bảng 4: Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam


                                                                             

Đơn vị: Tỷ USD

Cùng với phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thì Việt Nam cũng là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào, ngoài việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nước nhận đầu tư, còn phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao trình độ phát triển kinh tế. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài còn là mắt xích quan trọng trong việc thúc đẩy ngành Kinh doanh quốc tế phát triển thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics, các hoạt động ngân hàng và tài chính quốc tế. (Bảng 4)

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục Đầu tư nước ngoài
 

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục Đầu tư nước ngoài

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 231,86 tỷ USD.
 

1.4. Sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
 

Theo báo cáo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong số 50 quốc gia giao dịch thương mại lớn nhất thế giới thì Việt Nam là nền kinh tế có sự vươn lên mạnh mẽ nhất trong bảng xếp hạng thế giới về thương mại hàng hóa giai đoạn 2009 – 2019, từ thứ 39 năm 2009 vươn lên thứ 23 vào năm 2019. Điều này được cho là đến từ việc Việt Nam đang tham gia ngày càng tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain – GVC), đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, giúp giải quyết việc làm, dự trữ ngoại hối và cải thiện đời sống. Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác, đã đem lại nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội địa có bước chuyển mình, nâng cao vị thế trong GVC. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) từ số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ tham gia GVC của Việt Nam là 34% của năm 1995 nhảy vọt lên 56% năm 2015. Tuy nhiên, sự gia tăng này lại chủ yếu là liên kết sau, chiếm 45% trong khi liên kết trước chỉ 11%, nên giá trị gia tăng đem lại vẫn chưa thực sự lớn. Cấu trúc thương mại của Việt Nam cũng cho thấy tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa trung gian lớn, biểu hiện sự tham gia mạnh về phía sau hơn về phía trước trong GVC. Tuy nhiên, theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO), thì với xu hướng gia tăng các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, bán lẻ và trung gian tài chính… sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho Việt Nam trong việc tham gia vào các nấc giá trị cao hơn trong GVC. Với lợi thế nguồn nhân lực có tay nghề cao và chi phí cạnh tranh, Việt Nam đã thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ, từng bước đưa Việt Nam trở thành trung tâm lắp ráp toàn cầu mới. Mối liên kết chặt chẽ với khu vực FDI sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào GVC. Ngoài ra, sự tham gia GVC của Việt Nam không chỉ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, mà còn đến từ các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc nâng cao môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện các chỉ số quan trọng như gia nhập thị trường, tiếp cận điện năng, sở hữu trí tuệ.
 

Theo thống kê của WTO1, tốc độ phát triển về mức độ tham gia GVC của Việt Nam trong giai đoạn 2005 – 2015 gấp 4 lần so với các nước phát triển và gần gấp 3 lần so với các nước đang phát triển. Cụ thể, các nước phát triển là 4,10%; các nước đang phát triển là 6,50%; trong khi đó, Việt Nam là 16,50%.

 

2. Điểm sáng ngành học Kinh doanh quốc tế
 

Một sự kiện nổi bật tại HVNH vào thời điểm chuyển giao giữa năm 2014 sang năm 2015 là sự ra đời của Khoa Kinh doanh quốc tế. Theo đó, tính chất đào tạo đa ngành của HVNH ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến nay, các ngành đào tạo tại HVNH gồm có: (1) Tài chính – Ngân hàng; (2) Kế toán – Kiểm toán; (3) Quản trị kinh doanh; (4) Kinh doanh quốc tế; (5) Hệ thống Thông tin quản lý; (6) Công nghệ thông tin; (7) Ngôn ngữ Anh; (8) Kinh tế đầu tư; và (9) Luật Kinh tế. Việc mở rộng đào tạo đa ngành đã khẳng định vị thế và uy tín của HVNH, phù hợp với sự phát triển toàn diện của nền kinh tế Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế.
 

Sau 7 năm góp mặt (từ năm 2015) đào tạo trình độ đại học, Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH đã phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng đào tạo, tạo được niềm tin vững chắc trong xã hội, là địa chỉ tin cậy để phụ huynh cả nước gửi gắm con em theo học chuyên ngành Kinh doanh quốc tế. Những điểm sáng nổi bật mà Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH đã và đang cống hiến có thể nêu ra dưới đây:  
 

2.1. Kết quả tuyển sinh và việc làm
 

Bảng 5: Số lượng sinh viên và điểm trúng tuyển vào Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH 

“Con số biết nói, con số nói lên tất cả!”. Thật tuyệt vời, ngay từ khi thành lập, cùng với thương hiệu của HVNH, Khoa Kinh doanh quốc tế đã thu hút được đông đảo sinh viên theo học với điểm trúng tuyển đầu vào thuộc top các trường đại học khối ngành kinh tế. (Bảng 5)

Nguồn: Phòng Đào tạo, HVNH
 

Nguồn: Phòng Đào tạo, HVNH

So sánh với các ngành học khác thuộc khối kinh tế, thì điểm nổi bật trong các tổ hợp xét tuyển vào Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của Tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế nói chung, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. 
 

Đến nay, đã có 4 khóa với khoảng 1.000 sinh viên thuộc Khoa Kinh doanh quốc tế đã tốt nghiệp ra trường, qua khảo sát trực tiếp của Khoa và phản hồi của sinh viên thì có đến trên 95% sinh viên đã có việc làm, đặc biệt là hầu hết sinh viên đều làm đúng chuyên ngành được đào tạo, phát huy và vận dụng rất tốt kiến thức đã được đào tạo từ Khoa Kinh doanh quốc tế.  
 

2.2. Chuyên ngành chuyên sâu và cơ hội việc làm hấp dẫn
 

Về chuyên môn, Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH gồm 3 bộ môn là:
 

– Bộ môn Tài trợ thương mại quốc tế (International Trade Finance).
 

– Bộ môn Thương mại quốc tế (International Trade).
 

– Bộ môn Đầu tư quốc tế (International Investment).
 

a) Bộ môn Tài trợ thương mại quốc tế: Hiện nay, tại HVNH, các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế được giao cho Khoa Kinh doanh quốc tế đào tạo, gồm các môn học chuyên ngành vô cùng hấp dẫn như sau: Kinh tế quốc tế; Tài chính – Tiền tệ; Tài chính quốc tế; Thanh toán quốc tế; Tài trợ thương mại quốc tế; Quản trị ngoại hối trong kinh doanh; Giao dịch thương mại quốc tế (hoạt động ngoại thương); Logistics và Vận tải quốc tế; Luật Kinh doanh quốc tế.
 

Với khối lượng kiến thức chuyên ngành được trang bị toàn diện như trên, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể lựa chọn là tại các NHTM gắn với các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế như: Phòng Thanh toán quốc tế; Phòng Bảo lãnh ngân hàng trong ngoại thương; Phòng Tài trợ Thương mại quốc tế; Phòng Kinh doanh Ngoại hối; Trung tâm Thanh toán; Phòng Quan hệ ngân hàng đại lý… Như vậy, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng quốc tế tại Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH được xem là điểm sáng nổi bật, có sức hút mạnh mẽ đối với người học mong muốn được làm các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế tại các NHTM.    
 

b) Bộ môn Thương mại quốc tế: Đây là bộ môn đào tạo các môn chuyên ngành Kinh doanh quốc tế nhằm trang bị kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics, chuỗi cung ứng quốc tế và vận tải quốc tế. Hệ thống môn học chuyên ngành gồm: Chính sách thương mại quốc tế; Thương mại đại cương; Giao dịch thương mại quốc tế; Quản trị chuỗi cung ứng quốc tế; Marketing quốc tế; Đàm phán quốc tế; Thương mại điện tử; Chính sách và Nghiệp vụ Hải quan; Logistics và Vận tải quốc tế; Thực hành phân tích thị trường xuất nhập khẩu; Chứng từ Thương mại và Quy trình xuất nhập khẩu.   
  

Với hệ thống môn học chuyên ngành chuyên sâu toàn diện, phong phú và thực tiễn cho thấy, trọng tâm đào tạo tại Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH là nhằm đáp ứng các vị trí việc làm tại các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh quốc tế, như hoạt động ngoại thương, logistics và chuỗi cung ứng quốc tế, hải quan và các cơ quan thương mại.    
 

c) Bộ môn Đầu tư quốc tế: Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ môn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hệ thống môn học chuyên ngành chuyên sâu gồm có: Môi trường kinh doanh quốc tế; Chiến lược kinh doanh quốc tế; Đầu tư quốc tế; Quản trị dự án đầu tư quốc tế; Quản trị rủi ro trong kinh doanh quốc tế; và Luật Kinh doanh quốc tế.
 

Với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng cao, cho thấy sức hấp dẫn của chuyên ngành chuyên sâu Đầu tư quốc tế đó là được làm việc trong môi trường quốc tế và có thu nhập cao.    
 

2.3. Chất lượng đào tạo
 

Điểm nổi bật trong đào tạo các môn chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại HVNH đó là được tiến hành song ngữ Anh – Việt, nhưng học phí là tương đương chương trình tiếng Việt. Do đó, có thể nói, sinh viên tốt nghiệp Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH đạt chuẩn yêu cầu hội nhập quốc tế, đủ điều kiện để làm việc tốt chuyên môn bằng tiếng Anh. Đây được xem là điểm sáng vượt trội. Để làm được điều này, Khoa Kinh doanh quốc tế đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, cụ thể như sau:
 

a) Chất lượng sinh viên trúng tuyển đầu vào: Để tiến hành dạy và học được bằng tiếng Anh thì điều kiện tiên quyết đó là sinh viên phải biết tiếng Anh, nhất là tiếng Anh chuyên ngành thương mại. Do đó, ngoài điểm chuẩn đầu vào cao, thì trong tất cả các tổ hợp xét tuyển vào Khoa Kinh doanh quốc tế đều bắt buộc phải có tiếng Anh.
 

b) Hệ thống học liệu song ngữ Anh – Việt: Với lợi thế là người đi sau, nên toàn bộ học liệu của các môn học chuyên ngành đều được chọn lọc và cập nhật nhất trên toàn thế giới bằng nguyên bản tiếng Anh. Trên cơ sở đó, Khoa tổ chức biên soạn sang tiếng Việt làm tài liệu song ngữ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.   
 

c) Viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh: Những sinh viên đủ điều kiện viết khóa luận tốt nghiệp, có chứng chỉ tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên (hoặc tương đương) thì được đăng ký viết và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Có thể nói, những sinh viên này thực sự đã tốt nghiệp song bằng, đó là tấm bằng chuyên môn trình độ quốc tế và tấm bằng cử nhân do HVNH cấp.
 

d) Chất lượng và tinh thần cống hiến của đội ngũ giảng viên: Để giảng dạy, hướng dẫn sinh viên viết khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh thì đội ngũ giảng viên phải có trình độ tiếng Anh chuyên nghiệp bậc cao. Tại Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH, 100% giảng viên đều đã được học tập và tu nghiệp ở nước ngoài, có trình độ tiếng Anh từ 7.5 IELTS hoặc tương đương trở lên, đang trực tiếp giảng dạy cho nhiều chương trình quốc tế, hàng năm có hàng chục bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, có niềm say mê trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.         
 

Hy vọng rằng, bài viết đã cung cấp cho bạn đọc cơ sở thực tiễn, cách nhìn khách quan, bức tranh trung thực về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Kinh doanh quốc tế, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam; đồng thời, chỉ ra địa chỉ tin cậy để theo học ngành Kinh doanh quốc tế đó là Khoa Kinh doanh quốc tế, HVNH.

 

1 https://www.wto.org/english/res_e/statis_e/miwi_e/countryprofiles_e.htm

Tài liệu tham khảo: 
 

1. The World Bank.
 

2. Bộ Công Thương – Báo cáo Xuất nhập khẩu 2016 – 2020.
 

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cục Đầu tư nước ngoài.
 

4. Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI (www.trungtamwto.vn) 
 

5. Quyết định số 674/QĐ-HV-TCCB: Quy chế tổ chức và hoạt động của HVNH.
 

6. Quyết định 234/QĐ-HV-TCCB, ngày 25/11/2014 v/v thành lập Khoa Kinh doanh quốc tế.
 

7. Báo cáo công tác tuyển sinh HVNH năm 2017, 2018, 2019.
 

8. Báo cáo hoạt động nghiên cứu khoa học Khoa Kinh doanh quốc tế năm 2017, 2018, 2019, 2020.
 

9. FaceBook khoa KDQT (https://www.facebook.com/khoakinhdoanhquocte/)
 

10. Website khoa KDQT (http://hvnh.edu.vn/kdqt/vi/home.html)
 

11. Báo cáo World Trade Statical Review 2020 của The World Bank.
 

12. Báo cáo “Vai trò của khu vực FDI trong việc tham gia GVC và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam” của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO).

https://www.wto.org/english/res_e/statis_e/miwi_e/countryprofiles_e.htm